chia sẻ

Người Việt tạo 'cơn khát' sừng tê giác Nam Phi?

Nhu cầu sử dụng sừng tê giác ngày càng tăng vọt của bốn nhóm người tiêu dùng tại Việt Nam là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng đáng lo ngại của bọn tội phạm săn lùng và giết hại tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi, tờ Guardian (Anh) đưa tin.
Bọn tội phạm giết một con tê giác trắng để lấy sừng. Ảnh: news.mongabay.com

 giữa những năm 1990- 2005, những kẻ săn trộm ở Nam Phi giết chết trung bình 14 con tê giác/1 năm. Kể từ đó, con số này đã tăng vọt. Trong năm 2010, tại Nam Phi đã có 333 con tê giác bị săn bắn và con số này là 448 trong năm 2011. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, số tê giác bị giết lấy sừng là 339 con.
Ông Tom Milliken, giám đốc Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (Traffic) tại khu vực đông nam châu Phi cho biết việc mất mát số lượng tê giác nêu trên được xem là “một khủng hoảng”.
Một báo cáo của Traffic do ông Milliken là đồng tác giả, được công bố cuối tháng 8/2012 xác định nguyên nhân tê giác bị giết hại ngày càng nhiều là do “sự kết hợp nguy hiểm của thể chế lỏng lẻo, hành vi sai trái của những người công tác trong ngành động vật hoang dã và các tổ chức tội phạm Châu Á”.
Theo báo cáo này, tại Việt Nam có bốn nhóm người tiêu dùng chủ yếu sử dụng sừng tê giác.
Đầu tiên, đó là một bộ phận nhà giàu Việt Nam sử dụng sừng tê giác mài thành bột và pha trộn bột vào nước uống sẽ mau chóng hóa giải được nồng độ cồn trong người sau khi uống nhiều rượu.
Họ còn pha trộn bột sừng tê giác vào rượu, đây được xem là thức uống đặc sản và bổ dưỡng, cho rằng như thế mới sành điệu và mang phong cách thời thượng. Họ còn lập ra cả “Hiệp hội rượu vang tê giác”!
Theo lời của ông Milliken, họ và đặc biệt là ở nam giới suy nghĩ theo cái quan niệm được gọi là y học cổ truyền châu Á rằng sử dụng sừng tê giác có tác dụng tốt trong sinh hoạt và kích thích tình dục. Nhưng họ đâu biết rằng chính việc sử dụng sừng tê giác sẽ gây ra mối đe dọa tuyệt chủng cho loài này trong tương lai gần.
Nhóm người tiêu dùng thứ hai tại Việt Nam tin theo một “huyền thoại” - chuyện không bao giờ có thực, đó là sử dụng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư và những người bị ung thư sắp chết là đối tượng dễ bị bọn tội phạm lừa gạt nhất.
Bằng cách giám sát các phòng chat, nhóm của ông Milliken phát hiện nhóm người tiêu dùng thứ ba tại Việt Nam sử dụng sừng tê giác - các bà mẹ trung lưu và giàu có. Nhóm người này mua để dành sừng tê giác ở nhà để điều trị sốt cao. “Nếu con của họ ngã bệnh và trường hợp uống các loại thuốc khác không bớt, trong trường hợp khẩn cấp này, họ sẽ dùng đến sừng tê giác”, ông Milliken nói.
Nhóm người tiêu dùng cuối cùng tại Việt Nam sử dụng sừng tê giác như một món quà đắt tiền trong cuộc sống, đôi khi như là “một loại tiền tệ không chính thức” cho các sản phẩm cao cấp, như thanh toán một phần cho một chiếc xe hơi mới.

Con người dường như thờ ơ trước việc tê giác bị giết hại. Ở Nam Phi, tê giác bị giết chết bởi súng trường AK-47. Báo cáo cho biết chỉ với một phát súng thì tê giác đã chết. Các băng nhóm tội phạm địa phương còn dùng máy bay trực thăng, thực hiện các phi vụ bắn tê giác trót lọt là do đã mua chuộc nhà chức trách, lách luật để có giấy phép săn bắn tại các công viên.
Sau khi săn trộm sừng tê giác, sừng sẽ được vận chuyển thông qua một loạt người mua trung gian, hay còn gọi là “cò”, sau đó xuất hàng cấm này sang châu Á. Sau khi xác định danh tính chính xác người mua từ châu Á, một sừng tê giác được cất giấu cẩn thận trong ba lô và chuyển phát nhanh từ Nam Phi về châu Á chỉ trong vòng 24 giờ.
Trong năm 2012, Nam Phi đã tăng cường các biện pháp chống săn trộm trong Công viên quốc gia Kruger cũng như tại các công viên khác có tê giác sinh sống, kết quả có 192 nghi phạm săn trộm tê giác bị bắt giữ. Tuy nhiên, theo báo cáo, về phía Việt Nam cho biết không tham gia vào các vụ săn bắn trộm sừng tê giác nêu trên.

Một cậu bé đứng bên ngoài một cửa hàng y học cổ truyền tại Hà Nội bán những chiếc đĩa để mài sừng tê giác. Ảnh: Getty Images.
Ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc cơ quan quản lý CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam cho hay: "Việt Nam không phải là thị trường chính trong các vụ mua bán sừng tê giác. Các nhà bảo vệ môi trường Việt Nam xác định những cáo buộc trong báo cáo này là chủ quan và không có bằng chứng cụ thể."
Chính phủ Nam Phi ước tính có khoảng 18.000 con tê giác trắng và 1.195 con tê giác đen. Tỷ lệ sinh tê giác cao hơn so với tỷ lệ chết. Nhưng Miken cảnh báo nếu tình trạng có hơn 500 con tê giác bị giết/1năm thì “dân số” của chúng sẽ bắt đầu giảm dần vào khoảng năm 2018.
Ông Joseph Okori, điều phối viên chương trình bảo vệ tê giác của Quỹ quốc tề bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại châu Phi, nói: “Bọn tội phạm săn bắn động vật hoang dã, giết tê giác để lấy sừng tại châu Phi đang tăng lên. Trong khi đó, nền kinh tế châu Á đang phát triển, nhu cầu đòi hỏi sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã tăng cao và để có được các sản phẩm này buộc phải thông qua con đường vận chuyển bất hợp pháp”.
“Đây là một thực trạng rất phức tạp. Vấn đề này cần được giải quyết và có sự quan tâm hợp tác quốc tế ở mức cao nhất, không chỉ ở các diễn đàn tại Liên minh châu Phi mà còn tại Liên Hiệp quốc”, ông Joseph Okori khẳng định.
Thiên Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ