Việt Nam sẽ bảo vệ nhà đầu tư tại vùng đặc quyền kinh tế
"Chúng tôi sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi hợp tác thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trả lời câu hỏi của VnExpress chiều 3/6 về vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp một tuần trước, ông Phúc khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại vùng đặc quyền kinh tế.
"Chính vì vậy, tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi hợp tác thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền này", ông Phúc nói.
Tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí tại khu vực đặc quyền kinh tế. Ảnh: Petrotimes |
Tại cuộc họp báo chiều nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh chính sách hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa và việc thành lập lực lượng kiểm ngư.
Bộ trưởng Phát cho biết, đề án này nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như sự tán thành của Thủ tướng. Tuy nhiên, để tiến tới thành lập lực lượng kiểm ngư sẽ đòi hỏi việc điều chỉnh các công cụ pháp lý như Luật Thủy sản và Luật Thanh tra. Việc hình thành bộ máy này ở trung ương và địa phương cũng đòi hỏi nguồn lực lớn về con người, ngân sách và phương tiện.
“Vùng biển ngoài 20 hải lý sẽ do lực lượng kiểm ngư trung ương quản lý nhưng hiện chúng ta chưa có lực lượng. Số tàu lớn có thể chống chịu được gió bão chúng ta gần như chưa có”, ông Phát nói.
Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp, lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển Việt Nam. 10 chiếc tàu kiểm ngư sẽ được đóng mới với công suất từ 3.000 CV, trang bị thiết bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9 và dài ngày trên biển. Đội tàu kiểm ngư địa phương cũng được thành lập. Tổng đầu tư gần 2.100 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ từ vốn Trung ương.
Ngày 26/5, lúc đang làm nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 đã bị 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn, cản trở hoạt động thăm dò trong vùng biển Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán. 5 ngày sau đó, tàu cá của thuyền trưởng Lê Văn Giúp khi đang đánh bắt ở gần đảo Đá Đông (trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cũng đã bị 3 tàu quân sự của Trung Quốc bắn đuổi. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động này. |
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét