chia sẻ

Rộn ràng đồng ruộng Bắc Giang


Sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài cả tháng trời, ăn Tết xong, tranh thủ nắng ấm, nông dân toàn tỉnh Bắc Giang tấp nập ra đồng gieo trồng vụ xuân. Những trà mạ xuân gieo đợt áp Tết Tân Mão được nắng ấm đầu xuân khoe sắc xanh biếc. Cánh đồng đất ải trắng lóa, đang ngấm nước đổi mầu nâu sẫm, chờ người gieo cấy mở đầu vụ lúa xuân.

Công nhân trạm bơm Tư Mại vận hành máy phục vụ bơm nước đổ ải.  
Bắc Giang là tỉnh nông nghiệp, hai vụ lúa trong năm là nguồn  thu nhập chính của người dân trong tỉnh. Trong đó, vụ lúa chiêm xuân được coi là vụ chính cho năng suất cao, ổn định. Nếu vụ mùa bình thường cho năng suất 45-47 tạ/ha thì vụ lúa chiêm xuân của tỉnh luôn đạt hơn 50 tạ/ha. Nhận thức tầm quan trọng của vụ lúa chiêm xuân, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) xây dựng lịch thời vụ gieo cấy từng trà lúa ở từng vùng cụ thể. Từ kinh nghiệm chỉ đạo gieo cấy lúa chiêm xuân nhiều năm, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống lúa xuân, tăng giống xuân muộn lên hơn 90% diện tích. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Văn Phượng, việc chỉ đạo giảm diện tích lúa xuân sớm và xuân trung sang gieo cấy lúa xuân muộn tránh được thời tiết rét đậm, rét hại cuối năm, giảm lượng giống trên một đơn vị diện tích. Nhờ chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, đợt rét đậm, rét hại vừa qua cả tỉnh chỉ bị hỏng 66 ha mạ chiêm dầm và xuân sớm.
Ðầu xuân ra đồng, nghe mấy bác lão nông động viên con cháu khẩn trương lấy nước làm mạ, đổ ải. Theo kinh nghiệm của  các lão nông,  năm nào đầu vụ rét đậm, rét hại kéo dài là vụ lúa xuân sẽ được mùa lớn, cho nên có nắng ấm, dù ngày Tết cũng phải xuống đồng gieo mạ ngay, có thế mới kịp thời vụ. Vụ chiêm xuân năm nay nguồn nước rất khó khăn, các hồ đập lớn dung tích nước giảm một nửa. Nước sông Cầu, sông Thương... đều thấp hơn mọi năm. Công ty thủy nông Nam Yên Dũng có chín trạm bơm với 35 máy bơm tưới thì có 3-4 trạm bị 'treo' vì nước sông cạn. Sáng mồng 6 Tết, tôi đi cùng  Bí thư Huyện ủy Yên Dũng xuống thăm trạm bơm Yên Tập, anh chị em công nhân vẫn đang chạy máy. Trạm trưởng Hoàng Ngọc Phan cho biết: Ðể kịp nước cho nông dân làm mạ, đổ ải, ngày mồng 4 Tết công nhân đã làm việc. Thời gian vận hành trạm bơm năm nay cũng thay đổi. Trạm bơm hoạt động theo con nước sông Cầu, nước lên thì bất cứ giờ nào cũng phải chạy máy để trữ nước vào kênh. Ðứng trên bờ bể xả nhìn dòng kênh uốn lượn nước đầy ắp, trạm trưởng Hoàng Ngọc Phan hồ hởi nói với chúng tôi: Cho đến lúc này trạm Yên Tập bảo đảm đủ nước đổ ải, gieo cấy cho hơn 1.000 ha lúa vụ xuân của các xã Yên Lư, Nham Sơn, thị trấn Neo. Tại trạm bơm Tư Mại, anh em công nhân vừa dừng máy tránh giờ cao điểm. Giám đốc Công ty Thủy nông Nam Yên Dũng Lê Văn Sỹ  giải thích, các trạm bơm hoạt động hạn chế thấp nhất chạy máy vào giờ cao điểm của ngành điện để giảm chi phí, đồng thời cũng là chia sẻ khó khăn, với ngành điện lúc khó khăn, cho nên có nhiều trạm bơm trên địa bàn làm việc cả những ngày nghỉ Tết.
Vụ xuân năm nay, Bắc Giang gieo cấy hơn 50 nghìn ha, chủ yếu là trà xuân muộn. Ngoài số giống đã gieo, tỉnh còn chuẩn bị 267 tấn lúa dự phòng. Qua mấy vụ cấy thí điểm lúa lai đạt hiệu quả cao, vụ này tỉnh chỉ đạo lúa lai chiếm 20% tổng diện tích vụ xuân, còn lại là các giống lúa thuần, chất lượng cao. Riêng ở bốn huyện miền núi, vùng cao Sơn Ðộng, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, do nguồn nước các hồ đập thấp, tỉnh chỉ đạo chuyển 2.500 ha cấy lúa không ăn chắc sang trồng đậu, lạc, ngô xuân, dành nước cho những vùng thâm canh lúa ăn chắc. Các công ty thủy nông Cấm Sơn, Sông Cầu, Nam Yên Dũng đều ra quân sớm, lo đủ nước cho nông dân làm mạ, đổ ải. Theo bà con nông dân, vụ này các công ty thủy nông đưa nước về nhanh kịp thời, tiết kiệm là nhờ Nhà nước đầu tư cứng hóa hệ thống kênh chính, các địa phương huy động sức dân cứng hóa hệ thống kênh nội đồng; nước tưới chủ động, tiết kiệm, khắc phục tình trạng cuốc mương, tháo nước tràn lan. Ðể chủ động nguồn nước tưới dưỡng, Bắc Giang đã ký hợp đồng mua 20 triệu m3 nước từ hồ núi Cốc, Thái Nguyên. Vùng lúa Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên của tỉnh yên tâm có đủ nguồn nước cho sản xuất vụ lúa chiêm xuân năm nay. Cho đến  ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, toàn tỉnh đã cơ bản gieo đủ mạ, đổ ải được hơn 60% diện tích lúa xuân. Một số huyện vùng lúa, nước về sớm đã đổ ải 70-80% diện tích. Ðể chỉ đạo nông dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, các huyện phối hợp  các trung tâm khuyến nông xuống từng thôn, xã, hướng dẫn nông dân  chống rét cho mạ, hạn chế thấp nhất tình trạng mạ chết rét. Theo chỉ đạo  của ngành nông nghiệp, trà lúa xuân muộn kết thúc gieo cấy vào ngày 5-3 là thời vụ tốt nhất. Riêng các huyện miền núi kéo dài đến cuối tháng 3, phù hợp vùng tiểu khí hậu miền núi. Ðể gieo cấy đúng thời vụ, ngoài diện tích cấy mạ dược, vụ xuân muộn nhiều vùng trong tỉnh có điều kiện chủ động nguồn nước, nông dân chuyển sang gieo thẳng, vừa tiết kiệm giống, tiết kiệm sức lao động, bảo đảm kịp thời vụ. Huyện Yên Dũng còn mua hàng chục máy gieo hạt, đầu tư cho các xã bà con nông dân áp dụng gieo thẳng.
Với sự chỉ đạo sớm, chủ động cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa nông dân và các ngành phục vụ lo đủ nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông ở từng thôn, xã, nông dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến: 3 giảm, 3 tăng IPM và phương pháp SRI (cấy mạ non, điều tiết nước nông thường xuyên) vừa tiết kiệm từ 1,2 đến 1,5 kg/sào, năng suất cao cùng những nỗ lực của bà con nông dân, Bắc Giang hy vọng có vụ lúa bội thu,  góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tạo cơ sở để địa phương triển khai có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
  
Hoàng Tiến (Theo Báo Nhân Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ