Đi dọc con đường xuống phía nam nước Áo, cách Vienna hơn 100km, chúng tôi rẽ vào một cánh rừng. Từ trên ô tô, Hưng (anh bạn Việt Kiều) bảo làng Neudau (huyện Hartberg, Steiemark, Áo) ở phía trước. Nhìn theo hướng của Hưng, chỉ thấy núi non ngút ngàn và những rừng cây trùng điệp mờ mờ trong những dải sương.
1- Ấm lòng tình Việt
Nước Áo, sang xuân vẫn lạnh, trời đất âm u, thỉnh thoảng mới thấy ánh nắng mặt trời càng làm cho miền sơn cước thêm vẻ ảm đạm. Xe vẫn chạy trên con đường nhựa phẳng lỳ dưới tán cây rừng, lúc lên dốc, mây bay qua cửa kính, khi thì lọt thỏm trong thung lũng. Không một bóng người, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc ô tô ngược chiều hoặc con nai, con hoẵng chạy ngang đường... Tôi đinh ninh Neudau u tịch, buồn tẻ...Và rồi làng Neudau đã hiện ra trước mặt, trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng của tôi.
Cuộc hội ngộ của những người đồng hương
Neudau có diện tích 1014ha, với 1300 dân, ở đây có đầy đủ các thiết chế của một đô thị lớn, từ ngân hàng, bưu điện, siêu thị, trường học, bể bơi, sân vận động đến đội cứu hỏa...
Ra đón chúng tôi từ trong ngôi biệt thự sang trọng nằm vắt vẻo trên triền dốc là người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn. Sự xuất hiện đột ngột của tôi, làm cho anh thoáng chút ngỡ ngàng. Nghe Hưng giới thiệu tôi mới ở Việt Nam sang, anh chằm bặp như vớ được vàng, nắm tay tôi kéo vào nhà, nói như reo “đồng hương người Việt mình rồi``. Vợ anh thì rối rít giục mấy đứa trẻ đang nô đùa trên gác “xuống chào bác’’, rồi mang bia bày la liệt trên bàn, đon đả mời chào. Sau vài tuần chạm cốc, chuyện trên trời dưới bể, như những người bạn thân lâu ngày tái ngộ, chúng tôi mới chợt nhận ra chưa biết tên nhau. Chủ nhân của ngôi biệt thự ấy là anh Bùi Văn Công và vợ là Lê Thị Mai. Cả hai vợ chồng quê ở Thanh Hóa.
Khu trung tâm Neudau
Trong lúc chúng tôi ngồi uống bia, thì Mai xăng xái, chuẩn bị đồ ăn, Công liên tục điện thoại mời gọi bạn bè. Ngỡ gia đình có liên hoan, tôi xin phép cáo từ. Công nằng nặc: “bác đến, em gọi bạn nhậu cho vui thôi’’.
Cũng như vợ chồng Công, những người bạn Việt của vợ chồng Công gặp tôi ai cũng tay bắt, mặt mừng...Mùi thịt nướng thơm lừng, tiếng cụng ly côm cốp, những tiếng cười hào sảng khiến nhà Công náo nhiệt như có hội. Họ đón tôi như những người tri kỷ, vừa ăn, vừa kể cho tôi nghe những kỷ niệm về quê hương khi còn ở Việt Nam...ai cũng đầy ắp những hoài niệm về gia đình, làng xóm...
Mớ rau cũng chia đôi
Công kể, ở làng Neudau có 15 gia đình người Việt, đều là con em nông dân, người quê Thanh Hóa, người Hải Dương, Nam Định...Trước đây làm việc ở Tiệp Khắc, khi xảy ra “cách mạng nhung „ phiêu bạt sang Áo và định cư ở Neudau. Bây giờ phần lớn làm công nhân trong hãng Bockenstein (cùng địa chỉ). Cùng trải qua những ngày, “nếm mật nằm gai „ trong trại tỵ nạn, nên mọi người coi nhau như ruột thịt. Động bát, động đũa là có nhau. Thỉnh thoảng lại tập trung mổ lợn, cũng lòng lợn, tiết canh...như ngày 30 tết ở Việt Nam. Công thủ thỉ, bọn em xa quê hương hơn 20 năm nay, Neudau là vùng nông thôn, gặp được người Vịêt mình là quý lắm. Bây giờ đã thành thông lệ, cứ thứ bảy, chủ nhật, các gia đình từ người lớn đến trẻ con lại tập trung nhau lại ăn cơm. Tuần này nhà này, tuần sau nhà khác. Ai cũng mong đến ngày nghỉ để được gặp nhau hoan hỉ, kể cho nhau nghe những chuyện mới ở quê, vợi đi nỗi nhớ. Điều quan trọng là cho các cháu được giao lưu, gắn bó với nhau, được nói tiếng Việt và hiểu được văn hóa của Người Việt...Có cái gì đó ngèn ngẹn trong giọng nói của Công, tôi lảng sang chuyện khác: cánh đàn ông uống bia, bắt chị em vất vả. Công khôi hài: “Phụ nữ Việt Nam, giỏi việc nước, đảm việc nhà mà bác``. Nghe chồng nói vậy, Mai chỉ tủm tỉm cười.
Những ngày ở Neudau, hết gia đình này đến gia đình khác, xung phong đưa đón tôi đi thăm vùng đất của họ, mời tôi về nhà và mỗi buổi chiều lại gọi nhau “uống chén rươụ quê ``.
Nhà trẻ trong khuôn viên hàng nghìn m vuông nhưng chỉ có 20 cháu.
Đưa tôi đến thăm ngôi biệt thự của mình, Hiệp chỉ sang ngôi biệt thự bên kia đường giới thiệu “đó là nhà anh Chiến``, cùng làm trong hãng Bockenstein. Tôi hỏi, người Việt ở đây nhà nào cũng ở biệt thự, có vài chiếc ô tô, chắc thu nhập khá? Hiệp không giấu diếm: “Gia đình, người Việt ở đây cả hai vợ chồng làm công nhân, lương mỗi tháng bình quân 1300 Euro một người. Trừ chi phí sinh hoạt còn để ra được 1 suất lương. Tuy nhiên không thể dựa vào số tiền này mà mua được đất, xây được nhà. Bà con mình ở đây đều tự xây nhà. Hết giờ làm việc là vợ phụ hồ, chồng xây, có khi thức suốt đêm để làm. Không cần phải mời gọi, anh em người Việt ai rảnh là xúm vào làm giúp, làm xong, về nhà ăn cơm, coi như việc nhà mình. Làm trong nhà máy rất vất vả, nhất là những hôm làm ca đêm, nhưng mình là nông dân Việt. Ai cũng cần cù, chịu khó...``
Trong mỗi căn nhà của Người Việt ở Neudau, nhà nào cũng có một khoảnh vườn trồng rau Việt. Đủ các loại, từ bầu, bí, rau muống, đến lá ngải, mồng tơi, húng láng...Hưng kể, có được vườn rau Việt như hôm nay là một kỳ tích, mỗi lần về Việt Nam ai cũng mang theo giống rau sang. Đi nửa vòng trái đất, nâng như nâng trứng, có khi đến nơi thì héo quắt, có khi trồng được mấy ngày, gặp trời đổ tuyết là công toi. “Tiếc nhỏ máu mắt „. Phải mất hàng chục năm trời rau Việt mới thích nghi được ở đây. Rau là đặc sản“quý như vàng „. Thế nhưng vườn rau được coi như của chung, là nhà này đến hái của nhà kia không cần phải hỏi. Chúng em coi nhau như một gia đình.
Hưng kể tiếp, có lần chị Nguyệt (vợ anh Chiến) đổ bệnh phải đi cấp cứu, mọi người cả tuần dường như không ngủ. Phụ nữ thì lo giúp việc nhà, trông trẻ, cơm nước, cánh đàn ông thì thay nhau túc trực trên bệnh viện... Chẳng ai bảo ai, nhưng nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một khoản tiền để giúp phòng khi bất trắc. Phấp phỏng lo âu, như lo cho chính người trong gia đình mình vậy. Vui nhất là những ngày cúng giỗ. Ngày giỗ người thân đã khuất nay trở thành của ngày giỗ chung. Ở đây không có ngày nghỉ lễ tết của Việt Nam. “Mỗi dịp như vậy, anh em lại tự tổ chức liên hoan với nhau, chúng em muốn nhắc cho bọn trẻ mình là dân Việt Nam, không được quên cội nguồn, cha ông mình „
Người Việt ở Neudau giống những người nông dân ở ngôi làng ven biển Việt Nam của tôi trước đây đến thế, ai cũng chất phác, cần cù, người lạ gặp nhau cũng chào hỏi, nhà không cần khoá cửa, mớ rau cũng chia đôi...Tình làng, nghĩa xóm như một viên ngọc lấp lánh giữa bộn bề của cuộc sống hôm nay.
Một góc làng Neudau
2 – Bầu cử và quà sinh nhật
Không trống dong, cờ mở
Tôi đến Neudau đúng vào thời điểm ở đây diễn ra cuộc bầu cử làng (tương đương với cấp xã). Một buổi sáng, vừa mở cửa, thấy một gói quà gồm bánh mỳ, bơ, sữa treo lủng lẳng trên cánh cửa nhà Hưng. Hưng bảo, đấy là quà của đảng ÖVP. Hiện tại ở Neudau, chính quyền chủ yếu do đảng SPÖ (đảng xã hội dân chủ) và đảng ÖVP (đảng nhân dân Áo) nắm giữ. Mỗi kỳ bầu cử các đảng lại thi nhau tặng quà cho dân để tranh thủ sự ủng hộ.
Đang chơi ở nhà Khánh thì có khách. Trên xe bước xuống là một người đàn ông. Khánh giới thiệu đó là kỹ sư Franz Koch - Phó Chủ tịch làng Neudauberg, thuộc đảng SPÖ, ứng cử viên tranh cử chức Chủ tịch trong đợt bầu cử sắp tới. Sau khi bắt tay chúng tôi, hỏi thăm việc làm ăn của vợ chồng Khánh, việc học hành của các cháu có gì thuận lợi, khó khăn, ông trao cho Khánh một gói quà rồi nói: “gia đình ông hãy bầu cho tôi, có việc liên quan đến chính quyền, tôi sẵn sàng giúp đỡ „. Và ông lấy một gói quà tặng cho tôi (gồm một đôi găng tay, một chiếc bật lửa, trên đó ghi biểu tượng của đảng SPÖ, với lời kêu gọi: Chúng ta hãy đoàn kết, ủng hộ kỹ sư Franz Koch và đảng SPÖ....). Tôi bảo, tôi không phải công dân ở đây, không giúp được gì cho ông. Nở một nụ cười thân thiện, ông nói: Không sao, ngài hãy nói với bạn ngài ủng hộ cho tôi và đảng của tôi. Trước khi lên xe, ông còn ngoái lại nói: “Danke, auf wiedersehen „ (cảm ơn, tạm biệt và hẹn gặp lại).
Điều khác lạ là việc bầu cử ở đây không mấy được người dân quan tâm. Họ bảo đảng nào nắm chính quyền cũng được. Đặc biệt không trống dong, cờ mở, không băng rôn, khẩu hiệu. Không khí bầu cử chỉ thấy được ở trung tâm hành chính của làng. Ở đây có những tấm Pano, trên đó có ảnh ứng cử viên, logo đảng của họ và lời mời “hãy bầu cho tôi „. Đa số các ứng cử viên có học vị tiến sĩ, thấp nhất là đại học. Làm lãnh đạo chỉ là một phần công việc của họ. Có người vừa làm Chủ tịch, vừa làm hiệu trưởng một trường phổ thông, hoặc làm việc trong các Công ty theo ngành đã được đào tạo.
Món quà sinh nhật bất ngờ
Nhà Công, có một tấm danh thiếp được để ở vị trí rất trang trọng trong phòng khách. Tò mò tôi hỏi, Công kể sau khi sinh cháu Mai Lan được 1 tuần, một buổi sáng, nhân viên bưu điện mang đến gia đình Công một gói quà, trong đó có chiếc phong bì, tên người gửi là ông chủ tịch làng, Tiến sĩ Wolfgang Dolesch. Thật bất ngờ đó là tấm danh thiếp, do ông chủ tịch trực tiếp viết, ký tên: “Cảm ơn ông bà đã sinh cho nước Áo công dân Mai Lan. Chúc cháu phát triển tốt để trở thành người có ích „. Kể xong câu chuyện, Công tuyên bố, cả nhà tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy. Và cũng thật bất ngờ, Công hỏi tôi: “Chủ tịch xã ở mình có làm thế không bác? „
Bể bơi làng Neudau
3- Nông dân Áo
Hưng đưa tôi đến thăm gia đình ông Radl Karl - một gia đình nông dân Áo. Vợ chồng Radl Karl đã trên 70 tuổi và con trai hơn 40 tuổi nhưng chưa lấy vợ. Nhà của Radl Karl tọa lạc trên một mảnh đất hơn 1 ha, ngôi biệt thự giành cho cậu con trai, còn ông bà Radl Karl ở dãy nhà ngang, gần với kho thức ăn gia súc và khu chuồng trại chăn nuôi. Trong chuồng của gia đình Radl Karl nuôi hàng trăm con lợn, vài ba trăm gà, vịt. Con nào cũng mỡ màng, béo tròn nung núc.
Vợ chồng Radl Karl trước đây làm công nhân, hưởng lương hưu 600Euro/ người/ tháng. Radl Karl là một ông già ít nói, đôn hậu. Trong lúc nói chuyện với tôi, Radl Karl vẫn luôn chân, luôn tay, khi thì thu đống cỏ khô trong chuồng lợn, khi thì chuyển những bao thức ăn vào kho...Thỉnh thoảng Radl Karl lại lấy tay đấm đấm vào lưng, ngồi xuống bao đựng thức ăn, dựa lưng vào tường. Hàng ngày, vợ chồng Radl Karl dâỵ từ 7 giờ sáng, xách xô vào kho lấy thức ăn cho lợn, gà. Sau đó mới ăn sáng. Bữa ăn của họ khi là một tấm bánh mỳ với 1 quả trứng oplet, khi chỉ là một tấm bánh mỳ với bơ. Ngoài 3 bữa ăn là thời gian nghỉ ngơi, vợ chồng Radl Karl làm việc suốt ngày đến 7 giờ tối. Hết thu trứng sắp vào khay, tắm rửa cho lợn lại chuẩn bị bữa ăn cho gà...
Hầu hết thức ăn chăn nuôi do gia đình Radl Karl tự sản xuất, chế biến. Gia đình Radl Karl có 14 ha đất canh tác, trồng ngô, lúa mạch, bí. Ngô và lúa mạch giành cho chăn nuôi, sau khi thu hoạch, được sấy khô ngay tại ruộng, rồi đổ vào bồn chứa. Bồn chứa đặt trên cao như một tec nước, có đường dẫn vào máy nghiền. Mở van là ngô, lúa mạch tự chảy vào máy. Bí lấy hạt ép dầu để bán. Ngoài 2 chiếc ô tô để thỉnh thoảng ra đồng, nhà Radl Karl có một xưởng nông cụ, 3 chiếc máy cày, còn khu chế biến thức ăn chăn nuôi không khác một nhà máy.
Từ cày, cấy, gieo hạt, đến chế biến thức ăn cho gia súc, đều do vợ chồng Radl Karl làm - Tất cả đều làm bằng máy. Cậu con trai hiện đang làm công nhân xây dựng chỉ phụ giúp lúc mùa vụ. Vào vụ làm đất, hai bố con Radl Karl cày ruộng suốt đêm
Nhà Radl Karl là một địa chỉ cung cấp thức ăn có uy tín cho người dân trong vùng, ngay đầu nhà Radl Karl có một biển quảng cáo lớn: bán gà, trứng, nước ép trái cây...Mọi người thích mua sản phẩm của Radl Karl vừa tươi, không có chất bảo quản, lại vừa rẻ hơn siêu thị.
Nhìn những bước đi có phần chậm chạm của Radl Karl, tôi ái ngại hỏi: lương hưu của ông bà ăn tiêu thừa sung túc, sao còn làm cho vất vả? Nở một nụ cười hiền khô Radl Karl lại lấy tay đấm đấm vào lưng nói: Không làm thì đau lưng lắm. Tôi rất thích lao động và còn để giúp con trai. Thế ông có uống rượu, bia không? Tôi hỏi. Radl Karl chỉ tủm tỉm lắc đầu. Quay máy ảnh về phía vợ Radl Karl, tôi định chụp một kiểu, bà xua tay: “nein, nein „ (không, không) che mặt e ngại rồi chạy vào phòng.
Cách nhà Radl Karl khoảng 1km là ngôi biệt thự của Mortin Evelyne - một nông dân chính hiệu. Mortin Evelyne khoảng trên 40 tuổi, to béo đúng là một lực điền. Gia đình Mortin Evelyne có 6ha rừng, chủ yếu trồng cây lấy gỗ và lấy củi bán cho nhà máy và người dân đốt lò sưởi. Còn lại 6ha giành cho việc chăn nuôi. Trong chuồng của Mortin Evelyne có hàng nghìn con thỏ được phân loại riêng, khu nuôi lấy thịt, khu thỏ đẻ, khu mới lớn. Thức ăn, nước uống cho Thỏ chứa trong chiếc bồn cao, có đường ống dẫn đến máng ở các dãy chuồng. Chỉ cần xoáy van là tự chảy đến máng. Bên cạnh khu chuồng thỏ là chuồng lợn hàng trăm con, ngoài bãi còn có hàng trăm con vừa cừu, vừa bò, vừa ngựa. Mortin Evelyne làm việc như một “cỗ máy„ từ 7 đến 8 giờ sáng, hai vợ chồng xả thức ăn, nước uống cho thỏ, lợn, mang cỏ khô cho cừu ngựa. Sau đó Mortin Evelyne phóng xe ô tô lên rừng làm việc. 3giờ chiều trở về nhà chăm lo cho đám gia súc, với hàng trăm thứ việc: Lúc thì đi siêu thị mua bánh mì, rau, sữa, hạ giá để cho lợn, lúc thì nghiền thức ăn, lúc thì đỡ đẻ cho cừu...Và công việc chỉ kết thúc khi đàn gia súc đã ngủ ngon (thường vào 7 giờ tối). Trong khu chuồng lợn và thỏ luôn phát ra một bản nhạc rất êm, Mortin Evelyne bảo “để cho chúng ngủ „ và hàng ngày Mortin Evelyne ghi chép nhật ký về tình trạng sức khỏe, ăn uống, tiêm phòng... cho đám gia súc này rất cẩn thận. Vợ Mortin Evelyne làm nghề giữ trẻ, chỉ phụ giúp chồng lúc hết giờ, công việc chủ yếu do Mortin Evelyne đảm nhận.
Mỗi tháng 2 lần, Mortin Evelyne giết lợn, làm xúc xích, thịt hun khói… và nấu rượu, bán cho người dân trong vùng. Nước Áo cho phép người dân nấu rượu để uống, nhưng không quá 50 lít/1 năm. Tôi đùa “rượu lậu”? Mortin Evelyne cười, rót cho tôi 1 chén bảo: “Super”. Cũng nhờ Mortin Evelyne mà bà con người Việt mình có món lòng lơn, tiết canh. Tôi hỏi ông có hay đi du lịch? Mortin Evelyne chỉ vào chuồng thỏ và cốc bia cười lớn, lắc đầu “nó giữ chân mình”.
1 tuần ở Neudau, sống với những người nông dân Áo, chưa một lần tôi thấy tiệc tùng, bữa ăn của họ cũng rất đạm bạc, bánh mỳ + xúc xích, hoặc thịt + salat. Mặc dù gia đình nào cũng là tỷ phú. Tuy nhiên hỏi về thu nhập, họ chỉ tủm tỉm cười.
Anh công bên ngôi biệt thự của mình.
Mortin Evelyne bên căn nhà của mình
Lê Chiên
(Từ Vienna, cộng hòa Áo gửi đến Vietinfo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét