chia sẻ

Những nữ công nhân tiêu biểu





Họ là những nữ công nhân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù ở vị trí công tác hay môi trường làm việc nào, các chị đều lặng lẽ góp sức mình vì lợi ích chung của doanh nghiệp. 


Chị Nguyễn Thị Mến.

Giỏi việc nước - đảm việc nhà
Năm 2010, chị Nguyễn Thị Mến, công nhân Công ty TNHH Ngọc Thơ, cụm công nghiệp Thọ Xương (thành phố Bắc Giang) vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương tại Lễ tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu lần thứ nhất. Nêu cao tinh thần tận tuỵ, trách nhiệm, hơn 10 năm gắn bó với doanh nghiệp, năm nào chị Mến cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời gian đầu, chị nhận nhiệm vụ sản xuất trực tiếp các loại tượng, phụ liệu xây dựng bằng thạch cao. Công việc tưởng như đơn giản song đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chị Mến cùng chị em trong phân xưởng phát huy tính sáng tạo, mạnh dạn đề xuất với giám đốc đưa vào các sản phẩm thạch cao nhiều chi tiết nghệ thuật, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2006, sau khi doanh nghiệp tư nhân Ngọc Thơ phát triển thành Công ty TNHH Ngọc Thơ, chị Mến tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý rồi đảm nhận vai trò thủ kho. Công việc liên quan trực tiếp đến tài sản chung của cả doanh nghiệp, chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể làm tổn thất hàng tỷ đồng. Vì vậy để thuận tiện cho công việc, chị Mến đã xây dựng một cách khoa học từng danh mục sản phẩm, mẫu hàng, đồng thời sát sao trong quá trình kiểm kê, lưu chuyển hàng hoá. Với cách giao tiếp nhẹ nhàng, linh hoạt, chị Nguyễn Thị Mến còn đảm nhận luôn cả công việc giao dịch với khách hàng. Ở một doanh nghiệp tư nhân, ngoài thời gian làm việc theo quy định, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, chủ nhật hay bất kể thời gian sớm tối, hễ có khách đến Công ty nhập hàng chị đều hăng hái nhận nhiệm vụ. Bằng sự nhiệt tình, tích cực, chị Mến đã góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Ngọc Thơ phát triển tăng dần theo từng năm. Năm 2010, doanh thu Công ty đạt hơn 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với mức lương hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Công việc vất vả là vậy nhưng chị Mến vẫn dành thời gian chăm sóc mẹ già và hai con chu đáo, hỗ trợ chồng trong hoạt động kinh doanh vật liệu chất đốt, là gia đình văn hoá tiêu biểu ở khu dân cư.
Chị Nguyễn Thị Tình (trái).
Vươn lên từ lòng yêu nghề
Chị Nguyễn Thị Tình, công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, cụm công nghiệp Đoan Bái (Hiệp Hoà) bén duyên với nghề từ rất sớm. Vốn khéo tay lại yêu thích thêu thùa nên năm 2002, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị Tình quyết định rời quê Thanh Hoá ra Hà Nội học nghề. Thời gian này, chị gặp rồi kết hôn cùng anh Nguyễn Ngọc Luận, quê ở xã Đoan Bái. Năm 2008, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong đi vào hoạt động tại địa bàn, mở ra cơ hội làm việc cho hàng nghìn lao động nông thôn, những người đang làm việc xa quê như chị có dịp về gần với gia đình. Được lãnh đạo Công ty chấp thuận, chị Tình về công tác tại phân xưởng II, Xí nghiệp I rồi gắn bó từ đó đến nay. Thời gian đầu về Công ty cũng là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp lao đao vì thiếu đơn hàng, đời sống công nhân bấp bênh. Trước khó khăn chung của ngành may, chị Tình mạnh dạn đề xuất với ban giám đốc các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất gắn liền với mức khen thưởng hợp lý, tạo động lực thúc đẩy công nhân thi đua lao động. Nhờ vậy, bước sang năm 2009, sản phẩm xuất xưởng của Công ty được cải tiến, thêm nhiều mẫu hàng mới như: quần áo thời trang trẻ em, quần bò, các loại áo mùa đông… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân các nước Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản… Năm 2010, từ công nhân trực tiếp sản xuất, chị Tình chuyển sang bộ phận kiểm định chất lượng sản phẩm (KCS). Hàng ngày, ngoài phải kiểm tra hàng nghìn sản phẩm, kịp thời phát hiện lỗi kỹ thuật, hướng dẫn đồng nghiệp chỉnh sửa, chị Tình còn dành thời gian trao đổi kinh nghiệm với những lao động mới vào nghề; khuyến khích, động viên chị em tích cực thi đua lao động sản xuất. Nhờ vậy, hầu hết sản phẩm may mặc tại xí nghiệp đều đạt tiêu chuẩn; số sản phẩm phải chuyển lại sửa chữa giảm, tiết kiệm đáng kể chi phí thời gian và công sức lao động cho công nhân. Do đó doanh thu của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4 nghìn lao động. Từ một công nhân may trực tiếp với mức lương khởi điểm hơn 1 triệu đồng/tháng, bằng lòng yêu nghề, gắn bó với doanh nghiệp, chị Tình trở thành tấm gương lao động tiêu biểu hiện đang hưởng mức thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Linh - Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ