chia sẻ

Chứng khoán: Khi 'thượng đế' khốn cùng

Khách hàng cá nhân đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu phí môi giới của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, dễ dãi trong việc cung cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân làm phát sinh những rắc rối không nhỏ, nhất là khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Khi khách hàng là "Thượng đế"

Thời điểm 2009 - 2010 là thời vận ăn nên làm ra của các CTCK nhờ sức nóng cổ phiếu penny mà khách hàng cá nhân đóng vai trò nòng cốt. Phần lớn nguồn thu của các CTCK nhỏ phụ thuộc vào lượng khách hàng cá nhân này, trong đó giới khách VIP được săn đón hàng đầu. Những khách VIP này là ai?

Đó chưa hẳn là những cá nhân ăn vận bảnh bao, xài xe sang, mà thường là các tiểu thương, đại gia với hình thức rất bình dị nhưng có khả năng mạnh tay giao dịch đến 20-30 tỷ đồng/phiên. Với số tiền như vậy, họ hoàn toàn có thể thao túng cổ phiếu các công ty có mức vốn hóa nhỏ, đặc biệt trên sàn HNX. Nếu các cổ phiếu liên tục tăng trần 4-5 phiên, họ có thể kiếm lời tối thiểu 30% khi lôi kéo được đám đông chú ý đến "hiện tượng" của họ.

Môi giới và khách VIP

Tiêu chí lựa chọn nhân viên môi giới khách VIP là giá trị giao dịch tối thiểu phải đạt 20-30 tỷ đồng/tháng, đối với nhân viên môi giới khách hàng thông thường chỉ từ 8-10 tỷ đồng/tháng. Các khách VIP tạo ra thu nhập thường xuyên và đáng kể cho CTCK khi thị trường tăng tốc.

Chẳng hạn, CTCK A có 20 khách VIP, mỗi khách giao dịch trung bình 30 tỷ/tháng, phí môi giới 0,3% thì thu nhập môi giới hàng tháng của A không xoàng, 1,8 tỷ đồng (chưa trừ đi khoản phí trả cho nhân viên môi giới, Sở GDCK). Nhờ khách VIP, nhân viên môi giới cũng "sống khỏe" bằng khoản phí hoa hồng được chia, mức phổ biến là 20-30% tổng phí môi giới của khách hàng.

Cuộc đua thị phần môi giới

Sự chạy đua tranh giành khách VIP giữa các CTCK là điều dễ hiểu nhằm tăng doanh thu và thị phần môi giới. Khi thị trường thuận lợi mọi thứ đều dễ dàng, nhưng CTCK chưa lường hết mức độ rủi ro khi tình thế xoay chuyển. "Miếng bánh" thị phần môi giới hấp dẫn mà các CTCK tranh giành nhau chứa đựng những rủi ro liên quan tới công cụ đòn bẩy tài chính mà các CTCK dành cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), các CTCK không có chức năng cho vay mà chỉ là trung gian kết nối giữa khách hàng và các ngân hàng, trong đó ngân hàng đứng ra trực tiếp quản lý số chứng khoán là tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nhiều CTCK đã trực tiếp cho khách hàng vay tiền đầu tư chứng khoán dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh.

CTCK thường ưu đãi khách VIP bằng tỷ lệ cho vay lên đến 1:3 hoặc 1:4, gấp 3-4 lần so với mức thông thường, với tài sản thế chấp là chứng khoán hình thành bằng vốn tự có và vốn vay. Điều này có nghĩa tăng thêm mức độ rủi ro cho khách hàng, đồng thời tăng rủi ro thu hồi vốn tín dụng cho CTCK, chưa kể việc danh mục chứng khoán không bị hạn chế.

Những lỗ hổng pháp lý

Các giao dịch của khách hàng (đặt lệnh, quy trình dịch vụ) đều thông qua nhân viên môi giới dưới tư cách cá nhân: liên lạc qua điện thoại di động, bỏ qua sử dụng máy ghi âm, văn bản. Nhiều CTCK chấp nhận việc "tiền trảm, hậu tấu" kể cả cho khách hàng vay vốn với yêu cầu chưa được xác thực (qua email, văn bản, ghi âm) mà nhân viên môi giới có trách nhiệm theo sát khách hàng để hoàn thiện giấy tờ.

Vụ kiện gần đây giữa CTCK Quốc tế (VIS) với khách hàng cho thấy sự quản lý không nghiêm đã nảy sinh tranh chấp khi các Thượng đế "đảo chiều" theo tình hình xấu đi của thị trường. Không có bằng chứng xác minh, các khách hàng dễ dàng né tránh trách nhiệm với các giao dịch của chính họ và khoản nợ phát sinh.

Một vấn đề khác là sự chồng chéo giữa các tài khoản giao dịch của khách hàng và trách nhiệm của người ủy quyền. Khách hàng B có thể mở đến 5-6 tài khoản khác nhau dưới tên nhiều chủ tài khoản để giao dịch trong cùng 1 phiên, trong đó B là người được ủy quyền giao dịch chứng khoán và tiền mặt.

Tuy nhiên, nghĩa vụ pháp lý của người được ủy quyền có bao gồm việc thanh toán nợ và chịu các trách nhiệm khác phát sinh của tài khoản đó không? Đây vẫn là một lỗ hổng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa CTCK, chủ tài khoản và người được ủy quyền của tài khoản.  

"Con nợ" không dễ xử

Tại thời điểm hiện nay, khách VIP đang đánh mất vai trò tạo ra nguồn thu từ phí môi giới cũng lãi vay của các CTCK khi tài sản cầm cố/thế chấp là chứng khoán của họ đang bốc hơi từng ngày. Những khách VIP mà các CTCK săn đón ngày nào giờ đây đang trở thành những "con nợ" lớn của các CTCK, đặc biệt là những VIP sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán, UBCKNN, đã có 15 CTCK có mức độ an toàn tài chính ở trong vùng báo động, dựa trên báo cáo của các CTCK này.

Thống kê khác cho thấy các khoản phải thu của các CTCK đang "phình to" theo mức độ sụt giảm của thị trường, ước tính 14.700 tỷ đồng đối với các công ty đã công bố BCTC quý I/2011. Hầu hết trong số này là khoản tín dụng cho khách hàng vay để đầu tư chứng khoán và repo (cầm cố chứng khoán).

Hiện tại, giá cổ phiếu đã sụt giảm 50%-80% so với 1 năm trước, thậm chí có cổ phiếu như VKP ở mức 3.000đ/cổ phiếu và mất thanh khoản trầm trọng. Đặc biệt, giá trị giao dịch trên HOSE và HNX không đạt nổi 1.000 tỷ đồng/phiên, bằng 1/4 giá trị so với thời kỳ sôi động, rất khó hấp thụ được khối lượng chứng khoán thế chấp/cầm cố.

Do vậy, khoản tiền cho khách hàng vay đang là khoản nợ khó có khả năng thu hồi, phải trích lập dự phòng và có thể gây ra "làn sóng" bán giải chấp đồng loạt.
Tác giả: DOANH NHÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ