Tại nhà tù Ba Sao thuộc tỉnh Nam Hà giam giữ khoảng 3 ngàn tù nhân thì có khoảng hơn 30 tù gián điệp người Việt Nam hoạt động cho Trung quốc bị bắt và bỏ tù. |
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đây là lời kể của LS Nguyễn Văn Đài về số tù gián điệp tại phân trại 1 khi ông bị giam ở đó với bản án 4 năm “tuyên truyền chống nhà nước...” chỉ vì vận động dân chủ hóa đất nước.
Các vụ án xử tù gián điệp hầu như không được tường thuật trên báo chí chính thống tại Việt Nam nên không ai nghe nói đến lọai tù này cho tới khi báo Người Việt phỏng vấn hai tù nhân chính trị Nguyễn Văn Đài và Phạm Văn Trội.
Ông Đài hết hạn tù đầu Tháng Ba năm 2012 và ông Trội mới ra tù Tháng 9 vừa qua. Những lời kể về lọai tù gián điệp của hai ông có nhiều điều đáng để ý.Chúng tôi trình bày các cuộc phỏng vấn hai ông với riêng từng người. Bài báo này là các chi tiết về tù gián điệp ở phân trại 1 cùng khu ông Đài bị giam giữ. Cuộc phỏng vấn kế tiếp sẽ là tù gián điệp ở phân trại 3 qua lời kể của ông Trội.. *****
* Nam Phương: Xin được hỏi là trong những ngày ông ở nhà tù Ba Sao, Nam Hà, ông thấy có bao nhiêu tù gián điệp người Việt Nam họat động cho Trung quốc rồi bị bắt?
-Ông Nguyễn Văn Đài (NVĐ): Khi tôi bị giam ở Ba Sao, lúc mới tới thì họ giam tôi ở buồng 1 khu A, ở đó có 4 tù nhân từng làm gián điệp cho Trung Quốc. Ở buồng số 2 bên cạnh thì có 4 tù nhân gián điệp. Cuối năm 2008 họ chuyển tôi sang buồng 6 thì có hơn 20 tù nhân gián điệp.
Trước sau, ở phân trại 1 có khoảng trên 30 tù gián điệp cho Trung quốc. Tới khi tôi rời trại thì còn khoảng 20 người.
Cổng vào trại tù Ba Sao ở tỉnh Nam Hà. (Hình tài liệu của Ngừơi Việt)
NV: Như vậy, họ bị giam chung với các loại tù khác?
-NVĐ: Tù gián điệp Trung Quốc được giam chung với tù chính trị và tôn giáo.
Ở buồng giam số 1 và số 2 thì những tù nhân gián điệp ở đó đều cộng tác với an ninh trại giam để giám sát các tù nhân Tây Nguyên và các tù chính trị khác. Nhiệm vụ của họ là theo dõi phản ứng của các tù nhân Tây Nguyên và chính trị khi theo dõi các tin tức chính trị qua truyền hình, báo chí. Phản ứng của các tù nhân khi bị trại giam cưỡng bức lao động với mức khoán cao, đôi khi cắt điện, cắt nước, tiêu chuẩn cơm không đủ,…
Những tù nhân gián điệp sẽ theo dõi xem ai kích động, cầm đầu. Sau đó báo cáo với an ninh trại giam. An ninh trại giam sẽ căn cứ vào đó để kỷ luật biệt giam.
Nổi tiếng nhất là Phạm Văn Viết là buồng trưởng của buồng giam số 1, rồi một người tên Hái, quê Cao Bằng, trước đây ở cùng để theo dõi và giám sát anh Nguyễn Vũ Bình, sau này là Cha Lý. Ở buồng số 6 có ông Trung chuyên theo dõi tôi và những người khác.
Nói chung trong buồng giam thì anh em tù người Tây Nguyên và tù chính trị đều biết ai là người cộng tác với an ninh trại giam. Khi tôi vừa tới đó, những anh em Tây Nguyên đã nói nhỏ là phải cẩn thận khi nói chuyện với những người đó. Do vậy bọn tôi rất cẩn thận khi nói chuyện hay tranh luận với họ.
* NV: Bằng cách nào ông biết và phân biệt được họ là tù gián điệp?
-NVĐ: Thường thường những tù gián điệp Trung Quốc thì tự họ thừa nhận là họ đã từng bị Trung Quốc mua chuộc, rồi trở thành gián điệp lúc nào không biết. Có người thì thừa nhận rằng họ ý thức làm gián điệp cho Trung Quốc ngay từ lúc được tuyển mộ. Đa số là làm gián điệp vì tiền, chỉ có 1 hoặc 2 người làm gián điệp vì bất mãn.
* NV: Ông có thể kể tên tuổi về những người tù gián điệp và nếu có thể nhớ được về từng người không?
- NVĐ: Người có chức vụ cao nhất là ông Bản, năm nay ngoài 60 tuổi, nguyên là trưởng phòng tình báo của công an tỉnh Lạng Sơn, ông Hái, khoảng 70 tuổi cũng là trưởng phòng tỉnh báo của tỉnh Cao Bằng.
* NV: Ông được nghe kể gì về các câu chuyện, hay việc họ từng làm để bị bắt không?
-NVĐ: Thông thường những người bị Trung Quốc tuyển mộ thì trước đó họ thường trong vai những người làm ăn, buôn bán sang Trung Quốc để thị sát tình hình. Nhưng không rõ làm sao Cơ quan Phản gián Trung Quốc biết được, sau đó họ bắt giữ và tiến hành đe dọa, mua chuộc bằng tiền và gái đẹp. Kết quả cuối cùng là bị khống chế và trở thành gián điệp.
Những tù gián điệp cho biết rằng, khi cơ quan phản gián Trung Quốc mà mua chuộc thì không ai có thể cưỡng lại được. Bao nhiêu tiền cũng được chấp nhận, gái Trung Quốc cực xinh để cho những tù gián điệp thỏa mãn. Sau khi những người này được 'đánh' trở lại Việt Nam, họ có nhiệm vụ thu thập tất cả các thông tin về kinh tế, chính trị nội bộ của đảng CSVN từ trung ương đến địa phương, thông tin tôn giáo.
Thông tin về quan điểm đối ngoại của VN với các nước như với Mỹ, Nga, Nhật, EU, đặc biệt là Đài loan. Các thông tin về quân sự, đặc biệt là kế hoạch tác chiến, trang thiết bị, quân số phòng thủ của quần đảo Trường Sa với Trung Quốc là vô giá.
Họ cung cấp tiền và hướng dẫn những gián điệp này là cũng sử dụng tiền và gái đẹp để mua chuộc những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước để thu thập thông tin.
Một gián điệp tên là Tuấn kể chuyện anh ta đã dùng tiền, gái đẹp mua chuộc một số sĩ quan ở Học viên quân sự để mua các tài liệu giảng dạy của nhà trường. Kết quả là 3 sĩ quan cùng với nhóm gián điệp của anh bị bắt. Ngoài việc làm gián điệp, cơ quan phản gián Trung Quốc còn cung cấp tiền Việt Nam giả cho những người này mang về Việt Nam sử dụng. Vụ của Tuấn bị phát hiện do hành vi tiêu tiền giả rồi mới đến hành vi gián điệp.
* NV: Họ có kể cho ông nghe là được trang bị máy móc gì không (Máy quay phim, máy chụp hình, điện thoại, súng, điện đài truyền tin bí mật) khi làm gián điệp?
-NVĐ: Họ chỉ được trang bị máy chụp ảnh và máy quay đặc biệt.
* NV: Theo nhận xét của ông thì những người đó bị kết án nặng hay nhẹ?
-NVĐ:Theo tôi thấy, làm gián điệp cho Trung Quốc thường bị kết án khá nặng. Những người càng có chức vụ và làm việc ở các tỉnh biên giới thì mức án càng nặng. Tôi thấy có 5 gián điệp bị án chung thân, 1 người 26 năm, 2 người 19 năm, số còn lại từ 10 đến 18 năm.
Mỗi người bị bắt trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng thông thường họ đã bị an ninh Việt Nam theo dõi trong một thời gian dài trước khi bị bắt. Phần lớn họ đều bị bất ngờ. Tôi không được nghe kể chi tiết về các vụ bắt giữ.
NV: Thưa ông, có ai trong số đó kể cho ông biết họ được Trung Quốc huấn luyện thế nào và trả tiền bao nhiêu không? Hay họ tự nguyện làm gián điệp cho Trung Quốc để đổi lấy quyền lợi nào khác?
-NVĐ:Rất ít người được Trung Quốc huấn luyện bài bản. Nhưng TQ đều hứa hẹn nếu bị bắt thì TQ sẽ can thiệp và mức án sẽ rất nhẹ. Khi bị lộ có thể chạy sang Trung Quốc và sẽ được đãi ngộ. Có một vài người họ biết bị lộ và biết sẽ bị bắt, nhưng họ cũng ko dám chạy sang Trung Quốc vì sợ bị thủ tiêu. Trung Quốc chỉ dạy họ cách dùng tiền và gái đẹp để mua chuộc quan chức thôi.
Như trên đã nói, đa số vì tiền, một số bị mua chuộc rồi bị ép buộc. Một số ít thì tình nguyện làm do có người thân lấy chồng hay lấy vợ bên Trung Quốc.
* NV: Ông thấy họ có thân nhân tiếp tế không?
-NVĐ: Phần lớn tù gián điệp có người thân tiếp tế, chỉ có vài người bị gia đình bỏ rơi do án tù quá dài, gia đình không có điều kiện. Có một số tù chính trị thương cho hoàn cảnh của họ nên mời họ ăn uống và sinh hoạt cùng.
* NV: Chúng tôi nghe ông kể là có tù gián điệp được cử làm trưởng buồng. Vai trò của trưởng buồng là gì? Có phải là theo dõi và báo cáo với quản giáo?
-NVĐ: Trại giam chỉ lựa chọn tù gián điệp và chỉ những người chấp nhận làm mật vụ cho an ninh trại giam mới được làm trưởng buồng. Hàng năm trại giam có tổ chức bầu cử trưởng buồng, nhưng khi tù nhân chính trị và tôn giáo lựa chọn người thường bảo vệ cho quyền lợi của họ thì không bao giờ trại giam đồng ý. Nên việc bỏ phiếu không có ý nghĩa gì.
* NV: Khi tù gián điệp được quản giáo dùng để trị tù chính trị, chắc là họ phải nhử bằng một quyền lợi nào đó (hứa hẹn thả sớm, được ưu đãi gì đó v.v…)?
-NVĐ: Tù gián điệp thường được được giảm án gấp đôi tù chính trị, những người làm mật vụ thì còn được giảm nhiều hơn. Nhưng những tù gián điệp mà quan hệ thân thiết với tù chính trị thì cũng bị giảm án ít hơn người khác. Tù gián điệp làm mật vụ có thể được giảm mỗi lần đến 12 tháng, những tù gián điệp khác thì từ 8-10 tháng. Còn tù chính trị cao nhất chỉ là 5 tháng.
* NV:Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Nguồn: Nam Phương/ Nguoiviet