chia sẻ

"Hai phía chân trời" câu chuyện về những người Việt xa quê

Được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Máu của tuyết”, “Hai phía chân trời” là câu chuyện cảm động về thân phận của những người Việt đang sinh sống ở nơi đất khách quê người…
“Hai phía chân trời” là dự án phim truyền hình dài tập đầu tiên của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài THVN thực hiện chủ yếu ở châu Âu, với sự tham gia không chỉ của các diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam mà còn có sự tham gia của các diễn viên Việt kiều cũng như các diễn viên nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài THVN, “Hai phía chân trời” là dự án đầu tiên được Đài THVN chấp nhận và đầu tư để thực hiện ở châu Âu. Là một trong số các thành viên của Đài THVN trực tiếp sang châu Âu kiểm tra và giám sát dự án phim “Hai phía chân trời”, ông Nguyễn Hà Nam đánh giá cao quá trình thực hiện và bấm máy của đoàn làm phim ở CH Séc. Qua dự án này, Đài THVN cũng đã “tính chuyện” hợp tác với các Đài Truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc để làm nên những bộ phim truyền hình hấp dẫn và có thể đáp ứng được thị hiếu xem truyền hình ngày càng cao của khán giả nước nhà.

Ông Nguyễn Hà Nam Trưởng Ban thư ký biên tập (bên trái) và đạo diễn Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm SX phim truyền hình Đài THVN tại buổi họp báo
“Hai phía chân trời” được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Máu của tuyết” của nhà văn và cũng là tác giả kịch bản Trần Hoài Văn, người đã có 18 năm học tập và sinh sống ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu. “Hai phía chân trời” là những câu chuyện nổi bật của các số phận bi kịch của những người Việt trong cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ ở nơi đất khách quê người. Đó là câu chuyện của Tình (NSƯT Lê Vi) người mẹ đã để tuột tay đứa con gái chết chìm trên dòng sông băng trong lúc tìm cách vượt biên qua sông, là câu chuyện của Vinh (Lê Vũ Long) người chạy từ Nga sang Đông Âu để làm ăn, tham gia vào hoạt động đưa người vượt biên trái phép… Hay câu chuyện của một chủ chợ tên Lê (NSƯT Mạnh Cường) với những sự đóng góp đáng kể dành cho cộng đồng nhưng cũng rất đáng sợ với những toan tính, giành giật, chấp nhận trả giá bằng máu để kiếm tiền làm giàu; câu chuyện của một luật sư chuyên hỗ trợ người Việt (Xuân Bắc) về thủ tục, giấy tờ nhưng đằng sau đó là cách làm tiền một cách trắng trợn; câu chuyện của một phụ nữ Việt lấy chồng tây (Kiều Thanh), dù sành sỏi kiếm tiền nhưng luôn đau xót và day dứt vì con không nói được tiếng Việt…
“Hai phía chân trời” còn có sự tham gia của Andrea Ayber Camora (trong vai Landaria), cô người mẫu tuổi teen người Tây Ban Nha đang sinh sống và học tập ở Việt Nam và Lâm Vissay (trong vai Mạnh), Việt kiều mang hai dòng máu Việt Lào, sinh ra và lớn lên ở Đức. Đã từng tham gia nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình Đức, Lâm Vissay là một “phát hiện” thú vị của đạo diễn Đỗ Thanh Hải khi anh tham dự Liên hoan phim Berlin cách đây không lâu. Đây cũng là lần đầu tiên Lâm Vissay tham gia một bộ phim Việt Nam.

 Đoàn làm phim Hai phía chân trời tại buổi họp báo
Theo đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng, đoàn làm phim “Hai phía chân trời” nỗ lực hết mình để có thể thực hiện được những cảnh quay ở CH Séc trong vòng 1,5 tháng. Để đạt được hiệu quả cao nhất, đoàn làm phim đã chia ra thành hai đoàn độc lập, hoạt động song song với nhau, liên tục làm việc trong mọi điều kiện thời tiết. Với những nỗ lực của mình, đoàn làm phim cũng đã có được những cảnh quay như ý với đặc trưng các mùa của châu Âu, như cảnh tuyết rơi, cũng như những cảnh đặc trưng của mùa hè…
33 tập phim “Hai phía chân trời” sẽ phần nào giúp khán giả hiểu rõ hơn về cáo giá phải trả của những đồng tiền mà người thân của họ kiếm được ở nơi đất khách quê người. Đồng tiến ấy không chỉ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, tủi nhục mà còn cả máu và thậm chí là mạng sống của những người xa xứ. Bên cạnh đó, khán giả sẽ có dịp hiểu hơn về sự thăng trầm, nỗi vinh nhục của những người Việt xa quê và cả những cách họ yêu, họ sống, họ dám quên mình vì người khác… “Hai phía chân trời” sẽ tiếp tục được bấm máy ở Việt Nam cho đến cuối tháng 8 tới và dự định sẽ lên sóng Đài THVN vào dịp cuối năm.
Theo Đỗ Đức/ VTV.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ