chia sẻ

11 lần kiểm tra, Vinashin vẫn… “êm ru”


(Dân trí) - Vinashin kiểm soát không nghiêm, thông tin về tập đoàn được báo cáo lên trên thậm chí còn được “nhào nặn”. Việc kiểm soát nội bộ doanh nghiệp rất hình thức nên mới có chuyện 11 lần các đơn vị tiến hành kiểm tra Vinashin đều thấy “êm ru”…
Đó là ý kiến của nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản - PGS.TS Trần Quang Nhiếp - về hiện trạng việc kiểm soát ở các tập đoàn kinh tế trong khuôn khổ hội thảo “Thực trạng hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước và những định hướng đổi mới để phát triển”, do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ (Ban Tuyên giáo TƯ) tổ chức ngày 20/5.
 
Độc quyền sinh ra trì trệ, lạc hậu 
Dẫn đề cho hội thảo, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ đề cập ý kiến có quá nhiều ông chủ trong quan hệ với tập đoàn kinh tế. Việc quản lý, kiểm tra lại không diễn ra theo đúng những yêu cầu của tất yếu kinh tế mà thường là những tác động hành chính, sự phân định và phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm không rõ ràng giữa các chủ thể, lại thiếu vắng và yếu kém về chế độ trách nhiệm, tính không rõ ràng minh bạch của các báo cáo kinh tế, kiểm soát tài chính... đã dẫn đến tình trạng vô chủ.
Khi xảy ra những thất thoát, lãng phí, mất mát hoặc những biến tướng thì nguy cơ phá sản, gây tổn hại tới lợi ích quốc gia, gánh nặng nợ nần chồng chất đè lên người dân.
Đi từ căn nguyên của vấn đề là cơ chế độc quyền trao cho các tập đoàn, TS Bảo cho rằng, độc quyền sẽ sinh ra trì trệ, lạc hậu, không thể phản ứng linh hoạt, bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, lãng phí các nguồn lực.
PGS.TS Lê Xuân Đình - Tổng biên tập tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) chỉ rõ tính độc quyền thao túng mà đáng sợ nhất là thao túng Chính phủ của “những ông lớn này”.
“Mới đây nhất là tin còn nóng hổi về sự thao túng của tập đoàn năng lượng TEPCO Nhật Bản, che giấu hàng chục năm nay về tình trạng thiết bị cũ kỹ, kéo dài thời gian (hàng chục năm) sử dụng của một số lò phản ứng hạt nhân trong số các lò bị rò rỉ phóng xạ do động đất và sóng thần tháng 3/2011” - nêu dẫn chứng từ các mô hình bên ngoài, TS Lê Xuân Đình đối chiếu sang bối cảnh Việt Nam.
Ông Đình nhận định, qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới năm 2008 và hai đợt nền kinh tế phải “gồng mình” chống lạm phát và ổn định vĩ mô mới thấy, các tập đoàn chưa phải đã là “con át chủ bài” hay “quả đấm thép” hoàn hảo bên cạnh Chính phủ. Thậm chí, ông Đình chỉ thẳng, các tập đoàn còn tăng trưởng chậm hơn các thành phần kinh tế khác.
Dẫn chứng Tập đoàn Điện lực EVN nắm vai trò bảo đảm nguồn cung điện cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, ông Đình chỉ ra nghịch lý: “Trớ trêu thay, chính sự độc quyền trong khâu truyền tải, phân phối của EVN lại trở thành lực cản lớn đối với sự phát triển nguồn cung cấp điện cho quốc gia. Tổng sơ đồ VI về cân đối lớn năng lượng điện cho nền kinh tế, có thể nói, đã không thành công như mong muốn trong khi phương án bán nguồn cung theo cơ chế chào giá cạnh tranh chậm dự kiến tháng 7 mới bắt đầu thí điểm”.
Kiểm soát nội bộ doanh nghiệp mang tính hình thức
 
GS.TS Phạm Quang Trung - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân khái quát, 12 tập đoàn nhà nước hiện đang chuyển đổi hình thức sở hữu, cổ phần hóa, nhiều đơn vị đã lên sàn chứng khoán (như Tập đoàn dầu khí, TCty sông Đà). Với những tập đoàn vẫn giữ 100% vốn sở hữu nhà nước hoặc duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước cao thì đều hoạt động không hiệu quả vì khó khăn cho doanh nghiệp về việc điều hành, huy động vốn.
 
Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các tập đoàn.
“Thực tế, Petro Việt Nam, TCty sông Đà nhờ đa dạng hóa sở hữu, cổ phần hóa, tích cực đưa lên sàn mà vốn huy động cho 2 tập đoàn này rất lớn” - TS Trung phân tích, xu hướng đa sở hữu là vấn đề sống còn của các tập đoàn vì tạo nguồn huy động vốn rộng rãi từ xã hội.
TS Trung cũng mổ xẻ thêm, việc điều hành dựa trên tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước dẫn đến hệ quả can thiệp của một số cấp quản lý vào doanh nghiệp nhiều khi rất thô bạo, quá mức giới hạn bình thường. Ông Trung “điểm tên” nhiều tập đoàn đang “mắc” việc này mà không cách gì gỡ được như Tập đoàn điện lực EVN, Tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam.
Các Tập đoàn nhà nước theo đó vừa được nhiều ưu ái như rót vốn lớn, dự án “ngon” nhưng cũng bị can thiệp rất mạnh mẽ. Phương pháp kiểm soát này, ông Trung khẳng định là sai lầm.
So sánh với mô hình những tập đoàn lớn như Microsoft, Ford, Nestle… ông Trung cho rằng phải xây dựng hệ thống kiểm soát quản trị tương tự hình kiểm toán nội bộ thực sự nghiêm túc chứ không phải hình thức. Lấy ví dụ vụ việc tại Vinashin vì kiểm soát không nghiêm, thông tin về tập đoàn được báo cáo lên trên thậm chí còn được “nhào nặn”, làm đẹp trước.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Quang Nhiếp (nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản) nêu nghi vấn: “Việc kiểm soát nội bộ doanh nghiệp rất hình thức nên mới có chuyện 11 lần các đơn vị tiến hành kiểm tra Vinashin, mọi việc vẫn “êm ru”. Chi Bộ Đảng ở doanh nghiệp có biết việc này? Có phải Đảng viên biết mà không dám nói?”.
Chủ tịch HĐQT TCty Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo xác nhận, cơ chế hành chính hóa hoạt động của các tập đoàn hiện rất phổ biến. Đặt vấn đề nguyên nhân bắt đầu từ cơ chế sở hữu đúng nhưng cơ bản phải chỉ tên được cơ quan quản lý. Hiện, tập đoàn do Chính phủ quản lý nhưng TCty lại do Bộ Tài chính. Ông Bảo đề nghị cần có phương thức quản lý chung thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp.
Phó Tổng GĐ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel Tống Viết Trung chia sẻ phương thức khắc phục vấn đề là tập trung vào hiệu lực điều hành. “Mọi chỉ đạo chúng tôi đều quán triệt quân lệnh như sơn. Đây là một trong những điểm mạnh mang lại thành công để tập đoàn hiện phát triển, sở hữu tài sản khoảng 2 tỷ USD” - ông Trung cho biết.
P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ