Tôi sinh ra khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc với thắng lợi vẻ vang. Tuy rằng không được chứng kiến tận mắt về cuộc chiến tranh đầy hy sinh, gian khổ của cả dân tộc. Nhưng với một người được học và dạy học lịch sử, thì tôi cũng biết được, hình dung được một phần nào đó về sự hy sinh lớn lao của cha anh mình trong cuộc chiến tranh này. Trong đó có thầy giáo của tôi – thầy Ngô Thanh Bình. | |
Thầy Ngô Thanh Bình (Bên phải - đứng dãy đầu) và các thầy, cô giáo tổ Tổng hợp (Năm học 2008 - 2009) Khi tôi muốn viết vài lời về thầy, thầy nói “ Nếu đem so tôi với đồng đội của tôi, người còn, người mất thì tôi là người gặp nhiều may mắn, công lao tổn thất chẳng thấm tháp vào đâu”. Vâng, em thưa thầy! Em không thể dám đem so thầy với bất cứ một ai, đặc biệt là với đồng đội của thầy, mà em chỉ muốn bày tỏ tình cảm của mình với một người thầy đáng kính, một tấm gương nhà giáo tiêu biểu của em và các lớp học trò của thầy mà thôi! Năm 1968, năm mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta đang diễn ra rất ác liệt – Năm đó thầy Bình cũng tròn 18 tuổi và cũng là năm thầy tốt nghiệp trung học phổ thông khoá 3 của trường cấp III Yên Phong – Hà Bắc (Nay là trường THPT Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Thầy có mơ ước và đã thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, nhưng khi có giấy gọi nhập ngũ, đồng thời với tinh thần của tuổi trẻ muốn đem sức nhỏ của mình để góp một phần vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, tháng 7 năm 1968 thầy đã cùng với biết bao bạn bè khác nhập ngũ, lên đường và bước vào cuộc chiến đầy gian khổ. Khi nhập ngũ, thầy ở trung đoàn 49 tỉnh đội Hà Bắc, tháng 2 năm 1969 thầy đi B, sống chiến đấu qua các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và nước bạn Cam Pu Chia cho đến năm 1975. Trong những năm chiến đấu tại chiến trường thầy luôn là một chiến sỹ, một sỹ quan quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 4 năm 1969. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, thầy trở lại quê hương với thương tích trên mình. Nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ “Tàn nhưng không phế”, thầy tiếp tục thi đỗ và theo học khoá I, khoa Giáo dục chính trị, trường Đại học sư phạm Hà Nội I (1976 - 1980). Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Đại học thầy về công tác giảng dạy ở trường Trung cấp sư phạm 10+2 Hà Bắc, từ năm 1982 đến nay thầy là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân tại trường THPT Hiệp Hoà số 2 – Quê hương của thầy. Trường THPT Hiệp Hoà số 2, đến nay đã tròn 37 năm tuổi. Ngôi trường đã và đang từng bước tạo ra thành công trong sự nghiệp trồng người, sự tin yêu của nhân dân. Trong những thành công chung đó của nhà trường, thầy Bình cũng đã đóng góp một phần không nhỏ công sức của mình với hơn 27 năm công tác tại trường. Trong quá trình công tác tại trường, thầy vẫn luôn nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Thầy cũng đã “chiến đấu” như khi ở chiến trường đối mặt với kẻ thù. Thầy không quản ngại khó khăn, những ngày mưa gió lớn cũng như những ngày trời nắng oi bức chắc thầy lại đau – cái đau không phải về tinh thần mà đó là cái đau về thể xác – Nhưng em, rồi đồng nghiệp của thầy và các học trò của thầy vẫn thấy thầy bình thản, thầy vẫn đến trường với những niềm vui, những công việc, với sự trẻ trung của cuộc đời. Đó là cái điều mà đã có mấy ai có thể làm được. Với những cống hiến của mình trong suốt hơn 40 năm trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc cũng như trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thầy đã được Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: - 2 Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Nhì và Ba. - 1 Huy chương kháng chiến hạng Nhất. - 3 bằng khen thành tích chiến đấu ( năm 1969, 1970) - 2 bằng khen giáo viên giỏi cấp tỉnh ( năm 1997 - 1999) - Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. - Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Năm nay đã gần 60 tuổi “ sức khoẻ yếu, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc chung cũng như công việc gia đình” – thầy Bình tâm sự – nhưng tôi vẫn thấy thầy còn mạnh khoẻ, nhanh nhẹn, vẫn luôn gương mẫu trước mọi công việc chung của nhà trường, thầy vẫn làm việc miệt mài, say mê, và tôi nghĩ thầy đang thực sự cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà Đảng, nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho. Thầy thực sự là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu về sự hy sinh quên mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp Giáo dục & đào tạo. Thầy ơi, khi nói về thầy khó mà có thể nói hết thành lời, với em cũng chỉ biết bày tỏ đôi lời như vậy thôi. Nó mộc mạc nhưng thật và chân thành thầy ạ! Chúc Thầy cùng gia đình luôn mạnh khoẻ, an lành. Nguyễn Văn Huy ( Chủ tịch công đoàn - Trường THPT Hiệp Hoà số 2) |
Thầy giáo thương binh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét