VUI là từ khóa của Trại hè tiếng Việt. Ảnh: Võ Văn Long |
Ba Lan, Warszawa - Một trại hè tiếng Việt nho nhỏ tiếp nhận 60 học sinh bé, 20 học sinh lớn trong vai trò tình nguyện viên – tất cả đều nói tiếng Ba Lan sõi như tiếng mẹ đẻ – đã làm nên một mùa hè đáng nhớ của tôi ở Warszawa 2012.
Tôi ấp ủ ý định tổ chức hoạt động này tại thủ đô Ba Lan sau khi gặp và bàn bạc kỹ lưỡng về chuyện học tiếng Việt ở nước ngoài với anh Lê Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường tiếng Việt tại Warszawa. Là một người từng sống gần 20 năm xa Tổ quốc, ở Nga, tôi đã đinh ninh mình rất hiểu cộng đồng người Việt ở Warszawa kỳ vọng gì vào một cái gọi là “trại hè” học tiếng mẹ đẻ trên nước người. Mang theo một số giáo cụ, vật dụng cần thiết cho trại hè, tôi hăm hở lên đường.
Các em vẽ nón trong giờ học về chủ đề Truyền thống. Ảnh: Tống Hương |
Chỉ khi ở Warszawa một tuần, sau hai buổi tập huấn giảng dạy cùng các thày cô ở trường tiếng Việt, một buổi gặp gỡ với các phụ huynh, tôi mới hiểu… mình đã chẳng hiểu gì về những khó khăn quá lớn cũng như những nỗ lực quá lớn của những người ấp ủ mơ ước giữ gìn tiếng nói quê hương cho các con cháu mình ở nước người. Khó khăn về giáo trình, sách giáo khoa, nội dung dạy, phương pháp, kỹ năng giảng dạy… ai cũng có thể hình dung ra. Nhưng điều lớn hơn cả là việc tạo động lực học. Các bậc cha mẹ đều rất bận rộn dù họ rất mong mỏi con mình có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Còn các bạn nhỏ thế hệ người Việt mới ở đây lại thật sự hòa nhập với cuộc sống bản địa – các em nói thành thạo tiếng Ba Lan và hoàn toàn không cảm thấy nhu cầu tiếng Việt. Vậy, hóa ra, việc mà những người “muốn dạy” và “muốn trẻ học” tiếng lại là làm sao để trẻ “muốn học”. Tại sao phải học? Có nhất thiết phải học tiếng Việt không khi chúng cảm thấy đầy đủ và thoải mái trong môi trường ngôn ngữ khác? Đây chính là bài toán khó cho câu chuyện tiếng Việt ở Ba Lan.
Và tôi nghĩ, tất cả phải bắt đầu từ niềm vui. Niềm vui mà tuổi thơ muốn có, cần có, và có quyền được nhận. Niềm vui nào chúng có thể có được cùng tiếng Việt? Từ những sự khác biệt về ngữ âm, từ vựng…; từ những trò chơi, những bài tập có thể xây dựng để tạo niềm hưng phấn, say mê; và từ nhu cầu giao tiếp giữa bạn bè cùng lứa, nhu cầu được có những bí mật trẻ thơ và được chia sẻ chúng cho cộng đồng của mình; nhu cầu được có một bí ẩn cội nguồn để chúng, khi trở về bên bạn bè Ba Lan, có thể hãnh diện về những phát hiện mới mẻ về đất nước của mình, thứ tiếng của mình cho dù đứa trẻ chưa thạo thứ tiếng ấy. Nhưng niềm vui sẽ giúp cái thần cái hồn của ngôn ngữ thấm vào lòng đứa trẻ, như một điều mới mẻ và không kém thiêng liêng. Và chỉ thế thôi. Chớ đòi hỏi quá nhiều. Khi đã có động lực muốn biết, muốn gần, thấy thú vị - thì cái barrier ngăn cản các em bắt đầu nói, chịu nói, chịu tìm tòi về đất nước, ngôn ngữ… sẽ dần biến mất.
Xuất phát từ suy nghĩ như thế, tìm được sự đồng thuận từ nhóm các thày cô dạy tiếng Việt ở Warszawa và rất nhiều các anh chị người Việt tâm huyết với trẻ, chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng trại hè “VUI CÙNG TIẾNG VIỆT – WARSZAWA 2012” với chìa khóa là từ VUI.
Chúng tôi xây dựng một format mới cho các hoạt động cá nhân và tập thể của trẻ, trong đó, mỗi một ngày có một chủ đề riêng mà những từ khóa sẽ là những điểm sáng lấp lánh của niềm vui. Tôi cảm giác nỗi lo lắng như tảng đá trong tim nhẹ dần, nhẹ dần từng ngày, khi các bé bắt đầu vượt qua được sự ngại ngần mà nói to lên những từ cũ, từ mới, kết nối với nhau trong cùng một trò chơi. Ngay cả thời gian chạy chơi ngoài sân, dưới ánh nắng hè rực rỡ của Warszawa, các đội cũng cùng nhau vượt qua một nhiệm vụ chung nào đó. Chẳng hạn, với bài tập quan sát, các bạn nhỏ mới đó thôi còn rất khó khăn mới nói được trọn vẹn một vài câu tiếng Việt, đã đem về gần 200 từ được ghi chép tỉ mẩn cùng hình vẽ - là những gì em quan sát được trong vòng 1 tiếng đồng hồ bên ngoài. Và em đã dùng tiếng Việt để kể lại với các bạn, với cô.
Với ngày có chủ đề Truyền thống, các em được vẽ nón lá, chơi các trò chơi dân gian ngoài sân, và thử cùng nhau làm món ăn quen thuộc mà mẹ vẫn làm – là nem. Bữa ấy, các bé ăn món ăn mình tự làm, đọc những bài thơ ngắn thật ngắn bằng tiếng Việt và thỏa sức cười vang trong những trò chơi vui nhộn, về nhà là thiếp đi ngay với tiếng nhạc vẫn văng vẳng trong đầu: “Phép lạ hàng ngày, thần tiên giấu trong đôi bàn tay…” (Bài hát Phép lạ hàng ngày của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm).
Mỗi ngày một chủ đề mới, mỗi ngày mỗi niềm vui, mỗi ngày thêm một điều – dù chỉ một điều thôi – để nói cùng nhau. Như thế, tôi cho rằng, với những kỳ vọng giản dị ban đầu, trại hè của chúng tôi đã thành công. Một buổi bế mạc trại đầy hứng khởi đã diễn ra vào ngày cuối. Bốn đội được tham gia vào trò chơi lớn với ý tưởng: kết nối lại những gì các em đã học, đã biết, những khám phá mới mẻ được thể hiện một cách đơn giản qua hình thức trò chơi vượt từng chướng ngại vật để đến với kho báu đang đợi em.
Mỗi ngày một chủ đề mới, mỗi ngày mỗi niềm vui. Ảnh: Võ Văn Long
Những cảm xúc thật sự của trẻ con không ai có thể “làm giả” được. Tôi nhìn thấy niềm vui của đứa trẻ. Tôi nhìn thấy cả nỗi buồn chia tay của chúng. Tôi thấy hy vọng cho những bước tiếp theo của việc tổ chức học tiếng Việt ở nước ngoài, cho những đứa trẻ hoàn toàn đã ở rất xa Tổ quốc. Muốn kéo chúng lại gần với ta, hãy trở thành đồng minh, thành bạn đồng hành của chúng trong việc đi tìm niềm vui tiếng Việt. Muốn kéo chúng lại gần với ta, phải thật sự chân thành tin ở sự lôi cuốn của văn hóa và ngôn ngữ quê hương.
Tôi nhớ làm sao tiếng reo vang: Vui… Vui… Vui… Vui… khi mỗi sáng chúng tôi chào nhau ở trại hè VUI CÙNG TIẾNG VIỆT – WARSZAWA 2012!
Mong sao niềm vui kỳ diệu này của tuổi thơ được nuôi dưỡng theo tháng ngày…
Nguồn: Thụy Anh/ Tiasang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét