Mỹ và các nước đồng minh vừa bắt đầu gấp rút tìm kiếm một đất nước sẵn sàng chấp nhận đại tá Muammar Gaddafi khi nhà lãnh đạo Libya này buộc phải từ bỏ quyền lực trước sức ép từ các chiến dịch NATO.
Muammar Gaddafi tuyên bố không đầu hàng trước các yêu sách đòi ông từ bỏ quyền lực. (Ảnh: THX)
Thông tin nói trên được tờ New York Times đăng tải hôm 17/4.
Thông tin nói trên được tờ New York Times đăng tải hôm 17/4.
"Nỗ lực này rất phức tạp do khả năng ông này sẽ bị Tòa án Tội phạm quốc tế ở The Hague kết tội vì vụ đánh bom máy bay Pan Am số hiệu 103 trên bầu trời Scotland năm 1988, và những hành động tàn ác bên trong Libya", trích bài viết trên New York Times.
Bài báo dẫn lời ba quan chức trong chính quyền Washington cho biết, một khả năng là tìm kiếm một nước, có thể ở châu Phi, chưa ký kết hiệp ước yêu cầu các nước khác giao nộp một người nào đó theo cáo trạng của tòa án.
Và các quan chức này hy vọng một tương lai như vậy có thể "khuyến khích" Gaddafi từ bỏ thành trì của mình ở Tripoli, thủ đô Libya.
Mỹ và các đồng minh có động thái mới ngay cả khi đại tá Gaddafi vẫn tỏ ra thách thức, tuyên bố không có ý định khuất phục trước các yêu sách đòi ông phải rời khỏi đất nước, đồng thời tăng cường chiến dịch bắn phá thành phố Misrata vốn bị quân nổi dậy chiếm giữ ở đông Libya.
Liên quân do NATO dẫn đầu tuyên bố Gaddafi phải từ bỏ quyền lực mặc dù việc hạ bệ ông này không nằm trong sứ mệnh quân sự. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho phép "áp đặt mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ dân thường Libya chứ không hất cẳng ban lãnh đạo nước này.
Trong số 28 thành viên NATO, chỉ có 6 nước với khoảng 60 máy bay tham gia không kích nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất của quân đội chính phủ Libya.
Trong khi thế bế tắc trên chiến trường tiếp tục diễn ra, liên minh quân sự này đã tìm kiếm thêm ít nhất 8 chiến đấu cơ từ các thành viên để duy trì một chiến dịch dài hạn và giảm bớt sức căng về phi công khi họ liên tục phải thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Trong bối cảnh đó, một làn sóng thông tin tình báo mới đánh giá không ai trong số các lãnh đạo đối lập nổi lên như một người đáng tin cậy để kế nhiệm Gaddafi, theo New York Times.
Các nhà chức trách Mỹ thừa nhận, các lãnh đạo đối lập ở Libya vẫn chưa quyết định được ai sẽ làm lãnh đạo Libya một khi Gaddafi bị lật đổ, và một số người lo ngại cuộc chiến bộ tộc tại đất nước Bắc Phi này có thể nổ ra nếu không có một nhân vật nào đủ khả năng đoàn kết toàn dân.
Thanh Hảo (Theo THX)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét