chia sẻ

Preah Vihear đổ máu


TT - Những ngày này súng vẫn nổ quanh đền cổ Preah Vihear ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Những cuộc đọ súng chưa biết khi nào kết thúc nhưng có một thực tế rất rõ: cuộc sống người dân trở nên đảo lộn và ngôi đền hàng ngàn năm tuổi Preah Vihear đang bị tàn phá nặng nề.
Một ngôi trường ở Kantharalak (Sisaket, Thái Lan) bị đạn pháo từ Campuchia bắn thủng mái - Ảnh: Lan Phương
Từ thị trấn Kantharalak, tỉnh Sisaket (Thái Lan) chỉ còn 35km là đến tỉnh Preah Vihear (Campuchia) nơi có ngôi đền cùng tên. Nhưng cửa khẩu Preah Vihear đã đóng từ lâu, chỉ có binh lính và súng đạn, không người dân hay du khách nào được vượt qua. Bởi thế từ Sisaket chúng tôi phải vòng qua Korat, vào Campuchia qua cửa khẩu Aranyaprathet, xuôi về Siem Reap rồi mới ngược lên được Preah Vihear. Chặng đường dài gấp 15 lần con đường giao thương truyền thống với đủ trạm kiểm soát. Và câu chuyện cách trở ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong đời sống bị đảo lộn ở vùng biên giới giao tranh này.
Vùng đất vắng nụ cười
Một trong những cách thu hút du lịch của người Thái Lan là gọi đất nước mình là vùng đất của những nụ cười. Điều đó không phải vô căn cứ khi nhiều thế kỷ qua Thái Lan luôn yên bình, không dính vào cuộc chiến nào. Nhưng ở thị trấn Kantharalak, nụ cười ấy nay đã không còn. Sự sôi động của một thị trấn du lịch được thay bằng sự sôi động của những tin tức nóng bỏng về chiến sự. Buổi sáng giữa tháng 2, khi tôi đến, chen giữa những chiếc xe chở học sinh là hàng đoàn xe quân sự chở lính từ cao điểm trở về phố trên đường cao tốc 221. Những toán lính mới liên tục quay xe rời thành phố đi về hướng vườn quốc gia Khao Phra Wihan, nơi đang diễn ra những cuộc nổ súng ngày đêm giữa Thái Lan - Campuchia.
Đường cao tốc 221 dẫn thẳng đến vườn quốc gia Khao Phra Wihan giờ hoàn toàn không còn khách du lịch qua lại. Cũng như chúng tôi, nhiều nhóm khách du lịch balô lỡ tìm đến đây để mong có đường đến Preah Vihear ngán ngẩm dọn dẹp hành lý và tìm một con đường khác tiếp tục hành trình. Preah Vihear giao tranh, hệ thống du lịch sôi động của thị trấn này đóng lại đã làm đảo lộn đời sống của người dân.
Cách cửa vào vườn quốc gia Khao Phra Wihan chỉ vài kilômet, một trường học đã bị vỡ hẳn một góc mái tầng trên cùng vì đạn pháo từ Campuchia bắn sang. Nhiều trường học trong khu vực sát biên giới phải đóng cửa hoàn toàn. Người dân dường như thêm mệt mỏi khi ngôi trường bị pháo kích trở thành “cao điểm” để các nhóm chính trị Thái Lan tranh nhau đến thăm hỏi và báo đài đăng tin. Hàng chục kênh truyền hình Thái Lan từ Bangkok tụ tập về nơi này, chờ đợi những động thái kế tiếp của cả hai phe ở biên giới. Bất chấp những cuộc gặp gỡ liên tục diễn ra, binh lính hai bên vẫn tiếp tục đón nhận những trận pháo hằng đêm của nhau. Thương vong nối dài, con số lính tử vong tiếp tục được cộng thêm hằng đêm trên những bản tin buổi tối.
Gần ngôi trường bị pháo kích, nhiều ngôi nhà gỗ với mái tôn vỡ nát hoàn toàn hoặc một phần trong những đêm đầu tiên súng nổ. Quân đội đã được cử đến lắp đặt lại hệ thống điện bị hỏng ở nhiều chỗ. Nhưng nhà cửa không được dựng lại ngay, người dân được di tản đến khu vực an toàn hơn với thức ăn và nhu yếu phẩm cứu trợ.
Tại một số điểm tập trung an toàn ở làng, binh lính gom người dân lại và hằng ngày cấp phát lương thực để qua khỏi những ngày khó khăn này. Những ngôi làng quá gần biên giới là nạn nhân đầu tiên mà người Thái có thể thấy được khi xung đột xảy ra. Nhiều người chất đồ lên xe tải, đàn bà tay xách chăn màn, tay bế trẻ nhỏ. Cuộc chiến đã dập tắt nụ cười của người dân Kantharalak và đẩy họ vào những ngày bấn loạn thật sự.
Người lính tên Sun Hoong chỉ tay vào một cột đá sa thạch bị đạn pháo Thái Lan bắn trúng - Ảnh: Lan Phương
Và một di sản bị tổn thương
Thay vì chỉ cần 225 baht Thái để đi từ cổng đền Preah Vihear (phía Thái Lan) lên đỉnh Drangdek diện kiến Preak Vihear, chúng tôi đã mất ba cuốc xe buýt từ Thái Lan sang Campuchia và thêm 200 USD để thuê xe vượt thêm 300km từ Siem Reap. Nhưng cái giá di chuyển quá đắt ấy cuối cùng đã cho chúng tôi nhìn thấy được một kết quả đau lòng: Preah Vihear vốn đã hư hao nay càng thêm đổ nát vì những trận đấu pháo từ hai bên biên giới.
Từ phía Campuchia, đường dẫn đến Preah Vihear không còn bất cứ dịch vụ du lịch nào hoạt động. Buổi chiều ở đền cổ chìm trong tiếng rú máy xe tải chở nước lên đỉnh núi cho quân đội và tiếng những người lính giao ca vẳng ra. Để đến được trung tâm ngôi đền, chúng tôi phải di chuyển bằng xe quân sự gần 30 phút nữa từ chân núi, qua những đoạn dốc cánh khuỷu và sát mé vực.
Khu chái bên hông của phần giữa đền Preah Vihear bị gãy dập xuống. Đạn pháo đã làm lộ ra những mảng đá sa thạch mới tinh tương phản với màu rêu tối sẫm của hàng ngàn năm đã qua. Cửa của phần đền này vốn được gia cố bằng kèo gỗ, chờ phục chế từ các cơ quan bảo vệ di sản. Nay sự sửa chữa chưa kịp đi đến đâu thì những quả đạn pháo đã giội gãy những nỗ lực khó nhọc của công tác bảo tồn.
Ở một tầng khác, tường của Preah Vihear ngập những lỗ vỡ tròn, đường kính 5-20cm. Lỗ vỡ làm cả mặt bức tường rỗ ra. Những vết đạn mới bóc lở nhiều khối đá sa thạch cũ kỹ.
Dọc cầu thang dài từ vị trí cắm quốc kỳ Campuchia chi chít vết đạn, vết pháo, vết đá lở từ đền, cả những vết đá có dính máu người. Các lô cốt được dựng lên ngay bên hông ngôi đền. Từ vị trí này, người ta có thể cảm nhận được trận đạn đêm qua và những đêm trước nữa đã rát đến thế nào với cả ngôi đền và người lính ở đây. Ông Sun Hoong - người lính đã đóng ở Preah Vihear từ lâu - cho biết đã có năm lính Campuchia hi sinh và hàng chục người bị thương nặng.
Nhiều vị trí sát các phần điện thờ của đền đã được binh lính Campuchia cho dựng chiến hào và lán trại. Điều đó đã góp phần làm ngôi đền cổ này trở thành mục tiêu (có thể là bất đắc dĩ) của lính Thái Lan khi họ liên tục nã đạn vào. Bước giữa Preah Vihear, giữa vùng giao tranh này, một người từ vùng đất xa lạ đến như chúng tôi dường như đang cảm nhận được rằng không chỉ có người Campuchia đau xót hay người Thái đau xót, mà ở đây có một phần linh hồn của thế giới đang bị hủy hoại bởi những giao tranh đau thương.
Nắng tắt, chúng tôi buộc phải rời đền Preah Vihear khi mật độ đấu pháo ban đêm thường sẽ cao gấp nhiều lần ban ngày. Những anh lính Campuchia vội vã quệt mồ hôi qua trán khi bữa tối vừa xong, ụ súng máy đã có người ngồi sẵn sàng, các công sự cũng đầy ắp binh lính. Từ dưới cửa đền, những trảng cỏ cháy đen báo hiệu những đêm căng thẳng mới trên hai bên biên giới bắt đầu. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên suốt 10 thế kỷ qua với Preah Vihear chắc chắn không thể tàn phá nhanh bằng những gì chúng tôi đang thấy.
Một di sản thế giới đang tiếp tục phải đổ máu. Và những gì mất mát ở đây không chỉ của riêng bất kỳ người nào, nước nào...
Những người lính mỏi mệt
Trong khi thế giới vẫn đang ra sức hòa giải, gắng tìm một giải pháp khả dĩ có thể làm tạm ngưng tình hình khá “nóng” giữa Thái Lan và Campuchia thì quân đội vẫn tiếp tục được tăng cường về hai bên biên giới. Cuộc giao tranh không chỉ làm người dân hai bên ngán ngẩm mà ngay cả những người lính cũng trở nên mệt mỏi.
Anh lính Poul Vanni phía Campuchia mô tả lại đêm hôm trước: “Khoảng 3g sáng súng nổ liên tục đến 5g sáng. Cả đêm chúng tôi thức trắng”. Điều kiện sinh hoạt khó khăn cũng là một cản ngại cho lính Campuchia. Ở Preah Vihear, khi chúng tôi đến đường dẫn nước mới vừa được lắp xong, các bồn nước nhỏ được chia ra, đặt ở các khu lán khác nhau. Bữa ăn của mấy người lính trông vào từng ấy nước ít ỏi trên cả một ngọn núi khô cháy bụi mịt mù.
Trong khi đó, lính Thái Lan có vẻ như điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, ở Kantharalak, mỗi buổi sáng người dân đều chứng kiến cảnh từng tốp lính giao ca đầy mệt mỏi và lo âu, tranh thủ vào cửa hàng mua thật nhiều nhu yếu phẩm cho những ca gác kế tiếp. Tất cả đều không biết khi nào những cuộc giao tranh mới kết thúc để bản thân họ và gia đình bước ra khỏi những ngày tháng đầy mỏi mệt và căng thẳng.
LAN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ