chia sẻ

Ngôi trường dạy tiếng Việt ở Ba Lan

Với mục đích dạy tiếng Việt cho con em kiều bào gốc Việt và người Việt đang làm ăn sinh sống ở Ba Lan không quên ngôn ngữ của quê hương, Trường Lạc Long Quân thuộc Trung tâm Văn hóa (TTVH) Văn Lang đã được thành lập từ năm 2007 tại thủ đô Warsaw.

Cô và trò Trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan trong ngày lễ khai giảng năm học mới.

Ông Phạm Văn Mích, Bí thư Thứ nhất - Trưởng ban Công tác cộng đồng ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trường tiếng Việt đầu tiên tại Ba Lan mang tên Hùng Vương được sáng lập từ năm 1999. Đầu năm 2007, TTVH Văn Lang tại Ba Lan được thành lập với mục đích nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng người Việt. Do cộng đồng người Việt tại Ba Lan ngày càng phát triển, nhu cầu học tiếng Việt của con em tăng lên, tháng 9-2007 trường tiếng Việt thứ hai mang tên Văn Lang trực thuộc TTVH Văn Lang được ra đời. Ngày 15-11-2009, Trường tiếng Việt Hùng Vương và Trường tiếng Việt Văn Lang sáp nhập thành trường mới có tên Trường tiếng Việt Lạc Long Quân trực thuộc TTVH Văn Lang. Mục đích của việc sáp nhập là tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tổ chức, quản lý và xây dựng một đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. 

Năm học 2011-2012, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân có 13 lớp với 180 học sinh, ở độ tuổi từ 4 đến 13 tuổi. Trong đó nhu cầu học tiếng Việt của các em từ 6 đến 9 tuổi là nhiều nhất. Trường dạy tiếng Việt cho học sinh với 7 trình độ khác nhau gồm: Trình độ A0 dành cho học sinh 4-5 tuổi; trình độ A tương đương với học kỳ I của lớp 1; trình độ B tương đương học kỳ II của lớp 1; trình độ C tương đương lớp 2; trình độ D tương đương lớp 3; trình độ E tương đương lớp 4; trình độ nâng cao. Chương trình giảng dạy được BGH cùng giáo viên của trường soạn thảo dựa trên các giáo trình như: Chương trình tiếng Việt tiểu học (các lớp 1, 2, 3, 4); chương trình tiếng Việt vui (đề án của Bộ Giáo dục) và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam ở nước ngoài… Kể từ năm học 2011-2012, nhà trường tập trung soạn thảo chương trình chi tiết và đã xong sơ bộ cho chương trình lớp A0. Dự kiến nhà trường sẽ dần hoàn thành chương trình cho các khối lớp khác, với hệ thống bài học, bài tập và sách tham khảo cụ thể.
Hằng tuần các em chỉ học vào chiều thứ bảy (từ 16h-19h). Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của trường chỉ có một vài người từng được đào tạo chuyên về giảng dạy tiếng Việt ở tiểu học, còn lại phần lớn là cựu giáo viên trung học, đại học hay sinh viên, nghiên cứu sinh. Vì thế khả năng sư phạm không đồng đều. Việc giảng dạy tiếng Việt tại trường chỉ thuần túy là làm thêm bên cạnh công việc chính làm ăn buôn bán, do vậy thời gian dành cho việc nghiên cứu chuyên môn cũng hạn chế. Đây là những khó khăn đối với Trường tiếng Việt Lạc Long Quân hiện nay.

Giữ gìn tiếng Việt là việc hết sức cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Mục đích việc thành lập trường là giúp con em cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt các cháu sinh ra hoặc sang Ba Lan từ bé, học tiếng Việt để các cháu có thể nói, đọc, viết và nghe hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình. Qua việc học tiếng Việt và các hoạt động ngoại khóa của trường như tổ chức vui chơi trong các ngày lễ, tết của Việt Nam… các cháu được hiểu biết về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của Việt Nam, hướng cho các cháu có tinh thần đoàn kết gắn bó với cộng đồng và lòng yêu quê hương, đất nước" - ông Phạm Văn Mích nhấn mạnh. 

Ông Mích cho biết, mong muốn lớn của nhà trường là nhờ các chuyên gia giáo dục Việt Nam sang giúp biên soạn một bộ giáo trình dạy và học tiếng Việt chuẩn, phù hợp với thời lượng giảng dạy, học tập và hoàn cảnh của học sinh người Việt tại đây. Nhà trường cũng mong muốn hằng năm vào dịp nghỉ hè, Nhà nước ta cử và cấp kinh phí cho một chuyên gia giáo dục sang công tác khoảng một tháng để tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên trong trường…
Nguồn: Đình Hiệp/ HNM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ