Sáng 21-8, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các nội dung quản lý lao động người nước ngoài tại VN và vấn đề đào tạo nghề.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng khẳng định “lao động nước ngoài ở VN tình hình rất phức tạp, trên nhiều địa bàn, trong đó có địa bàn về quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng nói chúng ta xử lý chưa nghiêm, tại sao lại chưa nghiêm?”. Trong khi đó, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền hỏi: “Lao động phổ thông tại các dự án bôxit trên Tây nguyên rất đông. Nhưng giải pháp bộ trưởng đưa ra chưa rõ. VN chúng ta đâu có thiếu lao động phổ thông, nhưng tại sao các dự án bôxit lại toàn lao động Trung Quốc?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định quyết tâm hạn chế lao động phổ thông nước ngoài vào VN - Ảnh: Việt Dũng |
Hơn 3 vạn lao động không phép
Bộ trưởng Chuyền cho biết tại thời điểm tháng 7-2012 cả nước có 77.087 lao động nước ngoài, trong đó số người thuộc diện cấp giấy phép lao động là 74.438 (số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là 49.983 người, chiếm 67,15% và số lao động nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455 người, chiếm 32,85%), số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 2.649 người (chiếm 3,44%).
TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - đã đề nghị Bộ Công an trao đổi thêm về việc quản lý lao động nước ngoài ở VN. “Bộ trưởng báo cáo có hơn 77.000 lao động nước ngoài làm việc tại VN, con số này có vấn đề. Qua giám sát chúng tôi thấy rằng ở cấp phường nắm con số rất tốt, nhưng lên cấp trên nắm không tốt”.
Nhìn nhận thực trạng lao động nước ngoài tại VN là “phức tạp”, trung tướng Tô Lâm - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng trước hết là do nhu cầu các dự án cần có lao động, nhất là các dự án do nước ngoài trúng thầu, người ta đã đưa lượng lao động rất lớn vào. Ngoài ra, lao động nước ngoài vào VN bằng con đường du lịch.
Một số khác đi du lịch vào VN nhưng sau đó không có tiền, ở lại đi kiếm việc để sống, số này vi phạm về cư trú, visa… quản lý rất khó khăn, trục xuất họ cũng khó, nhất là lao động từ các nước châu Phi, có những nước không có cơ quan đại diện ngoại giao. Ngành công an đã phân cấp rõ công tác quản lý lao động nước ngoài, cấp cơ sở nắm rất rõ tình hình lao động tại địa bàn.
Trung tướng Tô Lâm - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết có khoảng 48% lao động nước ngoài có trình độ đại học trở lên nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng con số này không chính xác - Ảnh Việt Dũng |
“Số liệu không chính xác”
TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định rằng “số liệu Bộ Công an cung cấp có 48% lao động nước ngoài có trình độ đại học trở lên, 43% có chứng chỉ kỹ thuật là không chính xác”. Theo ông Lợi, qua giám sát, đại biểu Quốc hội phát hiện “nhiều nơi phần lớn là lao động phổ thông”.
Bình luận ý kiến của tướng Tô Lâm, TS Lợi nói: “Nói rằng quản lý cơ sở nắm hết, nhưng khi bác sĩ Trung Quốc vào VN nắm không rõ, chuyện xảy ra ở phòng khám Maria khi phát hiện thì chuyên gia Trung Quốc đã về nước từ bao giờ chúng ta không biết”.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền hỏi: “VN chúng ta đâu có thiếu lao động phổ thông, nhưng tại sao các dự án bôxit lại toàn lao động Trung Quốc?”. |
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, việc xử lý khó là do quy định của pháp luật VN còn nhiều kẽ hở. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nước ngoài nếu sử dụng trên 500 lao động phổ thông phải thông báo cho địa phương trước 60 ngày, dưới 500 lao động thì thông báo trước 30 ngày để tuyển lao động VN, nhưng nếu không tuyển được thì họ được quyền đưa lao động của họ vào. Thứ hai là quy định cho người đi du lịch vào được làm việc dưới 3 tháng. “Chúng tôi cho rằng cần phải xem lại các quy định trên” - bà Chuyền nói.
“Dứt khoát là phải hạn chế lao động phổ thông nước ngoài vào VN như ý kiến của đại biểu Quốc hội” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ.
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét