Trong gần 30 năm cầm quyền của tổng thống Hosni Mubarak, ông và gia đình tỏ ra không quá khoa trương về tài sản của mình, nhất là khi so sánh với các lãnh đạo khác ở Trung Đông.Có nhiều lý do khiến việc “truy lùng” dấu vết đồng tiền tham nhũng của gia đình Mubarak sẽ gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là hoạt động kinh doanh tại Ai Cập chủ yếu được tiến hành bí mật trong một nhóm nhỏ có liên hệ với ông Mubarak.
Giờ đây, khi Hosni Mubarak đã rời khỏi chiếc ghế quyền lực, ngày càng có nhiều người lên tiếng yêu cầu thực hiện công tác kiểm toán.
Chỉ vài tiếng sau khi Mubarak từ chức vào hôm thứ Sáu, các quan chức Thụy Sĩ đã ra lệnh cho tất cả các ngân hàng ở Switzerland tìm kiếm và đóng băng tất cả các tài sản của vị cựu tổng thống này cùng gia đình hoặc cộng sự thân thiết của ông ta. Tại Ai Cập, các lãnh đạo đối lập cam kết sẽ ra sức ép để thực hiện điều tra hoạt động tài chính của ông Mubarak.
"Bây giờ chúng ta sẽ mở tất cả các tài liệu", George Ishak, lãnh đạo Hiệp hội Thay đổi Toàn quốc, một nhóm tập hợp đối lập, nói. "Chúng ta sẽ tìm kiếm về tất cả mọi thứ, tất cả bọn họ: từ gia đình của các bộ trưởng cho tới gia đình của tổng thống".
Có sự chênh lệch rất lớn trong các con số ước tính về tài sản của Mubarak, thậm chí có tin đồn phổ biến rằng chúng trị giá tới 70 tỷ USD; song các quan chức Mỹ cho rằng đó chỉ là con số phóng đại và theo họ, tài sản gia đình tổng thống dao động ở mức 2 - 3 tỷ USD.
Nhập nhằng Quỹ mẹ, Quỹ con
Sau khi Gamal, con trai của Hosni Mubarak, từ bỏ vị trí nhân viên tại Ngân hàng Mỹ (Bank of America) ở London vào giữa những năm 1990, anh trở về gia nhập vào ngân hàng đầu tư lớn nhất của Ai Cập. Hiện nay anh là một cổ đông quan trọng trong một quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân có lợi ích bao trùm toàn bộ nền kinh tế Ai Cập, từ dầu lửa, nông nghiệp, du lịch, tới thu âm và sản xuất chương trình truyền hình.
Tuy không có bằng chứng cho thấy Gamal Mubarak hay ngân hàng của anh có dính líu tới các hoạt động phi pháp, song những hoạt động đầu tư của anh cho thấy gia đình này có mối liên hệ sâu sắc thế nào tới nền kinh tế Ai Cập.
Gamal Mubarak, người từng được chuẩn bị sẵn sàng kế nhiệm ghế tổng thống, và anh trai Ala'a được coi là các nhân vật chính trong giới kinh doanh Ai Cập.
Hoạt động đầu tư cổ phần riêng của Gamal Mubarak được thực hiện thông qua các mối liên hệ giữa anh với EFG-Hermes, ngân hàng đầu tư lớn nhất Ai Cập. Ngân hàng này, có tài sản niêm yết là 8 tỉ USD trong báo cáo tài chính năm 2010, chiếm vị trí chủ chốt trong chương trình tư nhân hóa ở Ai Cập, theo đó các công ty nhà nước được bán cho các doanh nhân có quan hệ mật thiết với giới cầm quyền trong nước.
Mối quan hệ giữa con trai vị cựu tổng thống với EFG-Hermes bắt đầu từ giữa thập niên 1990. Sau khi rời Ngân hàng Mỹ, Gamal Mubarak cùng với hai đối tác khác thành lập một quỹ đầu tư có tên Medinvest tại London năm 1996.
Medinvest thuộc quyền sở hữu của một quỹ chứng khoán quốc tế có tên Bullion Company Ltd. tại Cộng hòa Sip; theo các hồ sơ tại Sip, anh trai Ala'a của Gamal có tên trong hội đồng quản trị quỹ này.
Theo Hassan Heikal, CEO của EFG-Hermes, Bullion sở hữu 35% quỹ đầu tư cổ phần riêng này. Quỹ này đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí, sắt thép, xi măng, thực phẩm, và gia súc.
Ông Heikal cho biết ngoài quỹ đầu tư này, Gamal Mubarak không có bất kỳ mối quan hệ "trực tiếp, gián tiếp, ngoài nước, hay thông qua gia đình" nào với ngân hàng. Cũng theo ông này, quỹ trên chỉ chiếm 7% hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Khi được hỏi về quy mô các khoản đầu tư đầu tiên của Gamal trong những năm 1990, ông Heikal đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên cho EFG-Hermes nói rằng ngân hàng này "không nhận được bất kỳ đặc quyền hay đặc cách nào từ chính phủ Ai Cập, và luôn hoạt động hợp pháp, minh bạch". Các cuộc gọi tới văn phòng quỹ Medinvest tại London và văn phòng quỹ Bullion tại Sip vào tuần trước đều không được hồi đáp. Trước kia Gamal Mubarak vẫn khẳng định rằng mình không làm gì phi pháp và chỉ tham gia vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp.
"Chuyển hóa vốn chính trị sang vốn tư nhân"
Trong suốt nhiều năm ròng, các nhóm đối lập đã lên tiếng chỉ trích rằng kể từ khi Ai Cập tiến hành tư nhân hóa nền kinh tế của mình vào thập niên 1990, gia đình tổng thống Mubarak và vài chục gia đình khác thuộc diện ưu tiên đã nắm giữ cổ phần trong các giao dịch bán tài sản nhà nước cũng như trong các hoạt động kinh doanh mới.
Sau đó, một số doanh nhân này còn được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ với vai trò giám sát chính lĩnh vực kinh doanh mà họ đang hoạt động. Nhờ mối quan hệ với dinh tổng thống mà họ được hưởng nhiều lợi ích như cơ hội phát triển bất động sản nhà nước và tiếp cận các khoản vay ngân hàng dễ dàng.
"Hoạt động tham nhũng của gia đình Mubarak không xâm phạm tới ngân sách mà nhằm chuyển hóa vốn chính trị sang vốn tư nhân", Samer Soliman, giáo sư kinh tế chính trị tại Trường Đại học Mỹ tại Cairo, cho biết.
Thi thoảng cũng có một vài thành viên trong các gia đình bị "thất sủng" đột nhiên bị kết tội tham nhũng, nhưng nhìn chung cơ chế làm việc nội bộ của hệ thống này vẫn được giữ kín.
Một doanh nhân được chính phủ phê duyệt nhiều dự án phát triển là Magdi Rasekh, bố vợ của Ala'a. Ông Rasekh là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Phát triển 10/6 - đây là đơn vị chủ quản của một trong một loạt các dự án phát triển tại khu hoang mạc bên ngoài Cairo.
Dự án phát triển do nhà nước hỗ trợ có tên Thành phố 6/10 là nơi ở của 500.000 người dân; đây là một thành phố vệ tinh hoàn toàn mới với mô hình khu công nghiệp, bệnh viện, biệt thự và chung cư dành cho tầng lớp trung lưu. Cho tới nay, các nỗ lực liên lạc với ông Rasekh đều thất bại.
Mập mờ chủ sở hữu các bất động sản "của Mubarak"
Khi công luận hướng sự chú ý vào việc truy tìm tung tích số tài sản của gia đình Mubarak, thì tin đồn về số tài sản bất động sản khổng lồ của họ cũng rộ lên.
Nhưng hiện nay, tài sản bên ngoài Ai Cập duy nhất của họ được biết đến là tòa tháp tại số 28 Wilton Place, Knightsbridge, London, nơi Gamal Mubarak sinh sống khi còn làm tại ngân hàng đầu tư ở đây.
Nhưng khó khăn trong việc xác định chính xác chủ sở hữu của tòa nhà này đã cho thấy sự khó khăn, phức tạp trong việc điều tra tài sản của gia đình tổng thống.
Một người phụ nữ mở cửa tòa nhà khi có người tới gọi cửa nói rằng người nhà Mubarak đã bán căn nhà này, nhưng các công ty bất động sản cho biết họ không có hồ sơ về giao dịch trên, còn những người hàng xóm cũng nói gần đây họ vẫn thấy Gamal Mubarak cùng gia đình lui tới nơi này vài lần.
Theo các hồ sơ tại Anh, thì một công ty có tên Các doanh nghiệp Ocral của Panama đứng tên sở hữu căn nhà này. Đại lý đăng ký chính thức cho công ty này tại Panama là một hãng luật sở tại. Một luật sư tại đó cho hay anh không được phép tiết lộ tên chủ sở hữu Ocral, và công ty anh nhận các lệnh liên quan tới Ocral thông qua một công ty tại Muscat, Oman. Luật sư này cũng từ chối cung cấp tên công ty đó.
Chưa rõ chính phủ mới có quyết tâm điều tra
Tuy các ngân hàng Thụy Sĩ đã vào cuộc truy tìm tài sản của gia đình Mubarak, song các chuyên gia cho biết số tài sản đó chỉ được chuyển về Ai Cập nếu chính phủ mới chính thức lên tiếng yêu cầu với họ.
"Ai Cập phải tiến hành một cuộc điều tra hình sự", Daniel Thelesklaf, giám đốc Trung tâm Phục hồi Tài sản Quốc tế tại Switzerland, cho hay. "Sẽ có rất nhiều việc phụ thuộc vào bước đi của chính phủ mới tại Ai Cập".
Khi cuộc biểu tình mạnh lên vào tuần trước, các công tố viên chính phủ tiến hành đóng băng tài sản của 5 bộ trưởng và ban hành lệnh cấm đi lại đối với họ. Có vẻ như đây là một nỗ lực của ông Mubarak nhằm tách ly mình khỏi những doanh nhân giàu có vốn đã trở thành tâm điểm sự giận dữ của công chúng về nạn tham nhũng tại quốc gia này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu quân đội - hiện đang điều khiển chính phủ và bản thân quân đội cũng nắm giữ rất nhiều tài sản kinh doanh - có cho phép thực hiện một cuộc điều tra toàn diện đối với tài sản của gia đình Mubarak hay không.
"Mubarak sống đơn giản"
Có lẽ câu hỏi hóc búa nhất cần phải trả lời là mức độ tham nhũng của chính tổng thống Hosni Mubarak. Theo các nhà ngoại giao Mỹ thì có vẻ như ông Mubarak sống khá đơn giản, nhất là so với cuộc sống của các lãnh đạo khác trong khu vực.
Nơi ở chính của ông bên ngoài Cairo là một tòa biệt thự trong một khu riêng tại thị trấn nghỉ dưỡng Biển Đỏ tại Sharm el Sheik, nơi ông tới sau khi từ chức tổng thống vào hôm thứ Sáu. Cũng theo lời các nhà ngoại giao thì tòa biệt thự này không phải là lớn so với xung quanh, thậm chí còn nhỏ hơn tòa dinh thự gần kề của Bakr bin Laden, một thành viên trong cộng đồng doanh nhân ngành xây dựng giàu có và là anh em cùng cha khác mẹ với Osama bin Laden.
Biệt thự của ông Mubarak nằm trong một khu liên hợp do Hussein Salem, một doanh nhân Ai Cập và cũng là bạn thân của ông, xây dựng. Ông Salem bị buộc tội năm 1983 vì đã tính giá quá cao cho hợp đồng vận chuyển các vũ khí quân sự tới Ai Cập với Lầu Năm Góc (8 tỉ USD). Tuy bị kết án như vậy, song sự nghiệp của ông này tại Ai Cập vẫn lên như diều gặp gió và ông vẫn là người đứng đầu một ngành béo bở là vận chuyển khí gas tự nhiên tới Israel.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét