Lãnh đạo của 5 cường quốc mới nổi của thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi hôm nay (14/5) đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối với việc các cường quốc phương Tây dùng vũ lực ở Libya.
Đề cập đến Libya - một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới hiện nay, khối BRICS đã ra tuyên bố, trong đó nói: "Chúng tôi tin rằng tất cả các bên nên giải quyết sự khác biệt giữa họ thông qua các biện pháp hoà bình và đối thoại, trong đó, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực nên đóng một vai trò thích hợp".
Tuyên bố của 5 cường quốc mới nổi cũng cho biết: "Chúng tôi đều nhất trí với nguyên tắc tránh dùng vũ lực. Chúng tôi luôn khẳng định, độc lập, chủ quyền, sự đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước nên được tôn trọng."
Tuyên bố của BRICS dù tuyên bố phản đối việc dùng vũ lực ở Libya nhưng không chỉ đích danh chiến dịch quân sự của NATO ở đất nước Bắc Phi này.
Nam Phi là nước thành viên khối BRICS duy nhất ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc áp đặt khu vực cấm bay ở Libya, đồng thời cho phép các nước “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường. Đây chính là nghị quyết mở đường cho liên quân phát động các cuộc không kích vào Libya.
4 nước còn lại gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil đều bày tỏ lo ngại về việc chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào Libya nhằm lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi đang gây ra thương vong cho dân thường.
Libya chỉ trích gay gắt Qatar
Cũng trong ngày hôm nay, Libya đã lên tiếng cáo buộc Qatar cung cấp tên lửa chống tăng cho quân nổi dậy nước này nhằm lật đổ Tổng thống Gaddafi.
"Qatar đã cung cấp tên lửa cho quân nổi dậy ở Benghazi" - thành phố đang được xem là thành trì chính của phe đối lập Libya, Thứ trưởng Ngoại giao Khaled Kaim cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tripoli.
Thứ trưởng Kaim còn cáo buộc, 20 chuyên gia Qatari đang có mặt ở thành phố Benghazi để đào tạo khoảng 700 quân nổi dậy Libya. Qatar là một trong những nước đầu tiên tham gia vào chiến dịch quân sự của liên quân vào Libya nhằm chống lại ông Gaddafi.
Trong lúc này, ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO đang tụ họp ở thủ đô Berlin, Đức nhằm thảo luận về tình hình Libya sau khi liên minh quân sự này bộc lộ những mâu thuẫn, bất đồng về chiến dịch không kích Libya tại hội nghị ở Doha vừa diễn ra ngày hôm qua.
3 tuần không kích của NATO đã không đẩy lùi được các cuộc tấn công của quân chính phủ Libya nhằm vào quân nổi dậy. Pháp và Anh đã lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng, nói rằng NATO đang làm chưa đủ. Hai nước này muốn NATO tấn công các lực lượng trung thành với ông Gaddafi mạnh hơn nữa và quyết liệt hơn nữa. Chính quân nổi dậy ở Libya cũng tỏ ra bất mãn với NATO, kêu gọi liên minh này tăng cường hơn nữa các cuộc không kích nhằm giúp họ tiến vào lãnh thổ của ông Gaddafi.
Cũng giống như quân nổi dậy Libya, các quan chức Anh và Pháp cho rằng, sức mạnh quân sự của Washington là cần thiết để đảm bảo một chiến thắng cho chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân ở đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, Mỹ sẽ tuân thủ chặt chẽ theo kế hoạch ban đầu, có nghĩa là Mỹ sẽ lui về sau.
Theo lời các quan chức Mỹ tiết lộ, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton sẽ sử dụng các cuộc họp ở Berlin trong ngày hôm nay và ngày mai để thúc ép các đồng minh tái khẳng định mục tiêu bảo vệ dân thường khi quân nổi dậy và quân chính phủ Libya tiếp tục những cuộc giao tranh.
Trong khi đó, Anh, Pháp muốn thông qua hội nghị lần này để thúc ép NATO tăng cường chiến dịch tấn công Libya.
Trước đó, tại hội nghị ở Doha, các cường quốc đã thống nhất thiết lập “một cơ chế tài chính tạm thời” để hậu thuẫn cho quân nổi dậy Libya trong cuộc chiến đấu chống lại quân của ông Gaddafi. Các cường quốc cũng thống nhất với nguyên tắc, Tổng thống Gaddafi phải ra đi nhưng không tìm được nói chung về cách thức lật đổ ông này. Các cường quốc còn mâu thuẫn về việc liệu có nên trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Libya hay không.
Liên quân do Mỹ, Anh và Pháp dẫn đầu đã chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya hôm 19/3. Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch, với sự tham gia mạnh mẽ của Mỹ, liên quân đã chặn đứng những cuộc tấn công của quân chính phủ Libya nhằm vào quân nổi dậy. Tuy nhiên, kể từ sau khi Mỹ chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO, các cuộc không kích của liên quân dường như trở nên kém hiệu quả hơn hẳn.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét