chia sẻ

Bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc 'chặn đuổi' tàu Việt Nam

Không đầy hai ngày sau khi đến khu vực Trường Sa, đội tàu hải giám của Trung Quốc hôm qua 03/07/2012 đã ngăn chặn và đuổi một chiếc tàu của Việt Nam ra khỏi một khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ. Báo chí Trung Quốc đã tiết lộ tin trên, nhưng không nói rõ là tàu Việt Nam thuộc loại gì.
Theo Tân Hoa Xã, hải đội gồm 4 chiếc tàu hải giám xuất phát từ Tam Á trên đảo Hải Nam ngày 26/06 vừa qua, đã đến vùng bãi đá Hoa Dương (Việt Nam gọi là Châu Viên) ngày 01/07, sau đó tiếp tục hành trình đến vùng đảo đá ngầm Vĩnh Thử (Việt Nam gọi là Ðảo Ðá Chữ Thập) ở quần đảo Trường Sa. Các đảo này đều bị Bắc Kinh chiếm đóng vào năm 1988.

Tân Hoa Xã cho biết là khi đang tuần tra trong khu vực này, đội tàu Trung Quốc đã bất ngờ phát hiện một chiếc tàu Việt Nam đang chạy với vận tốc nhanh. Phía Trung Quốc đã lập tức chặn đường tàu Việt Nam, triển khai đội hình bao vây, rồi lên tiếng cảnh cáo bằng ba thứ tiếng Anh, Hoa và Việt, nội dung xác định là vùng biển đó thuộc chủ quyền Trung Quốc, đồng thời yêu cầu tàu Việt Nam rời khỏi khu vực. Theo Tân Hoa Xã, 10 phút sau đó, tàu Việt Nam đã giảm tốc độ và rút lui ra khỏi khu vực.
Xin nhắc lại là Việt Nam và Trung Quốc đều đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Quần đảo Trường Sa. Vào năm 1988, Hải quân Trung Quốc đã tấn công chiếm đóng một số hòn đảo nằm trong quyền kiểm soát của Việt Nam, rồi càng lúc càng củng cố các cơ sở của họ trên các đảo đó.

Trên đảo Đá Châu Viên chẳng hạn, Trung Quốc đã cho xây dựng những pháo đài kiên cố, trang bị các thiết bị thông tin cao tần và siêu cao tần, radar tìm kiếm, để sẵn sàng sử dụng đảo này làm căn cứ cho chiến hạm Trung Quốc. Trên Ðảo Chữ Thập cũng vậy, Trung Quốc đã xây dựng pháo đài, hệ thống truyền tin vệ tinh.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc cử 4 chiếc tàu hải giám xuống tuần tra ở vùng quần đảo Trường Sa nằm trong ý đồ dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền của họ tại vùng Biển Đông, đang được Bắc Kinh đẩy mạnh từ khi Việt Nam thông qua bộ Luật Biển ngày 21/06 vừa qua.

Hành động này kèm theo một loạt động thái leo thang tranh chấp khác, từ việc nâng cấp đơn vị hành chánh Tam Sa, được giao quyền quản lý cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, đặt cơ sở quân sự và hành chánh trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa mà ho đã đánh chiếm từ năm 1974. Không những thế, tập đoàn dầu khí hải dương CNOOC còn ngang nhiên phân lô vùng thềm lục địa của Việt Nam rồi mời gọi quốc tế đấu thầu thăm dò dầu khí.

Động thái hung hăng của Bắc Kinh còn thể hiện qua việc quân đội Trung Quốc nhập cuộc, khi phát ngôn viên bộ Quốc phòng nước này, ngày 28/06 vừa qua, loan báo là họ đã tiến hành các cuộc "tuần tra võ trang" tại vùng Biển Đông, và sẵn sàng đối phó với mọi hành động bị họ cho là "khiêu khích quân sự", ám chỉ việc Việt Nam trước đó đã cho phi cơ Sukhoi 27 tuần tra tại vùng Trường Sa.
 Báo chí Trung Quốc đã loan tải rộng rãi tin trên, và đây là  phản ứng  từ phía Việt Nam.

Thông tin về bốn tàu hải giám của Trung Quốc tiến hành hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và ngăn chặn tàu cảnh sát biển của Việt Nam được phát vào ngày 3/7 trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và lan truyền trên mạng ngày 4/7. Tuy nhiên, chỉ đến khi trang mạng BBC tiếng Việt dẫn lại bản tin của CCTV với dòng tít "Tàu Việt Nam bị Trung Quốc rượt đuổi trên biển", vụ việc mới nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Theo như hình ảnh trong phóng sự, đã có sự tiếp cận trực tiếp giữa tàu cảnh sát biển của Việt Nam với 4 tàu hải giám Trung Quốc. Hai bên đối đáp qua lại và đều khẳng định chủ quyền của mình với vùng biển các tàu xuất hiện. Ngay sau đó, CCTV mô tả, các tàu hải giám của Trung Quốc "thay đổi đội hình, cả 4 tàu cùng quay đầu hướng về tàu Việt Nam" và "sau chừng 10 phút, tàu Việt Nam giảm tốc độ, rút lui".
Đội tàu hải giám của Trung Quốc tại khu vực diễn tập được cho là gần một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp từ clip phóng sự của CCTV.
Phân tích các hình ảnh đã bị biên tập, cắt nhỏ trong clip, một bài viết trong diễn đàn Thế hệ trẻ Việt Nam nêu quan điểm, hoàn toàn không có chuyện tàu cảnh sát biển Việt Nam bị "rượt đuổi khỏi Trường Sa" mà hai bên chỉ "đối đáp qua lại" bằng hệ thống loa. "Truyền hình Trung Quốc cố tình dàn dựng, với lời bình khiêu khích nhằm cố khẳng định tính chính danh của họ ở Biển Đông", người viết bình luận.
Bài viết cũng kêu gọi kêu gọi mọi người bình tĩnh để lắng nghe lại lời của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cảnh báo tàu Trung Quốc trong clip: "Đây là tàu cảnh sát biển Việt Nam số 5012. Các vị đã vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đề nghị rút khỏi khu vực này ngay lập tức".
Chỉ sau ít giờ, bài viết này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng facebook và nhận được hàng chục comment hưởng ứng. Nick Nam Lam viết: "Yên tâm đi, người Việt Nam kiên cường, thông minh, đâu dễ gì chao đảo. Việt Nam đoàn kết, đương đầu mọi thử thách". Còn Sanbang thì hoan nghênh tinh thần và chúc các chiến sĩ cảnh sát biển luôn hoàn thành nhiệm vụ khi nhìn nhận rõ sự phức tạp của vụ việc.
Phân tích yếu tố có phóng viên đi cùng đoàn tàu hải giám, admin của một trang web khác cho rằng "cuộc tuần tra (của Trung Quốc) chủ yếu là để tạo dựng một màn kịch trên sóng truyền hình".
Cùng chung chủ đề, diễn dàn Nhật ký yêu nước dẫn lại bản tin của CCTV kèm clip phóng sự. Lời kêu gọi "Hãy nhấn share (chia sẻ bài viết) cho bạn bè để cùng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc" đã nhận được hưởng ứng của hàng trăm thành viên.
Trước những "cái đầu nóng" của một số bạn trẻ khi có những lời lẽ bột phát, thiếu kìm chế một thành viên trên mạng facebook chia sẻ: "Mong các bạn bình tĩnh suy xét. Dù trên biển hay trên đất liền, các chiến sĩ của chúng ta luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Tàu cảnh sát biển 5012, con tàu được nhắc đến trong phóng sự của CCTV. Ảnh chụp từ clip.
Các diễn đàn này cùng hàng loạt trang mạng khác cũng nhanh chóng dẫn lại tin của TTXVN bác bỏ thông tin trên báo chí Trung Quốc.
Theo bản tin phát đi tối 4/7 của TTXVN, Việt Nam bác bỏ thông tin tàu Hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu công vụ của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu Hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa - nơi Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền
TTXVN khẳng định, việc tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực. "Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông", TTXVN nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ