chia sẻ

Vụ Vinalines: vượt đèn đỏ nên bị thổi cò

Có thể so sánh sự nóng vội của Vinalines khi quyết định giữ hàng của Trung Quốc đẫn tới thiệt hại 800.000 USD với việc rất nhiều người vượt đèn đỏ vì nóng vội và bị cảnh sát giao thông phạt, dù không ai không biết đó là hành vi phạm pháp và đầy rủi ro.
LTS: Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vụ việc Vinalines, tuy nhiên chưa có bài viết nào phân tích cụ thể vụ tranh chấp này dưới góc độ pháp luật hàng hải quốc tế. Độc giả Khương Duy, giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế của ĐH Ngoại thương Hà Nội đã gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam bài viết này.
Bài viết xin nêu lên một số vấn đề liên quan tới trách nhiệm của các bên trong hợp đồng thuê tàu và quyền bắt giữ tàu biển theo phán quyết của tòa án dựa trên một số nguồn luật: Công ước về bắt giữ tàu biển của Liên hợp quốc (International Convention on the Arrest of Ships hay Công ước Geneva năm 1999), Bộ luật hàng hải của nước CHND Trung Hoa năm 1992, Luật tố tụng hàng hải của nước CHND Trung Hoa năm 1999 và Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005.
Thẩm quyền bắt giữ tàu biển theo luật pháp quốc tế
Khoản 1, Điều 2 Công ước Geneva 1999 quy định về thẩm quyền bắt giữ tàu nêu rõ "một con tàu chỉ có thể bị bắt giữ hoặc được giải phóng khỏi sự bắt giữ theo quyết định của toà án của quốc gia thành viên nơi tiến hành bắt giữ." Khoản 2 điều này khẳng định "một con tàu chỉ có thể bị bắt giữ căn cứ vào một khiếu nại hàng hải chứ không thể bị bắt giữ vì những khiếu nại khác." Chặt chẽ hơn, Khoản 3 điều này còn nhấn mạnh quốc gia bắt giữ tàu để đảm bảo cho khiếu nại hàng hải không nhất thiết phải là quốc gia nơi tòa án và/hoặc luật của quốc gia đó được lựa chọn để xét xử trong hợp đồng thuê tàu.
Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước này, cho nên tòa án Trung Quốc hoàn toàn có quyền ra lệnh bắt giữ tàu Vinalines Global của Việt Nam theo quy định quốc tế nếu phán quyết của tòa án xuất phát từ một khiếu nại hàng hải và thỏa mãn điều kiện bắt giữ. Vậy một khiếu nại hàng hải và điều kiện bắt giữ tàu là gì?
Điều 3 của Công ước liệt kê một số khiếu nại điển hình, thí dụ khiếu nại liên quan tới những mất mát, thiệt hại do vận hành tàu hoặc những thiệt hại do tàu gây ra với môi trường. Trong trường hợp Vinalines, khiếu nại yêu cầu bắt giữ tàu Vinalines Global có thể liên quan tới hai nội dung sau đây:
"g) Thoả thuận về vận chuyển hàng hoá hoặc hành khách bằng tàu, dưới hình thức hợp đồng thuê tàu hoặc hình thức khác;
h) Mất mát hoặc thiệt hại gây ra cho tài sản hoặc liên quan đến tài sản (kể cả hành lý) vận chuyển trên tàu."
Những căn cứ này được liệt kê vận dụng nguyên vẹn vào Điều 21 Luật tố tụng hàng hải của nước CHND Trung Hoa, đó là cơ sở để Tòa án nước này xem xét đơn khiếu nại và ra phán quyết bắt giữ tàu phục vụ việc điều tra.
Về điều kiện bắt giữ tàu, Luật tố tụng hàng hải Trung Quốc nêu lên một số điều kiện quan trọng. Với trường hợp Vinalines, Tòa án có thể căn cứ vào ý đầu tiên của Điều 23:"Chủ tàu chịu trách nhiệm với khiếu nại hàng hải và là chủ sở hữu của con tàu tại thời điểm quyết định bắt giữ có hiệu lực." Khoản 1a) Công ước Geneva 1999 cũng nêu rõ: "Người có quyền sở hữu đối với tàu vào thời điểm phát sinh khiếu nại hàng hải, có trách nhiệm liên quan tới nghĩa vụ phát sinh từ khiếu nại hàng hải đó và vẫn là chủ sở hữu tàu vào thời điểm tiến hành bắt giữ" là một trong những điều kiện bắt giữ tàu để đảm bảo một khiếu nại hàng hải được thực hiện.
Như vậy, xét tới ba lý do: khách hàng người Trung Quốc khiếu nại về thiệt hại liên quan tới hàng hóa vận chuyển trên tàu theo hợp đồng thuê tàu; tại thời điểm đó, quyền sở hữu con tàu vẫn thuộc về phía Vinalines; và Vinalines là người trực tiếp gây ra thiệt hại đề cập trong đơn khiếu nại hàng hải; quyết địn bắt giữ tàu của Tòa Trung Quốc hoàn toàn phù hợp về mặt luật pháp quốc tế.
Sai lầm dẫn tới việc Vinalines phải bồi thường
Trước hết, để hiểu được vấn đề của Vinalines, chúng ta cần điểm lại một số khái niệm pháp lý về hợp đồng thuê tàu. Pháp luật Việt Nam và Trung Quốc quy định hoàn toàn tương tự về hợp đồng thuê tàu định hạn và thuê tàu trần (time chater party và bareboat charter party). Điều này được thể hiện tại Điều 139 Bộ luật hàng hải Việt Nam và Điều 128 Bộ luật hàng hải Trung Quốc. Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm hợp đồng thuê tàu định hạn theo quy định của pháp luật hai nước.
Điều 129 Bộ luật hàng hải Trung Quốc quy định: "Hợp đồng thuê tàu định hạn là một hợp đồng theo đó chủ tàu cung cấp một con tàu đầy đủ thuyền bộ cho người thuê tàu; người thuê tàu sử dụng con tàu trong thời hạn của hợp đồng, trả phí thuê tàu và các dịch vụ đã thỏa thuận." Điều 138 Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định: "Hợp đồng thuê tàu định hạn là hợp đồng thuê tàu, theo đó chủ tàu cung cấp một tàu cụ thể cùng với thuyền bộ cho người thuê tàu."
Nhìn chung, quyền và nghĩa vụ của chủ tàu và người thuê tàu định hạn trong hai Bộ luật của hai nước hoàn toàn tương tự nhau. Một điểm cần lưu ý là: quyền sở hữu và nghĩa vụ phát sinh liên quan tới quyền sở hữu con tàu trong thời gian cho thuê định hạn vẫn thuộc về phía chủ tàu.

Rắc rối nảy sinh do đối tác thuê tàu định hạn của Vinalines lại cho thuê lại con tàu theo một hợp đồng thuê tàu chuyến. Như vậy, từ đây hình thành hai hợp đồng: một hợp đồng điều chỉnh mối quan hệ giữa Vinalines và đối tác thuê tàu định hạn; một hợp đồng điều chỉnh mối quan hệ giữa đối tác thuê tàu định hạn và khách hàng thuê lại theo chuyến người Trung Quốc. Hai hợp đồng này có tính độc lập tương đối và có một số đặc điểm cần lưu ý.
Điều 140, Bộ luật hàng hải Việt Nam quy định:
"1. Trường hợp có thoả thuận trong hợp đồng thì người thuê tàu có thể cho người thứ ba thuê lại tàu, nhưng vẫn có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng được giao kết với chủ tàu.
2. Các quyền và nghĩa vụ của chủ tàu quy định tại Chương này cũng được áp dụng đối với người cho thuê lại tàu."
Theo Điều 140, việc cho thuê lại tàu phải căn cứ vào thỏa thuận trọng hợp đồng giữa chủ tàu và người thuê tàu định hạn. Dù đã cho thuê lại tàu nhưng người thuê tàu định hạn vẫn phải thực hiện những nghĩa vụ với chủ tàu, mà quan trọng nhất là nghĩa vụ trả cước phí. Điều này còn hàm ý, người thuê lại tàu (sub-charterer) chỉ cần biết và tuân thủ mối quan hệ với người thuê tàu định hạn, giờ đóng vai trò chủ tàu. Mọi nghĩa vụ của người thuê tàu định hạn với chủ tàu, người thuê lại không có nghĩa vụ phải biết và thực hiện.
Điều 137 Bộ luật hàng hải Trung Quốc cũng quy định rõ người thuê tàu có quyền cho thuê lại con tàu nhưng lưu ý người này phải thông báo lại cho chủ tàu thực sựMọi nghĩa vụ của hợp đồng thuê tàu chính không bị ảnh hưởng bởi hợp đồng cho thuê lại tàu.
Một nội dung quan trọng được quy định tại Điều 141 Bộ luật hàng hải Trung Quốc nhưng không được quy định trong luật Việt Nam: "Trong trường hợp người thuê tàu không trả tiền thuê tàu hoặc các khoản tiền khác đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tàu, chủ tàu có quyền giữ lại hàng hóa của NGƯỜI THUÊ TÀU, các tài sản khác trên tàu và thu nhập từ VIỆC CHO THUÊ LẠI TÀU." (In case the charterer fails to pay the hire or other sums of money as agreed upon in the charter, the shipowner shall have a lien on the charterer's goods, other property on board and earnings from the sub-charter).
Rõ ràng, điều này chỉ cho phép chủ tàu giữ hàng hóa, tài sản của người thuê tàu trực tiếp ký hợp đồng với mình và thu nhập của anh ta từ việc cho thuê lại tàu chứ không được phép làm tổn hại tới người đi thuê lại tàu. Cách hành xử của Vinalines trong trường hợp này đã vi phạm pháp luật của nước sở tại và hình phạt nặng dành cho Vinalines là hoàn toàn có thể hiểu được nhất là khi Việt Nam đã ở vào thế yếu trong vụ việc này.
Kết luận
Nếu đối tác thuê tàu định hạn của Vinalines cho thuê lại tàu mà không có thỏa thuận trước trong hợp đồng hoặc chưa thông báo cho Vinalines biết thì Vinalines sẽ có cơ sở để khiếu nại đối tác này. Trong trường hợp đó, đối tác thuê tàu định hạn của Vinalines sẽ phải chịu trách nhiệm vì hai lý do: chậm thanh toán tiền cước và không thông báo việc cho thuê lại tàu/cho thuê lại tàu không được sự đồng ý của Vinalines.
Tuy nhiên, khả năng Vinalines không biết trước việc đối tác của mình cho thuê lại tàu là rất thấp. Đúng như TS Trần Hữu Huỳnh nhận định trong bài phỏng vấn gần đây trên VEF.VN, lỗi của Vinalines thuộc về cách hành xử. Người viết tin Vinalines hoàn toàn nắm được thông tin về việc cho thuê lại tàu và hiểu rõ những rủi ro của việc bắt giữ hàng trên tàu song có lẽ do nóng vội và lo lắng về việc thu hồi cước phí nên đã mắc sai lầm. Có thể so sánh sự nóng vội đó với việc rất nhiều người vượt đèn đỏ vì nóng vội và bị cảnh sát giao thông phạt, dù không ai không biết đó là hành vi phạm pháp và đầy rủi ro.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ