Chương 4 -1 .Không cần sổ sách, văn tự nhưng lại có sự trừng phạt của “luật rừng” thay thế, từ lâu bọn bụi đời ngấm ngầm thỏa hiệp với nhau chia thị xã Đông Hà ra làm ba khu vực “cai quản”.
Từ chợ Đông Hà đổ ngược lên phía tây, bên ngoài đường 9 là vùng kiểm soát của đảng cướp “Đào lưu”. Từ cửa chợ đổ về hướng đông, qua bên kia Quốc lộ I và phía nam đường 9, bao gồm cả khu cảng cả vùng phía bắc cầu Đông Hà đều thuộc đất của đảng “Mãng xà”. Ga tàu lửa và đoạn đường Quốc lộ trước mặt ga kéo vào cho đến quá cầu Lai Phước là khu vực độc tôn của đảng “Hận đời”..
Trước đây đảng “Đào lưu” là một lực lượng đáng gờm nhất. Khu vực “kiểm soát” của nó được kéo dài xuống tận cảng và lan qua bên kia đường 9. Nhưng sau một lần xích mích với bọn “Mãng xà” thì hai toán xảy ra một cuộc sát phạt khá đẫm máu. Lực lượng “Đào lưu” thiệt hại nặng.
Sau đó một số sợ hãi bỏ chạy qua đảng “Hận đời”. Cho đến bây giờ trong tay trưởng đảng Quản nhọn chỉ còn bốn chiến hữu với một vài cơ sở chứa chấp. Hắn đành cúi đầu chịu nhục mà thu hẹp địa bàn lại. Nhưng nào có yên, lực lượng bọn “Mãng xà” ngày một bành trướng. Nghe đâu đã lên tới trên hai chục đứa. Chúng trắng trợn lấn tràn qua bên này chợ. Quản nhọn vừa căm uất, vừa hoảng sợ. Đích thân hắn phải tìm gặp trưởng đảng “Hận đời”, cống nộp 10 ngàn đồng để xin hợp tác lực lượng sát phạt lại bọn “Mãng xà”. Nhưng Hậu lác, con người đã khắc đậm giữa ngực hai chữ “Hận đời” không thèm nói nửa lời với Quản nhọn, đã thế lại cướp không 10 ngàn bạc không chút xấu hổ. Rồi tiếp đó, biết lực lượng “Đào lưu” đã quá tan tác, đảng “Hận đời” nhanh chóng thọc bàn tay lên vùng đường 9. Thế là Quản nhọn bị kẹp giữa hai thế lực mạnh. Hắn lồng lộn đến sùi bọt mép. Nhưng biết làm sao được, đảng “Đào lưu” đang đặt trước nguy cơ xóa sổ.
Cho nên không dễ gì mà Quản nhọn cúi đầu nhường chức thủ lĩnh cho một kẻ ngoài đảng như Trương Sỏi (tức Lãm). Tình thế thúc ép Quản phải hành động như vậy. Trương Sỏi nhanh chóng nắm được tâm trạng ấy của nhóm cướp, hắn tập hợp bọn đàn em lại, chậm rãi tuyên bố:
- Tôi không thích sống theo kiểu này. Bình sinh Trương Sỏi tôi vốn ưa điều ngay thật. (Hắn bắt đầu quen với lối nói trong sách chưởng). Nhưng cảm mến tấm lòng ưu ái của anh em, tôi không nỡ bỏ. vì vậy, ta cần nói thẳng với nhau một điều. Tôi sẽ không tham gia vào những vụ trấn lột. Chuyện đó mặc kệ anh Quản. Tôi chỉ ra tay giúp anh em dạy cho bọn “Mãng xà” và “Hận đời” những bài học bằng máu về sự láo xược, để chúng nó biết thế nào là công bằng. Sẽ thu hồi lại “lãnh thổ” của đảng ta. Sau khi những mục tiêu ấy thành đạt thì anh em cho phép kẻ biếng lười này rút lui. Lúc đó ép nhau cũng không được.
Tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Quản nhọn đứng dậy vòng hai tay lên trước mặt y như một vị đại quan đứng trước mặt Thượng hoàng trong các vở tuồng cổ:
- Trình đại ca! Bọn đàn em cũng biết đại ca là bậc danh tiếng chẳng thèm dấy bẩn vì đám bụi đời này, cho nên không dám phiền nhiều đến đại ca. Công việc làm ăn hàng ngày là việc vặt vãnh. Đại ca cứ thẳng lưng mà ngủ đừng có lao tâm làm chi. Chỉ mong sao, bằng uy danh của mình, đại ca phục hồi lại cho đảng “Đào lưu” những gì đã mất – Nói đến đây đôi mắt Quản nhọn chớp chớp như muốn khóc. Hắn quay lại phía bọn đàn em – Hỡi ôi, hẳn anh em đều chưa quên lịch sử. Sở dĩ chúng ta mang danh “Đào lưu”, bởi vì từ thuở mới khai trương đảng anh em mình dọc ngang như con nước xiết, mênh mang đất trời không hề biết quy phục ai. Lúc đó làm chi có bọn nhãi nhép “Mãng xà”? Làm chi có tụi mất dạy “Hận đời”? Chỉ có ta thôi. “Đào lưu” là dòng chảy của máu đó. Bây giờ dòng máu ấy đang bầm tím lại, sôi sùng sục vì uất hận – Hắn lại xoay người lên hướng Trương Sỏi – Nếu nhờ danh tiếng của đại ca mà uy danh đảng ta lại lẫy lừng như trước thì lúc đó xin mời đại ca cứ an nghỉ, thẳng bụng mà ăn, thẳng lưng mà ngủ. Bọn đàn em này xin suốt đời làm tôi tớ cho đại ca.
Đại khái cuộc hội ngộ đầu tiên là thế. Rồi rượu lại được rót ra. Rồi những lời thưa trình xủng xoảng, kỳ quái. Nhưng đến đó thì Trương Sỏi không còn nghe gì nữa. Cả đời không quen uống rượu, giờ uống vào là Sỏi không còn nghe gì hết.
Đến lúc Trương Sỏi tỉnh rượu thì không còn một ai ở bên cạnh. Trời nhá nhem tối. Sỏi biết rằng bọn chúng đã ra đi. Cây đèn dầu bóng dài bắt màu sáng xanh lè ra mặt đường 9. Cô chủ quán, một cô gái chừng mười tám tuổi, tóc quăn râu ngô, mũi gãy, má lem lém vết chàm đang xoa bóp ở đùi Trương Sỏi. Cô gái cười một kiểu cười dị dạng.
- Đại ca... ngủ ngon hè?
Trương Sỏi nhíu mày khó chịu. Cái thằng Quản nhọn bày ra lắm trò quỉ quái quá. Hắn nhặt đâu được con bé tởm lợm thế này? Cái quán này là “bản doanh” của đảng “Đào lưu”. Chủ quán là người trong bọn. Đây là chỗ ăn, họp, chỗ bàn tính âm mưu. Quán lui xa khỏi thị trấn, đặt ở chỗ cua trên đường từ Cam Lộ về Đông Hà. Có lẽ trước ngày Trương Sỏi về đây, con bé khốn khổ này đã từng xoa bóp kiểu này cho Quản nhọn và nhiều thằng khác. Nghĩ vậy bất giác Trương Sỏi rùng mình.
Rượu chưa tan hẳn trong đầu, cái độ nồng còn lại đủ gây cho Sỏi một nỗi buồn da diết. Cuộc đời! Cái gì đã qua và cái gì đang đến? Kỷ niệm tuổi thơ vẫn chưa chịu chết hẳn, mặc dù cuộc sống người lớn đã chồng chất đè nặng lên nó hết lớp này đến lớp khác. bàn tay cô chủ quán vẫn xoa lên khắp da thịt Sỏi. Hơi rượu cũng lan man bò trong tâm khảm anh. Văng vẳng đâu đó tiếng hát trầm trầm. Bài hát “Chiếc khăn piêu...” Những đêm chiếu phim nhộn nhịp và hồ hởi... Những buổi thả trâu ngoài trảng Phước. Tiếng mõ trâu lóc cóc khua rền. Bài ca “chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng” thường lẫn vào trong những âm thanh ấy. Hồi đó, người thích hát bài ấy mới là một thanh niên, bước đầu lên tuổi thanh niên, người đó không biết rằng bài hát ấy nói về một câu chuyện tình yêu chan chứa... Tình yêu là gì anh ta nào có ý thức được. Đến bây giờ, đến tuổi trưởng thành thì làm gì còn những lời ca kia nữa. Tất cả đã không thèm quay trở lại với anh...
- Đại ca dùng một chai Cô – ca cho nhả rượu nghe?
Sỏi lắc đầu. Hắn đang cần rượu để được ngủ tiếp trong trạng thái đê mê ấy. Công việc Sỏi định làm trong đêm nay là về dưới bờ ruộng chỗ gần chiếc cầu tay vượn để mò lại khẩu súng ngắn. Khẩu súng của tên cảnh sát văng vào chân Sỏi trong cái đêm hút chết ấy. Bây giờ Sỏi thấy cần đến nó! Cần làm gì? Trương Sỏi chưa có ý định rõ rệt. Có lẽ trước hết chỉ để tăng thêm phần oai vệ mà thôi.
Nhưng Trương Sỏi vẫn nằm yên, mắt khép hờ. Hơi rượu âm ỉ chuyển động trong từng tế bào. Bao mệt mỏi của một cuộc chạy đua đường trường của mặc cảm và chí phục thù, tích tụ lại trong cơ bắp, thần kinh, nay đang tan hòa, bốc hơi ra khỏi người hắn. Một sự đền bù từ phía ngoài râm ran chuyền vào. Bàn tay cô chủ quán vẫn xoa đều. Quán vắng lặng quá. Ai dám đi đường này vào lúc tối tăm như thế này nữa. Lại càng không ai to gan ăn nhậu ở một cái quán chơ vơ đầy ngờ vực này. Không gian u mờ như hoang đảo. Sỏi khẽ trở mình, quờ tay ra phía trước. Một hơi nóng áp vào ngực hắn hầm hập như nồi nước sôi mở vung. Hắn vẫn không thèm mở mắt. Lúc này hắn tự cho mình có quyền được hưởng những sung sướng mà không cần biết của ai, từ đâu đến.
Sự êm đềm giả tạo ấy không thể kéo dài. Việc có mặt của Trương Sỏi chưa hề mang lại tác dụng gì mà lại quàng thêm vào cổ nhóm cướp một gánh nặng. Những câu thưa bẩm, những lời nịnh hót ngày một thưa thớt dần. Rồi Trương Sỏi đọc thấy trong các ánh mắt vẻ bực bõ, khó chịu của đám bụi đời này. Dần dần là thái độ khinh mạn. Đặc biệt những đêm không kiếm chác được gì, bọn chúng thường cấu xé lẫn nhau.
- Đồ ăn hại! Chỉ được híp mắt lại là giỏi.
- Đ. mạ! Thằng nào ăn hại? Xem cái bả vai tao đây này, chừng này máu chưa đủ cho mày uống à?
- Câm mồm đi! Có đổ máu mới có cái mà nhậu chứ. Cứ phưỡn bụng ra thì lấy cứt mà đổ vào mồm à?
Trương Sỏi đứng bật dậy, máu nóng trong người sôi lên sùng sục. Hắn biết tất cả những lời bới móc ấy nhằm vào ai. Nhục quá! Mà cũng đau quá! Để cho bọn nhãi nhép này xỉ vả thì còn ra cái kiếp chó gì nữa!
Cả bọn vẫn chúi đầu vào bàn ăn. Những quả chuối cuối cùng đã bị bóc vỏ. Những chai la – ve cuối cùng đã dốc ngược đít. Thằng Cún thọt cầm chiếc vỏ chai huơ lên như một gã điên:
- Nốc đi! Đ.mạ, chúng mày nốc đi!
- Còn máu... gì nữa mà nốc?
- Hừ, rứa đứa nào uống? Há? Đứa nào uống hết? Đ.mạ, đứa nào đã uống hết la – ve thì nốc nốt nước đái tao đây này. Ha... ha...
Trương Sỏi lao sầm đến. Bung... xoảng!.. Một cú đá như sét đánh hất tung chiếc bàn ăn, vung tóe bọn người ngồi xung quanh. Cả đám kinh hoàng nằm xuống đất. Lần đầu tiên đại ca nổi giận! Đôi mắt Trương Sỏi long lên sòng sọc.
Quản nhọn run lẩy bẩy:
- Đại... ca... vì sao... đại ca lại như... như vậy?...
Trương Sỏi quay người đi, lòng nặng chịch. Từ ngày đặt chân vào đất này, hắn đã tự nghiến răng lại mà thề dù chết đói cũng không để cho lũ khốn kiếp này coi thường. Huống chi nay, đường đường là “anh hùng nhất khoảnh” thế mà lũ ôn dịch kia dám lăng mạ hắn. Tại sao mình không xông vào đập vỡ sọ chúng nó ra? Sao không cắn xé cho tơi tả những bộ mặt kia ra? Ừ, tại sao? Trương Sỏi bỗng thấy nghẹn ứ trong cổ. Tại sao có trời mà biết! Nhìn những bộ mặt kia vừa thấy đáng ghét, vừa đáng thương. Chúng nó phờ phạc quá, thiểu não quá! Những thằng mười ba, mười bốn tuổi: mười chín hai mươi tuổi... Cái tuổi ăn, tuổi ngủ. Thế mà đói. Đói cả cơm, đói cả ngủ. Đói thì cắn bậy nhau thôi. Còn mình? Chao ôi... ngủ, ngủ li bì trong rượu và thức nhắm. Có lẽ mắt mình híp lên vì ngủ. Có lẽ chúng nó nhìn vào bộ mặt mình còn đáng ghét gấp trăm lần khi mình nhìn mặt chúng nó. Không! Không thể nào đập vào mặt chúng nó được. Mà có đập thì cũng chưa phải lúc. Đánh lúc này là mang tiếng ác, là phản bội, xấu nhất là loại ăn cháo đái bát. Không, tao không thèm quỵt chúng mày đâu. Tao sẽ mang tiền về. Tao sẽ chồng đống bạc ra giữa mặt chúng mày rồi rít lên “Đó, nhậu đi, đồ rẻ rách! Chúi đầu vào như vịt mà ăn đi!”. Phải như thế đã. Sau đó mới dạy cho chúng bài học về sự lễ độ.
Nhưng tiền ở đâu ra? Câu hỏi ấy đến đột ngột khiến Trương Sỏi đứng sững người. Chẳng lẽ... chẳng lẽ mình cũng phải đi ăn trộm ư? Trời ơi thằng Trương Sỏi này mà cũng đi ăn cướp ư? Thằng Trương Sỏi, không, tên nó là Nguyễn Viết Lãm, mà cũng không phải, là Lạng kia, Hoàng Lạng, Ngô Sĩ Lạng... dù sao thì không có cái tên nào thích hợp với nghề cướp. Mình có thể nào lại trở thành nỗi kinh hoàng của ông Cống, chú Trương Phú.
Mồ hôi Sỏi vã ra. Hơi rượu vẫn còn cay cay trong sống mũi. Cần tiền quá! Thậm chí cần rất nhiều tiền nữa. Chỉ cần một lần này thôi, một lần thôi để rửa nhục. Ai khinh hắn còn khả dĩ, chứ để lũ bụi bặm kia kinh thì quá nhục. Tiền! Tại sao mình không có tiền? Bao nhiêu tiền ở đâu hết mà không đến với mình, mặc dù ít ai ham làm bằng mình, ít ai chịu khó chịu khổ bằng mình. Thế mà tiền vẫn ở lì trong túi những kẻ sinh ra để giữ tiền. Tiên sư đứa có tiền! Đ. mạ bọn nhiều tiền! À, tiêu diệt chúng nó đi, bọn có tiền ấy. Móc họng chúng nó ra, lũ chứa tiền ấy. Để cho chúng ít nhất là một lần biết thế nào là nỗi nhục nhã của kẻ không tiền. A ha, móc họng chúng nó ra.. Càng làm cho chúng tiêu điều càng thích... Những ý nghĩ hung ác cứ lồng lộn lên sùng sục như một vạc dầu sôi trong óc Sỏi. Hắn mang ngọn lửa bừng bừng ấy mà đi như chạy về phía thị xã.
Từ xa Trương Sỏi đã vội vã khẳng định mục tiêu. Ngôi nhà hai tầng ngay lối rẽ vào chợ, Nhà ấy hẳn là giàu. Nhà ấy phải bị trừng trị, mặc dù ai là chủ ngôi nhà đó không cần biết. Lúc này còn quá sớm. Người vẫn đi lại thong dong trên phố. Nhưng Trương Sỏi rất sợ sự chậm trễ. Sự chậm chạp có thể làm hắn mất ý chí. Chỉ cần một thoáng đắn đo lúc này là hỏng hết việc. Tiền đâu? Này... Sỏi vịn tay vào bờ tường, lên gồng đu một phát vào phía bên trong. Hú hồn, không một ai nhìn thấy. Sân vắng lặng, nhưng trong nhà vẫn đỏ đèn. Cửa chưa cài. Làm sao đây? Cứ vào thẳng. Tội đếch gì mà lén lút, ăn trộm ư? Cóc cần. Cứ lao sầm vào mà đòi tiền. Băm vằm những đứa có tiền ra. Nào, a – lê – hấp, vô...
“Gâu! Gâu!”. Con chó xồm ở đâu bất ngờ lao ra. Sỏi giật bắn người lùi lại. Con chó sủa dồn dập và chồm chồm người chực cắn.
- Ai đó?
Tiếng hỏi vọng ra. “Gâu! Gâu!”. Tiếng chó đáp khẩn cấp.
- Ai đó?
- Gâu! Gâu!
Đèn bất ngờ bật sáng trưng cả hai gác nhà. Tiếng soạn sửa lích kích như kiểu tìm dao, gậy. Tiếng chân chuyển động sậm sịch. Đột ngột cửa trước được xô tung, ba bóng người cao to lao ra cùng một lúc. Con chó xồm được thế nhảy phốc vào. Bụp! Ẳng... Sỏi chỉ kịp co chân đá tung con chó lên phía trước rồi nhào trở ra bờ tường. Vừa đu lên thì một cây dao lao vù đến may kẻ phóng dao không phải là con nhà võ. Sỏi văng người ra phía ngoài. Vừa lúc có mấy người đi đường qua chỗ đó. Họ hét lên thất thanh và bỏ chạy tán loạn. Bên trong nhà tiếng la ầm ĩ náo động .Sỏi co giò phóng. Đám người đi đường chạy giạt ra hai bên. Chỉ còn có một người đàn bà luýnh quýnh chạy thẳng phía trước mặt. Sỏi lao thục mạng cốt để thoát thân. Nhưng khi đuổi kịp người đàn bà, một ý nghĩ điên dại lóe lên. Sỏi với tay xô nghiêng một cái. Người đàn bà ngã sóng soài. Sỏi cúi nhanh xuống. Hai bàn tay Sỏi quờ quạng khắp người, mặt nạn nhân. Cặp hoa tai... một chiếc nhẫn... một ví căng kẹp dắt trong lưng quần... Hình như người đàn bà ríu lưỡi van lạy. Nhưng tất cả đều lẫn trong tiếng gió. Sỏi chẳng nghe gì cả. Phía sau chó vẫn sủa. Láo nháo tiếng la hét. Sỏi chỉ kịp dừng lại bên người đàn bà độ một phút rồi lại co giò ào ào phóng lên phía trước, nhằm về phía có chiếc quán cô độc. Chúng mày đâu! Lũ bọ hung kia đâu! Tiền đây, cả vàng nữa. Chúi đầu vào mà cười hô hố như chó sủa đi!
Sự êm ả lại trở về với Trương Sỏi. Một phần nhờ vào số tiền cướp được của người đàn bà xấu số nào đó. Phần nữa do bọn cướp kinh hãi trước tài ba có thực của vị đầu đảng, chỉ mới ra tay chưa đầy tiếng đồng hồ đã mang về một đống của cải, lại dốc túi ném hết cho bọn chúng. Con người thế mới hảo hán chứ! Bây giờ dù có hết ăn, dù gặp khi xúi quẩy nhất chúng vẫn không dám hé răng trước mặt Trương Sỏi. Đứa nào cũng lạnh gáy khi nhớ lại cú đá bay chiếc bàn ăn tối nọ. Chỉ cần một cú đá như vậy vào chúng nó thì coi như bai đời.
Lại bắt đầu mùa gió lào. Dấu hiệu đầu tiên là những làn hơi nóng lất phất ở đâu đó không rõ hướng tạo nên cảm giác uể oải và buồn ngủ. Gió lay lao xao tàu chuối, cuốn vật vờ những rác mỏng bên lề chợ. Thế rồi, một buổi sáng nào đó ngủ dậy người ta tự nhiên thấy gió tuôn ào ào. Những cành cây ngả nghiên quằn về một phía. Những khối bụi cuồn cuội trôi dọc các lối đi. Gió vẫn còn man mát nhưng không ru người ngủ được nữa. Bắt đầu thấy ngợp vì gió. Tai lúc nào cũng ù ù tiếng gió. Cổ họng khô bong. Mặt mũi, da dẻ ram ráp bụi. Rồi cái man mát cũng mất luôn, một hơi nóng lạ kỳ từ trong gió phả ra, phần phật như quạt lửa. Lá cây tan tác. Cỏ trên đường khô giòn. Chó thè dài lưỡi thở như dốc ruột. Người cởi vứt áo ngoài, cởi quần dài, cởi cả áo lót. Người và đất lẫn nhau, đen đủi, bụi bặm và nhầy nhụa. Không một chỗ nào có thể ngồi yên. Không thể bình tâm để làm bất cứ việc gì. Cơ thể bốc dần hết nước. Trí não bốc hết sự lanh lợi, khôn ngoan. Trái tim khô cạn mọi rung động. Những ánh mắt trở nên đờ dại, tính khí thất thường và cái bản năng hung hãn trong từng người có thể bất thần cuộn tung lên cùng gió và cát bụi...
Trong mùa gió lào đến, những kẻ khôn ngoan nhất thường phải cố tỉnh táo để có một cách ứng xử thích hợp với mọi người: đừng để mất lòng ai. Thế nhưng, kẻ cầm đầu đảng cướp “Hận đời” lại không phải là người khôn ngoan. Những vụ tranh ăn liên tiếp xảy ra trên trục đường 9. “Hận đời” cậy thế đông thường trấn lột trở lại bọn “Đào lưu”. Mỗi lần bị ăn chặn, đám đàn em lại hớt hải chạy về kêu với Trương Sỏi. Sỏi nghe xong, khẽ lim dim mắt suy nghĩ. Hắn không nói một lời. Đám lâu la đành cắn răng chịu nhục, không dám nói thêm gì nữa.
Chúng nó không biết rằng, chính trong cái bức xúc của gió lào, vị đại ca của đảng “Đào lưu” đang hừng hực một ý nghĩ độc ác. Phải làm cỏ bọn nhãi nhép “Hận đời”! Nhưng bằng cách nào? Trừng trị vài thằng tép riu thì ăn nhằm gì! Rồi để chúng nó co vòi lại, lẩn tránh hết thì còn biết lần mò đâu ra nữa. Phải làm sao phạt cho tận gốc. Làm sao cho lũ đàn em của tên Hậu lác kia hết nơi nương tựa, chúng sẽ phải gục đầu mà xin theo chân Trương Sỏi. Lúc đó uy danh của Sỏi sẽ chùm khắp Đông Hà. Rồi đó, sẽ tính đến chuyện sát phạt “Mãng xà”.
Cũng có lúc cái con người Nguyễn Viết Lãm trong Trương Sỏi chợt thức dậy. Hắn sửng sốt vì một câu hỏi bất thần của trái tim: “Hại một con người như thế có quá ác chăng?”. Nhưng gió lào ào ào thổi bạt chút từ thiện mỏng manh ấy đi. Trương Sỏi quả quyết, Hậu lác là một thằng cướp, nó phải bị trừng trị. Việc ta làm là hành động cao cả của lương tâm (!).
Bọn đàn em không hề đọc được sự tính toán ấy của đảng trưởng. Đám cướp “Hận đời” lại càng không biết chút gì. Sự kiêu căng ngày một xô chúng tới bờ vực tự hủy diệt.
Một sáng nọ, đám cướp “Hận đời” lại phát hiện thấy đích Quản nhọn (mà chúng vẫn đinh ninh là đảng trưởng “Đào lưu”) móc chiếc ví của một bà già từ trên xe Huế ra. Trong lúc cả xe nhốn nháo vì có người bị mất cắp thì Quản nhọn đã lẩn nhanh vào chợ, băng về phía bến đò rồi thoắt cái, đã biến vào một ngõ phố hẻm. Chừng mười phút sau, Quản nhọn xuất hiện ở một quán ăn phía cuối thị xã dọc theo đường 9.
Quản nhọn gọi một tô bún bê ra ngồi ở chiếc bàn ngoài cùng. Hắn ngồi một mình quay lưng ra đường nên không để ý đến một tốp bốn đứa như từ dưới đất chui lên, lẹ làng kéo ghế tới ngồi kẹp sát Quản nhọn. Nhưng kẻ vừa móc được khoản tiền lớn vẫn chúi đầu vào bát bún, không thèm đưa mắt lên nhìn. Cho đến lúc có vật gì đó chọc nhẹ vào mạng sườn gây một cảm giác buốt lạnh như kim đâm thì Quản nhọn mới dừng tay thìa. Lưỡi dao găm bé xíu lấp loáng phía dưới tà áo hắn.
- Ngồi yên, người anh em!
Quản nhọn vốn nói lắp càng được dịp líu lưỡi:
- Ấy... đư...ừng!...
- Đưa số tiền lúc nãy đây!
- Khoan đã.
- Im! Cứ húp bún đi. Tay kia lấy tiền.
Quản nhọn ngoan ngoãn cúi đầu xuống bát bún, tay trái lần vào túi áo bên trong. Nhưng hắn không xỉa tiền ra mà lại chìa qua một tờ giấy gấp nhỏ.
- Cái chi đây?
Tên cầm dao khẽ hỏi và tự tay mở tờ giấy. Hắn đọc lướt một tí rồi gấp nhanh lại bỏ vào túi.
- Chuyện ấy nói sau. Cứ đưa tiền đây đã.
Quản nhọn lại cho tay vào túi. Chiếc ví được nhanh chóng chuyền qua tên bên cạnh. Nhoáng một tý, đám thanh niên tản ra rồi biến mất. Quản nhọn vẫn cúi đầu húp sồn sột nước bún. Khách trong quán chẳng ai hay biết gì.
“Trình Hậu đại ca, trưởng đảng Hận đời!
Kẻ yếu hèn này xin cúi đầu trước oai hổ của đại ca mà thưa rằng, từ mấy tháng nay lũ nhãi nhép chúng tôi vô cùng long đong khốn đốn bởi tay chân của đại ca đã không nương tay nhường nhịn. Càng gần đây sức ức hiếp của họ càng trở nên quá quắt... Tôi thiết nghĩ rằng con sâu, con kiến cũng cần có cái ăn mới sống được huống chi người cũng đôi lần, cái giận lấn cái khôn, toan ra tay xin lại miếng cơm bị chặn, nhưng nghĩ đến tình bằng hữu lâu nay giữa hai đảng chúng ta, lại thêm hoảng sợ trước oai hổ của đại ca nên đành cắn răng chịu lún.
Tự nghĩ, có mặt trời cũng phải có mặt trăng, có đại thụ cũng cần có lau sậy, chẳng lẽ đại ca nỡ sống một mình? Thế nên cúi xin đại ca mở rộng cửa cho kẻ nhỏ mọn này được tiếp kiến. Xin dẫn trước 10 ngàn làm quà cho địa ca hút thuốc. Nếu được ra mắt sẽ mang thêm 20 ngàn gọi là chút lễ mọn để được bàn lại với đại ca lãnh địa sinh tồn. Đại ca nói cho một lời thì chúng tôi được sống yên ổn. Rồi ra dành dụm chút quà cáp hầu mong thường xuyên gửi tới đại ca. Còn nếu không thể, con giun xéo lắm cũng phải quằn, tới lúc đó sợ có lời thất thố.
Nếu được chấp thuận xin cắm lên cây số ba một tờ giấy vàng. Tôi sẽ gặp đại ca vào 8 giờ tối thứ bảy tại lò gạch cũ dưới chân đồi Vành Khuyên.
Vô cùng sợ hãi. Đảng trưởng Đào lưu. Ký.”
Hậu lác ôm bụng cười như nôn mửa. Rồi đột ngột hắn lại trừng mắt lên, vò mảnh giấy ném bẹt xuống đất. Rõ ràng lời lẽ lá thư có vẻ khiếp sợ, bái phục nhưng ẩn ý bên trong lại gầm ghè dọa nạt. Hỗn láo chưa! Thằng Quản nhọn kia sức mấy mà dám nói tới điều thất thố? Hắn định đâm cổ tự sát trước mặt ta chăng. Anh em, cắm cờ vàng để chúng nó đến! Tối thứ 7, tại lò gạch cũ Vành Khuyên, ta sẽ xóa sổ bọn oắt con “Đào lưu” ấy đi. Mãi mãi về sau đừng ai nhắc đến lũ ấy nữa.
Phía trong lòng cái lò gạch bỏ hoang ấy đặt một ngọn đèn dầu lờ mờ. Hậu lác ngồi trên một chồng gạch khá cao. Bên phải và bên trái là hai “hổ tướng” hộ vệ. Khoảng rộng còn lại phía trước dành cho khách. Khách cũng có ba người. Quản nhọn đứng giữa, Cún thọt đứng bên trái, hai thằng này thì Hậu lác đã nhẵn mặt. Còn một hộ vệ phải, người thâm thấp, mặt luôn luôn cúi gằm vẻ sợ sệt. Có lẽ bọn “Đào lưu” mới thu thập thêm người? Hậu lác nghĩ nhanh vậy, bởi hắn nắm được một cách chắc chắn rằng đảng “Đào lưu” chỉ còn có 6 tên, năm trai, một gái. Lực lượng sắp tan rồi.
Có hai việc đầu tiên làm cho Hậu lác khó chịu. Một là Quản nhọn vào mà không quỳ xuống chào. Hai là sau mấy câu xã giao nhột nhạt vẫn không thấy Quản nhọn xỉa ra 20 ngàn như đã hẹn trước. Máu giận trong người Hậu lác bắt đầu bốc.
Cuộc “hội đàm” bắt đầu. Hai bên nói năng bằng những lời lẽ tối cổ: “Thưa đại ca...” Hiền đệ cứ thẳng thắn...” “... Nhị vị hổ tướng hãy nói giúp với chủ soái vài lời...” Đại loại là như vậy. Một bên xin mở rộng địa bàn trở về như cũ, nghĩa là suốt hai bên đường 9 và toàn bộ vùng chợ. Đối lại, Hậu lác buộc bọn “Đào lưu” phải rút lên trên Cam Lộ, đừng bén mảng xuống Đông Hà nữa. Thế là cãi nhau. Những từ ngữ cổ kính biến mất. Bắt đầu văng các thứ ra. Hai bên tranh nhau nói. “Nhị vị hổ tướng” cũng không còn giữ nguyên phong cách hộ vệ chủ soái nữa mà cũng lồng lên, sùi bọt mép ra chửi. Cả hai “phái đoàn” sắp sửa xáp vào nhau, tay chống nạnh, áo phanh cúc. Những câu chửi tục nhất, những động tác đểu cáng nhất đều được xỉa ra. Chỉ duy nhất trong đám có một người vẫn cúi đầu im lặng. Đó là hộ vệ phải của Quản nhọn. Mặc cho hai bên văng các “của báu” đàn ông, đàn bà vào người nhau, người vệ sĩ kia cứ cúi thấp đầu, bình tâm như một tu sĩ.
Đột ngột Hậu lác hét lên một tiếng: “Anh em!” Tức thì như trên trời rơi xuống, trước cửa lò gạch lù lù hiện ra mười bóng đen đứng xít nhau thành một hàng rào thịt. Quản nhọn như có vẻ biết trước điều đó sẽ xảy ra, hắn ngửa mặt cười hi hí:
- Tao tưởng mi anh hùng kiểu nào chứ cũng nhát như cáy.
- Tao mà nhát à?
- Không nhát mà mai phục chừng nớ thằng? Tao có ba đứa thôi, mi có giỏi lấy một chọi một.
Hậu lác tức lộn ruột, hấp háy con mắt lác:
- Đêm ni mi đừng hòng chạy thoát
- Mi ăn cứt tao à?
- Đù mạ. Tao sẽ cắt ngang cổ...
Nhoáng một cái, Hậu lác rút từ trong lưng quần ra một con dao sáng loáng. Răng hắn nghiến lại ken két. Nhưng Quản nhọn vẫn đứng. Hai hộ vệ cũng đứng sít lại, Hậu lác tự lượng sức thấy khó mà làm gỏi được ba tên này, hắn nhảy lùi một bước vào sâu bên trong. Quản nhọn và hai vệ sĩ tiến theo một bước. Lập tức mười thằng bên ngoài cùng nhất loạt ập vào. Thế là cả bọn chen nhau đứng chật lòng lò gạch. Đấy chính là toàn bộ kế hoạch tài tình của người vệ sĩ thâm thấp lúc nào cũng cúi gầm mặt bên phải Quản nhọn.
Hậu lác rên hừ hừ trong cổ:
- Chừ thì... chừ thì... tao cắt tiết mày...
Hắn vung cây dao găm lên, khom người lại gằm gằm tiến tới Quản nhọn. Quản nhọn thụt lùi một tí, mắt cũng nhìn như cọp đói vào Hậu lác, hai tay chực nắm lấy cổ tay Hậu.
- Thôi, dừng lại!
Tiếng ra lệnh bất ngờ khiến tất cả những đứa có mặt trong lò gạch đều ngẩn ra. Cặp “gà chọi” ở giữa vòng chiến cũng dừng lại. Hậu lác hấp háy đôi mắt
- Đứa mô hét?
- Đưa dao đây!
Người “vệ sĩ” nãy giờ cúi đầu im lặng ấy bất ngờ ngẩng mặt dậy. Hắn chìa bàn tay ra phía trước một cách trịnh thượng mắt nhìn như găm vào tên đầu đảng “Hận đời”
- Đưa dao đây!
- Con c. Mi là thằng nào?
- Đưa dao đây!
- Đ. mạ! Dao đây này...
Hậu lác chuyển mục tiêu đâm chéo một nhát vào giữa mặt tên “vệ sĩ” hỗn láo. Nhưng thật bất ngờ, cái cổ tay của vị địa ca kia đã bị kẹp cứng trong năm ngón tay của người “vệ sĩ”. Hậu lác trợn ngược mắt lên, giật lùi một phát. Nhưng người “vệ sĩ” vẫn đứng trơ trơ như cột đá.
- Thả dao xuống.
- Mi... mi... ái, đau quá!...
Hậu lác không giật được tay ra, hai môi run lên vì tức giận. Hắn vờ dặc dặc cánh tay cầm dao rồi đột ngột dùng tay kia thọc một quả đấm vào bụng dưới đối thủ. Cú đấm dốc toàn lực hòng gỡ khóa trên tay. Nhưng thực lạ, quả đấm vừa phóng ra thì táng phải một lực gạt tưởng gãy lìa cổ tay. Hậu lác run bắn người, toát mồ hôi hột.
- Anh... anh em...
Bí quá hắn phải kêu cứu. Bọn đàn em được lệnh ào vào. Một cuộc ẩu chiến bắt đầu. Tiếng đấm thụi, tiếng chửi tục, tiếng kêu oai oái xen lẫn nhau.
Thực ra, đám đàn em của Hậu lác không phải đến nỗi không vượt qua được Quản nhọn với Cún thọt. Thâm tâm chúng đứa nào cũng chột dạ khi nhìn thấy gã vệ sĩ thấp lùn kia khóa tay đảng trưởng. Chúng mượn cớ tập trung đánh hai tên kia để khỏi phải xông vào gần “vệ sĩ”. Đã có nhiều đứa bị đòn đau. Có đứa hộc cả máu mồm. Có đứa còn ôm hai mắt nhào ra phía sau. Tuy vậy với cái áp lực đa số chúng vẫn dồn Quản và Cún vào thế hiểm nghèo. Những cú đấm ào ào bạt tử. Gạch đá nèm vèo vèo. Bí quá Quản nhọn kêu toáng lên:
- Đại ca... Đệ nhị...
“Huỵch” một cú lẳng tay nhanh như phạt cỏ. Cả tấm thân Hậu lác đập sầm vào bờ gạch. Cả đám đàn em hết hồn, đứng sững ra. Trong một tích tắc, chúng chợt phát hiện thấy người “vệ sĩ” đang lao vào chỗ chúng nó. Ba bốn đứa ngã nhào một lúc. Mấy đứa khác định co giò chạy. Nhưng không kịp. Người “vệ sĩ” đạp lên xác những thằng dưới đất, chặn ngay đường rút của chúng. Từ phía cửa, những cú đấm, đá phóng vào. Bên trong Quản nhọn, Cún thọt mặc sức nện ra. Cả một bọn lăn xoài xuống đất, khóc rống lên, lạy lục kêu van.
Dĩ nhiên tiếng đấm đá đến một lúc cũng phải ngừng vì chẳng còn có cái gì để đấm. Có lẽ cũng chẳng đứa nào chết, nhưng tất cả đều hộc máu. Tên “Hậu lác” nằm như người gãy xương mồm rên hừ hừ. Cảnh tượng trông thật thê thảm. Nhưng những người vừa hạ sát không hề tỏ ra xúc động. Chúng cuộn vạt áo lên lau mồ hôi và máu trên mặt. Còn cái người “vệ sĩ” thấp bé kia chẳng thèm nhìn kĩ một ai, nó nhổ toẹt một bãi nước miếng lên thân một đứa nào đó rồi bất ngờ nói to:
- Tao là Trương Sỏi, Đệ nhị mải võ, thừa lệnh của Băng chủ Sơn Nam ra dẹp loạn vùng này. Ta tuyên bố, từ nay xóa sổ đảng “Hận đời”. Những đứa nào trong tụi bay còn muốn tiếp tục sống nghề này thì tối thứ năm tuần tới tập trung về quán rượu cây số Bốn. Tất cả hợp lại trong đảng “Đào lưu”, tất cả là anh em. Đứa nào mang lòng phản trắc thì đừng trách thằng Sỏi này độc ác!
2
Đòn sát phạt nhóm cướp “Hận đời” chẳng mấy chốc đã loan truyền khắp giới bụi đời Đông Hà. Rồi tin chính thức cho biết hai đảng “Hận đời” và “Đào lưu” sát nhập dưới quyền Đệ nhị mải võ. Lợi dụng lúc thanh thế còn lẫy lừng, Trương Sỏi cho bắt một tên móc túi của nhóm “Mãng xà” đưa về quán, sai tay chân nện cho một trận rồi lệnh hỏi cho ra tung tích đảng trưởng của nhóm này. Sỏi định dùng uy lực của mình, gửi một lá thư bắt đảng “Mãng xà” phải quy phục.
Nhưng tên bụi đời bị bắt cóc này không biết một chút gì về thủ lĩnh của hắn. Hắn bị đòn oan. Sự thực, toán cướp Mãng xà do hoạt động sát nách cảnh sát nên có một kiểu tổ chức đặc biệt.
Nhóm cướp được chia thành nhiều tốp nhỏ. Hầu hết những đứa này đều có một nghề nghiệp công khai như bốc vác ở bến xe, bến cảng, chữa đồng hồ, chữa hon đa, xe đạp, hay ít ra cũng bán krem, thuốc lá. Bọn chúng đều có gia đình, ăn ở ổn định chứ không chui bờ ngủ bụi như đám “Đào lưu” hay “Hận đời”. Thậm chí có đứa là con nhà quyền quý, ăn diện nhất nhì thị xã.
Các tốp nhỏ trong đảng không được biết hết mặt nhau. Đặc biệt chúng không hề biết mặt tên đầu đảng. Nhưng từng đứa phải tự giác nộp một phần tiền cuỗm được cho từng tổ, tổ nạp lên cho một bà có máy làm krem. Số lãi được chia trở lại một phần, còn một phần làm quỹ chung. Số vốn vẫn được bổ sung đều đặn. Sự trung thành của nhóm cướp này chủ yếu là vì số vốn ngày một nhiều ấy. Có đứa thóc mách biết loáng thoáng rằng, đảng trưởng của nó đã dùng một phần số vốn lũy tiến kia cộng thêm số lãi gọi là quỹ chung kia để buôn nha phiến. Nhưng chẳng đứa nào dám hé răng. Bởi biết đâu đảng trưởng lại là thằng bên cạnh mình. Chưa ai từng thấy một trường hợp nào đảng trưởng “Mãng xà” xuất hiện hoặc ra tay võ nghệ. Nhưng tiếng đồn trong nhóm thì lắm huyền thoại. Nghe nói không những đảng trưởng cực kỳ lão luyện võ nghệ mà còn có thuật biến hóa nữa. Không một sự phản bội nào trong đảng mà thoát nổi khỏi sự trừng trị...
Đó là toàn bộ lời khai của tên tù binh bị đánh quá đau. So với lời đồn đại lâu nay cũng có phần trùng khớp. Cả nhóm thủ lĩnh đảng “Đào lưu” cứ ngẩn mặt ra, chẳng còn phân biệt thế nào là thật giả nữa. Chỉ riêng Trương Sỏi là nghe một cách chăm chú. Rồi bất ngờ hai trong mắt của vị đầu đảng ấy sáng hẳn lên. Sỏi vỗ đánh đét một cái vào đùi ra vẻ khóai chí. Hắn ra lệnh thết đãi tên “tù binh” một bữa ra trò, sau đó ban lệnh “ân xá”.
Sỏi tỏ vẻ vui thích bởi trước hết, trong câu chuyện về tổ chức đảng cướp “Mãng xà” có cái gì đó cực kỳ hấp dẫn. Một đảng cướp không cù bơ cù bất. Một tổ chức có vẻ bề thế mà giàu có. Nếu được thống lĩnh một đảng cướp như vậy khác chi làm một ông chủ lớn. A ha, một ông chủ lớn, giàu sụ. Sẽ chấm dứt những ngày tháng bụi đời. Đến lúc đó ta sẽ ra lệnh không được móc túi nữa, không được trấn lột nữa, có vốn rồi cứ thế làm ăn. Đứa nào còn lêu lổng ta thẳng tay trừng trị. Có vốn! Phải nhanh chóng có vốn! Ý nghĩ ấy cuồn cuộn trào lên làm đôi mắt Trương Sỏi long lanh như mèo nhìn thấy mỡ.
Thêm nữa, cái biệt danh “Mãng xà” và những giai thoại biến hóa của tên đảng trưởng ấy, vô tình gợi lên trong trí nhớ Sỏi về bóng dáng một hang ổ mà Sỏi đã từng trải qua. Từ ngày thống lĩnh đảng “Đào lưu”, Trương Sỏi có thêm kinh nghiệm nhìn bọn cướp. Có thể lắm! Có thể nó rồi, con Mãng xà ấy!...
Vị đầu đảng vui thích một mình trước con mắt ngơ ngác của Hậu lác và Quản nhọn. Trương Sỏi sai rót rượu. Tự hắn cầm chén đưa lên trước, chưa uống mà đã có bộ dáng thằng say:
- Thưa nhị vị đệ tử. Từ ngày mang sứ mệnh của Băng chủ Sơn Nam ra đây, ta vẫn mong làm sao nhanh chóng thu phục được anh em, bốn cõi thành một nhà. Nay thời cơ đã đến rồi, sự nghiệp sắp thành công. Sau khi thu phục được đảng “Mãng xà”, ta sẽ tổ chức khai trương đảng mới. Từ đó sự nghiệp làm ăn sẽ trao lại cho nhị vị, cố công chăm lo cho anh em. Ta sẽ trở về với Băng chủ.
Giọng hắn bùi ngùi như kiểu sắp phải chia li đến nơi rồi. Hậu lác và Quản nhọn cùng đứng lên, cúi lạy rồi đưa tay nhấc chén rượu. Hai con ma đói mường tượng đến ngày được thống lĩnh một lực lượng lớn trong tay, tha hồ tác oai tác quái. Chúng bỗng thấy cồn cào ruột gan.
- Ồ, anh Lãm!
Kim Chi kêu lên đầu tiên. Đúng là chỉ có Kim Chi mới nhận ra được Lãm vì con người anh ta đã đổi khác ghê gớm. Lãm bận chiếc quần pho màu tím than, chiếc áo sơ mi cộc tay và bó lưng. Đầu tóc được chải bằng thứ sáp Nhật Bản thơm ngậy, Lãm bước vào ngôi nhà cũ một cách ung dung, miệng và mắt túc trực một nét cười đầy hãnh diện.
Phù Ái cởi trần trùng trục, thả mình trên một chiếc ghế mây, mắt sưng húp như bị ong đốt. Năm này ông chủ có vẻ mệt mỏi. Chắc chắn có phần bởi gió lào, nhưng cũng có thể lão đã bước sang phần dốc của cuộc đời. Phù Ái chào Lãm vẻ miễn cưỡng.
- Thằng nhỏ dạo ni coi bộ sang hè?
Lãm vẫn tủm tỉm cười và thản nhiên ngồi xuống ghế. Kim Chi rót một cốc nước pha đá. Lãm thích thú chìa tay ra đón cốc nước. Mắt Kim Chi có vẻ sáng hẳn ra khi liếc thấy một chiếc đồng hồ mặt đá treo xuệch xoạc ở cổ tay và chiếc nhẫn vàng khá dày, chừng hai đồng cân, bó chặt ngón tay Lãm.
- Ông anh bữa nay làm bự rồi hí?
Lãm lại mỉm cười vẻ khiêm tốn... Anh tránh không trả lời điều người ta hỏi.
- Công việc nhà ra sao, Kim Chi?
- Bấn lắm anh nờ.
- Bấn gì, cô chỉ được cái ăn diện chứ làm chi mà kêu bấn.
Kim Chi nguýt dài:
- Hừ, ông anh coi thường em quá ta. Bữa ni cũng học làm thợ đây...
Lãm bật lên tiếng cười. Tiếng cười màu mỡ nhưng hà tiện.
- Còn ông anh?
- Cũng tạm thôi.
- Nghề chi?
- Cảnh sát.
- Hứ?
Kim Chi hơi sững ra một chút, nhưng lại cười toét ngay.
- Hung vậy? Cũng đi dẹp Việt Cộng à? Dạo ni Bắc Việt lấn vô dữ, đánh tùm lum phía ngoài Trung Lương với lên Cam Lộ đó. Chắc ông anh lên dẹp trên ấy hí?
Lãm khẽ nheo mắt.
- Cô ngây thơ quá. Đánh nhau kiểu đó đâu phải việc tụi này.
- À... à... – Kim Chi gật đầu có vẻ hiểu – Nghĩa là các anh làm tình báo, đánh bí mật. Hỏi thiệt hí, đã úp được mẻ nào chưa?
- Úp ai?
- Việt cộng.
- A, - Lãm làm bộ như giờ mới hiểu hết được ý Kim Chi hỏi – tóm được nhiều rồi chứ. Nhưng đó không phải là việc của tôi.
Kim Chi kêu lên:
- Ơ, rứa anh làm chi, dẹp xe trên lộ hí?
- Không, mình chuyên làm về hình sự.
- Hình sự là cái chi?
Lãm chép miệng vẻ bắt buộc phải tiếp chuyện.
- Kim Chi hỏi tẩn mẩn chuyện ấy làm gì. Toàn những chuyện lẩm cẩm cả, mệt thấy mẹ.
Nhưng cô gái vốn bướng bỉnh ấy vẫn không kìm được sự tò mò.
- Việc chi mà lại là việc lẩm cẩm?
- Thí dụ như ám sát nhau, đánh đập nhau, cướp của giết người... Đấy, hình sự là thế.
Mắt Kim Chi khẽ chớp mấy cái:
- Ghê hè, mà anh Lãm đã lập được công chưa?
- Sơ sơ thôi. Ở trong Huế tìm được mấy vụ tự tử vì tình yêu. Thật vớ vẩn. Cũng có phá được một ổ cướp ở Kim Long. Định làm vụ nữa thì thượng cấp điều ra đây...
Giọng Kim Chỉ nhỏ lại đột ngột:
- Ngoài ni cũng có chuyện đó à?
- Cả cái miền Nam này có đâu khỏi. Chỉ có điều ở đâu trầm trọng quá thì cảnh sát mới phải tập trung để phá. Ở đây có một đảng cướp rất nguy hiểm...
- Thế kia à?
- Ừ. Nhưng cảnh sát Đông Hà lại tư túi với bọn này nên thả lòng. Chuyện đó đã đến tai Tổng nha. Trên điều bọn mình ra cũng chính vì việc nó nghiêm trọng thế đấy.
Hơi thở Kim chi nghe khác đi. Nhưng miệng cô vẫn cười rất tươi.
- Chà, mệt dễ sợ hí. Nhưng một mình ông anh liệu có moi được không?
Lãm dướn mắt lên có vẻ ngạc nhiên.
- Một mình là thế nào? Lực lượng của bọn tôi ở đây không chừng còn đông hơn cả bọn cướp ấy chứ.
- Thế kia à?
- Nhưng vấn đề đâu phải ở chỗ đông hay ít. Cơ bản là moi cho ra bọn đầu têu. Chỉ cần trừng trị bọn cầm đầu là yên.
Mắt Kim Chi nhấp nháy nhanh hơn:
- Chắc là trừng trị nặng đấy hè?
- Bắn!
- Hứ? Cũng tử hình à?
- Chỉ thị của thượng cấp là với bọn cầm đầu các nhóm cướp thì sẽ bắn hết. Nếu không thế không dẹp được tụi này.
Có một cảm giác ngưng lặng trong không gian. Cốc nước khẽ chao nhẹ trên tay Kim Chi. Một lát, cô gái liếc qua Lãm, rồi lại cười cợt:
- Nhưng mà bắt được bọn ấy cũng khó đấy chớ?
- Nói chung là khó. Nhưng riêng ở đây, qua nghiên cứu sơ lược thì lại thấy có phần dễ.
- Dễ à, chả dễ đâu...
- Cô bảo vì sao mà chả dễ?
Câu hỏi bất ngờ khiến Kim Chi tái mặt. Nhưng cô trấn tĩnh kịp.
- Nói chung em thấy bọn cướp nó lẩn như chuột ấy, cảnh sát đuổi mấy lần ở chợ có bắt được đâu.
Lãm phì cười.
- Đấy là tụi cảnh sát ăn hại. Vấn đề đâu có phải đuổi bắt ở chợ.
- Anh thì nói phét thôi... anh hơn gì bọn đó.
- Hơn ở chỗ khôn ngoan và phải nắm chắc được tình hình. Theo điều tra bước đầu, ở Đông Hà này trước đây có ba đảng cướp, nay còn hai. Hai đảng này hoàn toàn khác nhau về hình thức tổ chức và hoạt động. Bọn “Đào lưu” rất khó bị bắt vì chúng chẳng có nhà cửa gì cả, cứ lang thang chỗ này sang chỗ khác. Nhưng bọn này rất dễ bị triệt phá. Chỉ cần phong tỏa cho chặt các địa bàn là chúng nó chết đói thôi. Còn đám “Mãng xà” thì khó bóp chết miếng ăn của tụi nó được. Vì bọn này ngoài cướp bóc ra còn hoạt động kinh doanh nữa. Nhưng đảng “Mãng xà” rất dễ bị bắt vì hầu hết chúng nó có gia đình, có chỗ ở chỉ cần lục được một danh sách là tóm gọn được cả lũ.
Kim Chi chăm chú một cách đặc biệt. Thấy Lãm dừng lại, cô vờ rót nước vào cốc, vừa như thăm dò:
- Anh nói có lí thiệt. Nhưng lục đâu được danh sách bọn ấy?
Lãm cười to:
- Thế mới phải có kế. Chính bọn cướp “Đào lưu” sẽ giúp tụi mình danh sách này.
Kim Chi trợn mắt lên:
- Răng bọn “Đào lưu” lại chịu làm?
- Thứ nhất là tiền. Tiền cho chúng sẽ nhiều hơn tiền chúng cướp được. Hai nữa là nếu nó nạp được danh sách “Mãng xà” thì mũi nhọn của cảnh sát sẽ hướng vào đó. Chúng sẽ có cơ hội tẩu thoát.
Đôi má Kim Chi xám lại, cơ hàm giật giật. Có một nỗi căm giận âm ỉ sôi từ bên trong. Bất ngờ cô ngẩng phắt dậy găm một cái nhìn như chiếu tướng vào Lãm. Có thể nói, lần đầu tiên Lãm mới bắt gặp ánh mắt này. Đích thị là Mãng xà! Lãm tự khẳng định thế. Bởi không ai có nổi một tia mắt ác độc và dữ dội đến như vậy.
- Thế là ông anh cầm chắc chiếc bội tinh rồi đó!
Lãm cúi nhẹ đầu khẽ lắc lắc:
- Nếu kế hoạch thành công thì chắc sẽ được thưởng lớn. Nhưng cũng phải đề phòng...
- Đề phòng gì?
- Nếu hai nhóm cướp này hợp tác lại một.
Ngừng lặng. Kim Chi nghĩ miên man một điều gì đó và bất giác nói bằng một giọng chán nản.
- Cũng chẳng ăn thua đâu...
- Không, sẽ cực kì nguy hiểm. Bởi tôi biết, tên thủ lĩnh của đảng “Mãng xà” là một kẻ đầy nham hiểm và mưu lược. Ngược lại tên đầu đảng của “Đào lưu” là một võ sĩ đệ nhất vô song vùng này...
Kim Chi khẽ nhíu mày vẻ khó chịu:
- Đệ nhất vô song, làm chó gì có thứ đó?
- Thế ra cô ở Đông Hà mà chẳng hiểu biết gì bọn cướp cả?
- Chậc, thì con gái con lứa như bọn này biết làm đếch gì thứ đó.
- Còn chúng tôi lại hiểu rất kỹ. Tôi tìm hiểu tên đầu đảng này ngay khi còn trong Huế kia. Nó mang biệt hiệu “Đệ nhị mải võ”, một cánh tay đắc lực nhất của thằng bán thuốc Sơn Nam. Chính vì nó mà bọn cướp “Hận đời” phải tan tác. Nếu cần đổi mạng thì có lẽ phải vài chục cảnh sát mới đổi được mạng nó.
Kim Chi ngồi im lặng. Câu chuyện “Đệ nhị mải võ” sát phạt đảng “Hận đời” đã truyền đến tai cô. Cô nửa tin, nửa ngờ. Hôm nay chính thức mồm cảnh sát nói ra thì chắc là đúng. Chà, cái thằng thổ tả ấy ở đâu chui ra rứa hè? Có lẽ dạo bọn Sơn Nam mải võ ra bán thuốc ở đây, sau đó đã cài người lại.
Lãm liếc nhìn đồng hồ nhấp nhỏm đứng dậy.
- Anh định đi mô chứ?
- Phải về, lâu lắm mới trở ra đây, định đi thăm một vòng những nơi quen biết. Kim Chi có biết chú Cống dạo này sống ra sao không?
Kim Chi lúng túng:
- Không... cũng lâu lâu rồi, em không đến đằng ấy... A, anh ở đây ăn cơm...
- Cảm ơn, tôi đang vội.
Kim Chi mỉm cười gượng gạo:
- Dạo ni coi bộ cương quyết dữ hí?
Lãm cũng cười. Anh nắm tay Kim Chi và khẽ bóp. Có một sức gượng lại khá mạnh của gân tay Kim Chi. Lãm hơi giật mình. Không thể coi thường võ nghệ của con này được.
- Thôi, bai nhé! Ít bữa nữa sẽ gặp nhau thôi!
Lãm hẹn lại một câu băng quơ vậy và bước nhanh ra đường.
Trong thời gian chờ đợi đối thủ trả lời, nhóm thủ lĩnh đảng “Đào lưu” đã dấn thêm một bước nữa. Chúng cố tâm điều được ba tên trấn lột ở bến xe liền viết thư nặc danh lên quận cảnh sát Đông Hà. Ngay đêm hôm ấy, cả ba tên bị gông cổ. Hôm sau lại một thư nữa tiết lộ họ tên, địa chỉ bà làm krem ở phường Tây Trì có liên quan tàng trữ tiền bạc của bọn cướp “Mãng xà”. Cảnh sát lại ập đến. Chúng vơ vét tất cả tiền bạc trong nhà, tuy vậy cũng không tìm thấy chứng cứ gì để kết luận việc tàng trữ của ăn cướp nên bà krem không bị bắt. Một không khí đầy đe dọa trùm lên tinh thần bọn đầu đảng nhóm cướp này, rất ứng với những lời Kim Chi đã nghe người tình cũ tiết lộ.
Sau hơn một tuần chờ đợi, bọn thủ lĩnh “Đào lưu” nhận được thư của đám “Mãng xà”. Lá thư không viết theo ngôn ngữ bắt chước ngôn ngữ trong sách chưởng mà bằng lời lẽ rất thực tế, chứng tỏ đảng cướp “Mãng xà” là một tổ chức hiện đại và sự lo sợ của chúng cũng hết sức thực thà.
“Gửi những người anh em “Đào lưu”
Bọn tôi rất buồn phiền khi biết rằng thủ lĩnh đảng “Đào lưu” đang hiến máu của chúng tôi cho cảnh sát để bảo toàn mạng mình. Điều đó có đáng mặt một đấng anh chị thời nay không? Hơn nữa, nếu đám chúng tôi bị cảnh sát làm gỏi rồi, liệu người anh em bên ấy có thoát khỏi vòng dao thớt không? Vả lại ngay lập tức chúng tôi có thể bắt tay với cảnh sát Đông Hà và làm những việc y như “Đào lưu” đã làm với mật vụ Tổng nha. Thế là nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn! Nghe đồn đại ca “Đệ nhị mải võ” là một đấng anh hùng, sao lại để cho bọn mật vụ sai khiến làm điều thất đức đến như vậy?
Chi bằng là ôm chặt lấy nhau, hai bên kết thành một khối, “Đào lưu” có vị đại ca võ lực vô song, “Mãng xà” có người thủ lĩnh mưu cao, chước giỏi, nếu gặp nhau khác chi Gia Cát Lượng về với ba anh em họ Lưu. Hơn nữa, vốn liếng “Mãng xà” khá lớn, còn anh em “Đào lưu” chỉ được cái đông người. Nếu bị phong tỏa chỉ một sớm, một chiều là bị chết đói. Tình cảnh này không dựa vào nhau mà sống thì còn kế gì hay hơn?
Những lời trên thực là tâm huyết. Mong được giãi bày ở nhà ăn Bình dân, phường Tây Trì, đêm hai mươi tám âm lịch.
Kính thư”
Bọn Hậu lác, Quản nhọn thì hoan hỉ ra mặt. Riêng Trương Sỏi chẳng nói một câu gì. Hắn im lặng rót một chén rượu và uống một mình. Trong lòng hắn đang bừng khởi một ngọn lửa. Sắp làm chủ cả Đông Hà rồi! Bao nhiêu cay đắng, tủi cực sẽ được trả giá cho một cơ hội này. Phải đạp đầu cả cái thị xã này xuống dưới chân. Trương Sỏi lại uống thêm cốc nữa. Rồi đột ngột hắn vùng người dậy, đút hai tay vào túi quần, đi thẳng ra đường 9. Hắn đi một mình, cố thoát khỏi cái chật hẹp, chen chúc trong quán rượu. Hắn cố kìm nén những giục giã trong lòng, bước những bước đi chậm rãi và lặng lẽ thả hồn lên không gian bao la.
Lá thư của đảng “Đào lưu” trả lời “Mãng xà” như sau:
“Thân gởi những anh hùng “Mãng xà”!
Đệ nhị mải võ xin gửi đến anh em lời tôn kính. Tôi rất phiền lòng vì những hiểu lầm đáng tiếc đã xảy ra. Tôi đã cho điều tra và thấy rằng, đảng “Hận đời” đã mang lòng thù ghét tôi nên cố tình gây sự chia rẽ giữa “Đào lưu” và “Mãng xà”. Những danh sách gửi tới cảnh sát do anh em “Hận đời” tự ý làm lấy. Họ đã bắn một mũi tên nhằm trúng hai đích.
Tôi cảm kích trước đề nghị hòa hảo của anh em và cũng mong mỏi có sự hợp nhất với “Mãng xà”. Tuy vậy với đảng “Hận đời” tôi cũng không thể ép buộc họ bằng vũ lực được. Vì vậy, cuộc đối thoại tối hai tám tới đây tôi thấy nên mời thêm thủ lĩnh “Hận đời”. Đó là một việc làm rất hay. Nếu cả ba đảng hợp tác với nhau một cách thực lòng thì sinh mạng của chúng ta hoàn toàn yên ổn.
Chào người anh em!”
Một điều kiện mới đưa ra mà không có thì giờ để bàn bạc lại. Tối 28 âm lịch trong một ngõ tối phường Tây Trì, cuộc xáp mặt đã diễn ra. Tàn tuần hương, đại diện cho đảng “Mãng xà”, Quản nhọn thay mặt chủ soái Đệ nhị mải võ, và Hậu lác tự xưng đảng trưởng “Hận đời”. Cuộc “hội đàm” đã diễn ra, như cách thường nói của giới ngoại giao chính trị, trong bầu không khí hiểu biết. Cả ba phe sau một hồi công kích nhau đã đi đến thỏa thuận sáp nhập. Tên đảng mới là “Mũ đen”. Thay chữ “đảng” bằng “trại”. Sẽ có cuộc gặp gỡ ba thủ lĩnh để bầu chủ trại, phó trại. Cuộc gặp gỡ ấy sẽ tổ chức vào tối chủ nhật tại vị trí này.
Quả thật, sau cuộc gặp cấp “đại diện” ấy, tình hình có dịu đi. Cảnh sát không lùng bắt thêm được ai nữa. Bốn ngày trôi qua, cả hai phe đều cho người mình trinh sát vị trí họp. Hơn sáu giờ chiều chủ nhật, tình hình vẫn an toàn. Chập tối, các vị đầu đảng có mặt.
Kim Chi bận chiếc áo hoa vằn đen, tóc búi gọn, mặc một chiếc quần bò bó sát chân. Những bắp thịt hằn lên ngang sườn và bụng như những con rắn đen quấn tròn. Vừa bước chân vào quán, cô đảo nhanh mắt nhìn hút vào buồng trong. Hai người đàn ông đang hút thuốc. Kim Chi khẽ liếc mắt qua cô chủ quán. Cô khẽ gật đầu Kim Chi đi thẳng vào bàn trong.
- Ai là đệ nhị mãi võ?
Quản nhọn đứng dậy lễ phép:
- Trình tiểu thư, thật là rủi ro, đại ca tôi sáng nay bị Băng chủ Sơn Nam triệu vào gấp trong Huế. Chúng tôi định tìm cách báo với tiểu thư hoãn cuộc họp, nhưng không bắt được liên lạc. Vì thế tôi phải gánh thay trách nhiệm này...
Kim Chi hơi chau mày mộtt í rồi hỏi:
- Anh là ai?
- Dạ... Phùng Thế Quản, vốn là đảng trưởng “Đào lưu”.
- À, Quản nhọn. Vậy tôi đã biết tiếng anh. Còn...
Hậu lác đứng nhanh dậy, phanh áo ngực ra để lộ dòng chữ đen trên xương mỏ ác:
- Tôi, Nguyễn Sĩ Hậu, đảng trưởng “Hận đời”.
Kim Chi nhếch mép cười:
- Hậu lác hí? Nghe nói Đệ nhị mải võ cho anh một đòn khá nghiêm chỉnh phải không?
Hậu lác vờ lầu bầu chưởi tục. Nhưng Kim Chi giang hai tay khoác lên vai hai người thủ lĩnh đàn ông, đè họ ngồi xuống.
- Ta bắt đầu đi hai anh!
Có tiếp xúc mới thấy con rắn “Mãng xà” này đầy bản lĩnh. Kim Chi hòan toàn làm chủ cuộc họp. Cô cười, nói một cách thoải mái. Lại rót rượu mời mọc. Đôi lúc đắc chí quá cô cười vắt vẻo cả người rồi ôm choàng lấy một trong hai vị đàn ông kia. Cả tấm thân Kim Chi rừng rực cái hơi gió Lào bốc lửa. Vì thế cuộc gặp mặt đã hoàn toàn mỹ mãn và vui vẻ.
- Thôi, chừ tôi đề nghị thế này, anh em ta lấy chữ cùng cảnh ngộ để hiểu biết nhau. Phải coi nhau như ruột thịt. Một trong ba chúng ta ai làm chủ trại cũng được cả. Tuy vậy, tôi thấy nên mời đại ca Đệ nhị mải võ gánh vác sứ mệnh này. Uy danh của đại ca sẽ làm cho anh em mình được phần rạng rỡ? Không hiểu ý hai anh thấy thế nào?
Không ngờ Kim Chi lại đề xuất người chủ trại một cách thoải mái như vậy. Hậu lác và Quản nhọn vội vàng nâng cốc lên:
- Chí lý, chí lý! Cô em thực sáng suốt.
Kim chi cũng tợp một tý rượu.
- Vì vậy, không cần bàn bạc chi nữa về địa vị chủ trại. Chừ anh em mình tự bầu nhau chức phó trại.
Cả ba đột ngột im lặng. Rõ ràng Kim Chi đang đẩy cuộc họp vào một thế cờ bắt buộc. Cô đã đích thân tiến cử chủ trại là người đứng đầu đảng “Đào lưu” lẽ nào phía bên ấy lại không biết điều mà giành thêm chức phó trại. Kim Chi biết thừa cái mưu “họp tay ba” của thủ lĩnh “Đào lưu”. Làm chó gì còn cái đảng “Hận đời” nữa. Chẳng qua các cha định lấy hai thắng một trong bầu bán. Kim Chi đã nhanh tay đẩy cương vị chủ trại cho Đệ nhị mải võ. Đã chắc gì người đó có thật? Biết đâu bọn “Đào lưu” chỉ bịa ra một cái tên như vậy? Trước đây khối thằng vớ vẩn còn dám đội cả tên Sơn Nam mải võ nữa là. Hoặc nếu có thật thì hắn là loại nay đây mai đó, ít khi nằm một chỗ. Thế là quyền hành thực tế ở tay phó trại. Mà nếu đúng Kim chi làm phó trại, thì dù “Đệ nhị” hay “Đệ nhất” cũng sẽ phục tùng cô thôi. Kim Chi có thừa kinh nghiệm khuất phục con trai.
Lặng im một lúc, Quản nhọn đứng dậy nói lắp:
- Theo tôi... cái chức phó... phó trại, không ai xứng... xứng bằng quý... quý công nương...
Kim Chi chụp luôn:
- Ý anh bầu tôi?
- Dạ
- Còn anh Hậu?
Hậu lác nháy nháy con mắt lác cười gượng gạo:
- Tôi cũng ưng...
- Thế thì kẻ liễu yếu đào tơ này không thể từ chối được. Từ hôm nay chúng ta là một. Xin nâng cốc uống chén rượu thề.
Ba chén rượu được rót đầy. Phó trại nâng lên trước, hai vị đàn ông cầm chén sau. Chạm cốc, rượu sóng sánh tràn ra ngoài. Hực!Hà... Hơi men dâng râm ran trong cơ thể.
Giữa lúc đó có một bóng người bên ngoài bước vụt vào. Cô chủ quán rượu đứng bật dậy định cản nhưng không kịp. Cả ba tên đang uống rượu bất ngờ đứng sững ra. Quản nhọn và Hậu lác đồng thanh reo lên:
- Đại ca!
Kim Chi ngớ cả người, đôi gò má giật giật:
- Lãm!... thế này là... thế nào?
Trương Sỏi gạt nhẹ tay một cái rồi ngồi hẳn xuống ghế nói liền một mạch:
- Tôi biết Kim Chi sẽ rất ngạc nhiên về chuyện này. Nhưng tình thế buộc tôi phải làm như vậy. Việc cảnh sát đang phong tỏa chúng ta là việc có thật. Nhưng tôi không có cách gì báo cho bên cô được nên phải đóng kịch như vậy. Chính ngày hôm nay, Băng Chủ Sơn Nam cho gọi tôi vào yết kiến là cũng để thông báo cho biết cụ thể một danh sách anh em mình lọt vào tay cảnh sát. Sở dĩ Băng chủ biết được là nhờ một cảnh sát hình sự vốn là học trò cưng của Băng chủ. Việc lớn nhất của ta lúc này là đoàn kết bên nhau. Có vậy mới bảo toàn được tính mạng. Đây, cô Kim Chi xem danh sách này có đúng không?
Trương Sỏi chìa ra một tờ giấy. Tờ giấy ghi độ hai mươi tên trong đảng “Mãng xà”. Trong đó có tên Kim Chi được gạch đậm hai nét phía dưới. Mặt cô ả tái mét. Trương Sỏi làm ra vẻ vội vã:
- Thế nào, cuộc hội đàm của các vị có tốt đẹp không?
Quản nhọn đứng lên:
- Thưa, rất tốt ạ. Chúng tôi nhất trí đặt tên chung Trại Mũ đen. Chúng tôi cũng một lòng tôn đại ca lên làm chủ trại và quý công nương đây làm phó trại.
Trương Sỏi khẽ nhíu mày:
- Tôi rất hay vắng mặt vì còn công việc của Băng chủ tôi giao. Hay Kim Chi chịu khó thống lĩnh anh em giúp tôi?...
Kim Chi tỏ ra nũng nịu:
- Chịu. Ai dám ngồi trên “Đệ nhị mải võ”.
Hậu lác cười xu nịnh:
- Dạ, đã bầu rồi thì xin hai đại ca đừng đùn đẩy nữa. Thực ra nếu Trương Đại ca đi vắng thì công nương nghiễm nhiên cáng đáng mọi việc. Hai nhưng là một thế mới gọi là hợp nhất chứ. Hí, hí...
Rượu lại rót. Bốn đứa uống cật lực. Kim Chi say trước. Cô nằm vật ra giường. Hậu lác và Quản nhọn nháy mắt nhau rút lui. Trương Sỏi bước đến bên giường chống nạnh nhìn Kim Chi.
Trương Sỏi chồm người lên. Hắn muốn làm những động tác thật thô bạo cho hả lòng căm tức. Hắn muốn Kim Chi phải vùng vẫy, gào thét, cắn xé. Lúc đó hắn sẽ bấm huyệt khóa xương quai hàm con rắn độc lại. Và sau tất cả mọi điều, hắn sẽ chìa má ra hỏi: “Có thích tát nữa không?”
Nhưng Trương Sỏi đã không hề gặp một sự chống cự. Toàn bộ ý chí bừng bừng của hắn phút chốc như chết đi trên khối người đồ sộ của Kim Chi.
3
Tất cả những chuyện cảnh sát săn đuổi, cả cái danh sách mà Trương Sỏi đưa cho Kim Chi kia đều là chuyện bịa đặt. Sỏi đã đi một nước cờ khá sắc sảo. Tuy vậy, có một sự thật khác rất giống với điều bịa đặt trên kia, thì chính Sỏi cũng không được biết.
Những vụ trấn lột xung quanh thị xã, trên hai trục đường chủ yếu từ Huế ra và Cam Lộ xuống ngày một gia tăng. Cú sát phạt nhóm “Hận đời” ở lò gạch cũ trên đồi Vành Khuyên, rồi tiếp đến hợp nhất ba nhóm cướp thành trại “Mũ đen” đã làm tiếng tăm “Trương đại ca” ngày một nổi lên như sấm. Tiếng kêu khóc của dân chúng càng ngày càng thảm thiết. Cả thị xã Đông Hà bước vào mùa thu trong sự nơm nớp, hãi hùng. Những rối loạn trầm trọng ấy buộc cảnh sát Đông Hà không thể bịt tai, nhắm mắt được.
Một buổi sáng, đại tá Jon – rít, cố vấn tư lệnh vùng chiến thuật Một đi kiểm tra mặt trận Khe Sanh, trên đường về Huế đã dừng nghỉ ở Đông Hà. Chiếc xe Jép dừng ở cổng chợ. Đại tá xuống xe mệt mỏi bước vào trong chợ.
Vừa đi được mấy bước, bỗng từ bên trái vệ đường có hai cậu thiếu niên gầy guộc đuổi đấm nhau chạy lao qua. Jôn – rít dừng vội lại nhưng không kịp. Cậu thiếu niên chạy trước đã đâm sầm vào chân ngài cố vấn. Nó ngã xoài xuống. Ngài Jôn – rít lỡ đà cũng cúi chồm theo. Cậu thiếu niên thứ hai chạy đến nói một câu gì đó rất cáu kỉnh. Jôn – rít thấy rất khó chịu nhưng không muốn dây dưa với đám trẻ mọi rợ này, ngài túm tay đứa bé dưới đất kéo lên. Ồ, làm sao mà một đứa thiếu niên gầy guộc như vậy lại nặng đến thế kia. Jôn – rít cố sức kéo mạnh. Có cảm giác thằng bé phải nặng gần một tạ. Dĩ nhiên rồi nó cũng dậy được. Nó chẳng biết cảm ơn. Nó nhìn thấy bóng thằng đuổi nó đứng bên cạnh ngài Mỹ, liền bật người lao qua tống một quả đấm vào mặt. Tên kia bỏ chạy, nó đuổi theo. Nhoáng một cái hai đứa biến vào trong chợ.
Jôn – rít bực bõ rút chiếc khăn lau sạch hai bàn tay, rồi vẫn dáng đi mệt mỏi ấy, ngài tiến thẳng vào chợ. Ở chợ Đông Hà, ngài thích nhất loại cua nước ngọt. Jôn – rít bước về phía bãi sống, chỗ bày hàng tôm cá. Nhưng khi Jôn – rít quờ tay ra túi quần sau, ngài bỗng đứng sững người. Nắm giấy bạc Việt Nam cộng hòa nhét căng túi đã không cánh mà bay. Một nhát rạch thẳng đứng từ trên nắp xuống đáy túi. Một sự căm giận bừng bừng bốc cháy trong đầu ngài cố vấn. Jôn – rít quay phắt trở lại. Ngài gieo mình xuống đệm ghế, hất đầu cho người lái:
- Rẽ vào cảnh sát.
Quạch một nét ký rất dài lên tờ lệnh truy nã, thiếu tá Toại rít lên một tiếng trong kẽ răng: “Bắn!”. Thiếu tá nói như vậy, nghĩa là “phải tìm bắt cho bằng được tên Đệ nhị mải võ, sau đó sẽ đưa ra xử bắn”.
Quận trưởng cảnh sát Đông Hà có một lối diễn đạt ngôn ngữ cực kỳ ngắn. Đó là nét đối lập duy nhất trong con người ngài. Bởi ngài, trước hết có một khổ người dài quá mức bình thường, một mét tám hai. Hai cánh tay ngài cũng dài như tay vượn. Đương nhiên chân cũng thế. Mặt dài, mũi dài, cằm dài... cả con người gọi cho người ta một cảm giác lúc mới sinh có lẽ bà mụ đã lỡ tay kéo gằng cái đầu quá mạnh y như chú bán kẹo kéo ngoài phố vậy.
Thôi thì tạo hóa sinh ra dài ngắn đành chịu. Nhưng oái oăm là những kẻ độc mồm, ác miệng, thường là bọn khác phe cánh, lại phao lên rằng, đàn ông mà dài như thế rất khó có con. Trời chu đất diệt chúng nó đi! Thiếu tá thường chửi độc như vậy. Nhưng cái bọn khác phen cánh lại không chết, mà hình như ngày một nhiều lên. Thời buổi này đâu mà chẳng có phe cánh, đâu mà thoát khỏi cảnh đánh đấm nhau sứt đầu, mẻ trán để chiếm chút thế quyền. Thì mặc xác nó. Chôn chết chó cũng lè lưỡi.
Nhưng ác thay, những kẻ độc mồm kia lại nói đúng. Thiếu tá quá lận đận về đường con cái. Mặc dầu ngài đã dốc toàn bộ sức lực của mình vào việc ấy, nhưng đổi lại mụ vợ cứ trơ lì, béo phây phây, người cứ to dần ra nhưng quyết không phải là có nghén.
Có một người tốt bụng mách với Toại một phương pháp khá hiệu nghiệm. Phải chăm chút thắp hương lạy phật đêm rằm và ba mươi âm lịch! Toại làm theo. Một tháng hai lần hướng lên Phật, còn hai mươi tám ngày hướng vào bụng vợ. Quả là linh thiêng. Mụ vợ đến lúc buộc phải nghén. Và ơn Phật, một cậu con trai ra đời.
Năm nay, cậu Nguyện đã hai tuổi. Chạy khỏe, ăn khỏe, đúng là giống nòi cảnh sát. Cuộc đời thiếu tá thế là mỹ mãn.
Công việc của cảnh sát thì vô vàn phức tạp nhưng Toại có một lối ứng xử rất hợp thời. Nóng tay bắt lỗ tai, thế thôi. Có hiện tượng biệt động phá quấy thì ký lệnh truy nã Việt cộng. Sau đó chẳng cần kết quả. Lệnh thượng cấp ban xuống rằng ở Đông Hà có ổ buôn nha phiến. Ký lệnh truy tìm bọn buôn nha phiến. Hôm nay bị ngài Jôn – rít quát cho một chập vào mặt, thế là Toại lý lệnh truy nã bọn cướp. Chiều đến ngài quên ngay việc đó. Ngài chạy theo thằng con trai, tập cho nó đưa khẩu súng nhựa lên mắt nhắm bắn “phằng”. Có lẽ ngài mong con nối nghiệp. Bởi nói đáng tội, nghề này cũng kiếm ra ăn. Nhưng đám cảnh sát thì không quên tờ lệnh truy nã. Bởi trong tất cả các mục tiêu tiến công của cảnh sát thì đánh bọn oắt con này xem ra dễ lập được công hơn. Chỉ cần mang thường phục trà trộn vào chợ hoặc bến xe một ngày là phát hiện được. Mà nếu không nhìn thấy đích xác thì cứ tóm bừa một thằng nào đó có vẻ ngông nghênh, thế cũng đã nên công trạng rồi.
Lệnh truy nã tên đầu bọn “Đệ nhị mải võ” được dán khắp cổng chợ, tường nhà. Xe cảnh sát rú còi lao ầm ầm như ra trận. Một ngày lùng sục, chúng bắt hàng chục thanh niên, trói ghì cánh khỉ nhét lên xe. Năm ngày bắt gần năm mươi tên. Tội nghiệp những cậu bé cầu bơ cầu bất bị vạ oan vì đám cướp. Trong số đó, thực ra có tám đứa đích xác là quân của Trương Sỏi.
Một buổi sáng, thiếu tá Toại đang gập người trước bản phúc trình dài dằng dặc của phòng hình sự và toát mồ hôi vì ký quá nhiều lệnh tống giam các tội phạm, thì đột ngột chị vú nuôi chạy vào thở hồng hộc, mặt tái ngắt không còn tý máu. Linh tính nghề nghiệp đã nhổ bật người thiếu tá dậy chồm ra hỏi:
- Chuyện chi?
- Dạ... cháu... cháu...
Toại hét lên như bị cắt cổ:
- Cháu làm răng?
- Dạ... mất... mất..
“Rầm” chiếc ghế đổ. Lọ mực lăn nghiêng, mực ào ra mặt bàn. Thiếu tá lao đầu chạy như mất trí. Lát sau, mọi người lại thấy ngài tóc tai rũ rượi, môi xám xịt, tròng mắt dại đờ, vừa chạy vừa khóc từ nhà riêng đến trụ sở.
Xe Jép nổ máy. Xe hon đa rú ga. Xe Đốt bịt kín thùng hồng hộc lao ra cổng. Lực lượng cảnh sát được báo động khẩn cấp. Cả thị xã nháo nhác như cháy nhà.
Cũng chẳng mất nhiều công lắm, người ta đã phát hiện được cậu bé bên bờ ao nước gần chiếc cầu tay vượn. Cả người cậu ướt sũng nước, mắt đỏ quạch, cổ khản đặc vì khóc. Trên mái tóc còn vướng những lá bèo thối.
Thiếu tá Toại bổ nhào đến, mồm mếu máo, nấc nghẹn:
- Con trai... tôi... con ơi!
Cả đám tay chân của ngài cũng xô đến. Mặt thằng bé tái xanh vì khiếp đảm. Một tên thiếu úy hình sự đã không kìm được sự hãi hùng:
- Chu cha, nó dìm nước thằng bé...
Thiếu tá chết lặng người:
- Quân... vô... lương!
Ngài ôm xốc đứa con trai bên tay, bàn tay ngài chạm phải mảnh giấy găm phía sau đũng quần thằng bé.
“Ông thiếu tá! liệu ông có thể sinh được mấy đứa con trai để nối dòng? Hãy hủy bỏ lệnh truy nã tôi và thả tất cả những người bị bắt ra. Tôi chờ ông trong ngày. Đệ nhị mải võ”.
- Quân... vô... hậu...!
Ngài thiếu tá lẩm bẩm chửi như cầu kinh. Một sự đe dọa u ám trùm nặng trí óc ngài.
Ngay chiều hôm đó, những tờ giấy in lệnh truy nã dán ở cổng chợ và nhiều tường nhà được gỡ sạch. Đêm đó gần năm chục thằng bé được thả. Lạy Phật, cơn sốt cảnh sát thế là qua.
Trước đây đảng “Đào lưu” là một lực lượng đáng gờm nhất. Khu vực “kiểm soát” của nó được kéo dài xuống tận cảng và lan qua bên kia đường 9. Nhưng sau một lần xích mích với bọn “Mãng xà” thì hai toán xảy ra một cuộc sát phạt khá đẫm máu. Lực lượng “Đào lưu” thiệt hại nặng.
Sau đó một số sợ hãi bỏ chạy qua đảng “Hận đời”. Cho đến bây giờ trong tay trưởng đảng Quản nhọn chỉ còn bốn chiến hữu với một vài cơ sở chứa chấp. Hắn đành cúi đầu chịu nhục mà thu hẹp địa bàn lại. Nhưng nào có yên, lực lượng bọn “Mãng xà” ngày một bành trướng. Nghe đâu đã lên tới trên hai chục đứa. Chúng trắng trợn lấn tràn qua bên này chợ. Quản nhọn vừa căm uất, vừa hoảng sợ. Đích thân hắn phải tìm gặp trưởng đảng “Hận đời”, cống nộp 10 ngàn đồng để xin hợp tác lực lượng sát phạt lại bọn “Mãng xà”. Nhưng Hậu lác, con người đã khắc đậm giữa ngực hai chữ “Hận đời” không thèm nói nửa lời với Quản nhọn, đã thế lại cướp không 10 ngàn bạc không chút xấu hổ. Rồi tiếp đó, biết lực lượng “Đào lưu” đã quá tan tác, đảng “Hận đời” nhanh chóng thọc bàn tay lên vùng đường 9. Thế là Quản nhọn bị kẹp giữa hai thế lực mạnh. Hắn lồng lộn đến sùi bọt mép. Nhưng biết làm sao được, đảng “Đào lưu” đang đặt trước nguy cơ xóa sổ.
Cho nên không dễ gì mà Quản nhọn cúi đầu nhường chức thủ lĩnh cho một kẻ ngoài đảng như Trương Sỏi (tức Lãm). Tình thế thúc ép Quản phải hành động như vậy. Trương Sỏi nhanh chóng nắm được tâm trạng ấy của nhóm cướp, hắn tập hợp bọn đàn em lại, chậm rãi tuyên bố:
- Tôi không thích sống theo kiểu này. Bình sinh Trương Sỏi tôi vốn ưa điều ngay thật. (Hắn bắt đầu quen với lối nói trong sách chưởng). Nhưng cảm mến tấm lòng ưu ái của anh em, tôi không nỡ bỏ. vì vậy, ta cần nói thẳng với nhau một điều. Tôi sẽ không tham gia vào những vụ trấn lột. Chuyện đó mặc kệ anh Quản. Tôi chỉ ra tay giúp anh em dạy cho bọn “Mãng xà” và “Hận đời” những bài học bằng máu về sự láo xược, để chúng nó biết thế nào là công bằng. Sẽ thu hồi lại “lãnh thổ” của đảng ta. Sau khi những mục tiêu ấy thành đạt thì anh em cho phép kẻ biếng lười này rút lui. Lúc đó ép nhau cũng không được.
Tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Quản nhọn đứng dậy vòng hai tay lên trước mặt y như một vị đại quan đứng trước mặt Thượng hoàng trong các vở tuồng cổ:
- Trình đại ca! Bọn đàn em cũng biết đại ca là bậc danh tiếng chẳng thèm dấy bẩn vì đám bụi đời này, cho nên không dám phiền nhiều đến đại ca. Công việc làm ăn hàng ngày là việc vặt vãnh. Đại ca cứ thẳng lưng mà ngủ đừng có lao tâm làm chi. Chỉ mong sao, bằng uy danh của mình, đại ca phục hồi lại cho đảng “Đào lưu” những gì đã mất – Nói đến đây đôi mắt Quản nhọn chớp chớp như muốn khóc. Hắn quay lại phía bọn đàn em – Hỡi ôi, hẳn anh em đều chưa quên lịch sử. Sở dĩ chúng ta mang danh “Đào lưu”, bởi vì từ thuở mới khai trương đảng anh em mình dọc ngang như con nước xiết, mênh mang đất trời không hề biết quy phục ai. Lúc đó làm chi có bọn nhãi nhép “Mãng xà”? Làm chi có tụi mất dạy “Hận đời”? Chỉ có ta thôi. “Đào lưu” là dòng chảy của máu đó. Bây giờ dòng máu ấy đang bầm tím lại, sôi sùng sục vì uất hận – Hắn lại xoay người lên hướng Trương Sỏi – Nếu nhờ danh tiếng của đại ca mà uy danh đảng ta lại lẫy lừng như trước thì lúc đó xin mời đại ca cứ an nghỉ, thẳng bụng mà ăn, thẳng lưng mà ngủ. Bọn đàn em này xin suốt đời làm tôi tớ cho đại ca.
Đại khái cuộc hội ngộ đầu tiên là thế. Rồi rượu lại được rót ra. Rồi những lời thưa trình xủng xoảng, kỳ quái. Nhưng đến đó thì Trương Sỏi không còn nghe gì nữa. Cả đời không quen uống rượu, giờ uống vào là Sỏi không còn nghe gì hết.
Đến lúc Trương Sỏi tỉnh rượu thì không còn một ai ở bên cạnh. Trời nhá nhem tối. Sỏi biết rằng bọn chúng đã ra đi. Cây đèn dầu bóng dài bắt màu sáng xanh lè ra mặt đường 9. Cô chủ quán, một cô gái chừng mười tám tuổi, tóc quăn râu ngô, mũi gãy, má lem lém vết chàm đang xoa bóp ở đùi Trương Sỏi. Cô gái cười một kiểu cười dị dạng.
- Đại ca... ngủ ngon hè?
Trương Sỏi nhíu mày khó chịu. Cái thằng Quản nhọn bày ra lắm trò quỉ quái quá. Hắn nhặt đâu được con bé tởm lợm thế này? Cái quán này là “bản doanh” của đảng “Đào lưu”. Chủ quán là người trong bọn. Đây là chỗ ăn, họp, chỗ bàn tính âm mưu. Quán lui xa khỏi thị trấn, đặt ở chỗ cua trên đường từ Cam Lộ về Đông Hà. Có lẽ trước ngày Trương Sỏi về đây, con bé khốn khổ này đã từng xoa bóp kiểu này cho Quản nhọn và nhiều thằng khác. Nghĩ vậy bất giác Trương Sỏi rùng mình.
Rượu chưa tan hẳn trong đầu, cái độ nồng còn lại đủ gây cho Sỏi một nỗi buồn da diết. Cuộc đời! Cái gì đã qua và cái gì đang đến? Kỷ niệm tuổi thơ vẫn chưa chịu chết hẳn, mặc dù cuộc sống người lớn đã chồng chất đè nặng lên nó hết lớp này đến lớp khác. bàn tay cô chủ quán vẫn xoa lên khắp da thịt Sỏi. Hơi rượu cũng lan man bò trong tâm khảm anh. Văng vẳng đâu đó tiếng hát trầm trầm. Bài hát “Chiếc khăn piêu...” Những đêm chiếu phim nhộn nhịp và hồ hởi... Những buổi thả trâu ngoài trảng Phước. Tiếng mõ trâu lóc cóc khua rền. Bài ca “chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng” thường lẫn vào trong những âm thanh ấy. Hồi đó, người thích hát bài ấy mới là một thanh niên, bước đầu lên tuổi thanh niên, người đó không biết rằng bài hát ấy nói về một câu chuyện tình yêu chan chứa... Tình yêu là gì anh ta nào có ý thức được. Đến bây giờ, đến tuổi trưởng thành thì làm gì còn những lời ca kia nữa. Tất cả đã không thèm quay trở lại với anh...
- Đại ca dùng một chai Cô – ca cho nhả rượu nghe?
Sỏi lắc đầu. Hắn đang cần rượu để được ngủ tiếp trong trạng thái đê mê ấy. Công việc Sỏi định làm trong đêm nay là về dưới bờ ruộng chỗ gần chiếc cầu tay vượn để mò lại khẩu súng ngắn. Khẩu súng của tên cảnh sát văng vào chân Sỏi trong cái đêm hút chết ấy. Bây giờ Sỏi thấy cần đến nó! Cần làm gì? Trương Sỏi chưa có ý định rõ rệt. Có lẽ trước hết chỉ để tăng thêm phần oai vệ mà thôi.
Nhưng Trương Sỏi vẫn nằm yên, mắt khép hờ. Hơi rượu âm ỉ chuyển động trong từng tế bào. Bao mệt mỏi của một cuộc chạy đua đường trường của mặc cảm và chí phục thù, tích tụ lại trong cơ bắp, thần kinh, nay đang tan hòa, bốc hơi ra khỏi người hắn. Một sự đền bù từ phía ngoài râm ran chuyền vào. Bàn tay cô chủ quán vẫn xoa đều. Quán vắng lặng quá. Ai dám đi đường này vào lúc tối tăm như thế này nữa. Lại càng không ai to gan ăn nhậu ở một cái quán chơ vơ đầy ngờ vực này. Không gian u mờ như hoang đảo. Sỏi khẽ trở mình, quờ tay ra phía trước. Một hơi nóng áp vào ngực hắn hầm hập như nồi nước sôi mở vung. Hắn vẫn không thèm mở mắt. Lúc này hắn tự cho mình có quyền được hưởng những sung sướng mà không cần biết của ai, từ đâu đến.
Sự êm đềm giả tạo ấy không thể kéo dài. Việc có mặt của Trương Sỏi chưa hề mang lại tác dụng gì mà lại quàng thêm vào cổ nhóm cướp một gánh nặng. Những câu thưa bẩm, những lời nịnh hót ngày một thưa thớt dần. Rồi Trương Sỏi đọc thấy trong các ánh mắt vẻ bực bõ, khó chịu của đám bụi đời này. Dần dần là thái độ khinh mạn. Đặc biệt những đêm không kiếm chác được gì, bọn chúng thường cấu xé lẫn nhau.
- Đồ ăn hại! Chỉ được híp mắt lại là giỏi.
- Đ. mạ! Thằng nào ăn hại? Xem cái bả vai tao đây này, chừng này máu chưa đủ cho mày uống à?
- Câm mồm đi! Có đổ máu mới có cái mà nhậu chứ. Cứ phưỡn bụng ra thì lấy cứt mà đổ vào mồm à?
Trương Sỏi đứng bật dậy, máu nóng trong người sôi lên sùng sục. Hắn biết tất cả những lời bới móc ấy nhằm vào ai. Nhục quá! Mà cũng đau quá! Để cho bọn nhãi nhép này xỉ vả thì còn ra cái kiếp chó gì nữa!
Cả bọn vẫn chúi đầu vào bàn ăn. Những quả chuối cuối cùng đã bị bóc vỏ. Những chai la – ve cuối cùng đã dốc ngược đít. Thằng Cún thọt cầm chiếc vỏ chai huơ lên như một gã điên:
- Nốc đi! Đ.mạ, chúng mày nốc đi!
- Còn máu... gì nữa mà nốc?
- Hừ, rứa đứa nào uống? Há? Đứa nào uống hết? Đ.mạ, đứa nào đã uống hết la – ve thì nốc nốt nước đái tao đây này. Ha... ha...
Trương Sỏi lao sầm đến. Bung... xoảng!.. Một cú đá như sét đánh hất tung chiếc bàn ăn, vung tóe bọn người ngồi xung quanh. Cả đám kinh hoàng nằm xuống đất. Lần đầu tiên đại ca nổi giận! Đôi mắt Trương Sỏi long lên sòng sọc.
Quản nhọn run lẩy bẩy:
- Đại... ca... vì sao... đại ca lại như... như vậy?...
Trương Sỏi quay người đi, lòng nặng chịch. Từ ngày đặt chân vào đất này, hắn đã tự nghiến răng lại mà thề dù chết đói cũng không để cho lũ khốn kiếp này coi thường. Huống chi nay, đường đường là “anh hùng nhất khoảnh” thế mà lũ ôn dịch kia dám lăng mạ hắn. Tại sao mình không xông vào đập vỡ sọ chúng nó ra? Sao không cắn xé cho tơi tả những bộ mặt kia ra? Ừ, tại sao? Trương Sỏi bỗng thấy nghẹn ứ trong cổ. Tại sao có trời mà biết! Nhìn những bộ mặt kia vừa thấy đáng ghét, vừa đáng thương. Chúng nó phờ phạc quá, thiểu não quá! Những thằng mười ba, mười bốn tuổi: mười chín hai mươi tuổi... Cái tuổi ăn, tuổi ngủ. Thế mà đói. Đói cả cơm, đói cả ngủ. Đói thì cắn bậy nhau thôi. Còn mình? Chao ôi... ngủ, ngủ li bì trong rượu và thức nhắm. Có lẽ mắt mình híp lên vì ngủ. Có lẽ chúng nó nhìn vào bộ mặt mình còn đáng ghét gấp trăm lần khi mình nhìn mặt chúng nó. Không! Không thể nào đập vào mặt chúng nó được. Mà có đập thì cũng chưa phải lúc. Đánh lúc này là mang tiếng ác, là phản bội, xấu nhất là loại ăn cháo đái bát. Không, tao không thèm quỵt chúng mày đâu. Tao sẽ mang tiền về. Tao sẽ chồng đống bạc ra giữa mặt chúng mày rồi rít lên “Đó, nhậu đi, đồ rẻ rách! Chúi đầu vào như vịt mà ăn đi!”. Phải như thế đã. Sau đó mới dạy cho chúng bài học về sự lễ độ.
Nhưng tiền ở đâu ra? Câu hỏi ấy đến đột ngột khiến Trương Sỏi đứng sững người. Chẳng lẽ... chẳng lẽ mình cũng phải đi ăn trộm ư? Trời ơi thằng Trương Sỏi này mà cũng đi ăn cướp ư? Thằng Trương Sỏi, không, tên nó là Nguyễn Viết Lãm, mà cũng không phải, là Lạng kia, Hoàng Lạng, Ngô Sĩ Lạng... dù sao thì không có cái tên nào thích hợp với nghề cướp. Mình có thể nào lại trở thành nỗi kinh hoàng của ông Cống, chú Trương Phú.
Mồ hôi Sỏi vã ra. Hơi rượu vẫn còn cay cay trong sống mũi. Cần tiền quá! Thậm chí cần rất nhiều tiền nữa. Chỉ cần một lần này thôi, một lần thôi để rửa nhục. Ai khinh hắn còn khả dĩ, chứ để lũ bụi bặm kia kinh thì quá nhục. Tiền! Tại sao mình không có tiền? Bao nhiêu tiền ở đâu hết mà không đến với mình, mặc dù ít ai ham làm bằng mình, ít ai chịu khó chịu khổ bằng mình. Thế mà tiền vẫn ở lì trong túi những kẻ sinh ra để giữ tiền. Tiên sư đứa có tiền! Đ. mạ bọn nhiều tiền! À, tiêu diệt chúng nó đi, bọn có tiền ấy. Móc họng chúng nó ra, lũ chứa tiền ấy. Để cho chúng ít nhất là một lần biết thế nào là nỗi nhục nhã của kẻ không tiền. A ha, móc họng chúng nó ra.. Càng làm cho chúng tiêu điều càng thích... Những ý nghĩ hung ác cứ lồng lộn lên sùng sục như một vạc dầu sôi trong óc Sỏi. Hắn mang ngọn lửa bừng bừng ấy mà đi như chạy về phía thị xã.
Từ xa Trương Sỏi đã vội vã khẳng định mục tiêu. Ngôi nhà hai tầng ngay lối rẽ vào chợ, Nhà ấy hẳn là giàu. Nhà ấy phải bị trừng trị, mặc dù ai là chủ ngôi nhà đó không cần biết. Lúc này còn quá sớm. Người vẫn đi lại thong dong trên phố. Nhưng Trương Sỏi rất sợ sự chậm trễ. Sự chậm chạp có thể làm hắn mất ý chí. Chỉ cần một thoáng đắn đo lúc này là hỏng hết việc. Tiền đâu? Này... Sỏi vịn tay vào bờ tường, lên gồng đu một phát vào phía bên trong. Hú hồn, không một ai nhìn thấy. Sân vắng lặng, nhưng trong nhà vẫn đỏ đèn. Cửa chưa cài. Làm sao đây? Cứ vào thẳng. Tội đếch gì mà lén lút, ăn trộm ư? Cóc cần. Cứ lao sầm vào mà đòi tiền. Băm vằm những đứa có tiền ra. Nào, a – lê – hấp, vô...
“Gâu! Gâu!”. Con chó xồm ở đâu bất ngờ lao ra. Sỏi giật bắn người lùi lại. Con chó sủa dồn dập và chồm chồm người chực cắn.
- Ai đó?
Tiếng hỏi vọng ra. “Gâu! Gâu!”. Tiếng chó đáp khẩn cấp.
- Ai đó?
- Gâu! Gâu!
Đèn bất ngờ bật sáng trưng cả hai gác nhà. Tiếng soạn sửa lích kích như kiểu tìm dao, gậy. Tiếng chân chuyển động sậm sịch. Đột ngột cửa trước được xô tung, ba bóng người cao to lao ra cùng một lúc. Con chó xồm được thế nhảy phốc vào. Bụp! Ẳng... Sỏi chỉ kịp co chân đá tung con chó lên phía trước rồi nhào trở ra bờ tường. Vừa đu lên thì một cây dao lao vù đến may kẻ phóng dao không phải là con nhà võ. Sỏi văng người ra phía ngoài. Vừa lúc có mấy người đi đường qua chỗ đó. Họ hét lên thất thanh và bỏ chạy tán loạn. Bên trong nhà tiếng la ầm ĩ náo động .Sỏi co giò phóng. Đám người đi đường chạy giạt ra hai bên. Chỉ còn có một người đàn bà luýnh quýnh chạy thẳng phía trước mặt. Sỏi lao thục mạng cốt để thoát thân. Nhưng khi đuổi kịp người đàn bà, một ý nghĩ điên dại lóe lên. Sỏi với tay xô nghiêng một cái. Người đàn bà ngã sóng soài. Sỏi cúi nhanh xuống. Hai bàn tay Sỏi quờ quạng khắp người, mặt nạn nhân. Cặp hoa tai... một chiếc nhẫn... một ví căng kẹp dắt trong lưng quần... Hình như người đàn bà ríu lưỡi van lạy. Nhưng tất cả đều lẫn trong tiếng gió. Sỏi chẳng nghe gì cả. Phía sau chó vẫn sủa. Láo nháo tiếng la hét. Sỏi chỉ kịp dừng lại bên người đàn bà độ một phút rồi lại co giò ào ào phóng lên phía trước, nhằm về phía có chiếc quán cô độc. Chúng mày đâu! Lũ bọ hung kia đâu! Tiền đây, cả vàng nữa. Chúi đầu vào mà cười hô hố như chó sủa đi!
Sự êm ả lại trở về với Trương Sỏi. Một phần nhờ vào số tiền cướp được của người đàn bà xấu số nào đó. Phần nữa do bọn cướp kinh hãi trước tài ba có thực của vị đầu đảng, chỉ mới ra tay chưa đầy tiếng đồng hồ đã mang về một đống của cải, lại dốc túi ném hết cho bọn chúng. Con người thế mới hảo hán chứ! Bây giờ dù có hết ăn, dù gặp khi xúi quẩy nhất chúng vẫn không dám hé răng trước mặt Trương Sỏi. Đứa nào cũng lạnh gáy khi nhớ lại cú đá bay chiếc bàn ăn tối nọ. Chỉ cần một cú đá như vậy vào chúng nó thì coi như bai đời.
Lại bắt đầu mùa gió lào. Dấu hiệu đầu tiên là những làn hơi nóng lất phất ở đâu đó không rõ hướng tạo nên cảm giác uể oải và buồn ngủ. Gió lay lao xao tàu chuối, cuốn vật vờ những rác mỏng bên lề chợ. Thế rồi, một buổi sáng nào đó ngủ dậy người ta tự nhiên thấy gió tuôn ào ào. Những cành cây ngả nghiên quằn về một phía. Những khối bụi cuồn cuội trôi dọc các lối đi. Gió vẫn còn man mát nhưng không ru người ngủ được nữa. Bắt đầu thấy ngợp vì gió. Tai lúc nào cũng ù ù tiếng gió. Cổ họng khô bong. Mặt mũi, da dẻ ram ráp bụi. Rồi cái man mát cũng mất luôn, một hơi nóng lạ kỳ từ trong gió phả ra, phần phật như quạt lửa. Lá cây tan tác. Cỏ trên đường khô giòn. Chó thè dài lưỡi thở như dốc ruột. Người cởi vứt áo ngoài, cởi quần dài, cởi cả áo lót. Người và đất lẫn nhau, đen đủi, bụi bặm và nhầy nhụa. Không một chỗ nào có thể ngồi yên. Không thể bình tâm để làm bất cứ việc gì. Cơ thể bốc dần hết nước. Trí não bốc hết sự lanh lợi, khôn ngoan. Trái tim khô cạn mọi rung động. Những ánh mắt trở nên đờ dại, tính khí thất thường và cái bản năng hung hãn trong từng người có thể bất thần cuộn tung lên cùng gió và cát bụi...
Trong mùa gió lào đến, những kẻ khôn ngoan nhất thường phải cố tỉnh táo để có một cách ứng xử thích hợp với mọi người: đừng để mất lòng ai. Thế nhưng, kẻ cầm đầu đảng cướp “Hận đời” lại không phải là người khôn ngoan. Những vụ tranh ăn liên tiếp xảy ra trên trục đường 9. “Hận đời” cậy thế đông thường trấn lột trở lại bọn “Đào lưu”. Mỗi lần bị ăn chặn, đám đàn em lại hớt hải chạy về kêu với Trương Sỏi. Sỏi nghe xong, khẽ lim dim mắt suy nghĩ. Hắn không nói một lời. Đám lâu la đành cắn răng chịu nhục, không dám nói thêm gì nữa.
Chúng nó không biết rằng, chính trong cái bức xúc của gió lào, vị đại ca của đảng “Đào lưu” đang hừng hực một ý nghĩ độc ác. Phải làm cỏ bọn nhãi nhép “Hận đời”! Nhưng bằng cách nào? Trừng trị vài thằng tép riu thì ăn nhằm gì! Rồi để chúng nó co vòi lại, lẩn tránh hết thì còn biết lần mò đâu ra nữa. Phải làm sao phạt cho tận gốc. Làm sao cho lũ đàn em của tên Hậu lác kia hết nơi nương tựa, chúng sẽ phải gục đầu mà xin theo chân Trương Sỏi. Lúc đó uy danh của Sỏi sẽ chùm khắp Đông Hà. Rồi đó, sẽ tính đến chuyện sát phạt “Mãng xà”.
Cũng có lúc cái con người Nguyễn Viết Lãm trong Trương Sỏi chợt thức dậy. Hắn sửng sốt vì một câu hỏi bất thần của trái tim: “Hại một con người như thế có quá ác chăng?”. Nhưng gió lào ào ào thổi bạt chút từ thiện mỏng manh ấy đi. Trương Sỏi quả quyết, Hậu lác là một thằng cướp, nó phải bị trừng trị. Việc ta làm là hành động cao cả của lương tâm (!).
Bọn đàn em không hề đọc được sự tính toán ấy của đảng trưởng. Đám cướp “Hận đời” lại càng không biết chút gì. Sự kiêu căng ngày một xô chúng tới bờ vực tự hủy diệt.
Một sáng nọ, đám cướp “Hận đời” lại phát hiện thấy đích Quản nhọn (mà chúng vẫn đinh ninh là đảng trưởng “Đào lưu”) móc chiếc ví của một bà già từ trên xe Huế ra. Trong lúc cả xe nhốn nháo vì có người bị mất cắp thì Quản nhọn đã lẩn nhanh vào chợ, băng về phía bến đò rồi thoắt cái, đã biến vào một ngõ phố hẻm. Chừng mười phút sau, Quản nhọn xuất hiện ở một quán ăn phía cuối thị xã dọc theo đường 9.
Quản nhọn gọi một tô bún bê ra ngồi ở chiếc bàn ngoài cùng. Hắn ngồi một mình quay lưng ra đường nên không để ý đến một tốp bốn đứa như từ dưới đất chui lên, lẹ làng kéo ghế tới ngồi kẹp sát Quản nhọn. Nhưng kẻ vừa móc được khoản tiền lớn vẫn chúi đầu vào bát bún, không thèm đưa mắt lên nhìn. Cho đến lúc có vật gì đó chọc nhẹ vào mạng sườn gây một cảm giác buốt lạnh như kim đâm thì Quản nhọn mới dừng tay thìa. Lưỡi dao găm bé xíu lấp loáng phía dưới tà áo hắn.
- Ngồi yên, người anh em!
Quản nhọn vốn nói lắp càng được dịp líu lưỡi:
- Ấy... đư...ừng!...
- Đưa số tiền lúc nãy đây!
- Khoan đã.
- Im! Cứ húp bún đi. Tay kia lấy tiền.
Quản nhọn ngoan ngoãn cúi đầu xuống bát bún, tay trái lần vào túi áo bên trong. Nhưng hắn không xỉa tiền ra mà lại chìa qua một tờ giấy gấp nhỏ.
- Cái chi đây?
Tên cầm dao khẽ hỏi và tự tay mở tờ giấy. Hắn đọc lướt một tí rồi gấp nhanh lại bỏ vào túi.
- Chuyện ấy nói sau. Cứ đưa tiền đây đã.
Quản nhọn lại cho tay vào túi. Chiếc ví được nhanh chóng chuyền qua tên bên cạnh. Nhoáng một tý, đám thanh niên tản ra rồi biến mất. Quản nhọn vẫn cúi đầu húp sồn sột nước bún. Khách trong quán chẳng ai hay biết gì.
“Trình Hậu đại ca, trưởng đảng Hận đời!
Kẻ yếu hèn này xin cúi đầu trước oai hổ của đại ca mà thưa rằng, từ mấy tháng nay lũ nhãi nhép chúng tôi vô cùng long đong khốn đốn bởi tay chân của đại ca đã không nương tay nhường nhịn. Càng gần đây sức ức hiếp của họ càng trở nên quá quắt... Tôi thiết nghĩ rằng con sâu, con kiến cũng cần có cái ăn mới sống được huống chi người cũng đôi lần, cái giận lấn cái khôn, toan ra tay xin lại miếng cơm bị chặn, nhưng nghĩ đến tình bằng hữu lâu nay giữa hai đảng chúng ta, lại thêm hoảng sợ trước oai hổ của đại ca nên đành cắn răng chịu lún.
Tự nghĩ, có mặt trời cũng phải có mặt trăng, có đại thụ cũng cần có lau sậy, chẳng lẽ đại ca nỡ sống một mình? Thế nên cúi xin đại ca mở rộng cửa cho kẻ nhỏ mọn này được tiếp kiến. Xin dẫn trước 10 ngàn làm quà cho địa ca hút thuốc. Nếu được ra mắt sẽ mang thêm 20 ngàn gọi là chút lễ mọn để được bàn lại với đại ca lãnh địa sinh tồn. Đại ca nói cho một lời thì chúng tôi được sống yên ổn. Rồi ra dành dụm chút quà cáp hầu mong thường xuyên gửi tới đại ca. Còn nếu không thể, con giun xéo lắm cũng phải quằn, tới lúc đó sợ có lời thất thố.
Nếu được chấp thuận xin cắm lên cây số ba một tờ giấy vàng. Tôi sẽ gặp đại ca vào 8 giờ tối thứ bảy tại lò gạch cũ dưới chân đồi Vành Khuyên.
Vô cùng sợ hãi. Đảng trưởng Đào lưu. Ký.”
Hậu lác ôm bụng cười như nôn mửa. Rồi đột ngột hắn lại trừng mắt lên, vò mảnh giấy ném bẹt xuống đất. Rõ ràng lời lẽ lá thư có vẻ khiếp sợ, bái phục nhưng ẩn ý bên trong lại gầm ghè dọa nạt. Hỗn láo chưa! Thằng Quản nhọn kia sức mấy mà dám nói tới điều thất thố? Hắn định đâm cổ tự sát trước mặt ta chăng. Anh em, cắm cờ vàng để chúng nó đến! Tối thứ 7, tại lò gạch cũ Vành Khuyên, ta sẽ xóa sổ bọn oắt con “Đào lưu” ấy đi. Mãi mãi về sau đừng ai nhắc đến lũ ấy nữa.
Phía trong lòng cái lò gạch bỏ hoang ấy đặt một ngọn đèn dầu lờ mờ. Hậu lác ngồi trên một chồng gạch khá cao. Bên phải và bên trái là hai “hổ tướng” hộ vệ. Khoảng rộng còn lại phía trước dành cho khách. Khách cũng có ba người. Quản nhọn đứng giữa, Cún thọt đứng bên trái, hai thằng này thì Hậu lác đã nhẵn mặt. Còn một hộ vệ phải, người thâm thấp, mặt luôn luôn cúi gằm vẻ sợ sệt. Có lẽ bọn “Đào lưu” mới thu thập thêm người? Hậu lác nghĩ nhanh vậy, bởi hắn nắm được một cách chắc chắn rằng đảng “Đào lưu” chỉ còn có 6 tên, năm trai, một gái. Lực lượng sắp tan rồi.
Có hai việc đầu tiên làm cho Hậu lác khó chịu. Một là Quản nhọn vào mà không quỳ xuống chào. Hai là sau mấy câu xã giao nhột nhạt vẫn không thấy Quản nhọn xỉa ra 20 ngàn như đã hẹn trước. Máu giận trong người Hậu lác bắt đầu bốc.
Cuộc “hội đàm” bắt đầu. Hai bên nói năng bằng những lời lẽ tối cổ: “Thưa đại ca...” Hiền đệ cứ thẳng thắn...” “... Nhị vị hổ tướng hãy nói giúp với chủ soái vài lời...” Đại loại là như vậy. Một bên xin mở rộng địa bàn trở về như cũ, nghĩa là suốt hai bên đường 9 và toàn bộ vùng chợ. Đối lại, Hậu lác buộc bọn “Đào lưu” phải rút lên trên Cam Lộ, đừng bén mảng xuống Đông Hà nữa. Thế là cãi nhau. Những từ ngữ cổ kính biến mất. Bắt đầu văng các thứ ra. Hai bên tranh nhau nói. “Nhị vị hổ tướng” cũng không còn giữ nguyên phong cách hộ vệ chủ soái nữa mà cũng lồng lên, sùi bọt mép ra chửi. Cả hai “phái đoàn” sắp sửa xáp vào nhau, tay chống nạnh, áo phanh cúc. Những câu chửi tục nhất, những động tác đểu cáng nhất đều được xỉa ra. Chỉ duy nhất trong đám có một người vẫn cúi đầu im lặng. Đó là hộ vệ phải của Quản nhọn. Mặc cho hai bên văng các “của báu” đàn ông, đàn bà vào người nhau, người vệ sĩ kia cứ cúi thấp đầu, bình tâm như một tu sĩ.
Đột ngột Hậu lác hét lên một tiếng: “Anh em!” Tức thì như trên trời rơi xuống, trước cửa lò gạch lù lù hiện ra mười bóng đen đứng xít nhau thành một hàng rào thịt. Quản nhọn như có vẻ biết trước điều đó sẽ xảy ra, hắn ngửa mặt cười hi hí:
- Tao tưởng mi anh hùng kiểu nào chứ cũng nhát như cáy.
- Tao mà nhát à?
- Không nhát mà mai phục chừng nớ thằng? Tao có ba đứa thôi, mi có giỏi lấy một chọi một.
Hậu lác tức lộn ruột, hấp háy con mắt lác:
- Đêm ni mi đừng hòng chạy thoát
- Mi ăn cứt tao à?
- Đù mạ. Tao sẽ cắt ngang cổ...
Nhoáng một cái, Hậu lác rút từ trong lưng quần ra một con dao sáng loáng. Răng hắn nghiến lại ken két. Nhưng Quản nhọn vẫn đứng. Hai hộ vệ cũng đứng sít lại, Hậu lác tự lượng sức thấy khó mà làm gỏi được ba tên này, hắn nhảy lùi một bước vào sâu bên trong. Quản nhọn và hai vệ sĩ tiến theo một bước. Lập tức mười thằng bên ngoài cùng nhất loạt ập vào. Thế là cả bọn chen nhau đứng chật lòng lò gạch. Đấy chính là toàn bộ kế hoạch tài tình của người vệ sĩ thâm thấp lúc nào cũng cúi gầm mặt bên phải Quản nhọn.
Hậu lác rên hừ hừ trong cổ:
- Chừ thì... chừ thì... tao cắt tiết mày...
Hắn vung cây dao găm lên, khom người lại gằm gằm tiến tới Quản nhọn. Quản nhọn thụt lùi một tí, mắt cũng nhìn như cọp đói vào Hậu lác, hai tay chực nắm lấy cổ tay Hậu.
- Thôi, dừng lại!
Tiếng ra lệnh bất ngờ khiến tất cả những đứa có mặt trong lò gạch đều ngẩn ra. Cặp “gà chọi” ở giữa vòng chiến cũng dừng lại. Hậu lác hấp háy đôi mắt
- Đứa mô hét?
- Đưa dao đây!
Người “vệ sĩ” nãy giờ cúi đầu im lặng ấy bất ngờ ngẩng mặt dậy. Hắn chìa bàn tay ra phía trước một cách trịnh thượng mắt nhìn như găm vào tên đầu đảng “Hận đời”
- Đưa dao đây!
- Con c. Mi là thằng nào?
- Đưa dao đây!
- Đ. mạ! Dao đây này...
Hậu lác chuyển mục tiêu đâm chéo một nhát vào giữa mặt tên “vệ sĩ” hỗn láo. Nhưng thật bất ngờ, cái cổ tay của vị địa ca kia đã bị kẹp cứng trong năm ngón tay của người “vệ sĩ”. Hậu lác trợn ngược mắt lên, giật lùi một phát. Nhưng người “vệ sĩ” vẫn đứng trơ trơ như cột đá.
- Thả dao xuống.
- Mi... mi... ái, đau quá!...
Hậu lác không giật được tay ra, hai môi run lên vì tức giận. Hắn vờ dặc dặc cánh tay cầm dao rồi đột ngột dùng tay kia thọc một quả đấm vào bụng dưới đối thủ. Cú đấm dốc toàn lực hòng gỡ khóa trên tay. Nhưng thực lạ, quả đấm vừa phóng ra thì táng phải một lực gạt tưởng gãy lìa cổ tay. Hậu lác run bắn người, toát mồ hôi hột.
- Anh... anh em...
Bí quá hắn phải kêu cứu. Bọn đàn em được lệnh ào vào. Một cuộc ẩu chiến bắt đầu. Tiếng đấm thụi, tiếng chửi tục, tiếng kêu oai oái xen lẫn nhau.
Thực ra, đám đàn em của Hậu lác không phải đến nỗi không vượt qua được Quản nhọn với Cún thọt. Thâm tâm chúng đứa nào cũng chột dạ khi nhìn thấy gã vệ sĩ thấp lùn kia khóa tay đảng trưởng. Chúng mượn cớ tập trung đánh hai tên kia để khỏi phải xông vào gần “vệ sĩ”. Đã có nhiều đứa bị đòn đau. Có đứa hộc cả máu mồm. Có đứa còn ôm hai mắt nhào ra phía sau. Tuy vậy với cái áp lực đa số chúng vẫn dồn Quản và Cún vào thế hiểm nghèo. Những cú đấm ào ào bạt tử. Gạch đá nèm vèo vèo. Bí quá Quản nhọn kêu toáng lên:
- Đại ca... Đệ nhị...
“Huỵch” một cú lẳng tay nhanh như phạt cỏ. Cả tấm thân Hậu lác đập sầm vào bờ gạch. Cả đám đàn em hết hồn, đứng sững ra. Trong một tích tắc, chúng chợt phát hiện thấy người “vệ sĩ” đang lao vào chỗ chúng nó. Ba bốn đứa ngã nhào một lúc. Mấy đứa khác định co giò chạy. Nhưng không kịp. Người “vệ sĩ” đạp lên xác những thằng dưới đất, chặn ngay đường rút của chúng. Từ phía cửa, những cú đấm, đá phóng vào. Bên trong Quản nhọn, Cún thọt mặc sức nện ra. Cả một bọn lăn xoài xuống đất, khóc rống lên, lạy lục kêu van.
Dĩ nhiên tiếng đấm đá đến một lúc cũng phải ngừng vì chẳng còn có cái gì để đấm. Có lẽ cũng chẳng đứa nào chết, nhưng tất cả đều hộc máu. Tên “Hậu lác” nằm như người gãy xương mồm rên hừ hừ. Cảnh tượng trông thật thê thảm. Nhưng những người vừa hạ sát không hề tỏ ra xúc động. Chúng cuộn vạt áo lên lau mồ hôi và máu trên mặt. Còn cái người “vệ sĩ” thấp bé kia chẳng thèm nhìn kĩ một ai, nó nhổ toẹt một bãi nước miếng lên thân một đứa nào đó rồi bất ngờ nói to:
- Tao là Trương Sỏi, Đệ nhị mải võ, thừa lệnh của Băng chủ Sơn Nam ra dẹp loạn vùng này. Ta tuyên bố, từ nay xóa sổ đảng “Hận đời”. Những đứa nào trong tụi bay còn muốn tiếp tục sống nghề này thì tối thứ năm tuần tới tập trung về quán rượu cây số Bốn. Tất cả hợp lại trong đảng “Đào lưu”, tất cả là anh em. Đứa nào mang lòng phản trắc thì đừng trách thằng Sỏi này độc ác!
2
Đòn sát phạt nhóm cướp “Hận đời” chẳng mấy chốc đã loan truyền khắp giới bụi đời Đông Hà. Rồi tin chính thức cho biết hai đảng “Hận đời” và “Đào lưu” sát nhập dưới quyền Đệ nhị mải võ. Lợi dụng lúc thanh thế còn lẫy lừng, Trương Sỏi cho bắt một tên móc túi của nhóm “Mãng xà” đưa về quán, sai tay chân nện cho một trận rồi lệnh hỏi cho ra tung tích đảng trưởng của nhóm này. Sỏi định dùng uy lực của mình, gửi một lá thư bắt đảng “Mãng xà” phải quy phục.
Nhưng tên bụi đời bị bắt cóc này không biết một chút gì về thủ lĩnh của hắn. Hắn bị đòn oan. Sự thực, toán cướp Mãng xà do hoạt động sát nách cảnh sát nên có một kiểu tổ chức đặc biệt.
Nhóm cướp được chia thành nhiều tốp nhỏ. Hầu hết những đứa này đều có một nghề nghiệp công khai như bốc vác ở bến xe, bến cảng, chữa đồng hồ, chữa hon đa, xe đạp, hay ít ra cũng bán krem, thuốc lá. Bọn chúng đều có gia đình, ăn ở ổn định chứ không chui bờ ngủ bụi như đám “Đào lưu” hay “Hận đời”. Thậm chí có đứa là con nhà quyền quý, ăn diện nhất nhì thị xã.
Các tốp nhỏ trong đảng không được biết hết mặt nhau. Đặc biệt chúng không hề biết mặt tên đầu đảng. Nhưng từng đứa phải tự giác nộp một phần tiền cuỗm được cho từng tổ, tổ nạp lên cho một bà có máy làm krem. Số lãi được chia trở lại một phần, còn một phần làm quỹ chung. Số vốn vẫn được bổ sung đều đặn. Sự trung thành của nhóm cướp này chủ yếu là vì số vốn ngày một nhiều ấy. Có đứa thóc mách biết loáng thoáng rằng, đảng trưởng của nó đã dùng một phần số vốn lũy tiến kia cộng thêm số lãi gọi là quỹ chung kia để buôn nha phiến. Nhưng chẳng đứa nào dám hé răng. Bởi biết đâu đảng trưởng lại là thằng bên cạnh mình. Chưa ai từng thấy một trường hợp nào đảng trưởng “Mãng xà” xuất hiện hoặc ra tay võ nghệ. Nhưng tiếng đồn trong nhóm thì lắm huyền thoại. Nghe nói không những đảng trưởng cực kỳ lão luyện võ nghệ mà còn có thuật biến hóa nữa. Không một sự phản bội nào trong đảng mà thoát nổi khỏi sự trừng trị...
Đó là toàn bộ lời khai của tên tù binh bị đánh quá đau. So với lời đồn đại lâu nay cũng có phần trùng khớp. Cả nhóm thủ lĩnh đảng “Đào lưu” cứ ngẩn mặt ra, chẳng còn phân biệt thế nào là thật giả nữa. Chỉ riêng Trương Sỏi là nghe một cách chăm chú. Rồi bất ngờ hai trong mắt của vị đầu đảng ấy sáng hẳn lên. Sỏi vỗ đánh đét một cái vào đùi ra vẻ khóai chí. Hắn ra lệnh thết đãi tên “tù binh” một bữa ra trò, sau đó ban lệnh “ân xá”.
Sỏi tỏ vẻ vui thích bởi trước hết, trong câu chuyện về tổ chức đảng cướp “Mãng xà” có cái gì đó cực kỳ hấp dẫn. Một đảng cướp không cù bơ cù bất. Một tổ chức có vẻ bề thế mà giàu có. Nếu được thống lĩnh một đảng cướp như vậy khác chi làm một ông chủ lớn. A ha, một ông chủ lớn, giàu sụ. Sẽ chấm dứt những ngày tháng bụi đời. Đến lúc đó ta sẽ ra lệnh không được móc túi nữa, không được trấn lột nữa, có vốn rồi cứ thế làm ăn. Đứa nào còn lêu lổng ta thẳng tay trừng trị. Có vốn! Phải nhanh chóng có vốn! Ý nghĩ ấy cuồn cuộn trào lên làm đôi mắt Trương Sỏi long lanh như mèo nhìn thấy mỡ.
Thêm nữa, cái biệt danh “Mãng xà” và những giai thoại biến hóa của tên đảng trưởng ấy, vô tình gợi lên trong trí nhớ Sỏi về bóng dáng một hang ổ mà Sỏi đã từng trải qua. Từ ngày thống lĩnh đảng “Đào lưu”, Trương Sỏi có thêm kinh nghiệm nhìn bọn cướp. Có thể lắm! Có thể nó rồi, con Mãng xà ấy!...
Vị đầu đảng vui thích một mình trước con mắt ngơ ngác của Hậu lác và Quản nhọn. Trương Sỏi sai rót rượu. Tự hắn cầm chén đưa lên trước, chưa uống mà đã có bộ dáng thằng say:
- Thưa nhị vị đệ tử. Từ ngày mang sứ mệnh của Băng chủ Sơn Nam ra đây, ta vẫn mong làm sao nhanh chóng thu phục được anh em, bốn cõi thành một nhà. Nay thời cơ đã đến rồi, sự nghiệp sắp thành công. Sau khi thu phục được đảng “Mãng xà”, ta sẽ tổ chức khai trương đảng mới. Từ đó sự nghiệp làm ăn sẽ trao lại cho nhị vị, cố công chăm lo cho anh em. Ta sẽ trở về với Băng chủ.
Giọng hắn bùi ngùi như kiểu sắp phải chia li đến nơi rồi. Hậu lác và Quản nhọn cùng đứng lên, cúi lạy rồi đưa tay nhấc chén rượu. Hai con ma đói mường tượng đến ngày được thống lĩnh một lực lượng lớn trong tay, tha hồ tác oai tác quái. Chúng bỗng thấy cồn cào ruột gan.
- Ồ, anh Lãm!
Kim Chi kêu lên đầu tiên. Đúng là chỉ có Kim Chi mới nhận ra được Lãm vì con người anh ta đã đổi khác ghê gớm. Lãm bận chiếc quần pho màu tím than, chiếc áo sơ mi cộc tay và bó lưng. Đầu tóc được chải bằng thứ sáp Nhật Bản thơm ngậy, Lãm bước vào ngôi nhà cũ một cách ung dung, miệng và mắt túc trực một nét cười đầy hãnh diện.
Phù Ái cởi trần trùng trục, thả mình trên một chiếc ghế mây, mắt sưng húp như bị ong đốt. Năm này ông chủ có vẻ mệt mỏi. Chắc chắn có phần bởi gió lào, nhưng cũng có thể lão đã bước sang phần dốc của cuộc đời. Phù Ái chào Lãm vẻ miễn cưỡng.
- Thằng nhỏ dạo ni coi bộ sang hè?
Lãm vẫn tủm tỉm cười và thản nhiên ngồi xuống ghế. Kim Chi rót một cốc nước pha đá. Lãm thích thú chìa tay ra đón cốc nước. Mắt Kim Chi có vẻ sáng hẳn ra khi liếc thấy một chiếc đồng hồ mặt đá treo xuệch xoạc ở cổ tay và chiếc nhẫn vàng khá dày, chừng hai đồng cân, bó chặt ngón tay Lãm.
- Ông anh bữa nay làm bự rồi hí?
Lãm lại mỉm cười vẻ khiêm tốn... Anh tránh không trả lời điều người ta hỏi.
- Công việc nhà ra sao, Kim Chi?
- Bấn lắm anh nờ.
- Bấn gì, cô chỉ được cái ăn diện chứ làm chi mà kêu bấn.
Kim Chi nguýt dài:
- Hừ, ông anh coi thường em quá ta. Bữa ni cũng học làm thợ đây...
Lãm bật lên tiếng cười. Tiếng cười màu mỡ nhưng hà tiện.
- Còn ông anh?
- Cũng tạm thôi.
- Nghề chi?
- Cảnh sát.
- Hứ?
Kim Chi hơi sững ra một chút, nhưng lại cười toét ngay.
- Hung vậy? Cũng đi dẹp Việt Cộng à? Dạo ni Bắc Việt lấn vô dữ, đánh tùm lum phía ngoài Trung Lương với lên Cam Lộ đó. Chắc ông anh lên dẹp trên ấy hí?
Lãm khẽ nheo mắt.
- Cô ngây thơ quá. Đánh nhau kiểu đó đâu phải việc tụi này.
- À... à... – Kim Chi gật đầu có vẻ hiểu – Nghĩa là các anh làm tình báo, đánh bí mật. Hỏi thiệt hí, đã úp được mẻ nào chưa?
- Úp ai?
- Việt cộng.
- A, - Lãm làm bộ như giờ mới hiểu hết được ý Kim Chi hỏi – tóm được nhiều rồi chứ. Nhưng đó không phải là việc của tôi.
Kim Chi kêu lên:
- Ơ, rứa anh làm chi, dẹp xe trên lộ hí?
- Không, mình chuyên làm về hình sự.
- Hình sự là cái chi?
Lãm chép miệng vẻ bắt buộc phải tiếp chuyện.
- Kim Chi hỏi tẩn mẩn chuyện ấy làm gì. Toàn những chuyện lẩm cẩm cả, mệt thấy mẹ.
Nhưng cô gái vốn bướng bỉnh ấy vẫn không kìm được sự tò mò.
- Việc chi mà lại là việc lẩm cẩm?
- Thí dụ như ám sát nhau, đánh đập nhau, cướp của giết người... Đấy, hình sự là thế.
Mắt Kim Chi khẽ chớp mấy cái:
- Ghê hè, mà anh Lãm đã lập được công chưa?
- Sơ sơ thôi. Ở trong Huế tìm được mấy vụ tự tử vì tình yêu. Thật vớ vẩn. Cũng có phá được một ổ cướp ở Kim Long. Định làm vụ nữa thì thượng cấp điều ra đây...
Giọng Kim Chỉ nhỏ lại đột ngột:
- Ngoài ni cũng có chuyện đó à?
- Cả cái miền Nam này có đâu khỏi. Chỉ có điều ở đâu trầm trọng quá thì cảnh sát mới phải tập trung để phá. Ở đây có một đảng cướp rất nguy hiểm...
- Thế kia à?
- Ừ. Nhưng cảnh sát Đông Hà lại tư túi với bọn này nên thả lòng. Chuyện đó đã đến tai Tổng nha. Trên điều bọn mình ra cũng chính vì việc nó nghiêm trọng thế đấy.
Hơi thở Kim chi nghe khác đi. Nhưng miệng cô vẫn cười rất tươi.
- Chà, mệt dễ sợ hí. Nhưng một mình ông anh liệu có moi được không?
Lãm dướn mắt lên có vẻ ngạc nhiên.
- Một mình là thế nào? Lực lượng của bọn tôi ở đây không chừng còn đông hơn cả bọn cướp ấy chứ.
- Thế kia à?
- Nhưng vấn đề đâu phải ở chỗ đông hay ít. Cơ bản là moi cho ra bọn đầu têu. Chỉ cần trừng trị bọn cầm đầu là yên.
Mắt Kim Chi nhấp nháy nhanh hơn:
- Chắc là trừng trị nặng đấy hè?
- Bắn!
- Hứ? Cũng tử hình à?
- Chỉ thị của thượng cấp là với bọn cầm đầu các nhóm cướp thì sẽ bắn hết. Nếu không thế không dẹp được tụi này.
Có một cảm giác ngưng lặng trong không gian. Cốc nước khẽ chao nhẹ trên tay Kim Chi. Một lát, cô gái liếc qua Lãm, rồi lại cười cợt:
- Nhưng mà bắt được bọn ấy cũng khó đấy chớ?
- Nói chung là khó. Nhưng riêng ở đây, qua nghiên cứu sơ lược thì lại thấy có phần dễ.
- Dễ à, chả dễ đâu...
- Cô bảo vì sao mà chả dễ?
Câu hỏi bất ngờ khiến Kim Chi tái mặt. Nhưng cô trấn tĩnh kịp.
- Nói chung em thấy bọn cướp nó lẩn như chuột ấy, cảnh sát đuổi mấy lần ở chợ có bắt được đâu.
Lãm phì cười.
- Đấy là tụi cảnh sát ăn hại. Vấn đề đâu có phải đuổi bắt ở chợ.
- Anh thì nói phét thôi... anh hơn gì bọn đó.
- Hơn ở chỗ khôn ngoan và phải nắm chắc được tình hình. Theo điều tra bước đầu, ở Đông Hà này trước đây có ba đảng cướp, nay còn hai. Hai đảng này hoàn toàn khác nhau về hình thức tổ chức và hoạt động. Bọn “Đào lưu” rất khó bị bắt vì chúng chẳng có nhà cửa gì cả, cứ lang thang chỗ này sang chỗ khác. Nhưng bọn này rất dễ bị triệt phá. Chỉ cần phong tỏa cho chặt các địa bàn là chúng nó chết đói thôi. Còn đám “Mãng xà” thì khó bóp chết miếng ăn của tụi nó được. Vì bọn này ngoài cướp bóc ra còn hoạt động kinh doanh nữa. Nhưng đảng “Mãng xà” rất dễ bị bắt vì hầu hết chúng nó có gia đình, có chỗ ở chỉ cần lục được một danh sách là tóm gọn được cả lũ.
Kim Chi chăm chú một cách đặc biệt. Thấy Lãm dừng lại, cô vờ rót nước vào cốc, vừa như thăm dò:
- Anh nói có lí thiệt. Nhưng lục đâu được danh sách bọn ấy?
Lãm cười to:
- Thế mới phải có kế. Chính bọn cướp “Đào lưu” sẽ giúp tụi mình danh sách này.
Kim Chi trợn mắt lên:
- Răng bọn “Đào lưu” lại chịu làm?
- Thứ nhất là tiền. Tiền cho chúng sẽ nhiều hơn tiền chúng cướp được. Hai nữa là nếu nó nạp được danh sách “Mãng xà” thì mũi nhọn của cảnh sát sẽ hướng vào đó. Chúng sẽ có cơ hội tẩu thoát.
Đôi má Kim Chi xám lại, cơ hàm giật giật. Có một nỗi căm giận âm ỉ sôi từ bên trong. Bất ngờ cô ngẩng phắt dậy găm một cái nhìn như chiếu tướng vào Lãm. Có thể nói, lần đầu tiên Lãm mới bắt gặp ánh mắt này. Đích thị là Mãng xà! Lãm tự khẳng định thế. Bởi không ai có nổi một tia mắt ác độc và dữ dội đến như vậy.
- Thế là ông anh cầm chắc chiếc bội tinh rồi đó!
Lãm cúi nhẹ đầu khẽ lắc lắc:
- Nếu kế hoạch thành công thì chắc sẽ được thưởng lớn. Nhưng cũng phải đề phòng...
- Đề phòng gì?
- Nếu hai nhóm cướp này hợp tác lại một.
Ngừng lặng. Kim Chi nghĩ miên man một điều gì đó và bất giác nói bằng một giọng chán nản.
- Cũng chẳng ăn thua đâu...
- Không, sẽ cực kì nguy hiểm. Bởi tôi biết, tên thủ lĩnh của đảng “Mãng xà” là một kẻ đầy nham hiểm và mưu lược. Ngược lại tên đầu đảng của “Đào lưu” là một võ sĩ đệ nhất vô song vùng này...
Kim Chi khẽ nhíu mày vẻ khó chịu:
- Đệ nhất vô song, làm chó gì có thứ đó?
- Thế ra cô ở Đông Hà mà chẳng hiểu biết gì bọn cướp cả?
- Chậc, thì con gái con lứa như bọn này biết làm đếch gì thứ đó.
- Còn chúng tôi lại hiểu rất kỹ. Tôi tìm hiểu tên đầu đảng này ngay khi còn trong Huế kia. Nó mang biệt hiệu “Đệ nhị mải võ”, một cánh tay đắc lực nhất của thằng bán thuốc Sơn Nam. Chính vì nó mà bọn cướp “Hận đời” phải tan tác. Nếu cần đổi mạng thì có lẽ phải vài chục cảnh sát mới đổi được mạng nó.
Kim Chi ngồi im lặng. Câu chuyện “Đệ nhị mải võ” sát phạt đảng “Hận đời” đã truyền đến tai cô. Cô nửa tin, nửa ngờ. Hôm nay chính thức mồm cảnh sát nói ra thì chắc là đúng. Chà, cái thằng thổ tả ấy ở đâu chui ra rứa hè? Có lẽ dạo bọn Sơn Nam mải võ ra bán thuốc ở đây, sau đó đã cài người lại.
Lãm liếc nhìn đồng hồ nhấp nhỏm đứng dậy.
- Anh định đi mô chứ?
- Phải về, lâu lắm mới trở ra đây, định đi thăm một vòng những nơi quen biết. Kim Chi có biết chú Cống dạo này sống ra sao không?
Kim Chi lúng túng:
- Không... cũng lâu lâu rồi, em không đến đằng ấy... A, anh ở đây ăn cơm...
- Cảm ơn, tôi đang vội.
Kim Chi mỉm cười gượng gạo:
- Dạo ni coi bộ cương quyết dữ hí?
Lãm cũng cười. Anh nắm tay Kim Chi và khẽ bóp. Có một sức gượng lại khá mạnh của gân tay Kim Chi. Lãm hơi giật mình. Không thể coi thường võ nghệ của con này được.
- Thôi, bai nhé! Ít bữa nữa sẽ gặp nhau thôi!
Lãm hẹn lại một câu băng quơ vậy và bước nhanh ra đường.
Trong thời gian chờ đợi đối thủ trả lời, nhóm thủ lĩnh đảng “Đào lưu” đã dấn thêm một bước nữa. Chúng cố tâm điều được ba tên trấn lột ở bến xe liền viết thư nặc danh lên quận cảnh sát Đông Hà. Ngay đêm hôm ấy, cả ba tên bị gông cổ. Hôm sau lại một thư nữa tiết lộ họ tên, địa chỉ bà làm krem ở phường Tây Trì có liên quan tàng trữ tiền bạc của bọn cướp “Mãng xà”. Cảnh sát lại ập đến. Chúng vơ vét tất cả tiền bạc trong nhà, tuy vậy cũng không tìm thấy chứng cứ gì để kết luận việc tàng trữ của ăn cướp nên bà krem không bị bắt. Một không khí đầy đe dọa trùm lên tinh thần bọn đầu đảng nhóm cướp này, rất ứng với những lời Kim Chi đã nghe người tình cũ tiết lộ.
Sau hơn một tuần chờ đợi, bọn thủ lĩnh “Đào lưu” nhận được thư của đám “Mãng xà”. Lá thư không viết theo ngôn ngữ bắt chước ngôn ngữ trong sách chưởng mà bằng lời lẽ rất thực tế, chứng tỏ đảng cướp “Mãng xà” là một tổ chức hiện đại và sự lo sợ của chúng cũng hết sức thực thà.
“Gửi những người anh em “Đào lưu”
Bọn tôi rất buồn phiền khi biết rằng thủ lĩnh đảng “Đào lưu” đang hiến máu của chúng tôi cho cảnh sát để bảo toàn mạng mình. Điều đó có đáng mặt một đấng anh chị thời nay không? Hơn nữa, nếu đám chúng tôi bị cảnh sát làm gỏi rồi, liệu người anh em bên ấy có thoát khỏi vòng dao thớt không? Vả lại ngay lập tức chúng tôi có thể bắt tay với cảnh sát Đông Hà và làm những việc y như “Đào lưu” đã làm với mật vụ Tổng nha. Thế là nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn! Nghe đồn đại ca “Đệ nhị mải võ” là một đấng anh hùng, sao lại để cho bọn mật vụ sai khiến làm điều thất đức đến như vậy?
Chi bằng là ôm chặt lấy nhau, hai bên kết thành một khối, “Đào lưu” có vị đại ca võ lực vô song, “Mãng xà” có người thủ lĩnh mưu cao, chước giỏi, nếu gặp nhau khác chi Gia Cát Lượng về với ba anh em họ Lưu. Hơn nữa, vốn liếng “Mãng xà” khá lớn, còn anh em “Đào lưu” chỉ được cái đông người. Nếu bị phong tỏa chỉ một sớm, một chiều là bị chết đói. Tình cảnh này không dựa vào nhau mà sống thì còn kế gì hay hơn?
Những lời trên thực là tâm huyết. Mong được giãi bày ở nhà ăn Bình dân, phường Tây Trì, đêm hai mươi tám âm lịch.
Kính thư”
Bọn Hậu lác, Quản nhọn thì hoan hỉ ra mặt. Riêng Trương Sỏi chẳng nói một câu gì. Hắn im lặng rót một chén rượu và uống một mình. Trong lòng hắn đang bừng khởi một ngọn lửa. Sắp làm chủ cả Đông Hà rồi! Bao nhiêu cay đắng, tủi cực sẽ được trả giá cho một cơ hội này. Phải đạp đầu cả cái thị xã này xuống dưới chân. Trương Sỏi lại uống thêm cốc nữa. Rồi đột ngột hắn vùng người dậy, đút hai tay vào túi quần, đi thẳng ra đường 9. Hắn đi một mình, cố thoát khỏi cái chật hẹp, chen chúc trong quán rượu. Hắn cố kìm nén những giục giã trong lòng, bước những bước đi chậm rãi và lặng lẽ thả hồn lên không gian bao la.
Lá thư của đảng “Đào lưu” trả lời “Mãng xà” như sau:
“Thân gởi những anh hùng “Mãng xà”!
Đệ nhị mải võ xin gửi đến anh em lời tôn kính. Tôi rất phiền lòng vì những hiểu lầm đáng tiếc đã xảy ra. Tôi đã cho điều tra và thấy rằng, đảng “Hận đời” đã mang lòng thù ghét tôi nên cố tình gây sự chia rẽ giữa “Đào lưu” và “Mãng xà”. Những danh sách gửi tới cảnh sát do anh em “Hận đời” tự ý làm lấy. Họ đã bắn một mũi tên nhằm trúng hai đích.
Tôi cảm kích trước đề nghị hòa hảo của anh em và cũng mong mỏi có sự hợp nhất với “Mãng xà”. Tuy vậy với đảng “Hận đời” tôi cũng không thể ép buộc họ bằng vũ lực được. Vì vậy, cuộc đối thoại tối hai tám tới đây tôi thấy nên mời thêm thủ lĩnh “Hận đời”. Đó là một việc làm rất hay. Nếu cả ba đảng hợp tác với nhau một cách thực lòng thì sinh mạng của chúng ta hoàn toàn yên ổn.
Chào người anh em!”
Một điều kiện mới đưa ra mà không có thì giờ để bàn bạc lại. Tối 28 âm lịch trong một ngõ tối phường Tây Trì, cuộc xáp mặt đã diễn ra. Tàn tuần hương, đại diện cho đảng “Mãng xà”, Quản nhọn thay mặt chủ soái Đệ nhị mải võ, và Hậu lác tự xưng đảng trưởng “Hận đời”. Cuộc “hội đàm” đã diễn ra, như cách thường nói của giới ngoại giao chính trị, trong bầu không khí hiểu biết. Cả ba phe sau một hồi công kích nhau đã đi đến thỏa thuận sáp nhập. Tên đảng mới là “Mũ đen”. Thay chữ “đảng” bằng “trại”. Sẽ có cuộc gặp gỡ ba thủ lĩnh để bầu chủ trại, phó trại. Cuộc gặp gỡ ấy sẽ tổ chức vào tối chủ nhật tại vị trí này.
Quả thật, sau cuộc gặp cấp “đại diện” ấy, tình hình có dịu đi. Cảnh sát không lùng bắt thêm được ai nữa. Bốn ngày trôi qua, cả hai phe đều cho người mình trinh sát vị trí họp. Hơn sáu giờ chiều chủ nhật, tình hình vẫn an toàn. Chập tối, các vị đầu đảng có mặt.
Kim Chi bận chiếc áo hoa vằn đen, tóc búi gọn, mặc một chiếc quần bò bó sát chân. Những bắp thịt hằn lên ngang sườn và bụng như những con rắn đen quấn tròn. Vừa bước chân vào quán, cô đảo nhanh mắt nhìn hút vào buồng trong. Hai người đàn ông đang hút thuốc. Kim Chi khẽ liếc mắt qua cô chủ quán. Cô khẽ gật đầu Kim Chi đi thẳng vào bàn trong.
- Ai là đệ nhị mãi võ?
Quản nhọn đứng dậy lễ phép:
- Trình tiểu thư, thật là rủi ro, đại ca tôi sáng nay bị Băng chủ Sơn Nam triệu vào gấp trong Huế. Chúng tôi định tìm cách báo với tiểu thư hoãn cuộc họp, nhưng không bắt được liên lạc. Vì thế tôi phải gánh thay trách nhiệm này...
Kim Chi hơi chau mày mộtt í rồi hỏi:
- Anh là ai?
- Dạ... Phùng Thế Quản, vốn là đảng trưởng “Đào lưu”.
- À, Quản nhọn. Vậy tôi đã biết tiếng anh. Còn...
Hậu lác đứng nhanh dậy, phanh áo ngực ra để lộ dòng chữ đen trên xương mỏ ác:
- Tôi, Nguyễn Sĩ Hậu, đảng trưởng “Hận đời”.
Kim Chi nhếch mép cười:
- Hậu lác hí? Nghe nói Đệ nhị mải võ cho anh một đòn khá nghiêm chỉnh phải không?
Hậu lác vờ lầu bầu chưởi tục. Nhưng Kim Chi giang hai tay khoác lên vai hai người thủ lĩnh đàn ông, đè họ ngồi xuống.
- Ta bắt đầu đi hai anh!
Có tiếp xúc mới thấy con rắn “Mãng xà” này đầy bản lĩnh. Kim Chi hòan toàn làm chủ cuộc họp. Cô cười, nói một cách thoải mái. Lại rót rượu mời mọc. Đôi lúc đắc chí quá cô cười vắt vẻo cả người rồi ôm choàng lấy một trong hai vị đàn ông kia. Cả tấm thân Kim Chi rừng rực cái hơi gió Lào bốc lửa. Vì thế cuộc gặp mặt đã hoàn toàn mỹ mãn và vui vẻ.
- Thôi, chừ tôi đề nghị thế này, anh em ta lấy chữ cùng cảnh ngộ để hiểu biết nhau. Phải coi nhau như ruột thịt. Một trong ba chúng ta ai làm chủ trại cũng được cả. Tuy vậy, tôi thấy nên mời đại ca Đệ nhị mải võ gánh vác sứ mệnh này. Uy danh của đại ca sẽ làm cho anh em mình được phần rạng rỡ? Không hiểu ý hai anh thấy thế nào?
Không ngờ Kim Chi lại đề xuất người chủ trại một cách thoải mái như vậy. Hậu lác và Quản nhọn vội vàng nâng cốc lên:
- Chí lý, chí lý! Cô em thực sáng suốt.
Kim chi cũng tợp một tý rượu.
- Vì vậy, không cần bàn bạc chi nữa về địa vị chủ trại. Chừ anh em mình tự bầu nhau chức phó trại.
Cả ba đột ngột im lặng. Rõ ràng Kim Chi đang đẩy cuộc họp vào một thế cờ bắt buộc. Cô đã đích thân tiến cử chủ trại là người đứng đầu đảng “Đào lưu” lẽ nào phía bên ấy lại không biết điều mà giành thêm chức phó trại. Kim Chi biết thừa cái mưu “họp tay ba” của thủ lĩnh “Đào lưu”. Làm chó gì còn cái đảng “Hận đời” nữa. Chẳng qua các cha định lấy hai thắng một trong bầu bán. Kim Chi đã nhanh tay đẩy cương vị chủ trại cho Đệ nhị mải võ. Đã chắc gì người đó có thật? Biết đâu bọn “Đào lưu” chỉ bịa ra một cái tên như vậy? Trước đây khối thằng vớ vẩn còn dám đội cả tên Sơn Nam mải võ nữa là. Hoặc nếu có thật thì hắn là loại nay đây mai đó, ít khi nằm một chỗ. Thế là quyền hành thực tế ở tay phó trại. Mà nếu đúng Kim chi làm phó trại, thì dù “Đệ nhị” hay “Đệ nhất” cũng sẽ phục tùng cô thôi. Kim Chi có thừa kinh nghiệm khuất phục con trai.
Lặng im một lúc, Quản nhọn đứng dậy nói lắp:
- Theo tôi... cái chức phó... phó trại, không ai xứng... xứng bằng quý... quý công nương...
Kim Chi chụp luôn:
- Ý anh bầu tôi?
- Dạ
- Còn anh Hậu?
Hậu lác nháy nháy con mắt lác cười gượng gạo:
- Tôi cũng ưng...
- Thế thì kẻ liễu yếu đào tơ này không thể từ chối được. Từ hôm nay chúng ta là một. Xin nâng cốc uống chén rượu thề.
Ba chén rượu được rót đầy. Phó trại nâng lên trước, hai vị đàn ông cầm chén sau. Chạm cốc, rượu sóng sánh tràn ra ngoài. Hực!Hà... Hơi men dâng râm ran trong cơ thể.
Giữa lúc đó có một bóng người bên ngoài bước vụt vào. Cô chủ quán rượu đứng bật dậy định cản nhưng không kịp. Cả ba tên đang uống rượu bất ngờ đứng sững ra. Quản nhọn và Hậu lác đồng thanh reo lên:
- Đại ca!
Kim Chi ngớ cả người, đôi gò má giật giật:
- Lãm!... thế này là... thế nào?
Trương Sỏi gạt nhẹ tay một cái rồi ngồi hẳn xuống ghế nói liền một mạch:
- Tôi biết Kim Chi sẽ rất ngạc nhiên về chuyện này. Nhưng tình thế buộc tôi phải làm như vậy. Việc cảnh sát đang phong tỏa chúng ta là việc có thật. Nhưng tôi không có cách gì báo cho bên cô được nên phải đóng kịch như vậy. Chính ngày hôm nay, Băng Chủ Sơn Nam cho gọi tôi vào yết kiến là cũng để thông báo cho biết cụ thể một danh sách anh em mình lọt vào tay cảnh sát. Sở dĩ Băng chủ biết được là nhờ một cảnh sát hình sự vốn là học trò cưng của Băng chủ. Việc lớn nhất của ta lúc này là đoàn kết bên nhau. Có vậy mới bảo toàn được tính mạng. Đây, cô Kim Chi xem danh sách này có đúng không?
Trương Sỏi chìa ra một tờ giấy. Tờ giấy ghi độ hai mươi tên trong đảng “Mãng xà”. Trong đó có tên Kim Chi được gạch đậm hai nét phía dưới. Mặt cô ả tái mét. Trương Sỏi làm ra vẻ vội vã:
- Thế nào, cuộc hội đàm của các vị có tốt đẹp không?
Quản nhọn đứng lên:
- Thưa, rất tốt ạ. Chúng tôi nhất trí đặt tên chung Trại Mũ đen. Chúng tôi cũng một lòng tôn đại ca lên làm chủ trại và quý công nương đây làm phó trại.
Trương Sỏi khẽ nhíu mày:
- Tôi rất hay vắng mặt vì còn công việc của Băng chủ tôi giao. Hay Kim Chi chịu khó thống lĩnh anh em giúp tôi?...
Kim Chi tỏ ra nũng nịu:
- Chịu. Ai dám ngồi trên “Đệ nhị mải võ”.
Hậu lác cười xu nịnh:
- Dạ, đã bầu rồi thì xin hai đại ca đừng đùn đẩy nữa. Thực ra nếu Trương Đại ca đi vắng thì công nương nghiễm nhiên cáng đáng mọi việc. Hai nhưng là một thế mới gọi là hợp nhất chứ. Hí, hí...
Rượu lại rót. Bốn đứa uống cật lực. Kim Chi say trước. Cô nằm vật ra giường. Hậu lác và Quản nhọn nháy mắt nhau rút lui. Trương Sỏi bước đến bên giường chống nạnh nhìn Kim Chi.
Trương Sỏi chồm người lên. Hắn muốn làm những động tác thật thô bạo cho hả lòng căm tức. Hắn muốn Kim Chi phải vùng vẫy, gào thét, cắn xé. Lúc đó hắn sẽ bấm huyệt khóa xương quai hàm con rắn độc lại. Và sau tất cả mọi điều, hắn sẽ chìa má ra hỏi: “Có thích tát nữa không?”
Nhưng Trương Sỏi đã không hề gặp một sự chống cự. Toàn bộ ý chí bừng bừng của hắn phút chốc như chết đi trên khối người đồ sộ của Kim Chi.
3
Tất cả những chuyện cảnh sát săn đuổi, cả cái danh sách mà Trương Sỏi đưa cho Kim Chi kia đều là chuyện bịa đặt. Sỏi đã đi một nước cờ khá sắc sảo. Tuy vậy, có một sự thật khác rất giống với điều bịa đặt trên kia, thì chính Sỏi cũng không được biết.
Những vụ trấn lột xung quanh thị xã, trên hai trục đường chủ yếu từ Huế ra và Cam Lộ xuống ngày một gia tăng. Cú sát phạt nhóm “Hận đời” ở lò gạch cũ trên đồi Vành Khuyên, rồi tiếp đến hợp nhất ba nhóm cướp thành trại “Mũ đen” đã làm tiếng tăm “Trương đại ca” ngày một nổi lên như sấm. Tiếng kêu khóc của dân chúng càng ngày càng thảm thiết. Cả thị xã Đông Hà bước vào mùa thu trong sự nơm nớp, hãi hùng. Những rối loạn trầm trọng ấy buộc cảnh sát Đông Hà không thể bịt tai, nhắm mắt được.
Một buổi sáng, đại tá Jon – rít, cố vấn tư lệnh vùng chiến thuật Một đi kiểm tra mặt trận Khe Sanh, trên đường về Huế đã dừng nghỉ ở Đông Hà. Chiếc xe Jép dừng ở cổng chợ. Đại tá xuống xe mệt mỏi bước vào trong chợ.
Vừa đi được mấy bước, bỗng từ bên trái vệ đường có hai cậu thiếu niên gầy guộc đuổi đấm nhau chạy lao qua. Jôn – rít dừng vội lại nhưng không kịp. Cậu thiếu niên chạy trước đã đâm sầm vào chân ngài cố vấn. Nó ngã xoài xuống. Ngài Jôn – rít lỡ đà cũng cúi chồm theo. Cậu thiếu niên thứ hai chạy đến nói một câu gì đó rất cáu kỉnh. Jôn – rít thấy rất khó chịu nhưng không muốn dây dưa với đám trẻ mọi rợ này, ngài túm tay đứa bé dưới đất kéo lên. Ồ, làm sao mà một đứa thiếu niên gầy guộc như vậy lại nặng đến thế kia. Jôn – rít cố sức kéo mạnh. Có cảm giác thằng bé phải nặng gần một tạ. Dĩ nhiên rồi nó cũng dậy được. Nó chẳng biết cảm ơn. Nó nhìn thấy bóng thằng đuổi nó đứng bên cạnh ngài Mỹ, liền bật người lao qua tống một quả đấm vào mặt. Tên kia bỏ chạy, nó đuổi theo. Nhoáng một cái hai đứa biến vào trong chợ.
Jôn – rít bực bõ rút chiếc khăn lau sạch hai bàn tay, rồi vẫn dáng đi mệt mỏi ấy, ngài tiến thẳng vào chợ. Ở chợ Đông Hà, ngài thích nhất loại cua nước ngọt. Jôn – rít bước về phía bãi sống, chỗ bày hàng tôm cá. Nhưng khi Jôn – rít quờ tay ra túi quần sau, ngài bỗng đứng sững người. Nắm giấy bạc Việt Nam cộng hòa nhét căng túi đã không cánh mà bay. Một nhát rạch thẳng đứng từ trên nắp xuống đáy túi. Một sự căm giận bừng bừng bốc cháy trong đầu ngài cố vấn. Jôn – rít quay phắt trở lại. Ngài gieo mình xuống đệm ghế, hất đầu cho người lái:
- Rẽ vào cảnh sát.
Quạch một nét ký rất dài lên tờ lệnh truy nã, thiếu tá Toại rít lên một tiếng trong kẽ răng: “Bắn!”. Thiếu tá nói như vậy, nghĩa là “phải tìm bắt cho bằng được tên Đệ nhị mải võ, sau đó sẽ đưa ra xử bắn”.
Quận trưởng cảnh sát Đông Hà có một lối diễn đạt ngôn ngữ cực kỳ ngắn. Đó là nét đối lập duy nhất trong con người ngài. Bởi ngài, trước hết có một khổ người dài quá mức bình thường, một mét tám hai. Hai cánh tay ngài cũng dài như tay vượn. Đương nhiên chân cũng thế. Mặt dài, mũi dài, cằm dài... cả con người gọi cho người ta một cảm giác lúc mới sinh có lẽ bà mụ đã lỡ tay kéo gằng cái đầu quá mạnh y như chú bán kẹo kéo ngoài phố vậy.
Thôi thì tạo hóa sinh ra dài ngắn đành chịu. Nhưng oái oăm là những kẻ độc mồm, ác miệng, thường là bọn khác phe cánh, lại phao lên rằng, đàn ông mà dài như thế rất khó có con. Trời chu đất diệt chúng nó đi! Thiếu tá thường chửi độc như vậy. Nhưng cái bọn khác phen cánh lại không chết, mà hình như ngày một nhiều lên. Thời buổi này đâu mà chẳng có phe cánh, đâu mà thoát khỏi cảnh đánh đấm nhau sứt đầu, mẻ trán để chiếm chút thế quyền. Thì mặc xác nó. Chôn chết chó cũng lè lưỡi.
Nhưng ác thay, những kẻ độc mồm kia lại nói đúng. Thiếu tá quá lận đận về đường con cái. Mặc dầu ngài đã dốc toàn bộ sức lực của mình vào việc ấy, nhưng đổi lại mụ vợ cứ trơ lì, béo phây phây, người cứ to dần ra nhưng quyết không phải là có nghén.
Có một người tốt bụng mách với Toại một phương pháp khá hiệu nghiệm. Phải chăm chút thắp hương lạy phật đêm rằm và ba mươi âm lịch! Toại làm theo. Một tháng hai lần hướng lên Phật, còn hai mươi tám ngày hướng vào bụng vợ. Quả là linh thiêng. Mụ vợ đến lúc buộc phải nghén. Và ơn Phật, một cậu con trai ra đời.
Năm nay, cậu Nguyện đã hai tuổi. Chạy khỏe, ăn khỏe, đúng là giống nòi cảnh sát. Cuộc đời thiếu tá thế là mỹ mãn.
Công việc của cảnh sát thì vô vàn phức tạp nhưng Toại có một lối ứng xử rất hợp thời. Nóng tay bắt lỗ tai, thế thôi. Có hiện tượng biệt động phá quấy thì ký lệnh truy nã Việt cộng. Sau đó chẳng cần kết quả. Lệnh thượng cấp ban xuống rằng ở Đông Hà có ổ buôn nha phiến. Ký lệnh truy tìm bọn buôn nha phiến. Hôm nay bị ngài Jôn – rít quát cho một chập vào mặt, thế là Toại lý lệnh truy nã bọn cướp. Chiều đến ngài quên ngay việc đó. Ngài chạy theo thằng con trai, tập cho nó đưa khẩu súng nhựa lên mắt nhắm bắn “phằng”. Có lẽ ngài mong con nối nghiệp. Bởi nói đáng tội, nghề này cũng kiếm ra ăn. Nhưng đám cảnh sát thì không quên tờ lệnh truy nã. Bởi trong tất cả các mục tiêu tiến công của cảnh sát thì đánh bọn oắt con này xem ra dễ lập được công hơn. Chỉ cần mang thường phục trà trộn vào chợ hoặc bến xe một ngày là phát hiện được. Mà nếu không nhìn thấy đích xác thì cứ tóm bừa một thằng nào đó có vẻ ngông nghênh, thế cũng đã nên công trạng rồi.
Lệnh truy nã tên đầu bọn “Đệ nhị mải võ” được dán khắp cổng chợ, tường nhà. Xe cảnh sát rú còi lao ầm ầm như ra trận. Một ngày lùng sục, chúng bắt hàng chục thanh niên, trói ghì cánh khỉ nhét lên xe. Năm ngày bắt gần năm mươi tên. Tội nghiệp những cậu bé cầu bơ cầu bất bị vạ oan vì đám cướp. Trong số đó, thực ra có tám đứa đích xác là quân của Trương Sỏi.
Một buổi sáng, thiếu tá Toại đang gập người trước bản phúc trình dài dằng dặc của phòng hình sự và toát mồ hôi vì ký quá nhiều lệnh tống giam các tội phạm, thì đột ngột chị vú nuôi chạy vào thở hồng hộc, mặt tái ngắt không còn tý máu. Linh tính nghề nghiệp đã nhổ bật người thiếu tá dậy chồm ra hỏi:
- Chuyện chi?
- Dạ... cháu... cháu...
Toại hét lên như bị cắt cổ:
- Cháu làm răng?
- Dạ... mất... mất..
“Rầm” chiếc ghế đổ. Lọ mực lăn nghiêng, mực ào ra mặt bàn. Thiếu tá lao đầu chạy như mất trí. Lát sau, mọi người lại thấy ngài tóc tai rũ rượi, môi xám xịt, tròng mắt dại đờ, vừa chạy vừa khóc từ nhà riêng đến trụ sở.
Xe Jép nổ máy. Xe hon đa rú ga. Xe Đốt bịt kín thùng hồng hộc lao ra cổng. Lực lượng cảnh sát được báo động khẩn cấp. Cả thị xã nháo nhác như cháy nhà.
Cũng chẳng mất nhiều công lắm, người ta đã phát hiện được cậu bé bên bờ ao nước gần chiếc cầu tay vượn. Cả người cậu ướt sũng nước, mắt đỏ quạch, cổ khản đặc vì khóc. Trên mái tóc còn vướng những lá bèo thối.
Thiếu tá Toại bổ nhào đến, mồm mếu máo, nấc nghẹn:
- Con trai... tôi... con ơi!
Cả đám tay chân của ngài cũng xô đến. Mặt thằng bé tái xanh vì khiếp đảm. Một tên thiếu úy hình sự đã không kìm được sự hãi hùng:
- Chu cha, nó dìm nước thằng bé...
Thiếu tá chết lặng người:
- Quân... vô... lương!
Ngài ôm xốc đứa con trai bên tay, bàn tay ngài chạm phải mảnh giấy găm phía sau đũng quần thằng bé.
“Ông thiếu tá! liệu ông có thể sinh được mấy đứa con trai để nối dòng? Hãy hủy bỏ lệnh truy nã tôi và thả tất cả những người bị bắt ra. Tôi chờ ông trong ngày. Đệ nhị mải võ”.
- Quân... vô... hậu...!
Ngài thiếu tá lẩm bẩm chửi như cầu kinh. Một sự đe dọa u ám trùm nặng trí óc ngài.
Ngay chiều hôm đó, những tờ giấy in lệnh truy nã dán ở cổng chợ và nhiều tường nhà được gỡ sạch. Đêm đó gần năm chục thằng bé được thả. Lạy Phật, cơn sốt cảnh sát thế là qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét