(Dân trí) - Mặc dù Mỹ hôm nay đã lùi bước, trao quyền chỉ huy chiến dịch áp đặt lệnh cấm bay trên bầu trời Libya cho NATO, song với sức mạnh tấn công khổng lồ của quân đội, nước này vẫn là “con át chủ bài” đằng sau nỗ lực của liên quân.
Mặc dù trao quyền chỉ huy - giám sát sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay ở Libya cho NATO, nhưng Mỹ vẫn được xem là hỏa lực chính.
Trước khi lùi bước trong sứ mệnh được cho là có mục tiêu kém rõ ràng, Washington đã là hỏa lực cầm cương, nhằm sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường Libya.
Nhưng trước làn đạn chỉ trích của đảng Cộng hòa ở quê nhà rằng Mỹ đã dấn thân vào một cuộc xung đột không có chiếc lược rút lui hay kết cục rõ ràng, Tổng thống Mỹ Obama mong muốn chuyển giao sứ mệnh chỉ huy cho các đồng minh châu Âu và Ảrập càng sớm càng tốt.
Obama cũng lo ngại về hình ảnh của nước Mỹ tại thế giới Ảrập, đặc biệt là trong bối cảnh biểu tình hiện nay đang lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi, trong khi hình ảnh của nước Mỹ vốn đã bị méo mó do cuộc chiến Iraq của người tiền nhiệm để lại.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh quyết định đảm nhiệm sứ mệnh chỉ huy chiến dịch áp đặt vùng cấm bay của NATO và ám chỉ đang xúc tiến thảo luận để tổ chức hiệp ước quân sự xuyên Đại Tây Dương này đảm nhiệm vai trò đầu tàu lớn hơn nữa, đối với mọi hoạt động quân sự, chứ không phải chỉ ở những chiến dịch trên không.
“Chúng tôi đã nhất trí cùng với các đồng minh NATO chuyển giao quyền chỉ huy và giám sát vùng cấm bay trên Libya cho NATO. Tất cả 28 thành viên NATO giờ đây cũng cho phép giới chức quân sự phát triển một kế hoạch để NATO đảm trách sứ mệnh bảo vệ thường dân rộng hơn nữa, theo Nghị quyết 1973”, bà cho hay.
Nhưng thành viên Ảrập Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn trao cho NATO quyền chỉ huy tấn công các mục tiêu dưới mặt đất và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết sẽ cần thêm các cuộc thảo luận nữa vào cuối tuần này.
“Vào thời điểm hiện nay, sẽ vẫn có một chiến dịch của liên quân và một chiến dịch của NATO”, ông cho hay.
Ngoài Mỹ, Anh, Pháp, Liên quân gồm 12 nước tham gia sứ mệnh ở Libya có thêm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Italia, Na Uy, Qatar, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất. |
Trong khi đó Phó đô đốc Mỹ Bill Gortney cho hay Lầu Năm Góc “đang nỗ lực hết mình, về mặt quân sự, để có thể trao sứ mệnh chỉ huy chiến dịch này cho một cấu trúc chỉ huy liên quân sớm nhất là vào cuối tuần này”.
Tất cả những điều trên chắc chắn không thể phát đi một thông điệp rõ ràng tới nhà lãnh đạo Libya Gadhafi rằng liên quân đang đoàn kết. Sau gần một tuần hứng chịu các cuộc không kích, tấn công tên lửa, lực lượng trung thành với đại tá Gadhafi có vẻ như không tan tác như lực lượng phương Tây mong mỏi và ông Gadhafi vẫn rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo Lawrence Korb, thuộc Trung tâm phân tích Tiến bộ Mỹ, cuộc tranh luận về quyền chỉ huy có thể chỉ là một màn kịch chính trị hơn là tạo ra những thay đổi thực sự, nếu NATO cuối cùng chấp nhận vai trò đầu tàu.
“Nó sẽ giúp thay đổi quan niệm về chiến dịch”, đặc biệt là trong thế giới Ảrập, Korb đánh giá. “Mỹ là một phần chủ chốt trong chiến dịch nhưng chúng tôi muốn “buông rèm nhiếp chính””.
Máy bay Pháp đã thả những quả bom đầu tiên xuống Libya, trước khi tên lửa hành trình Tomahawk được khai hỏa từ các tàu ngầm Mỹ và Anh. Hơn một nửa trong số 350 máy bay tham gia là của Mỹ, và Gortney cho biết trong suốt 24 giờ trước, các quốc gia đối tác còn lại thực hiện “chưa đầy một nửa” trong tổng số những lần xuất kích của liên quân.
26 trong số 38 tàu chiến trong Vịnh Sirte thực hiện lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc, sứ mệnh cũng nằm dưới sự chỉ huy của NATO, là của các nước khác. Thổ Nhĩ Kỳ hiện triển khai 5 tàu và 1 tàu ngầm.
Với rất nhiều tàu ngầm, tàu khu trục, tàu chỉ huy-giám sát USS Mount Whitney, máy bay do thám chuyên dụng cũng như phi đội chiến đấu cơ hùng mạnh, Mỹ vẫn là đóng góp chính cho NATO và sẽ vẫn là trung tâm của chiến dịch.
“Mỹ sẽ đóng góp khả năng quân sự đặc biệt của mình cho giai đoạn hai của chiến dịch, nếu có”, Tướng Carter Ham, chỉ huy lực lượng Mỹ cho biết. “Có khả năng chúng tôi hỗ trợ về mặt tình báo và cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về liên lạc, tiếp nhiên liệu cho máy bay...Nhưng chúng tôi sẽ không triển khai một lượng lớn chiến đấu cơ”.
Ham tin tưởng rằng việc chuyển giao sứ mệnh chỉ huy sẽ diễn ra “khá nhanh”, nhưng thừa nhận có những thủ tục “rất rất phức tạp”, đặc biệt là với các hoạt động của không quân, có thể khiến giai đoạn chuyển giao bị kéo dài.
Phan Anh
Theo AFP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét