Vài lần đi dự lễ chiều thiếu nhi tại một xứ đạo ở Saigon, tôi phát hiện ra một điều khá thú vị. Để khuyến khích các em trong độ tuổi U10 tích cực đi lễ mỗi chiều, cha phụ trách thiếu nhi có sáng kiến sau lễ sẽ tặng cho mỗi em đi lễ một bì Yaourt trị giá 3000đồng, nhận trực tiếp tại phòng của cha. Nhìn cảnh sau lễ, các em rần rần chạy lên phòng cha phụ trách đứng trật tự chờ nhận bì Yaourt của cha thật vui và thật dễ thương.
Ở một nhà thờ khác, cũng thuộc TPHCM, thì cha phụ trách thiếu nhi lại có một cách làm khác. Mỗi buổi chiều đi lễ như vậy, các em thiếu nhi trong xứ sẽ được nhận một phiếu dự lễ. Đến ngày đầu hè – thường là 01/06 mỗi năm – các em sẽ quy đổi phiếu đó thành tiền để tham dự một chuyến đi dã ngoại vũng tàu 2 ngày một đêm, tùy theo số phiếu có được, các em có thể được miễn phí 100%, 75%, 50% …. Vì thế, những thánh lễ chiều của thiếu nhi thường có rất đông các em tham dự.
Tất nhiên, cách làm của các cha như thế chẳng có gì sai cả – dù có thể ai đó sẽ cho rằng -, các em đi dự lễ vì mục đích “vật chất” chứ không phải vì yêu Chúa. Suy cho cùng, vì các em còn quá nhỏ, nhận thức về ý nghĩa của thánh lễ, ý nghĩa về niềm vui khi gặp Chúa mỗi ngày trong cuộc sống chưa thể có được. Nhưng ít nhất, việc đi lễ mỗi ngày để được nhận “quà” cũng giúp các em hình thành một thói quen dành cho Chúa mỗi ngày ít nhất 40ph cũng là điều nên làm.
Nói vậy, để đặt vấn dề với chính những người lớn chúng ta, liệu rằng mỗi ngày chúng ta đi lễ, gặp gỡ Chúa có phải để xin “quà’ từ Chúa không? Đôi khi còn tệ hơn các em ở chỗ chúng ta không nhận món quà Chúa trao ban, mà đòi Chúa phải cho quà theo đúng ý mình ?!
Một lần đi hành hương ở một trung tâm kính Đức Mẹ khá nổi tiếng, tình cờ tôi được tham dự một thánh lễ do một linh mục cử hành cho một nhóm hành hương từ Saigon lên. Ngay đầu lễ, tôi đã nghe Linh mục thông báo ý lễ hôm nay gồm có :
- Theo ý của Gia đình X. xin cho được phỏng vấn Visa đi Mỹ hanh thông.
- Theo ý của gia đình Y. xin cho con thi đạt được học bổng toàn phần 100% du học ở một nước Châu Âu.
- Théo ý của chị Z. xin bán được mảnh đất với giá mong muốn
- …..
Gần một chục ý lễ mà toàn là xin Chúa cho ý mình được toại nguyện ?!
Tôi giật mình, ủa những người trong đoàn hành hương đang dự thánh lễ này đặt mục tiêu cho việc hành hương và dự lễ của họ là gì nhỉ? Liệu có phải họ tổ chức hành hương, tổ chức thánh lễ như một cách mặc cả với Chúa rằng con đã làm thế này, con đã làm thế kia … và Chúa phải thế này, phải thế kia với con chăng?
Và điều gì sẽ xảy ra nếu gia đình X rớt phỏng vấn Visa, con của gia đình Y. rớt hỏng bổng, chị Z treo bảng bán đất mãi mà không có ai trả giá như mong muốn. Liệu rằng họ còn tin vào sự quan phòng của Chúa không? Hay lúc đó, họ lại chạy đi nhờ vả vào thầy bói này, thấy tướng kia, thầy phong thủy nọ tìm phương cách sao cho đạt được điều họ mong muốn và lúc đó họ hỷ hả ca ngợi thầy này hay lắm, thầy kia giỏi lắm.
Trên mạng xã hội facebook, có một lần, có một bạn trẻ đã viết lên một lời cầu nguyện thống thiết như thế này :
“Lạy Chúa, con sắp tốt nghiệp ra trường rồi, mà con thấy những anh chị khóa trước con thất nghiệp nhiều quá. Công ty con đang thực tập này có điều kiện làm việc tốt quá. Xin Chúa hãy tác động để cho côn được công ty chấp nhận làm nhân viên part times của công ty trong thời gian con chờ tốt nghiệp, để con có chỗ làm sau khi con tốt nghiệp mà không phải chạy long tóc gáy để kiếm được một chỗ làm chưa hẳn đã tốt bằng chỗ này. Xin Chúa nghe và giúp cho ước nguyện của con”.
Thật kỳ lạ, hình như bạn trẻ đó đang nhầm lẫn Thiên Chúa là Chủ tịch HĐQT công ty đó hoặc là một cổ đông có quyền phán quyết trong HĐQT công ty đó chăng.
Những trường hợp như vậy có lẽ không hề ít mỗi ngày nếu bạn để ý đến khi tham dự thánh lễ. Không biết từ bao giờ, thói quen nhìn Thiên Chúa như một ông thủ kho, một ông trưởng phòng quản trị đã hình thành trong đầu một số không nhỏ các tín hữu công giáo chúng ta. Chúng ta cứ miệt mài xin Chúa hết điều này đến điều khác, từ ngày này qua ngày khác vì chúng ta đang hiểu câu kinh thánh : “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11, 9) theo đúng nghĩa đen của câu này chăng?
Nói điều này để thấy cái bẫy rất tinh vi mà Satan đặt ra – trong chước cám dỗ thứ 3 – đối với Chúa Jesus sau 40 ngày ăn chay trong hoang mạc. Một cám dỗ rất “thánh thiện” – hãy xin Thiên Chúa đỡ nâng và Ngài PHẢI làm để tỏ ra Ngài là Thiên Chúa – còn nếu Thiên Chúa không đỡ nâng thì có cần phải tin và trông cậy vào Thiên Chúa nữa không? Một vấn đề thách thức chúng ta rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Đến bao giờ, trong mỗi người chúng ta, cái ý tưởng Thiên Chúa là thủ kho toàn năng mới được xóa sạch, để mỗi ngày chúng ta đến gặp Thiên Chúa, đến dự lễ, đi hành hương v.v… là một cơ hội chúng ta trò chuyện với Chúa một cách hết sức chân tình không tính toán, không vụ lợi gì cả. Đến gặp Ngài như gặp một người Cha kính yêu, chỉ để nói với Ngài về những vui buồn chúng ta gặp phải trong cuộc đời, và lắng nghe xem Ngài muốn làm gì cho cuộc sống của mình.
Vâng, chúng ta đang sống trong mùa chay 2016, có lẻ việc xem lại một chút cách nhìn nhận của chúng ta về Thiên Chúa của mình cũng là một việc nên làm phải không các bạn ?!
Tôi chỉ xin được gửi đến các bạn một lời cảnh báo nho nhỏ : “Cẩn thận, đừng biến Thiên Chúa thành …. một ông thần đền luôn phải làm theo ý mình” các bạn nhé.
Chúc các bạn một mùa chay thánh thiện và đây hồng ân Thiên Chúa.
Jos Phú Thi