chia sẻ

Nên “đổi mới” hay “cập nhật” phương pháp giảng dạy?


(Dân trí) - Nếu dùng chữ “đổi mới” thì e rằng gây hiểu nhầm. Đổi mới là bỏ cái cũ vì nó hết thích hợp? Mà đã có nghiên cứu nào đáng tin cậy cho thấy phương pháp giảng dạy tại VN là hết thích hợp? Và hết thích hợp chỗ nào? Với đối tượng nào? vì sao?


Sống ở thời đại văn minh ngày nay, ta không thể kết luận điều gì mà thiếu những căn cứ khoa học, chính xác, đặc biệt về lĩnh vực giáo dục.Trẻ em không phải là những “vật thí nghiệm”, đổi mới phương pháp không đúng thì hậu quả sẽ kéo dài cả một hay hai thế hệ.

Nếu “đổi mới” chỉ  để đổi mới mà thiếu những căn cứ cần thiết  thì e rằng sẽ làm
việc “ vá áo”, mà vá vụng về nữa, nó sẽ luộm thuộm, khó xem, cái kiểu mà người Pháp gọi là “miếng dán trên cái chân bằng gỗ” (une emplâtre sur une jambe en bois).

Thay vào đó, tôi xin đề nghị chữ “cập nhật” phương pháp giảng dạy.

Riêng bản thân, trong quá trình đi dạy từ 1975 đến 2009 ở Bỉ, tôi đã phải liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy của mình vì thời thế thay đổi, quan niệm của việc dạy và việc học không còn như xưa; vì khoa học có tiến bộ, chúng ta hiểu rỏ hơn nhu cầu tâm lý học sinh chẳng hạn;  kỷ nghệ thông tin giúp ta thêm nhiều phương tiện hổ trợ cho việc đứng lớp và đào tạo học trò. Sau cùng, nội dung của môn mình dạy có nhiều cái mới nữa...

“Cập nhật” là một việc cần thiết. Cần thiết cho tất cả mọi ngành chứ không riêng gì cho giáo dục. Nếu không, ta có thể trễ chuyến tàu và bị bỏ lại trên nhà ga vắng lạnh!

Chữ cập nhật dễ được chấp nhận hơn : nó không bao gồm ý phải bỏ cái cũ. Ta vẫn giữ đấy chứ, giữ những phần còn thích hợp và tốt nhất trong hoàn cảnh đặc thù. Nhưng ta đi cùng với trào lưu, nhập cái mới mà nhập có suy nghĩ, đắn đo. Nhập với những biến chế cần thiết cho thích hợp với người đi dạy và người đi học bên ta, trong giới hạn vật chất mà ta phải đương đầu. Hành trình này, các nhà toán học gọi là “tối ưu hóa các ràng buộc” (optimalisation des contraintes).

Cập nhật phương pháp giảng dạy là một chuyện thường tình vì không có một phương pháp giáo dục duy nhất hữu hiệu để áp dụng cho bất cứ môn nào, trong bất cứ bối cảnh hay thành phần học sinh, hoặc cho mọi chủ đích, ...Nói về phương pháp giảng dạy phải kể ít nhất là các khác biệt của 3 bậc học khác nhau: tiểu học, trung học và cao đẳng & đại học; trong đó mỗi bậc học có những đối tượng khác nhau, những cách cấu trúc, sinh hoạt đặc thù và những phương pháp cần áp dụng.

Không thể dạy một em bé theo cách ta dùng cho những sinh viên đã trưởng thành. Không thể ê a kể chuyện trước một giảng đường hai trăm người như ta có thể làm trước hai mươi học sinh.

Trong mỗi hệ, các môn khác nhau đòi hỏi những phương pháp giảng dạy khác nhau. Thí dụ môn toán và môn văn chương chẳng hạn.

Thậm chí, cùng một môn, trong một hệ, cùng một giáo sư, trước hai lớp khác nhau, giáo sư ấy cũng phải thích ứng trong phương pháp của mình.

Ngoài ra, phương pháp giảng dạy đi kèm với phương pháp thi cử. Thay đổi là phải thay đổi cả hai. Không những trong hình thức mà ngay cả trong nền tảng và trong quan niệm triết lý.

Thành ra cập nhật phương pháp giảng dạy là công việc của cả khoa Sư Phạm, qua những  quá trình nghiên cứu và đào tạo liên tục nhiều năm. 

Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin đề cập một ít kinh nghiệm, không phải là kinh nghiệm bản thân hay của Bỉ, nơi tôi sống,  mà là kinh nghiệm của Phần Lan: học sinh nước này, từ hơn mười năm nay, đã dẫn đầu (hay ít nhất là ở top 5 trong khi Bỉ được xếp hạng 14 tới hạng 21 tùy môn) theo nghiên cứu PISA, về kết quả học tập tới năm trẻ 15 tuổi.

Làm sao mà các em giỏi như thế ? Có bí quyết, bí mật gì trong đó ? Ngay tới chúng tôi ở Bỉ cũng phải giật mình, thấy người mà nhìn lại ta và cố tìm cách rút bài học.

Giới hạn của bài này là giới hạn của một người đứng bên ngoài. Nhưng nó được cái là có thể khách quan hơn...

Nghiên cứu PISA?

PISA là tên tắt của : Programme for International Student Assessment được OCDE (Organisation de Coopération et de Développement Econonique) cho thực hiện để đo những mức hiểu biết mà học sinh trong một số quốc gia, thành viên hay không thành viên của tổ chức này, đạt được, năm 15 tuổi. 

Dĩ nhiên, nghiên cứu PISA bị một vài phê bình tiêu cực, nhưng tựu trung nó thể hiện ít nhất là một phần thành quả của hệ thống giáo dục của các quốc gia nằm trong nghiên cứu. Trên bình diện kinh tế, kết quả của mọi “sản xuất”, kể cả “sản xuất ngành giáo dục” được đánh giá trên “sản phẩm”. Hiểu biết của học sinh là sản phẩm của quá trình dạy và học của trường và các em trong hơn 10 năm.

Từ những năm 2000, 2003, 2006 học sinh Phần Lan luôn đứng hạng nhất theo kết quả của PISA.

Nghiên cứu PISA mới đây, năm 2009, cho thấy học sinh Shanghai (Thượng Hải) đứng đầu bảng cho cả ba môn : Toán, Khoa học và đọc Văn. Phần Lan thì trong top 5, 6 trong top đó có các nước và lảnh thổ như Shanghai, Singapore và  Hàn quốc nữa.

Để có thêm một ý tưởng về các kết quả của PISA 2009, xin ghi  là giới trẻ người Mỹ chẳng hạn, chỉ đứng thứ 30 về Toán, thứ 23 về Khoa học và thứ 17 về khả năng Đọc - nghĩa là trên giửa bảng một tí. 

Cuối bảng, trong số 65 quốc gia và vùng của nghiên cứu PISA, là Kirghizistan.


Hệ thống giáo dục của Phần Lan:

Cách đây nửa thế kỷ, đến những năm 1960, tất cả trẻ em ở Phần Lan không có phương tiện đến trường vì lãnh thổ của nước này rất rộng, mật độ dân cư thấp, kinh tế không trù phú nên không có trường học ở mọi nơi.

Thế nhưng, sau đó, chính phủ Phần Lan đã đưa giáo dục lên hàng quốc sách, bắt chước trước tiên theo mẫu của nước láng giềng Thụy Điển (và bây giờ đã vượt xa Thụy Điển theo kết quả PISA).


A. Những nguyên tắc căn bản của hệ thống giáo dục ở Phần Lan:

           Giáo dục cưỡng bách và miễn phí hoàn toàn tới tròn 16 tuổi. Triết lý của Phần Lan không là giáo dục cho một thành phần tinh hoa của xã hội mà giáo dục bình đẳng cho cả xã hội.
           Bình đẳng đến trường, không khác biệt và không sàng lọc : tất cả các trường đều là trường công (cả nước chỉ có 5 trường tư – tư vì lý do tôn giáo là chính), có trình độ và giá trị ngang nhau, trường ở nơi đồng quê được thiết bị tốt          nhất (dụng cụ vật chất và nhân sự) để không             thua các trường khác ở đô thị chẳng hạn.
           Bổn phận phải chọn trường gần nhà nhất – dù sao đi nữa các trường đều tốt bằng nhau nên phụ huynh đã không phản đối !
           Chương trình phổ thông chung tới tròn 16 tuổi cho tất cả, không phân chia bộ môn.
           Phương pháp giảng dạy linh động tùy theo đặc thù của học trò
           Không cho điểm (dù có đánh giá, phê bình và hướng dẫn) và không ở lại lớp. Tất cả mỗi môn đều phải thành công, trường phải đi với các em đến kết quả chứ không phải chỉ có trách nhiệm cho phương tiện - obligation de résultats et non pas obligation de moyens -  nếu cần thì tổ chức kèm thêm, miễn phí, ở trường, bởi chuyên viên giáo dục. Và không có phạt. Các em phải học tự đánh giá quá trình của mình cùng với thầy (và các em làm rất tốt chuyện này!).
           Cấm quảng cáo thành tích các trường.

Như vậy tựu trung sự bình đẳng ở đây là một bổn phận, không thứ bậc giửa các trường, một chương trình cho tất cả mọi em và tất cả các em đều học xong chương trình. Để thực hiện bình đẳng  tốt nhất, đến các bữa ăn cuả các em cũng miễn phí và xe bus các em đi cũng không tốn tiền. Ở Bỉ, các trường có “cạnh tranh” vì chế độ tài trợ được tính trên số học sinh, các bữa ăn của các em không miễn phí và giá của một vài phí sinh hoạt nhiều khi là “nguyên nhân” của sự chọn trường này hay trường khác.   

B. Về sinh hoạt :

           Tối đa 20 trò mỗi lớp ở cấp mẫu giáo, 24 trò mỗi lớp sau đó
           Ở lớp mọi người đều phát biểu, gần như là một “luật” bắt buộc, tự do đi lại trong lớp, lớp ồn, nhưng đó là một “vô trật tự có tổ chức”
           Liên hệ giáo dục vừa dọc (thầy-trò) vừa ngang (trò – trò) để mọi người cùng hiểu bài
           Rất ít bài làm ở nhà trừ phi là việc cần cho buổi học hôm sau (tìm tài liệu chẳng hạn)
           Học ít chơi nhiều : từ 19 tiết – mỗi tiết là 45 phút - cho các em tới 9 tuổi; tăng từ từ đến 33 tiết cho các em sau 13 tuổi. Giửa hai tiết là chơi 15 phút.
           Các em tự chủ và tự quản : lo vệ sinh cho lớp, cho trường, để ý đến bạn bè chẳng hạn trong những sinh hoạt, học hành
           Thông thường, tới 13 tuổi, các em đi học từ 8 giờ sáng đến 13 giờ. Phần còn lại là để
           cho các sinh hoạt riêng thể thao, âm nhạc,... nếu các em thích – cũng hoàn toàn miễn phí.

C. Về định hướng tương lai :

           Học ngoại ngữ từ mẫu giáo. Phần Lan là một nước với hai ngôn ngữ chính thức  (ngôn ngữ thứ hai là tiếng Thụy Điển). Hiện nay đại đa số giới trẻ giỏi tiếng Anh nữa, tức là biết 3 ngôn ngữ.
           Không có thi tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ có đánh giá ở trường
           Học nghề, sau 16 tuổi, cũng được xem là tương đương với học phổ thông cấp 3. Bằng  chuyên nghề – 3 năm – cũng được công nhận để thi vào Đại học nếu các em muốn, sau đó.


Kết quả là tới năm 16 tuổi, chỉ có 3% học sinh không đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học cơ sở (ở Bỉ, gần 50% học sinh 16 tuổi đã phải ngồi lại lớp một lần). Sau đánh giá này, các em không đủ chuẩn được giúp trong một năm đặc biệt. Sau đó, tỉ số không đủ chuẩn còn là 0,3% (nói chung các em này là do có vấn đề về sức khỏe / thần kinh).

D. Xã hội và trường học :

Bình đẳng và giáo dục là quốc sách. Quốc sách này chỉ thực hiện được nhờ một môi trường hòa bình với những liên hệ thân hữu và tín nhiệm. Cha mẹ tin cậy trường học và triết lý của trường (cũng có bất đồng, nhưng được giải quyết thỏa đáng : chẳng hạn lúc đầu cha mẹ đòi “có điểm” chứ không chịu “cái mù mờ của đánh giá không có số”).

Trường học “vui” đến nổi giới trẻ Phần Lan, đều giử kỷ niệm đẹp thời thơ ấu và rất thích nghề giáo.  Rốt cục, dù là phải qua 6 năm đào tạo Đại học mới đi dạy được (cho mẫu giáo, tiểu học hay trung học đều phải 6 năm – 6 năm này được học bổng đủ sống), số ứng viên vào trường Sư Phạm rất đông và thông thường, chỉ 10% ứng viên được tuyển chọn. Người được chọn vì vậy là những người rất hăng say với nghề.

Phải qua 6 năm đào tạo vì người đi dạy phải là một chuyên viên “đa tài”, nắm hết nội dung chương trình cần dạy và nhất là có khả năng co dãn, chọn phương pháp tốt nhất để đưa học trò mình đến bến bờ hiểu biết.

Vai trò của một giáo viên là cùng đi với học trò mình để em xây dựng kiến thức cá nhân với sự góp sức của giáo viên, trường học, môi trường, gia đình, thư viện, báo chí, internet, ... 

Nghề giáo viên là một nghề danh giá, được xã hội xem trọng, chỉ kém hơn bác sĩ kỷ sư hay nha sĩ vài nấc thôi ( ở Bỉ, giáo viên tiểu học ở hạng khoảng 35 trên 100 nghề trong khi bác sĩ kỷ sư ở trong 5 hạng đầu bảng) dù lương tháng không tới 2000 euros, lúc mới vào nghề.

Tất cả những đặc thù nói trên của Phần Lan, cộng chung lại, cho ra kết quả là tri thức và thành công của học sinh 15 tuổi, qua kết quả PISA,  rất cao dù là đầu tư của quốc gia (ngân sách dành cho giáo dục, tính bình quân theo học sinh) không cao hơn ở Bỉ hay ở Pháp.

Kết luận:

Theo kết quả PISA gần đây nhất, Shanghai (Thượng Hải), Singapore và Hàn quốc cũng đứng đầu bảng. Có thể những “kiểu mẫu” hay cách làm của những cộng đồng này gần với Việt Nam hơn. 

Xin để phần ấy cho những chuyên viên về giáo dục ở châu Á.


Riêng đối với giới giáo dục ở Bỉ, kinh nghiệm của Phần Lan  được xem như một hình thức phải nghiên cứu và có thể ứng dụng. Hiện trạng trường học ở Bỉ còn bất bình đẳng và còn nhiều học sinh kém, mặc dù là đã có chế độ cưỡng bách giáo dục và miễn phí đến năm tròn 18 tuổi từ lâu và mặc dù đại đa số học sinh sống rất hạnh phúc ở học đường.

Về trường hợp Việt Nam, cần nhiều nghiên cứu khoa học tổng thể, biết người biết ta,  để có thể kết luận khách quan về những chỗ cần để cập nhật một cách phù hợp. Nhìn chung, phải thấy nhu cầu cập nhật những điều mới mẻ có tính thời đại là tất yếu, và nên cập nhật cho cả hệ thống chứ không phải chỉ làm theo kiểu“vá áo”. Nếu định hướng phát triển theo mô hình Phần Lan thì tôi nghĩ có triển vọng tốt, chỉ cần nửa thế kỷ có thể tiến lên hàng đầu về giáo dục !

                                                        Nguyễn Huỳnh Mai
                                                               Liège, Bỉ
Bài liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ