Nhiều nhà đầu tư đang san lấp mặt bằng, chuẩn bị triển khai những dự án lớn về sản xuất vật liệu xây dựng, đóng tàu, may mặc...
Mấy năm trước, về xã Quang Minh, ấn tượng đọng lại trong tôi là những đồi, bãi khô cằn chạy dọc nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn. Thời điểm ấy, ít ai nghĩ rằng, nơi đây sẽ thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, khi chất lượng hạ tầng giao thông được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát địa bàn Quang Minh. Lớp đất sét thô được khai thác, trở thành nguồn nguyên liệu quý để sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng. Tiên phong xây dựng nhà máy tại đây là Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa Quang Minh đến từ tỉnh Thái Nguyên. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay, bước đầu giải quyết việc làm cho gần 50 lao động địa phương với các sản phẩm chính là gạch đặc, gạch xốp chịu lửa… Có mặt tại Công ty vào một ngày cuối năm, tôi thấy những công nhân đang hối hả làm việc ở khu lọc, phơi, ép nguyên liệu, chuẩn bị nung một lượt sản phẩm mới. Bên ngoài khu sản xuất, hàng nghìn tấn đất sét thô được tập kết sẵn sàng. Cách xã Quang Minh không xa, tại CCN Hùng Sơn (xã Hùng Sơn), Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản Tổng Sáu đang huy động nhiều phương tiện san lấp mặt bằng chuẩn bị triển khai dự án mới với số vốn đăng ký hơn 50 tỷ đồng. Tại địa bàn chủ yếu là đất trũng như Đông Lỗ hiện có một nhà máy sản xuất gạch tuy-nel đang được xây dựng… Khởi sắc trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã tạo nên tầm vóc mới cho vùng quê ven sông Cầu. Tại các CCN: Đức Thắng, Hợp Thịnh, một số nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Dây chuyền ép gạch của Công ty cổ phần vật liệu chịu lửa Quang Minh (thôn Hữu Định, xã Quang Minh). |
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Phó phòng Công thương huyện, đến nay, Hiệp Hoà đã thu hút 18 dự án đăng ký đầu tư với số vốn hơn 700 tỷ đồng và 3 triệu USD, trong đó 13 dự án đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 5 nghìn lao động địa phương. Năm 2009, dù bị tác động bởi suy giảm kinh tế song vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đạt khoảng 270 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần may Xuất khẩu Hà Phong mở rộng dây chuyền sản xuất với số vốn 100 tỷ đồng, phần còn lại là kinh phí thực hiện dự án của Công ty Bia Vinaken và một số doanh nghiệp sản xuất gạch. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ lực của huyện như gạch xây, may mặc, bia, nhựa tái chế, gỗ, sản phẩm nhôm kính đều vượt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN năm 2009 ước đạt 116,9 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994), tăng 39,6% so với năm 2008.Những kết quả khả quan trong sản xuất công nghiệp - TTCN năm 2009 đã góp phần quan trọng để Hiệp Hoà hoàn thành 5/6 mục tiêu Chương trình phát triển công nghiệp-TTCN và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2006-2010 đề ra. Bốn năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp-TTCN trên địa bàn đạt bình quân 30%/năm, vượt gần 8% so với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, toàn huyện có hơn 80 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 10% so với mục tiêu đề ra đến năm 2010. Ngoài ra, các chỉ tiêu như giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN, lao động hoạt động trong lĩnh vực này, thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu đề ra. Có được kết quả nổi bật đó là do những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Hiệp Hoà đã chú trọng khai thác lợi thế của địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. UBND huyện quy hoạch 7 CCN ở những vị trí thuận lợi về giao thông. Trong bốn năm qua, huyện đã trích ngân sách địa phương gần 600 triệu đồng hỗ trợ triển khai 33 dự án nhỏ ở các ngành nghề cơ khí, mộc gia dụng, mây tre đan, dệt may... Đồng hành cùng doanh nghiệp, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chủ động phối hợp giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm các chính sách pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp-TTCN bảo đảm sự minh bạch, công khai.
Trong những ngày cuối năm 2009, nhân dân trong huyện đón một tin vui mới, nâng cấp tỉnh lộ 295 và xây dựng cầu Đông Xuyên vượt sông Cầu sang Bắc Ninh, đó là dự án đang hoàn tất các thủ tục thực hiện. Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ đến khảo sát địa điểm lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp-đô thị tại các xã Châu Minh, Mai Đình, Hương Lâm. Trong tương lai không xa, những công trình mới sẽ "đánh thức" các xã còn nhiều khó khăn của huyện, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển.
Thy Lan
(Theo BáoBắcGiang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét