chia sẻ

Phương Tây trong chiến tranh Libya: Cứu trợ hay chống lại nhân loại?



Bước sang tuần thứ hai của cuộc chiến Libya, trong khi liên quân phương Tây đang cố tìm cách khoác cho phe đối lập Libya một cái áo hợp pháp thì ít ai biết được rằng, lượng tên lửa và bom đạn được liên quân rải xuống Libya trong suốt những ngày qua lại mang theo một lượng đáng kể uranium làm nghèo.
Nếu phương Tây coi sự can thiệp quân sự vào Libya là nhằm cứu trợ nhân đạo, bảo vệ người dân thường Libya, thì không hiểu ai sẽ là người phải hứng chịu về lâu dài lượng phóng xạ tích tụ ở những nơi mà vô số quả tên lửa và đạn pháo này rơi xuống?
Thế giằng co giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi
Với sự yểm trợ của hỏa lực liên quân phương Tây, quân nổi dậy tại Libya, vốn chỉ còn biết cố thủ ở thành phố Benghazi trước thời điểm phương Tây triển khai chiến dịch quân sự, đã chiếm được nhiều thành phố quan trọng ở phía đông Libya từ tay quân đội chính phủ, giành lại quyền kiểm soát tất cả các thành phố dầu mỏ chủ chốt ở nửa phía đông của Libya như Es Sider, Ras Lanuf, Brega, Zueitina, Tobruk và một số thành phố, làng mạc khác. Tuy nhiên, khi lực lượng chống chính phủ tiến về thành trì Sirte của nhà lãnh đạo Gaddafi thì họ đã gặp phải bức tường sắt được dựng lên bởi lực lượng trung thành.
Ngày 28/3, quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi đã đẩy lùi cuộc tiến công của lực lượng chống chính phủ vào thành phố Sirte, chặn đà tiến công của lực lượng này hướng về thủ đô Tripoli. Ngày 30/3, lực lượng trung thành với Chính phủ Libya, được xe tăng và pháo hạng nặng yểm trợ, đã giành lại được thành phố chiến lược Ras Lanuf ở miền Đông, khi đẩy lùi lực lượng chống đối khỏi thành phố sản xuất dầu mỏ này. Trước đó, ngày 29/3, lực lượng chống đối tại Libya cũng đã phải rút khỏi thành phố Bin Jawad sau 2 ngày chiếm giữ. Đây là lần thứ hai lực lượng chống đối bị đánh bật khỏi thành phố Bin Jawad.
Trong một bức thư gửi tới hội nghị của các cường quốc diễn ra tại London, Anh, ngày 29/3 nhằm thảo luận về tương lai của Libya, ông Gaddafi đã yêu cầu chấm chứt "cuộc tấn công man rợ" nhằm vào nước ông. Trong bức thư, được gửi đến "nhóm liên lạc" của các nước họp bàn để vạch ra một tương lai thời hậu Gaddafi đối với Libya, ông Gaddafi đã so sánh các vụ không kích do NATO cầm đầu với các chiến dịch quân sự của Adolf Hitler trong Thế chiến thứ 2. Ông cho rằng, việc giải quyết tình hình hiện nay tại Libya phải được chuyển giao cho Liên minh châu Phi (AU), đồng thời cam kết nước này sẽ chấp thuận các phán quyết của Ủy ban cấp cao AU.
Trong khi đó, hành động quân sự của Mỹ và phương Tây nhằm vào Libya tiếp tục bị dư luận quốc tế lên án. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng cuộc xung đột tại Libya sẽ gây ra làn sóng người tị nạn mới, gây mất ổn định cho việc cung ứng năng lượng từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố: Nga phản đối việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libya và coi đó là hành động can thiệp không thể chấp nhận được.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 31/3 đã lên tiếng phản đối ý tưởng của Mỹ và Anh về việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy tại Libya, khẳng định NATO hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này để bảo vệ và không vũ trang cho người Libya. Trước đó, London và Washington nói rằng những nghị quyết hiện nay của HĐBA LHQ về Libya có thể cho phép các chính phủ nước ngoài cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí hiện vẫn có hiệu lực.
Chiếc áo hợp pháp - quân nổi dậy tại Libya mặc có vừa?
Liên quan tới những hoạt động quân sự và chính trị của liên quân, Tổng thư ký NATO Rasmussen thông báo là kể từ 6 giờ sáng (GMT) hôm 31/3, khối NATO đã nắm quyền chỉ huy toàn bộ các chiến dịch của quốc tế ở Libya. Các chiến dịch của NATO đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Charles Bouchard, người Canada, từ bộ tư lệnh đặt ở Napoli, Italia. Với việc chuyển giao quyền chỉ huy cho khối NATO, như vậy là Mỹ không còn đứng ở tuyến đầu nữa.
Về các hoạt động chính trị, ngày 29/3 tại London, đại diện 40 nước tham dự hội nghị hoạch định tương lai của Libya đã "nhất trí rằng nhà lãnh đạo Gaddafi và chính quyền của ông đã mất hoàn toàn tính hợp pháp và sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình" và quyết định thành lập một "Nhóm tiếp xúc". Nhóm này được phân công chỉ đạo về chính trị trong chiến dịch quân sự tại Libya, trong sự phối hợp với LHQ và các liên minh khu vực.
"Nhóm tiếp xúc" còn có nhiệm vụ phối hợp quốc tế để tìm giải pháp cho Libya, và là nơi để cộng đồng quốc tế tiếp xúc với các phe phái trong cuộc xung đột tại Libya. "Nhóm tiếp xúc" bao gồm khoảng 20 thành viên, trong đó có đại diện của 15 quốc gia, phần còn lại là các đại diện của LHQ, EU, Liên đoàn Arập... Cuộc họp đầu tiên của nhóm này sẽ diễn ra tại Qatar, thành viên Liên đoàn Arập, nước tham gia tích cực nhất vào các hoạt động của liên quân cho đến nay.
Theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, nhiệm vụ giữa các nhà chính trị và giới quân sự, kể từ đây đã được phân định rõ ràng: việc chọn các mục tiêu trên chiến trường sẽ do NATO đảm nhiệm, còn nhiệm vụ chính trị thì như trên đã nói. Tuy nhiên, ngoài việc thành lập "Nhóm tiếp xúc", phương Tây cũng đang cố tình gán cho quân nổi dậy tại Libya một cái mác hợp pháp. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong số các cuộc nổi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi gần đây thì chưa có nơi nào mà phe nổi dậy lại không có tên tuổi như tại Libya. Nếu như tại Ai Cập và Tunisia, phe chống đối là những thế lực khá lớn, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh có chút tên tuổi thì tại Libya, lãnh đạo phe nổi dậy lại chỉ có một dúm người tự coi là Hội đồng Quốc gia lâm thời và hoàn toàn không thể đại diện cho toàn thể người dân Libya.
Tờ Figaro của Pháp cho biết: "Họ bao gồm khoảng mười mấy người, thậm chí có thể là 30 người. Hiện vẫn còn chưa biết hết tên tuổi của những người này. Hội đồng lâm thời do họ thành lập đã được nước Pháp công nhận". Theo tờ Le Figaro, Hội đồng quốc gia lâm thời do phe nổi dậy thành lập ngay từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy, đặt trụ sở chính ngay tại tòa thị chính của thành phố Benghazi.
Ban đầu, Hội đồng này chỉ là một tập hợp không chính thức của các đại diện, đôi khi chỉ là những người tự tuyên bố, của các địa phương vừa được phe nổi dậy chiếm từ tay quân chính phủ. Hiện tại, các thành viên trong Hội đồng chưa muốn xem họ như là một chính phủ lâm thời. Về vấn đề này, có hai quan điểm trái ngược nhau. Một số lập luận rằng, thủ đô Tripoli vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của nhà lãnh đạo Gaddafi. Điều trước mắt là cần phải giải phóng đất nước. Còn số khác thì cho rằng, nên thành lập một chính phủ lâm thời trước. Việc thành lập một chính phủ lâm thời khiến cho những người trong Hội đồng lo ngại sự chia cắt đất nước giữa phía đông của quân nổi dậy và phía tây dưới sự kiểm soát của ông Gaddafi.
Việc phe nổi dậy không có một thủ lĩnh "máu mặt" nào đã giải thích cho lý do tại sao thời gian đầu phương Tây chưa vội vã can thiệp vào Libya. Hiện nay, ngoài một số tên tuổi đã được biết đến như Moustapha Abdeljalil, cựu Bộ trưởng Tư pháp của Chính phủ Gaddafi, hay Ali Essaoui, cựu Đại sứ Libya tại Ấn Độ, thì tên của một số thành viên trong Hội đồng hiện vẫn còn được giữ bí mật.
Nay với sự trợ giúp của phương Tây, Hội đồng này đã bắt tay vào việc. Để né tránh vấn đề chính phủ lâm thời, một hội đồng điều hành đã được thiết lập. Một số vị trí quan trọng đã được bổ nhiệm như: vai trò thư ký do Abdeljalil đảm nhiệm, Ali Essaoui phụ trách về ngoại giao, còn phụ trách quân sự được giao cho Tướng Omar al-Hariri. Cuối tuần qua, họ cũng đã bổ nhiệm Ali Targouni, sống lưu vong tại Mỹ và từng là giáo sư tài chính tại Đại học Washington ở Seattle chuyên trách về dầu khí, kinh tế và tài chính. Riêng vấn đề về truyền thông và xã hội thì vẫn còn bỏ ngỏ. Trước mắt, ông Targouni, người phụ trách dầu khí, kinh tế và tài chính của Hội đồng chuyển tiếp, đã vạch ra một kế hoạch: thỏa thuận với Qatar để bán dầu.
Theo các nhà phân tích, việc phương Tây ủng hộ sự bổ nhiệm ông Targouni vào vị trí này thực chất là nhằm bảo vệ quyền lợi dầu hỏa của họ tại Libya, cụ thể đó là những hợp đồng mà các nhà đầu tư và các tập đoàn dầu khí phương Tây đã ký kết các với chính quyền Gaddafi trước đây.
Bom đạn phương Tây chứa chất phóng xạ
Ngoài việc cứ 10 quả tên lửa của phương Tây dội xuống Libya thì có ít nhất 1 quả trượt mục tiêu và đánh trúng vào những khu dân cư, thì cái đáng nói hơn là tất cả những quả tên lửa trên đều chứa uranium làm nghèo. Theo giáo sư Massimo Zucchetti, chuyên gia về chế tạo vũ khí hạt nhân tại Trường Đại học Bách khoa Turin, Italia, thì những vụ đánh bom của liên quân dưới cái mác "nhân đạo" sẽ giết chết hàng nghìn dân thường Libya trong những năm tiếp theo do ảnh hưởng từ phóng xạ.

Hơn 200 tên lửa Tomahawk chứa uranium làm nghèo được phóng đi từ chiến hạm USS Barry của Hải quân Mỹ vào các mục tiêu trong lãnh thổ Libya.

Ngày 30/3, Lầu Năm Góc cho biết trong vòng 24 giờ trước đó, liên quân đã bắn 22 quả tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu tại  Libya, tiến hành 115 phi vụ không kích và tuần tiễu trên bầu trời nước này. Đây là lần đầu tiên trong vài ngày qua, liên quân sử dụng một lượng tên lửa Tomahawk nhiều như vậy để tấn công Libya, nâng tổng số tên lửa Tomahawk mà liên quân sử dụng từ ngày 19/3, khi bắt đầu can thiệp quân sự vào Libya, đến nay lên trên 200 quả.
Đô đốc James Stavridis - Tư lệnh tối cao Liên quân NATO cho biết, chi phí cho các cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Libya đã lên tới 550 triệu USD. Mỹ đã bắn ít nhất 192 trong tổng số 199 quả tên lửa Tomahawk nhằm vào các trung tâm chỉ huy và hệ thống phòng không của  Libya. Theo ông Stavridis, mỗi quả Tomahawk có giá 1,5 triệu USD.
Theo Giáo sư Massimo Zucchetti, uranium làm nghèo được sử dụng trong việc chế tạo tên lửa Tomahawk và một số loại bom được điều khiển từ xa. Uranium làm nghèo được trộn với chất titan bọc ở phần đầu tên lửa hoặc quả bom làm tăng sức đâm xuyên của vũ khí, đồng thời được sử dụng ở bộ phận giữ thăng bằng. Lượng uranium làm nghèo được dùng trong mỗi quả tên lửa Tomahawk hay bom điều khiển dao động từ 3 tới 400 kg.
Các nghiên cứu cho thấy uranium làm nghèo có tác động xấu đến sức khỏe con người, làm tổn hại thận và các thành phần máu, cũng như gây dị tật ở trẻ sơ sinh. Nhưng nguy hiểm hơn cả là nó có thể dẫn tới bệnh ung thư.
Trên thực tế, uranium làm nghèo đã được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong các cuộc oanh kích của NATO và LHQ tại Nam Tư năm 1999; gần đây nhất là trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq năm 2003.
Những tác động phóng xạ từ số tên lửa Tomahawk và bom điều khiển với môi trường và con người đến nay là không thể chối cãi. Trong chiến dịch không kích Nam Tư năm 1999, NATO đã sử dụng từ 31.000 đến 90.000 đầu đạn có sử dụng uranium làm nghèo. Theo các số liệu thống kê, hàng năm tại vùng Kosovo, một trong những khu vực của Serbia (Nam Tư cũ) đã hứng chịu nhiều bom đạn trong đợt không kích năm 1999, có tới 5.000 người chết vì bệnh ung thư, cao gấp ba lần so với số người chết vì cùng nguyên nhân tại đây trước cuộc không kích. Tỉ lệ người chết vì ung thư ở Kosovo là cao nhất tại khu vực Balkan.
Theo chuyên gia về chất độc thuộc Viện nghiên cứu vệ sinh an toàn lao động và chống phóng xạ Serbia Radomir Kavatrevik, tới nay các biện pháp làm sạch và khử độc phóng xạ chỉ được tiến hành tại bốn khu vực ở đông nam Serbia, trong khi còn tới 107 khu vực chịu ảnh hưởng chưa được đụng đến
  Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ