Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà vắng là người đàn bà trẻ gương mặt khắc khổ và u buồn. 30 tuổi, nhưng trông chị già hơn một phụ nữ tứ tuần. Sau chuyện người chồng vì quẫn bách mà tưới xăng đốt chết đứa con nhỏ, làm cho chị và hai đứa con lớn bị thương nặng, chị như chết nửa đời người.
Đứa trẻ mất rồi thôi không nhắc đến nữa, nhưng người chồng khốn khổ mới đi thụ án 20 năm tù, chị cũng coi như đã chết. Không có ý ruồng rẫy chồng, nhưng có lẽ với chị, 20 năm là một quãng thời gian đủ để phôi phai một cuộc tình. Dù cho, đó là tình nghĩa phu thê…
Tôi tìm đến tổ 2B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nơi có căn nhà nhỏ đìu hiu là nơi tá túc của chị Nguyễn Thị Yến và 2 đứa trẻ, Diễm Ngân (9 tuổi) và Diễm Quỳnh (11 tuổi). Căn nhà bé xíu, tọa trên khuôn viên chưa đầy 30 m2, nhưng đã có thời điểm nó là tổ ấm của gia đình có đến 5 người.
Giờ thì chỉ còn lại 3 mẹ con, trụ cột gia đình và cũng là nguyên nhân của mọi tấn thảm kịch Phạm Phú Lên, 34 tuổi đã phải vào trại giam, trả án 20 năm cho hành vi rưới xăng đốt cả gia đình, khiến cho đứa con gái út Phạm Thị Diễm Hằng, 6 tuổi mất mạng trong đau đớn.
Những người còn lại, người nhẹ thì bị bỏng 8%, còn người nặng nhất là chị Yến với 64%. Phạm Phú Lên cũng không thoát khỏi sự trừng phạt khi bị bỏng 26%. Nhưng, điều đó không quan trọng nữa, khi mà so với nỗi đau Lên gieo rắc, năm tháng thời gian cũng rất khó để mà nguôi ngoai.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 23/7/2011. Hôm ấy, là một ngày buồn bực và túng quẫn đối với Phạm Phú Lên. Cả ngày giong thuyền ngoài xa nhưng lưới chẳng nặng tay, khi vừa bước chân lên bờ thì Lên chạm mặt với bố đẻ là ông Phạm Hùng.
Thấy con trai, ông này kêu lại phàn nàn chuyện vợ Lên là chị Nguyễn Thị Yến ăn ở không biết điều, khiến cho bố mẹ chồng rất phiền lòng. Sau đó, ông Hùng kéo Lên vào nhà rồi hai cha con lôi rượu ra uống.
Phạm Phú Lên rưới xăng lên nệm và điên cuồng châm lửa đốt với ý định ôm vợ con để cả nhà cùng chết. Nhưng, khi vừa thấy ngọn lửa bùng lên, Lên hoảng sợ kéo vợ và hai con ra ngoài, còn đứa con bé bị lửa cháy bỏng toàn thân đã không qua khỏi. |
Trong cuộc nhậu, ông này có bóng gió xa xôi chuyện mình sẽ bán con tàu đang cho vợ chồng Lên mượn để đi bán cá thì Lên “sốc” thực sự. Không hoang mang sao được khi mà vợ chồng Lên cưới nhau chỉ đôi bàn tay trắng, nửa tấc đất cắm dùi cũng không có.
Đến mức, mảnh đất mà vợ chồng cất nhà để làm chỗ chui ra chui vào ấy, cũng nhờ bố mẹ đẻ cắt cho một khoảnh. Hai vợ chồng và 3 đứa con, biết làm gì để tồn tại giữa chốn phố xá tấp nập này, khi con tàu là cần câu cơm duy nhất bị tước mất?
Càng nghĩ, Lên càng quẫn bách. Thế nên, khi rượu ngà ngà say, anh này đã trở về nhà sinh sự với vợ. Hai vợ chồng cãi vã nhau vì những chuyện không đầu không cuối. Nghĩ rằng chồng say rượu nên chị Yến không chấp nhặt, thi thoảng chỉ đáp trả đôi câu cho bõ tức.
Cãi nhau chán, Phạm Phú Lên lại bỏ sang nhà bố mẹ đẻ rồi đưa 2 đứa con của mình về nhà. Khi 3 mẹ con đang ở trong phòng ngủ, Lên vẫn tiếp tục sinh sự khiến chị Yến không nín nhịn được nữa, liền gân cổ cãi lại.
Điều này làm cho máu điên trong con người đàn ông thường ngày vốn hiền lành, cục mịch này sôi lên.
Chẳng nói chẳng rằng, Phạm Phú Lên vơ vội một cái vỏ lon bia ở góc nhà rồi rút xăng từ xe máy dựng ngoài sân, mang vào phòng ngủ của 3 mẹ con, rưới xăng lên nệm và điên cuồng châm lửa đốt với ý định ôm vợ con để cả nhà cùng chết.
Trong lúc quẫn trí, Lên nghĩ rằng nếu không chết mai đây cha bán con tàu thì mấy bố con mẹ con cũng chết đói. Thế nhưng, khi vừa thấy ngọn lửa bùng lên, Lên hoảng sợ kéo hai con lớn là Diễm Quỳnh và Diễm Ngân ra khỏi phòng, Lên và vợ cũng kịp chạy ra ngoài sau đó.
Riêng bé Diễm Hằng, vì nhỏ tuổi nhất, lại nằm ở góc giường nên không chạy được và với việc bỏng toàn thân, vết thương quá nặng, cháu đã không qua khỏi. Vợ chồng Lên và hai đứa con cũng bị bỏng nặng và phải nhập viện điều trị. Ngay sau khi vụ việc thương tâm xảy ra, Phạm Phú Lên đã bị bắt.
Ngày 7/1/2012, TAND Quận Sơn Trà đã mở phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Phạm Phú Lên về hành vi “giết người”. Tòa tuyên án Lên phải chịu mức án 20 năm tù.
Ông Phạm Hùng, bố đẻ của Phạm Phú Lên, mới hơn 50 tuổi chút xíu nhưng trông già khọm như ông lão tuổi thất thập cổ lai hi. Nhà ông nghèo kiết xác, chẳng biết là tự bao giờ, nhưng kể từ ngày ông còn chạy lon ton ngoài bãi biển nhặt vỏ sò miết tới giờ, ông vẫn chung tình với cái nghèo.
Vậy nên, khi Lên xây dựng gia đình, ông chỉ làm được mỗi việc cỏn con là cho chúng mảnh đất bé xíu để dựng nhà. Vài năm về trước, ông có vay ngân hàng ít tiền nuôi tôm sú, nhưng chẳng may gió bão cuốn phăng ra biển cả, tay trắng lại hoàn tay trắng.
Nợ ngân hàng sắp đến kỳ, hai vợ chồng già ngồi ôm cục nợ lo âu thấp thỏm. Thế là trong bữa nhậu định mệnh hôm ấy, ông có đề cập đến chuyện sẽ bán con tàu chứ người ta đòi nợ suốt, trong khi hai thân già không biết làm gì ra tiền.
Thương con, nhưng nghĩ đến chuyện nợ nần chồng chất, ông bà quyết tâm sẽ bán tàu, mặc cho Lên không bằng lòng. “Ngày thường, nó hiền khô. Ai nói gì nó cũng chẳng buồn nói lại. Vậy mà, không ngờ tới là nó dám làm cái chuyện dại dột thế” - ông Hùng buồn bã thở dài.
Nhà ông với nhà con trai chỉ cách nhau có mấy bước chân, nhưng sự việc xảy ra đột ngột và nhanh quá, khiến ông không kịp để cứu đứa cháu nội bé bỏng của mình.
Trở lại với câu chuyện buồn của chị Nguyễn Thị Yến, vợ của Phạm Phú Lên. Hơn chục năm sống đời vợ chồng, chị là người hiểu Lên hơn bất cứ ai hết. Chưa một lần đánh vợ, mắng con, cuộc đời Lên sinh ra dường như là để gắn sẵn với việc làm bổn phận của một người cha, người chồng mẫu mực.
Nhưng tấn bi kịch nhói lòng lại phát sinh đúng vào thời khắc mà cái sự mẫu mực ấy đang trở thành chuẩn mực. Vợ chồng cưới nhau không tấc đất cắm dùi, được bố mẹ cho một khoảnh nhỏ dựng nhà, để có chỗ chui ra chui vào, sớm tối bên nhau.
Thế cũng là hạnh phúc. Vợ chồng yêu thương nhau, con cái ngày càng đông ra, nhưng công việc thì thất thường nên cái ăn, cái mặc đã trở thành nỗi lo thường trực. Thương con thương cháu, bố mẹ chồng đã cho mượn con tàu mà có lẽ là tài sản tích cóp cả đời người mới có được, để mưu sinh.
Tuy bữa đực bữa cái nhưng cũng qua cơn chật vật. Có lẽ, cũng vì con tàu này có ý nghĩa như vậy mà khi nghe chuyện bị tước mất cái cần câu cơm, Lên đã thất vọng thực sự.
Nỗi mơ hồ về tương lai của cả gia đình trĩu nặng tâm can, cộng với chút mâu thuẫn vặt vãnh thường tình trong quan hệ vợ chồng, Lên đã quẫn trí, mất cái mưu sinh thì thôi sống làm gì nữa, đằng nào rồi cũng chết. Và Phạm Phú Lên đã hành động như kẻ mộng du.
Người ngoài nhìn vào, không thấu hiểu nội tình thì cho rằng, Lên là người chồng mất nhân tính, người cha tàn độc, nhưng khi chuyện xảy ra, mọi người trong gia đình và họ hàng nội ngoại đôi bên đều nhìn Lên với ánh mắt chia sẻ, thông cảm chân thành.
Đặc biệt là với chị, người vợ trẻ đã hơn 10 năm đồng hành với nỗi chật vật cơm áo gạo tiền, nên chị càng thương chồng hơn sau khoảnh khắc hành động dại dột của Lên.
Nhà đã vắng, nay lại càng thêm trống trải. Đã nghèo, lại thêm hắt hiu. Ngày trước có chồng, cuộc sống tuy chật vật nhưng cũng đỡ phần cơ cực. Nay con mất, chồng ở tù, một mình chị tất tả ngược xuôi lo được cho hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học mà mướt mồ hôi.
Nhiều đêm, cực quá chị tủi thân nằm khóc một mình. Từ ngày chồng vào trại giam, gần như đêm nào hai đứa trẻ cũng khóc đòi bố. Chúng đã đủ lớn để cảm nhận nỗi đau thương, mất mát nhưng chẳng trách cứ gì người đã cướp đi mạng sống của đứa em út tội nghiệp.
Chúng chỉ mong bố mau trở về để gia đình sum họp. Những lúc như thế, động viên con xong, chị lại xa xăm tựa cửa nhìn ra mênh mông biển cả, chẳng biết, ngày sum họp của gia đình, như lời chị vẫn dỗ dành chúng, biết bao giờ mới trở thành hiện thực?
Con tàu – căn nguyên của mọi tấn bi kịch – đã được ông Phạm Hùng bán ngay sau khi vụ án gia đình xảy ra với giá 21 triệu đồng. Số tiền ấy, trước đây ông định trả nợ ngân hàng, mặc dù vẫn còn thiếu.
Nhưng cuối cùng, ông đã phải bán nó để thuốc thang cho con dâu và hai đứa cháu nội trong những ngày nằm điều trị tại bệnh viện. Giờ thì số tiền đã hết veo, con tàu không còn nữa mà khoản nợ ngân hàng thì vẫn treo lơ lửng.
Ông Hùng xa xăm, ngân hàng mà đòi dữ quá, chắc ông phải tính đến chuyện bán nhà. Nhưng nghịch lý ở chỗ, mảnh đất của ông chỉ được 70 m2, nếu bán nhà, ông sẽ phải bán luôn 24m2 đã cho con trai cất nhà trước đó, vì bìa đỏ gia đình, chỉ vỏn vẹn 70 m2 đất chung cho cả hai căn nhà.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu bố chồng bán nhà để trả nợ, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Yến phải ra đường.
Thực hiện: / Nguồn: Phunutoday.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét