chia sẻ

Cách mạng đường phố Ai Cập lan sang Iran

(Toquoc)-Sau Tunisia và Ai Cập, làn sóng biểu tình đang lan khắp Trung Đông. Đặc biệt tại Iran, nơi mà suốt hơn một năm qua, người ta không còn nhìn thấy những người biểu tình thuộc phe đối lập xuống đường đã xảy ra những cuộc bạo động, có máu đổ, người chết.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình ở Iran cũng có nhiều khác biệt. Ban đầu lãnh đạo phe đối lập chỉ kêu gọi tuần hành hoà bình để ủng hộ cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập và Tunisia. Nhưng tới ngày 14/2, sau khi người Ai Cập đã hạ bệ được tổng thống, cuộc tuần hành tại Iran đã chuyển hướng. Hàng nghìn người đổ về quảng trường Azadi (Tự do) ở trung tâm thủ đô Tehran, có ý nghĩa như quảng trường Tahrir ở Cairo, để biểu tình phản đối chính phủ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát dọc các đại lộ lớn đã dẫn đến người chết, máu đổ. Số đông những người biểu tình hô vang câu khẩu hiệu "Kẻ độc tài phải chết". Trong khi với một số người, "kẻ độc tài" ở đây ám chỉ Tổng thống Iran Ahmedinejad thì số còn lại đang nhắc tới vị Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Người biểu tình Iran cũng lấy Internet làm công cụ cách mạng tương tự như ở Ai Cập.
Chính phủ Iran có những biện pháp mạnh tay để tránh tái diễn hình ảnh Ai Cập. Hai lãnh đạo phe đối lập là Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi đã bị giam lỏng tại nhà, đồng thời hàng chục cố vấn quan trọng của họ cũng đã bị bắt. An ninh tại thủ đô Tehran được tăng cường tối đa với cảnh sát chống bạo động triển khai trên các con phố của thủ đô và phong toả mọi ngả đường dẫn đến quảng trường Azadi. Trong khi đó cũng có tin việc kết nối Internet tại Iran những ngày gần đây bắt đầu gặp khó khăn, nhưng chính quyền phủ nhận họ ra lệnh kiểm duyệt. Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin: "Một người bị bắn chết và vài người bị thương”.
Tuy nhiên, biểu tình nổ ra tại Iran cũng đang đặt chính quyền nước này vào thế "há miệng mắc quai" vì trước đó họ công khai ủng hộ sự kiện tại Ai Cập là "sự thức dậy Hồi giáo" và so sánh với cuộc cách mạng Iran năm 1979. Đại giáo sĩ Ali Khamenei cũng từng lên tiếng ca ngợi cuộc nổi dậy Hồi giáo tại cả hai nước Tunisia và Ai Cập.
Nhiều nhà quan sát tại Iran cho rằng các cuộc nổi dậy tại thế giới Ảrập đã thổi luồng sinh khí mới cho phe đối lập tại nước này. Trước đó vào năm 2009, phe đối lập đã lôi kéo được hàng triệu người xuống đường biểu tình phản đối sau khi Tổng thống Ahmadinejad tát đắc cử vì cho rằng có gian lận. Hoạt động này kết thúc với hàng chục người biểu tình thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt với án tù.
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình Iran ngay từ những giây phút đầu tiên họ xuống đường không giống như với cuộc cách mạng đường phố ở Ai Cập. Không khó hiểu điều này khi mối quan hệ Mỹ - Ai Cập là đồng minh còn từ lâu Washington luôn coi chính quyền ở Tehran là đối thủ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 14/2 phát biểu ca ngợi hàng nghìn người biểu tình ở Iran là "can đảm" và "có khát vọng", đồng thời cho rằng chính quyền Iran phải "cởi mở" hệ thống chính trị. Bà Clinton khẳng định: "Họ (những người biểu tình) xứng đáng được hưởng những quyền tương tự những gì mà họ đã nhìn thấy ở Ai Cập".
Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố Washington gửi thông điệp tương tự tới chính quyền Iran như tại Ai Cập, đó là phản đối việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. "Chúng tôi nghĩ rằng cần thiết phải có một sự cam kết về cởi mở hệ thống chính trị tại Iran, để lắng nghe những tiếng nói của phe đối lập và xã hội", bà Clinton nói thêm.
Với những diễn biến hiện nay, có thể người biểu tình Iran chưa thể sớm đạt được mục đích thay đổi chính quyền của họ, nhưng nước này đang đứng trước nguy cơ tái diễn hình ảnh hỗn loạn trên đường phố như thời điểm tháng 12/2009, khi hàng triệu người tuần hành phản đối ông Ahmadinejad tái đắc cử.
Và hiệu ứng domino của cuộc cách mạng đường phố Ai Cập sẽ không chỉ dừng lại ở Iran mà đang lan toả tới AlgeriaYemenBahrain.
Tại Algeria, các cuộc biểu tình chống Chính phủ diễn ra ở nhiều thành phố. Phong trào Phối hợp vì sự thay đổi và dân chủ (CNDC), nhóm tập hợp lực lượng đối lập biểu tình thông báo sẽ tổ chức một cuộc "đại biểu tình" vào ngày 19/2 cho đến khi Tổng thống Bouteflika từ chức, với lý do để tình trạng thất nghiệp, vô gia cư và giá lương thực liên tục tăng cao.
Tình hình tại Yemen diễn biến phức tạp hơn khi hàng nghìn người biểu tình rầm rộ ở Thủ đô Sanaa nhằm yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức và sa thải các thành viên gia đình của ông Saleh đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong quân đội và an ninh.
Còn tại quốc gia vùng Vịnh Bahrain, nơi có diện tích nhỏ hơn cả thành phố New York (Mỹ) cũng đang chìm trong bạo loạn. Tại đây, những người biểu tình không đòi lật đổ nhà cầm quyền. Những đòi hỏi của người dân dường như nhẹ nhàng hơn, đó là tự do chính trị và yêu cầu một cuộc cải tổ chung trên toàn đất nước.
Dư luận quốc tế cũng như giới phân tích lo ngại, những cuộc tuần hành ở các quốc gia Trung Đông này có thể làm mất cân bằng phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng sự mất ổn định của cơ cấu chính trị tại chính các quốc gia đó và thậm chí làm thay đổi cả tư duy của thế giới ẢRập theo hướng cực đoan hơn. Thêm nữa, những bất ổn về chính trị, xã hội ở các quốc gia nhiều dầu mỏ này có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng. Trong chuyến thăm đến Iran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul đã hối thúc chính quyền các nước ở Trung Đông lắng nghe lẫn nhau: "Những các nhà lãnh đạo và những người đứng đầu đất nước không đề cao nhu cầu của dân chúng thì chính bản thân người dân sẽ phải hành động để đứng lên đòi hỏi"./.
Võ Vân (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ