chia sẻ

Ba Lan: Người Việt liên tiếp bị lừa đảo

 Những ngày cuối tháng Mười và đầu tháng Mười Một năm này, có rất nhiều người Việt kinh doanh ở các TTTM trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mua hàng trả tiền bằng cách chuyển khoản. Tổng số tiền bị mất có thể rất lớn, nhưng với nhiều lí do khác nhau, mức thiệt hại không được tiết lộ đầy đủ.

Thứ Bảy, ngày 9/11 theo phản ánh của một số bà con xuất hiện hai gã người Ba Lan tuổi ngoài 30 lượn lờ mặc cả chọn mua hàng giống như bất cứ khách hàng khác ở quần thể thương mại Wólka Kosowska. Nhưng đến lúc thanh toán tiền thì chúng lấy lí do không mang theo tiền mặt và muốn thanh toán qua hình thức chuyển tài khoản điện tử. Vì trước đó đã tạo được lòng tin qua cách diễn khá đạt vai người mua hàng dạng „gà béo”, và ít nhiều đánh vào tâm chợ đang vắng khách, cũng như số lượng hàng mỗi quầy bị lừa không quá lớn, thường khoảng trên dăm ngàn zł nên rất nhiều người Việt đã bị mắc bẫy..
Cách thức lừa đảo của nhóm tội phạm này rất tinh vi và bài bản. Sau khi đã thuyết phục, thống nhất xong hình thức thanh toán, chúng truy cập vào „tài khoản” của mình rồi thao tác các động tác chuyển tiền sang tài khoản của khổ chủ trước sự chứng kiến của người bán hàng theo đúng trình tự, nguyên tắc của nhà băng, cuối cùng in ra bản xác nhận đã chuyển, điều mà không phải ai cũng nghi ngờ. Tuy nhiên vì đây là trang web giả mạo nhà băng, tiền của chúng là ảo nên có chăng chỉ là sự ảo nảo xuất hiện mỗi khi người bán hàng nóng ruột kiểm tra trương mục của mình.
Trước đó, cũng vào ngày cuối tuần một số bà con buôn bán ở trung tâm thương mại Ptak, Łódź cũng đã bị trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trắng trợn trên với con số thiệt hại đáng kể dù một số hộ kinh doanh do nghi ngại đã kịp thời dừng lại việc xuất hàng chở ra xe tải cho những vị khách lạ, lần đầu tiên xuất hiện này. Trớ trêu, tiếp tay vô tình cho bọn lừa đảo, bởi có thể không muốn một mình nhận tiền qua tài khoản điện tử, có người mà bà con hay gọi đùa là „đồng chí X” đã nói dối bằng cách khẳng định hai gã khách hàng này đã ứng trước hơn một nửa tiền mặt, chỉ còn thiếu dăm ngàn, điều mà làm tăng thêm niềm tin cho một người bán hàng còn đang do dự.

Thay bằng tiền thì nhiều người Việt nhận được tờ giấy hứa này từ kẻ tạm có tênRobert Różań. Ảnh tác giả cung cấp.

Theo lời kể của anh Nguyễn Kim Tuấn, người đang kinh doanh ở TTTM Ptak và cũng là người bị lừa mất số hàng có giá trị lên đến 12 000 zł thì mặc dù không có kinh nghiệm về việc kiểm tra giấy tờ nhưng anh đã nhắc một người khác chụp ảnh lại kẻ mua hàng. Tuy nhiên, sau này do có lẽ nghi ngại, khi được hỏi thì tấm ảnh đó nghe nói đã bị xóa.
Có thể hai nhóm lừa đảo trên chỉ là một bởi giống nhau ở độ tuổi ngoài 30, cách thức xem xét, chọn lựa mặt hàng v.v. Để đánh tan sự ngờ vực chúng còn muốn viết hóa đơn VAT và mặc cả về % VAT như thật. Thời gian chúng „diễn” cũng chọn vào chiều ngày cuối tuần thứ sáu, hoặc thứ bảy nhằm gây sự cản trở, hạn chế khi ai đó muốn tiếp cận thông tin, hoặc yêu cầu khách hàng đến nhà băng lấy tiền mặt khi mà các nhà băng này đã đóng cửa.
Thực ra, để truy tìm những đối tượng lừa đảo này không phải là quá khó khi mà ở các TTTM đều có camera ghi hình. Nhưng phần lớn những người Việt đều e ngại đối với „mặt trái” của pháp luật, e ngại sự rắc rối. Chẳng biết tiền có đòi lại được hay không nhưng ít ra lại bị cảnh sát gọi „lên bờ, xuống ruộng” để lấy lời khai, vừa mất thời giờ vừa ngại bị giải trình nguồn gốc nguồn hàng. Đây chính là điểm yếu, cùng khả năng ngôn ngữ hạn chế của người bán hàng mà bọn tội phạm đã biết khai thác triệt để.
Qua tìm hiểu, ngoài khả năng cao là lập trang nhà băng giả thì thậm chí bọn lừa đảo có thể ngang ngược vào đúng tài khoản thật của chúng rồi thao tác các bước chuẩn bị chuyển tiền, nhưng không thực hiện bước cuối cùnglà ấn lệnh chuyển. Chính vậy, tiền không sang tài khoản khác mà cũng khó đòi tiền chúng khi người bán hàng thiếu bằng chứng mua bán, ngại các bước giải quyết thuộc luật pháp.
Nói chung cần hết sức thận trọng đối với những lĩnh vực mình chưa hiểu rõ. Tuy thế, nói như vậy không có nghĩa là phải quay lưng lại với sự tiến bộ của xã hội, vẫn có thể bán hàng bằng cách chuyển khoản với điều kiện phải kiểm tra tính xác thực của công ty mua hàng, cũng như phải viết hóa đơn nghiêm chỉnh, Nếu công ty mua hàng không thanh toán thì còn ít nhiều có thể nhờ đến pháp luật can thiệp.
„Ăn quen bén mùi”, chắc chắn bọn tội phạm trên sẽ tiếp tục có hành động lừa đảo người Việt bằng hình thức như trên, hoặc hình thức khác. Bởi vậy, trong thời buổi kinh doanh khó khăn này hi vọng người Việt chúng ta không chỉ nâng cao sự cảnh giác đối với những người đồng hương, khách quen đang manh nha lập mưu bùng hàng, quỵt nợ mà còn cũng cần phải đề phòng với những khách lạ có phong thái mê hoặc.
Bạn đọc Phạm Hưng - Vietinfo.eu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ