chia sẻ

Chuyện 'được vợ' ly kỳ của các ông vua Việt Nam

Cho đến nay, tất cả những chuyện nhỏ nhất của các bậc vua chúa vẫn luôn là chủ đề... kích thích trí tò mò của hậu thế.

Cả chính sử lẫn giả sử đều cho rằng, Hồ Quý Ly và Nhất Chi Mai (Huy Ninh công chúa) là một thiên tình sử, mà bất cứ ai thời đó đều mơ ước được như ông. Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ: Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai (tức trong cung Quảng Hàn có một cành mai) và nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó.

Hồ Quý Ly.
Về sau, Quý Ly dần dà được làm quan. Sách Việt sử giai thoại chép: Vào một ngày nọ, Vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử. Sân điện ấy có đến hàng ngàn cây quế. Nhà vua nhân đó ra câu đối rằng: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (tức trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế).  Bầy tôi theo hầu chưa ai kịp đối. Lê Quý Ly nhớ lại câu văn trên bãi cát ven sông thuở nào, liền đối lại.
Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Nghĩa là: Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế. Quảng Hàn cung nọ một cành mai. Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly, Vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua hỏi Quý Ly: Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?
Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Hoàng đế nói: Đấy là số trời! Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, nhà vua đã gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Nhờ đó, Quý Lý cứ phất như "diều gặp gió". Đối với hai vua cuối nhà Trần, với tư cách Phụ chính lại là cha vợ và sau cùng, là ông ngoại của Vua, Hồ Qúy Ly có đủ mọi điều kiện thuận lợi để chuyên quyền... rồi giành ngôi báu.

Vua Gia Long.
Cũng theo sử sách, thời còn bôn ba lánh nạn, Nguyễn Ánh - Gia Long đã có nhân duyên tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng. Cụ thể, sách Việt Nam phong tình cổ lục ghi: Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng. Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh phải náu mình trong một bụi rậm. Bên bờ sông, gần chỗ ông đang ẩn mình, có một cô thôn nữ trông xinh xắn đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người đang lặng nhìn theo. Thế rồi, bỗng nhiên, cô gái hét lên vì bị thụt xuống một hố sâu. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, vụt lao ra cứu người đẹp.
Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt… sống chung, vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự may mắn, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn, nhờ đó ông được nhà vợ giấu kín; thậm chí còn giúp đi thăm dò, tìm kiếm giúp Nguyễn Ánh các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn mưu tiếp tục sự nghiệp “phục quốc”.

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ nhặt này. Tuy nhiên, lại có giai thoại rằng, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà Tố Lan về kinh đô, phong làm Chánh hậu. Những người do bà Chánh hậu sinh ra gọi là dòng chính, chữ lót đặt tên cho con cháu của dòng chính là: “Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng/Liên Lý Phát Bội Hương/ Lịnh Nghi Hàng Tốn Thực/ Quí Vọng Biểu Khôn Ngoan”. Còn những người con do các bà phi khác sinh ra gọi là dòng thứ, chữ lót đặt theo thứ tự là: “Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quí Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Khế Thực/ Thế Thoại Quốc Gia Xương”.

Vua Thành Thái.
Sách Kể chuyện các Vua Nguyễn cũng viết, trong số các vị vua triều Nguyễn, chuyện "kiếm vợ" của Thành Thái cũng rất độc đáo. Vào một ngày Tết Nguyên Đán, nhà vua cải trang thành dân thường, tính đi “liều” lên Kim Long để tìm chọn một quý phi. Đến nơi nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về. Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng vị quân vương bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng… Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: “Nì,o tê! O có muốn lấy vua không ?”.
Cô lái đò tình thiệt, nhìn ông khách lạ đời đáp: “Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chứ!”. Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: “Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”.
Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khác qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lẽ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái: “Ni,O tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ!”. Và cô lái đò đánh bạo nói nhanh: “Ưng!”
Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: “Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho! Nói rồi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ của mọi người... Đến trước Kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người: “Thôi thiên hạc đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quí phi vào cung!”.
Vậy là cô lái đò Kim Long vô nội cung, làm quí phi của Vua Thành Thái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long nhưng đó là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ