chia sẻ

Libya bên bờ nội chiến, cả thế giới 'phát sốt'


Gaddafi không còn kiểm soát được miền đông trong khi vẫn thề chiến đấu "đến giọt máu cuối cùng" để giữ miền tây, đẩy Libya đến bờ vực nội chiến và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu do giá dầu leo thang.

Sau khi làn sóng biểu tình chống chính phủ từ miền đông lan tới thủ đô Tripoli ở phía tây hôm chủ nhật, quân đội Libya đã sử dụng những biện pháp mạnh tay nhất để đối phó như máy bay chiến đấu, đạn pháo cối và cả súng bắn tỉa khiến hàng trăm người chết và bị thương.
Đây là thách thức lớn nhất mà chế độ do đại tá Gaddafi đứng đầu phải đối mặt trong suốt 42 năm qua. Con trai ông là Saif al-Islam thì lên tiếng cảnh báo có thể nổ ra nội chiến, trong khi giới phân tích nhận định việc chế độ Gaddafi đi đến hồi cáo chung chỉ còn là vấn đề thời gian.
Một người biểu tình chống Gaddafi ăn mừng bên căn cứ quân sự bị bỏ không tại phía đông Libya. Ảnh: AP
Một người biểu tình chống Gaddafi ăn mừng bên căn cứ quân sự bị bỏ không tại phía đông Libya. Ảnh: AP

Gaddafi còn gì trong tay?

Các phóng viên BBC đang có mặt tại miền đông Libya xác nhận khu vực này đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của phe biểu tình. Nhiều cảnh sát và binh sĩ chính phủ đào ngũ được họ chào đón. Người địa phương cho rằng chính phủ Gaddafi đã hoàn toàn sụp đổ tại đông Libya và chỉ những lính đánh thuê nước ngoài còn ủng hộ chế độ của ông.
Trong khi đó, khác với tại Tunisia và Ai Cập, quân đội chính quy không phải là lực lượng nắm quyền quyết định tại Libya. Thay vào đó là mạng lưới các lữ đoàn bán quân sự, các uỷ ban cách mạng gồm những người thân tín với Gaddafi, các tộc trưởng và lực lượng lính đánh thuê từ nước ngoài.
Quân đội chính thức của Libya chỉ mang tính biểu tượng với hơn 40.000 người, được trang bị và huấn luyện kém. Đây được coi là "bài" của đại tá Gaddafi để tránh nguy cơ bị bị đảo chính quân sự, con đường đã đưa ông lên nắm quyền từ năm 1969. Do đó sự đào ngũ của nhiều sĩ quan quân đội chưa hẳn đã đẩy Gaddafi đến đường cùng.
Sức mạnh chính của đại tá Gaddafi nằm trong mạng lưới an ninh nội bộ hùng hậu và lực lượng này có một quá khứ không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu cảm thấy chính quyền của ông bị đe doạ. Đáng chú ý có Lữ đoàn số 32 khét tiếng, còn được gọi là Binh đoàn răn đe, đóng căn cứ tại Ouezzane giáp biên giới Tunisia do một con trai của Gaddafi là Khemis chỉ huy.
Bên cạnh đó là những "lữ đoàn đặc biệt" bán quân sự chỉ tuân theo mệnh lệnh của các Uỷ ban Cách mạng do Gaddafi lập ra mà không theo sự chỉ huy của quân đội. Nếu lực lượng này thay đổi và đứng về phía người biểu tình thì Gaddafi gần như sẽ mất tất cả. Ngoài ra còn có thông tin ông Gaddafi nắm trong tay đội quân lính đánh thuê đến từ các nước như Chad và Niger
Với những gì đang xảy ra tại Libya, giới phân tích cho rằng còn rất ít hồ nghi về việc thời của đại tá Gaddafi đã gần như chấm dứt. Nhưng họ chỉ chưa rõ chính quyền này còn có thể tồn tại thêm bao lâu nữa và cuộc đổ máu tại Libya sẽ còn diễn tiến ra sao. Nói cách khác, ngày càng có dấu hiệu dẫn đến nhận định Gaddafi của Libya có thể là nhà lãnh đạo thứ ba tại Trung Đông ra đi do làn sóng biểu tình.

Libya chia rẽ sâu sắc

Nơi mở màn làn sóng biểu tình ở Libya là thành phố Benghazi thuộc vùng Cyrenaica ở phía đông, nơi phát tích của hoàng gia cầm quyền ở Libya trước thời cách mạng. Tại đây từ lâu âm ỉ bầu không khí chống lại Gaddafi và từng chứng kiến nhiều sự kiện đối đầu với chính phủ những năm gần đây.
Trong bối cảnh đó, đại tá Gaddafi bị cho là không quan tâm một cách có chú ý tới khu vực phía đông Cyrenaica và ngược đãi người địa phương, khiến nổ ra nhiều cuộc biểu tình. Đó cũng là lý do tại sao đợt biểu tình lần này nổ ra đầu tiên ở phía đông Libya chứ không phải ở thủ đô Tripoli.
Bên cạnh chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ tộc cũng góp phần khiến Libya chia rẽ. Chủ nghĩa này tồn tại đậm nét thời Libya còn trong chế độ quân chủ, nhưng trong 10 năm đầu tiên kể từ khi đại tá Gaddafi đảo chính năm 1969, sự phân biệt về bộ tộc đã bị cấm và ông nhận được sự ủng hộ của hầu hết dân số.
Tuy nhiên, khi sự ủng hộ như ban đầu không còn nữa, Gaddafi bắt đầu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nghĩa bộ tộc. Chủ nghĩa này thể hiện rõ nhất trong lực lượng vũ trang, nơi ông thực hiện chính sách khuyến khích sự cạnh tranh giữa các bộ tộc nhằm củng cố quyền kiểm soát. Ví dụ những người thuộc bộ tộc Qadhadfa của Gaddafi là kỳ phùng địch thủ với bộ tộc Magariha của Abdelbaset Ali al-Megrahi, thủ phạm đánh bom Lockerbie.
Đại tá Gaddafi tuyên bố không lùi bước trước biểu tình. Ảnh: AFP
Đại tá Gaddafi tuyên bố không lùi bước trước biểu tình. Ảnh: AFP

Nội công ngoại kích

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bộ tộc không phải là nguy cơ chính đẩy Libya tới nội chiến mà là cách giải quyết của chính quyền Gaddafi với người biểu tình. Tuyên bố hôm 22/2 của ông về việc sẽ chiến đấu "tới giọt máu cuối cùng" và ủng hộ những người thân chính phủ tấn công người biểu tình đang khiến viễn cảnh nổ ra nội chiến rõ hơn bao giờ hết.
Thực tế tại Libya hiện cũng đã bị chia thành hai nửa với phần phía đông đã nằm trong tay người biểu tình sau một tuần xuống đường. Trong khi chính quyền đại tá Gaddafi đang cố chiến đấu để giữ phần phía tây đất nước. Ông đang kêu gọi những người ủng hộ giành lại vùng đất đang do phe biểu tình điều hành.
Quyết định mạnh tay với người biểu tình cũng khiến Gaddafi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn và ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Libya ngay lập tức. Trong nhiều tuần nổ ra biểu tình khắp Trung Đông, đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an nhóm họp về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc Libya trấn áp người biểu tình là "không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, nhiều quan chức cao cấp trong nước cũng bắt đầu quay lưng với chính quyền Gaddafi. Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdul Jalil từ chức để phản đối việc "sử dụng vũ lực quá lớn" của chính phủ. Đặc sứ của Libya tại Liên đoàn Ảrập Abdel Moneim al-Honi cũng tuyên bố "tham gia cuộc cách mạng".
Các nhà ngoại giao Libya tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York thì kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt hành động bạo lực của chính phủ quê nhà. Đặc biệt những người thân cận nhất trong lực lượng an ninh như Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younis đang có mặt tại thành phố Benghazi cũng tuyên bố ông từ bỏ chính phủ. Nhiều đơn vị quân đội ở phía đông Libya cũng cho biết sẽ tham gia nổi dậy.

Cả thế giới chịu ảnh hưởng

Các nước bày tỏ lo ngại tình hình Libya vì làn sóng biểu tình tại nước này đang đẩy giá dầu mỏ tăng cao vì nguy cơ nguồn cung cấp nhiên liệu cho thế giới bị gián đoạn. Libya là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 12 của thế giới và là nước đầu tiên nhóm xuất khẩu dầu mỏ Opec hứng chịu biểu tình quy mô lớn, nên tác động của sự kiện này lên giá dầu toàn cầu là điều dễ hiểu.
Sau bài phát biểu không chịu lùi bước của ông Gaddafi, giá dầu tiếp tục leo thang đẩy giá dầu tại châu Á lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Đại diện Cơ quan năng lượng quốc tế Fatih Birol nhận định giá dầu quốc tế hiện đã rơi vào khu vực nguy hiểm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
"Nền kinh tế toàn cầu hiện dễ tổn thương hơn so với năm 2008. Sự tăng trưởng đang được quyết định bởi các gói kích cầu và chính sách thắt lưng buộc bụng. Tôi không tin nền kinh tế thế giới có thể chịu nổi giá dầu tăng lên 140 USD một thùng như đã từng xảy ra hai năm trước", chuyên gia Birol phân tích thêm với BBC.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu thì báo động về nguy cơ dòng người tị nạn Libya sẽ từ bên kia bờ Địa Trung Hải sẽ ồ ạt tràn sang khi quốc gia Bắc Phi này thực sự lâm vào nội chiến hỗn loạn. Trong khi kịch bản này chưa xảy ra, dòng người tị nạn Libya đã bắt đầu gây sức ép lên biên giới với Ai Cập ở phía đông.
Đình Nguyễn (VNEXPRESS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ