Dự đoán EURO 2012 trở thành đề tài của nhiều chuyên gia bóng đá hàng đầu. Thường người ta sẽ phân tích theo phong độ, cách chơi của đội tuyển. Hôm nay chúng ta thử dự đoán EURO 2012 bằng thuyết ngũ hành xem như thế nào nhé.
Để dự đoán những sự kiện lớn, sẽ diễn ra trong một thời gian dài sắp tới, giới quan sát thường không căn cứ vào phong độ hiện thời. Tuy nhiên, chúng ta hãy phân tích EURO 2012 bằng một lĩnh vực lạ hơn, xem trận địa EURO 2012 rút cuộc sẽ như thế nào.
Ngũ hành tương sinh, tương khắcEURO 2012 diễn ra ngay sau khi TBN đăng quang vô địch World Cup 2010. Thế là lần đầu tiên trong lịch sử, trận địa EURO có đủ 5 đại gia từng lên ngôi vô địch World Cup. Đấy cũng chính là chủ nhân của 5 giải VĐQG lớn ở châu Âu: TBN, Anh, Italia, Đức và Pháp. Tóm lại, quá hợp lý khi giới quan sát trung lập lấy 5 cường quốc vừa nêu làm chi tiết chủ đạo để vẽ lên bản đồ quyền lực trong làng bóng châu Âu. Con số 5 tuyệt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Kim Dung tiên sinh nghĩ ra “võ lâm ngũ bá”, thay vì tứ bá hay lục bá. Phải là vừa đúng “bộ năm” thì mới khớp với 5 phương vị đông, tây, nam, bắc, trung, lại càng khớp với ngũ hành, có đủ tương sinh, tương khắc để hình thành thế tranh chấp tuyệt vời.
Cái hay của ngũ hành hay Kinh Dịch cũng rất tương đồng với cái hay của bóng đá, vốn là trò chơi có tính đối kháng cao độ. Cái hay ấy là: ở đẳng cấp cao, khó có một thực thể nào đủ sức tiến được đến chỗ duy ngã độc tôn, tức một mình bá chủ thiên hạ. Tùy theo sở trường, sở đoản riêng mà các thành phần liên quan có thể khắc chế hoặc hậu thuẫn nhau, chứ không ai có thể vỗ ngực xưng danh vô địch tuyệt đối.
Phải chăng, Đức thua TBN ở chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup 2010 là vì quy luật “kỵ giơ” theo ngôn ngữ chuyên môn của giới thể thao; hoặc vì quy luật KIM khắc MỘC trong thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc? TBN “chuyên trị” Đức, cũng như Đức chuyên làm lợi cho Italia vì MỘC sinh HỎA (và do vậy mà Đức phải nhường chỗ cho Italia dự trận chung kết, từ đó vô địch World Cup 2006)?
Theo thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc, giới hâm mộ Đức sẽ yên tâm hơn nếu như đội này đụng độ với Pháp hoặc Anh trong những trận đấu mang tính quyết định tại EURO sắp tới, vì THỦY dưỡng MỘC, và vì MỘC khắc THỔ. Cũng vậy, TBN có thể làm mưa làm gió khi gặp Đức hoặc Pháp, nhưng nếu đụng độ Italia hoặc Anh thì rất có thể nhà vô địch EURO và World Cup đành thúc thủ vì HỎA khắc KIM, hoặc vì KIM sinh THỦY.
Ngũ hành tương sinh tương khắc là vậy, tin hay không tùy ý mỗi người. Dù sao đi nữa, xin được lưu ý: khắc tinh hay “kỵ giơ” đều chỉ là những khái niệm tương đối, không nói lên rằng các chủ thể liên quan chắc chắn sẽ tiêu diệt được nhau. Trong “võ lâm ngũ bá”, Kim Dung xếp Đoàn Nam Đế về phía nam, thuộc hành HỎA, có Nhất Dương Chỉ là thứ công phu khắc tinh đối với tuyệt chiêu Hàm Mô Công của Âu Dương Tây Độc ở phía Tây, thuộc hành KIM. Âu Dương Phong không bao giờ thắng Đoàn Trí Hưng, nhưng điều đó không có nghĩa là Đoàn Trí Hưng giỏi hơn, mạnh hơn, và luôn bảo đảm chiến thắng khi đụng độ với Âu Dương Phong!
Trong 5 cường quốc nêu trên, Pháp giữ vị trí trung tâm, thuộc hành THỔ, hoàn toàn xứng đáng với vai trò tiên phong trong việc phát triển bóng đá châu Âu (hầu hết các giải bóng đá lớn đều do người Pháp nghĩ ra). So về phương vị thì TBN, Anh, Đức và Italia phân bố rất đều xung quanh Pháp. Ở phía Bắc so với Pháp, Anh thuộc về hành THỦY. Đức ở phía Đông Bắc, thuộc hành MỘC. Italia phía Đông Nam thuộc hành HỎA, còn TBN ở phía Tây Nam, thuộc hành KIM.
Vấn đề nằm ở lối chơi
Luận EURO bằng ngũ hành cho có chút hương vị ngày Xuân thế thôi. Nhưng cũng vẫn phải khẳng định: bóng đá đỉnh cao bây giờ không thể có một nhà vô địch tuyệt đối, theo nghĩa luôn đủ sức hạ gục mọi đối thủ. Và khi người ta tiến được đến ngôi vô địch, thì quy luật khắc chế lẫn nhau trong thể thao cũng chẳng khác gì quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành.
Luận EURO bằng ngũ hành cho có chút hương vị ngày Xuân thế thôi. Nhưng cũng vẫn phải khẳng định: bóng đá đỉnh cao bây giờ không thể có một nhà vô địch tuyệt đối, theo nghĩa luôn đủ sức hạ gục mọi đối thủ. Và khi người ta tiến được đến ngôi vô địch, thì quy luật khắc chế lẫn nhau trong thể thao cũng chẳng khác gì quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành.
Vấn đề nằm ở lối chơi. TBN sở trường về kỹ thuật chuyền ngắn, và do các thành viên trong đội đã quá quen thuộc với nhau nên họ luôn có khả năng phát huy sự nhuần nhuyễn trong cách chơi “đập, nhả” liên tục. Nói rằng đội tuyển Italia có khả năng thắng TBN thì nguyên nhân không nhất thiết phải là quy luật HỎA khắc KIM trong ngũ hành, mà còn vì người Italia luôn sở trường về cách chơi phòng ngự – phản công, vốn là khắc tinh đối với cách chơi đều đặn của TBN. Đối đầu với cách chơi Tiqui-taca của TBN, đối phương buộc phải cẩn thận tối đa, phải biết bình tĩnh “chấp” đối phương giữ bóng nhiều hơn, phải luôn kiên nhẫn chờ dịp phản công bằng những đường chuyền dài chớp nhoáng, đưa bóng thẳng từ giữa sân về phía tiền đạo. Đấy là cách chơi phù hợp với bóng đá Italia.
Hơn thế nữa, đấy là cách nghĩ phù hợp với lối sống Italia. Hãy nhớ lại cách người Italia quật đổ Brazil trên đường tiến đến ngôi vô địch World Cup 1982. Tại EURO 2008, bóng đá Italia gần như đã cạn kiệt tài năng, yếu hơn hẳn TBN, nhưng họ vẫn không thua TBN, đơn giản vì lối chơi của Italia có khả năng khắc chế lối chơi của TBN (TBN chỉ thắng Italia bằng những quả luân lưu 11m).
Nhưng với cách chơi sở trường ấy, Italia sẽ chịu thiệt khi gặp Pháp, âu cũng là do quy luật “kỵ giơ”, chứ không nhất thiết là do quy luật HỎA sinh THỔ. Trên đường tiến đến ngôi vô địch World Cup 1998 và EURO 2000, Pháp đều vượt qua một Italia vốn nhỉnh hơn họ, xét theo thế trận. Anh dễ thắng Italia và TBN (KIM sinh THỦY, THỦY khắc HỎA) trong khi Đức dễ thắng Anh và Pháp (THỦY dưỡng MỘC, MỘC khắc THỔ). Xem ra, đây đều là những dự đoán vừa phù hợp về mặt chuyên môn với lối chơi của các đội, vừa trùng khớp hoàn toàn với thuyết ngũ hành.
Ngoài “ngũ bá” nêu trên, nếu cần tìm thêm một đội chưa bao giờ vô địch World Cup nhưng vẫn có thể xem là ứng cử viên vô địch EURO, thì đấy chỉ có thể là Hà Lan. Xét theo địa lý, Hà Lan có nét tương đồng với Đức, cũng có thể xếp vào mạng MỘC mà suy luận theo ngũ hành vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét