Những năm gần đây, “hoa hậu” là cụm từ được quan tâm và nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam. “Hoa hậu” đã trở thành giấc mơ của hàng trăm, hàng ngàn thậm chí hàng triệu cô gái trẻ. Tuy nhiên, khi đem ra cân, đong, đo, đếm cái lợi và cái hại của “hoa hậu” thì thật sự khó có thể nói “hoa hậu” là một giấc mơ đẹp.
Mặc dù đã đồng tổ chức Miss Earth 2007 cùng Philippines nhưng đến năm 2008, Việt Nam mới thật sự có cơ hội được cả thế giới biết đến như là một “thiên đường sắc đẹp” qua cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ 2008. Cô gái nhận nghĩa vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam cho bạn bè toàn thế giới chính là Thùy Lâm - Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2008. Và cô gái 21 tuổi này đã “vô tình” trở thành tấm bia cho vô số những người “quan tâm đến cái đẹp” luyện… bắn cung.
Thùy Lâm - Giấc mơ đẹp?
Trong suốt cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ 2008, Thùy Lâm có thể nói là thí sinh “nổi bật nhất” không phải vì cô đẹp nhất mà chỉ vì đơn giản cô đang đại diện cho người Việt Nam. Trang phục cho đến kiểu tóc đều “được” những người “quan tâm cái đẹp” soi đến từng... sợi chỉ.
Và chưa dừng lại ở đó, ngay cả đến lúc Thùy Lâm, mang tên Việt Nam vào Top 15 chung cuộc và trở thành người đầu tiên và duy nhất của Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại) còn “sống sót” đến vòng bán kết. Những tưởng người hâm mộ sẽ hài lòng về thành tích của cô gái nhỏ nhắn này nhưng cũng từ đó, những lời ra tiếng vào càng nhiều hơn khi “Thùy Lâm vào top là nhờ chủ nhà” hay “Thùy Lâm đứng hạng 15 và giành điểm áo tắm thấp nhất lịch sử” hoặc là “Tại sao Thùy Lâm là Hoa Hậu chủ nhà mà lại không giành được giải thân thiện”…
Nhưng mấy ai biết được điểm áo tắm của gần 60 kỳ Hoa Hậu Hoàn Vũ, có ai biết được bao nhiêu lần hoa hậu chủ nhà không “sống” nổi vào bán kết và có mấy ai biết được bao nhiêu hoa hậu chủ nhà giành được giải thân thiện? Những người tự gọi mình là “quan tâm đến cái đẹp”, có bao nhiêu người biết được những việc này và hài lòng với thực tại mình đang có? Vậy giấc mơ Hoa Hậu của Thùy Lâm có là giấc mơ đẹp?
Thùy Dung - Giấc mơ vương miện thành hiện thực
Và cô gái tiếp theo trong năm may mắn được “nằm mơ” trở thành Hoa Hậu Việt Nam 2008 là Trần Thị Thùy Dung. Vừa trải qua một đêm thăng hoa cảm xúc với chiếc vương miện Hoa Hậu Việt Nam danh giá, Thùy Dung lại phải đối đầu với scandal, có thể nói là ầm ĩ nhất của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, scandal bằng tốt nghiệp.
Scandal bằng tốt nghiệp làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà báo và không biết lấy đi bao nhiêu niềm vui chưa kịp hưởng thụ của cô gái 18 tuổi này. Có người cho rằng Thùy Dung làm giả bằng tốt nghiệp, có người lại nói rằng cô ấy khai gian và hầu hết trong số đó đều... yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi giải thích rõ ràng.
Nhưng đến khi Ban tổ chức giải thích rõ ràng và minh oan cho Thùy Dung và quyết định vẫn giữ vương miện cho cô. Mặc dù cơ hội đến với Miss World 2008 bị tước đi nhưng dư luận lại tiếp tục lên tiếng bằng những “lý lẽ” khác nhau như là “chắc chắn ông ấy phải bênh vực cho “gà” mình chọn rồi” hay là “Thùy Dung trả tiền để được báo chí lăng xê”...
Vậy những người “quan tâm cái đẹp” đó có bao giờ tự nhìn vào vấn đề một cách khách quan và kỹ càng nhất để đánh giá nó đúng hay sai. “Giấc mơ vương miện” với cô gái trẻ Thùy Dung đã trở thành hiện thực nhưng còn ước mơ chinh phục hào quang do vương miện mang lại, có lẽ sẽ còn rất xa với cô, bởi những định kiến.
Thiên Lý - Giấc mơ bất ngờ
Trước khi đến với Hoa Hậu Thế Giới 2008, Thiên Lý được tất cả những người “quan tâm cái đẹp” kỳ vọng sẽ làm rạng danh nhan sắc Việt bởi cô sở hữu vốn tiếng Anh có thể nói là chuẩn nhất trong số các đại diện Việt Nam từ trước đến nay. Ngoài ra Thiên Lý có gương mặt đậm nét Á Đông, ưa nhìn và khả năng giao tiếp nhạy bén. Phong thái đỉnh đạc của Thiên Lý được thể hiện qua clip tự giới thiệu tại Hoa Hậu Thế Giới 2008.
Tuy nhiên giấc mơ của Thiên Lý không thể trọn vẹn khi cô trở về chỉ với danh hiệu Miss People"s Choice và “vuột” mất chiếc vé vào bán kết khi giải thưởng này bị hủy bỏ vào phút chót. Vậy là Thiên Lý, và cả bà Julia Morley, chủ tịch tổ chức Hoa Hậu Thế Giới trở thành “tấm bia” tiếp theo của những người “quan tâm cái đẹp”. Một trong số những câu bình luận phổ biến nhất là “Thiên Lý quá mờ nhạt” hay là “Bà Julia Morley “dìm hàng” Thiên Lý vì Thiên Lý mang mác Hoàn Vũ dự thi Thế Giới”…
Vậy những người “quan tâm cái đẹp” đó có chắc chắn rằng bà Morley dìm hàng hay không? Họ căn cứ vào đâu để kết luận vì Thiên Lý gắn mác “Hoàn Vũ” nên không thể vào top “Thế Giới”? Giả sử nếu Thiên Lý vào Top 15 của đêm đó thì bà Morley sẽ có… ý nghĩa lớn như thế nào với những người “quan tâm cái đẹp”?
Năm 2008 kết thúc không thật sự trọn vẹn với sắc đẹp Việt khi 3 cái tên đáng chú ý nhất đều lần lượt trở thành những “tấm bia”. Thùy Lâm lọt Top 100 Miss Grand Slam nhưng chỉu dừng lại ở hạng 55, Thiên Lý vẫn tiếp tục ra về tay trắng, Thùy Dung tiếp tục trở thành đề tài sôi nổi trong suốt một khoảng thời gian khá dài sau đó, thậm chí còn văng vẳng đến tận bây giờ. Vậy nhìn lại năm 2008, những người “quan tâm cái đẹp” nhìn nhận về cái đẹp trong tiềm thức của họ dựa trên cơ sở gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét