Cái chết của Đại Cathay đã khiến cho Lâm "chín ngón" bơ vơ sau khi ra tù. Không đủ sức “gầy dựng lại cơ đồ, khôi phục lại giang sơn” như lời dặn của đại ca Đại Cathay, Lâm chín ngón phải làm “quái bay”, tức phóng xe 67 đi cướp giật trên đường phố! Nạn nhân của Lâm chín ngón là những người mới từ ngân hàng đi ra với túi xách tiền…
Báo chí Sài Gòn những năm ấy liên tục đưa tin, bài về các vụ cướp tiền táo tợn dọc các ngân hàng trên đường Bến Chương Dương.
Có những phi vụ nạn nhân bị giật mất số tiền khổng lồ, tương đương mấy trăm cây vàng. Có tiền, Lâm "chín ngón" đổ vào chơi bời trác táng. Tiêu xài hết lại đi ăn cướp tiếp.
Năm 1970, cảnh sát Sài Gòn giăng bẫy, tóm cổ Lâm "chín ngón", tống vào tù. Trong tù, Lâm vẫn thể hiện đúng bản lĩnh của sát thủ khét tiếng.
Đâm Điềm Khắc Kim, giết chết võ sĩ Chương khùng
Ngày đầu tiên chuyển qua quân lao Gia Định, Lâm "chín ngón" đối mặt với tướng cướp nổi tiếng Điềm Khắc Kim đang là trùm trong nhà lao. Tướng cướp Kim tưởng uy danh của mình có thể khiến những tên tù mới sợ hãi…
Tuy nhiên, khi gặp mặt, Lâm "chín ngón" mới chính là kẻ “ra tay” trước; hắn thét lên một tiếng, nhảy tới nắm đầu, giật cây bút đâm thẳng vào đầu Kim.
May mà cây bút đâm vào bị trượt xuống, rạch một đường từ trên đầu xuống, xé rách mặt khiến Điền Khắc Kim máu trào lênh láng chứ không bị lòi óc, bỏ mạng. Trận quyết chiến này đã đưa Lâm "chín ngón" lên ngôi “ông trùm” nhà lao!
Lâm tổ chức vượt ngục nhưng thất bại, bị chuyển qua nhà lao Chí Hòa. Tại đây Lâm đã trở thành “tổng đại lý” phân phối thuốc phiện cho toàn trại!
“Tổng đại lý” Lâm đã khiến cho võ sĩ Chương "khùng"…nổi khùng vì bị giành mất “chén cơm”, bởi trước đó Chương độc quyền bán thuốc phiện trong trại.
Chương "khùng" quyết trị Lâm "chín ngón". Vừa gặp nhau, Chương chưa kịp ra tay đã bị Lâm ra đòn trước, nện cái ly vào mặt khiến Chương hoảng sợ, bỏ chạy.
Chương "khùng" là đàn em của một tội phạm khét tiếng khác là Cương võ sĩ, vốn là võ sĩ quyền Anh, từng thượng đài nhiều trận ở khắp miền Nam và Campuchia. Cương vào tù vì buôn lậu ma túy. Đáng sợ hơn, võ sĩ Cương là em ruột của Sơn Đảo, một trùm ma túy Sài Gòn nên uy lực rất lớn.
Nhiều đàn em lo sợ, báo tin dữ cho Lâm "chín ngón". Nhưng Lâm im lặng.
Một hôm, Lâm đang ngồi thì đàn em vào cấp báo võ sĩ Cương đang qua "hỏi tội". Mấy tên đàn em vội giúi vào tay Lâm con dao lá lúa để đại ca tiếp chiến.
Cương võ sĩ chủ quan, quát Lâm và tung cú đấm như trời giáng vào mặt Lâm. Nhanh như cắt Lâm "chín ngón" né sang một bên, một tay nắm cổ áo đối thủ, tay kia thọc con dao thẳng vào ngực, trúng ngay tim Cương võ sĩ. Hắn chỉ kịp kêu một tiếng ực rồi ngã vật ra.
Hay tin dữ từ tù báo ra, người em bị Lâm "chín ngón" giết, trùm ma túy Sơn Đảo tức giận, lập kế trả thù.
Sơn Đảo “mua” được võ sĩ đai đen tứ đẳng Taekwondo từng hạ nhiều cao thủ Việt và Miên trên đấu trường tên là Hoàng "đầu lâu". Tuy nhiên, Hoàng đang ngồi tù vì tội nhỏ, không tiếp cận được tù nặng như Lâm "chín ngón".
Sơn Đảo vạch kế hoạch, cho Hoàng "đầu lâu" chém một giám thị bể mặt, sứt mũi để thành án nặng, phải nhốt chung phòng với Lâm.
Phần Lâm "chín ngón", vốn từng trải trên giang hồ nên khi thấy tên tù mới vào, ngày đêm luyện tập, lên gồng xuống tấn, đấm ầm ầm vào tường, đã biết là sát thủ do Sơn Đảo gửi vào, nên chuẩn bị “tiên hạ thủ vi cường”!
Lâm nhờ đàn em bên ngoài gửi vào một thanh inox và chai rượu Remy Martin. Thanh inox được mài thành con dao nhọn sắc, cất giấu.
Tiếp đó, Lâm “mời” tên võ sĩ sát thủ hữu dùng vô mưu uống rượu tây. Hắn không đề phòng, rót bao uống nốc cạn bấy nhiêu. Uống say, nằm lăn ra ngáy như sấm.
Chờ có thế, Lâm "chín ngón" sai đàn em “nấu cho anh nồi nước, anh tắm”. Nồi nước sôi sùng sục, Lâm bê nguyên úp vào mặt Hoàng "đầu lâu".
Gã võ sĩ thét lên đau đớn, vụt dậy chạy nhưng mắt đã bị “luộc”, không còn thấy đường. Lâm "chín ngón" rút dao đâm cho mấy chục nhát. Gã võ sĩ từng vinh quang trên võ đài ngã sập xuống chết thê thảm!
Lâm "chín ngón" trả lời gọn lỏn với cai ngục: “Tôi không giết nó, nó cũng giết tôi!”. Giang hồ là thế mà.
Ám ảnh nghiệp chướng
Lâm "chín ngón" bị đày ra Côn Đảo. Sau năm 1975, Lâm cùng nhiều tên khét tiếng khác được chuyển về trại Cà Mau, trại Z30D Hàm Tân, trại Phú Sơn - Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa).
Năm 1988, Lâm được trả tự do sau gần 20 năm tù tội ở 2 chế độ.
Lâm "chín ngón" sau khi bị tạt a xít |
Ra tù, Lâm “gác kiếm” giang hồ. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn vây quanh khiến đường về của Lâm trắc trở, gập ghềnh. Năm 1993, Lâm cưới vợ và sinh con. Lâm mở quán thịt chó bình dân trên đường 3/2, quận 10 để mưu sinh.
Do vẫn còn tiếng tăm trên giang hồ nên nhiều tên khác muốn “mượn” uy của Lâm "chín ngón", ngày đêm lôi kéo rủ rê. Trong đó có kẻ đang có mưu mô ngoi lên địa vị ông trùm là Năm Cam. Năm Cam “gởi” cho Lâm 60 triệu giúp đỡ lúc khó khăn.
Tham gia dàn xếp vụ trả lại xe cho một tên giang hồ mới nổi, Lâm xuống Vũng Tàu. Tại đây Lâm gặp vợ chồng Minh Samasa – Phụng trắng đang bảo kê các cảng cá dưới này. Đó là ngày 26 tết năm 1994.
Ban đầu Lâm "chín ngón" được sử dụng làm bình phong để vợ chồng Minh Samasa làm ăn. Sau đó Lâm tính “ra riêng” liền bị chúng “đẩy” trở lại Sài Gòn.
Những người trong giang hồ Sài Gòn kể lại rằng, bản thân Lâm đã “cư xử không ra đàn anh với nhiều tên em út”, trong đó có Minh Samasa và Năm Cam…
Khoảng 8 giờ tối ngày 14/7/1999, Lâm chở vợ và đứa con trai 6 tuổi đi ăn tối tại quán tên Lồi ở cư xá Bắc Hải. Bất ngờ một tên thanh niên chạy tới tạt một ca axit vào mặt Lâm. Lâm ôm mặt quằn quại.
Sau nhiều tháng chạy chữa ở Bệnh viện Chợ Rẫy, vết thương tạm lành nhưng khuôn mặt Lâm bị biến dạng khủng khiếp.
Vậy nhưng, Lâm vẫn không báo công an và không hề tố cáo một ai.
Ngày 12/12/2001, tin tức chấn động cả nước, ông trùm Năm Cam bị bắt! Lâm chín ngón lập tức đến công an và một số cơ quan báo chí tố Năm Cam là kẻ chủ mưu vụ tạt axit.
Tướng Nguyễn Việt Thành, lúc ấy là trưởng Ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” đã đích thân nghe Lâm "chín ngón" tố cáo!
Tại phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn một năm sau đó, Lâm "chín ngón" đã ra trước tòa tố cáo tội ác của Năm Cam và đồng bọn.
Nhìn người đàn ông bị biến dạng, ăn nói khá lưu loát, ít ai biết rằng, đây là kẻ từng chọc trời khuấy nước một thời, vác dao tả xung hữu đột cứu Đại Cathay, cầm súng bắn nhau với cảnh sát cứu chủ tướng…
So với những “chiến hữu” một thời oanh liệt, Lâm có cái may mắn hơn là được tự do và có cơ hội “gác kiếm”. Nhưng, tiếng gọi giang hồ như nghiệp chướng ám theo những ngày cuối đời của Lâm nên anh ta không thoát ra được.
Thế hệ giang hồ sau này, nói chính xác hơn là tội phạm hung hãn, tàn bạo chẳng kiêng nể gì bậc “đàn anh” “có số má” như Lâm, nên anh ta bị chúng cho tàn phế.
Từ đây, cuộc đời Lâm "chín ngón" rơi vào tuyệt vọng, chán chường. Những tội lỗi gây ra suốt cuộc đời đã biến một cậu bé ngoan đạo trong cô nhi viện, dù đã học đến tú tài, bước vào giang hồ và kết cục thật là bi thảm.
Tuy nhiên, cú tạt axit vẫn chưa phải là bi thảm nhất, trong những ngày cuối đời của Lâm.
Cách đây 2 năm, trong một lần bức bách, Lâm đã nhảy vào nồi nước lẩu chó đang sôi sùng sục. Dĩ nhiên, lần này Lâm "chín ngón" giã từ cõi đời mang nặng nghiệp chướng do mình gây ra.
Điều an ủi cuối cùng trong cuộc đời của Lâm là 2 đứa con của anh ta được học hành và trở thành công dân bình thường như hàng triệu thanh niên khác.
Trong đó, phải nhắc đến vai trò của một nhà báo, nguyên phó tổng biên tập một tờ báo lớn của TP.HCM, là chiến sĩ biệt động thành, có thời ở tù chung với Lâm "chín ngón" ở Côn Đảo. Ông đã nhận 2 con của Lâm làm con nuôi.
Ở nơi chín suối, chắc hẳn Lâm "chín ngón" cũng hạnh phúc vì điều này!
Duy Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét