Hôm 14-2, Ronaldo tuyên bố từ giã sân cỏ sau 18 năm sự nghiệp lừng lẫy. Cả thế giới đã lên cơn cuồng với những bàn thắng không tưởng, những danh hiệu và nụ cười răng thỏ rạng ngời của anh. Nhưng không ai biết thực hư chuyện gì đã xảy ra với anh trong buổi trưa ngày 12-7-1998, vài giờ trước khi trận chung kết World Cup 1998 giữa Pháp và Brazil bắt đầu.
Trong suốt thời gian dự giải này, tuyển Brazil đóng quân ở khách sạn Chateau de la Grande Romanie ở vùng Lesigny, cách Paris 20 km. Cứ hai cầu thủ ở chung một phòng, Ronaldo ở chung phòng với Roberto Carlos, kế bên là phòng của Edmundo và Doriva. Sau bữa ăn trưa 12-7 ở dưới nhà hàng trong khách sạn, các cầu thủ về phòng nghỉ ngơi.
Đang nghe walkman, Roberto Carlos thấy Ronaldo lả xuống, mặt tái nhợt rồi miệng trào bọt mép, toàn thân co giật. Hoảng loạn, Carlos chạy ra ngoài hành lang gào thét: “Cậu ta chết, cậu ta chết...”. Từ phòng bên, Edmundo và Cesar Sampaio nhào ra đầu tiên. Edmundo đè chặt người Ronaldo xuống nền nhà còn Sampaio bóp miệng Ronaldo để anh không tự cắn vào lưỡi mình trong cơn co giật.
Tiếp theo, bác sĩ Toledo, HLV Zagallo và cả đội chạy đến. Họ làm các biện pháp sơ cứu cho Ronaldo, đưa anh vào giấc ngủ. Đến 4 giờ chiều, Ronaldo tỉnh dậy và không hề biết trước đó anh lên cơn động kinh, các bác sĩ nói cho anh biết điều gì đã xảy ra với anh.
Ronaldo tỏ ra đau đớn sau một pha bóng trong trận chung kết |
Tiền vệ Leonardo nằng nặc đòi phải đưa Ronaldo đến trung tâm y tế để kiểm tra tổng thể. Trong lúc Ronaldo đi, tuyển Brazil tổ chức họp đội, Zagallo lên giây cót cho các cầu thủ: “Pele không chơi trận chung kết World Cup 1962 nhưng Brazil vẫn chiến thắng. Chúng ta phải sẵn sàng chơi bóng mà không có Ronaldo trong đội hình”.
Tại trung tâm y tế Les Lilas, Ronaldo bước vào làm các test. “Anh ấy hoàn toàn bình thường, đi lại không cần ai giúp đỡ”, ông Philippe Krief nhớ lại. Các test y tế cho thấy thần kinh và tim mạch của Ronaldo không gặp bất kỳ vấn đề gì.
6h30 chiều, tuyển Brazil lên xe bus rời khách sạn Chateau de la Grande Romanie đến sân Stade de France đá trận chung kết. “Ở các trận trước, mỗi lúc ra xe, cả đội Brazil rộn tiếng cười. Nhưng trước trận chung kết đó là một sự yên tĩnh đáng sợ. Họ lên xe đi như thể họ vừa thua trận bóng”, ông Chevalier, giám đốc khách sạn, nhớ lại. Cùng lúc đó, Ronaldo cũng đi từ Les Lilas đến Stade de France.
72 phút trước khi bóng lăn, khu vực báo chí trong sân Stade de France trở nên hỗn loạn khi ban tổ chức phát đội hình thi đấu cho các nhà báo. Tất cả cùng chung câu hỏi: “Tại sao Ronaldo lại không có mặt trong đội hình xuất phát, mà thay vào đó là Edmundo?”
30 phút trước khi bóng lăn, khu vực trên thêm một lần nữa hỗn loạn khi các nhà báo được phát danh sách đội hình 2 đội lần thứ hai. Bản danh sách này có tên Ronaldo. Theo luật FIFA, các đội phải nộp danh sách thi đấu 1 giờ đồng hồ trước khi bóng lăn và không được thay đổi. Tại sao Brazil được ngoại lệ?
42 phút giữa hai mốc thời gian này là một cuộc cân não trong phòng thay đồ Brazil. Ronaldo khẳng định với HLV Zagallo là anh hoàn toàn bình thường, có thể thi đấu được. Một cuộc hội ý ngắn giữa 4 nhân vật Zagallo, trợ lý Zico, bác sĩ Toledo và chủ tịch LĐBĐ Brazil, ông Teixeira diễn ra. Zagallo và Toledo đồng ý đưa Ronaldo vào đội hình chính, Zico phản đối còn ông Teixeira không có ý kiến gì.
Ronaldo và HLV Zagallo sau trận chung kết |
Teixeira im lặng có nghĩa Zagallo là người có tiếng nói quyết định nhất. Trên sân bóng, Ronaldo không còn tốc độ, sức mạnh, cảm giác như các trận trước. Anh vật vờ trên sân như người mộng du, Brazil thua 0-3, một trong những trận thua nặng nề nhất của họ ở lịch sử World Cup.
Tuyển Brazil về nước, trước sức ép của dư luận, Quốc hội Brazil đã mở vài phiên điều trần để làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra với Ronaldo trước trận chung kết. Các nhân vật trong tuyển Brazil đều được gọi đến thẩm vấn. Họ đều kể rõ quá trình Ronaldo lên cơn động kinh nhưng không ai nói được nguyên nhân dẫn đến việc này. Có thể có người biết nhưng họ không mở miệng.
Câu hỏi thứ hai: “Tại sao biết tình trạng Ronaldo như vậy mà vẫn cho anh ra sân?” Người chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi này là Zagallo và Toledo. “Hãy thử tưởng tượng nếu tôi cản cậu ấy vào sân và Brazil thua thì tôi chỉ có nước đến Bắc Cực sống mà thôi, chứ làm sao mà sống ở Brazil được”, Toledo nói.
Còn Zagallo nói: “Nếu tôi không cho Ronaldo vào sân, đội vẫn thua 0-3 thì dư luận Brazil sẽ nói ‘Zagallo là kẻ cứng đầu, tại sao ông ta lại để cầu thủ hay nhất thế giới ngồi ngoài’. Thực ra, không phải mỗi Ronaldo chấn động mà cả đội Brazil đã bị chấn động bởi những gì xảy ra buổi trưa hôm đó”.
Nhiều người đưa ra giả thiết Teixeira và Zagallo chịu sức ép của hãng Nike trong quyết định tung Ronaldo vào trận đấu. Năm 1996, Nike ký hợp đồng tài trợ 160 triệu USD cho tuyển Brazil. Ronaldo là món hàng quý giá nhất, tại sao anh có thể vắng mặt được ở trận đấu lớn nhất trong làng bóng đá thế giới. Zagallo khi đó cũng ký hợp đồng cá nhân với Nike, đó là cơ sở để nhiều người suy luận Zagallo hành động cũng vì lợi ích riêng của ông.
Lầm lũi lên nhận giải Á quân sau một trận đấu chơi như người mộng du |
Các giả thiết khác được đưa ra là: 1/ Brazil đã “bán” trận đấu này lấy 23 triệu USD cộng với quyền đăng cai World Cup 2006 và một hành trình dễ dàng để lấy cúp “bù” tại World Cup 2002; 2/ Ronaldo bị người Pháp đầu độc vì họ muốn cầu thủ hay nhất hành tinh ngồi ngoài ở trận này; 3/ Ronaldo bị sốc thuốc khi các bác sĩ tiêm cho anh. Trong thời gian diễn ra giải, Ronaldo vẫn thường xuyên tiêm những mũi giảm đau vào đấu gối; 4/ Bản thân Ronaldo có một vấn đề về sức khỏe và tâm lý mà anh muốn giữ đến suốt đời, “sống để bụng, chết mang theo”.
Làng bóng đá thế giới vốn chứa đựng rất nhiều bí mật nhưng những chuyện được coi là bí mật nhất đang dần lộ sáng. Như chuyện các cầu thủ Đức có khả năng dùng doping trước khi gặp Hungary ở trận chung kết World Cup 1954. Một thời gian sau trận này, một vài cầu thủ Đức mắc phải những chứng bệnh kỳ quặc. Hay như chuyện tuyển Argentina “búng” thuốc ngủ vào chai nước của tuyển Brazil khi hai đội gặp nhau tại World Cup 1990...
Nhưng ở câu chuyện của Ronaldo thì chưa có một giả thiết nào thuyết phục. Nó sẽ nằm trong vòng bí mật chừng nào những người trong cuộc tiếp tục tuân theo luật omerta. Và nó sẽ vĩnh viễn nằm trong vòng bí ẩn nếu những người trong cuộc đã “bạch hóa” tất cả những gì họ biết mà chỉ có ngần đó dữ kiện...
Theo Đinh Hiệp
Sài Gòn Giải Phóng
Sài Gòn Giải Phóng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét