Điều kiện tự nhiên và Kinh tế - Xã hội huyện Hiệp Hoà | |
Giao thông, thủy lợi: Hiệp Hòa nằm cách Hà Nội khoảng 60km theo đường quốc lộ 1A và 40km theo hướng cầu Vát, có 1 tuyến quốc lộ 37 chạy qua dài 14km, nối huyện Hiệp Hòa với tỉnh Thái Nguyên, 3 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài 40 km. Các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 6 xã có đường nhựa, 11 xã đường đá, 9 xã đường cấp phối. Ngoài ra, huyện còn có tuyến giao thông đường thủy sông Cầu bao quanh phía Tây và phía Nam với chiều dài trên 40km, tạo ra sự thông thương với các trung tâm kinh tế lớn như tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài các tuyến kênh mương 248,149 km, bao gồm: Kênh trôi, Kênh 3, Kênh 1B, Kênh 1C, Kênh 2/3, Kênh Hương Lâm – Mai Đình, Kênh 3/3, Kênh 1A, Kênh Hoàng Lương, Kênh T47, Kênh T45, Kênh Hương Lâm - Châu Minh, Kênh Hoàng Vân, Kênh 1D. Hệ thống lưới điện: Hệ thống lưới điện do Chi nhánh điện Hiệp Hoà quản lý 160 trạm biến áp với 167 máy biến áp, tổng công suất là 28.875 kVA. Có 2 trạm biến áp trung gian công suất 22.300 kVA. Đường dây 35 KV dài 14,673 km, đi từ ranh giới Tràng (địa phận giữa huyện Việt Yên và huyện Hiệp Hoà) đến 2 trạm biến áp trung gian là trung gian Hiệp Hoà 1 và trung gian Hiệp Hoà 2. Đường dây 10 KV dài 144,182 km gồm 7 lộ đường dây sau 2 trạm trung gian. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân 56 triệu kWh/năm. Địa hình, khí hậu: Địa hình đặc trưng là đồi thấp, xen kẽ các đồng bằng lượn sóng thấp dần từ Đông - Bắc xuống Tây – Tài nguyên: Về đất, có 7 thành phần: Đất phù sa được bồi ( Pb), đất phù sa không được bồi ( P), đất phù sa Gờ lây ( Pg), đất phù sa úng nước ( Pj), đất bạc màu trên phù sa cổ ( B), đất nâu vàng trên phù sa cổ ( Fp), đất đỏ vàng trên đá sét Fs. Với thành phần đất như trên, có thể vừa phát triển cây lương thực, vừa phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như lạc, đậu tương … và các loại cây ăn quả trên các vùng đồi thấp. Về nước, nguồn cung cấp chính là sông Cầu và các chi lưu chính của sông Công, sông Cà Lồ, ngoài ra còn có khoảng 350ha mặt nước ao cùng với nhiều đầm, hồ, tổng dung tích khoảng 10.500 nghìn m2 nước. Về khoáng sản, không có khoáng sản quý hiếm, chỉ có một số nguyên vật liệu phục vụ xây dựng như đất sét, sỏi, cuội, cát ở vùng ven sông Cầu. Về tài nguyên nhân văn, có 55 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, những di tích lịch sử này cùng với cảnh quan tự nhiên như khu vực núi Y Sơn, di tích lịch sử An toàn Khu II … và vị trí địa lý gần kề thủ đô Hà Nội, các trung tâm công nghiệp của các tỉnh phía Bắc sẽ là tiềm năng to lớn cho ngành du lịch của huyện phát triển. Về kinh tế - xã hội: Kinh tế Hiệp Hòa phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với mục tiêu đó, toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu thực hiện, đến nay tỷ trọng về nông – lâm - thủy sản đã giảm xuống còn 63,69%, công nghiệp - XD tăng lên 12,94%, thương mại - dịch vụ chiếm 23,37%. Trong nông nghiệp, tích cực đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới có có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao vào sản xuất đại trà đảm bảo năng suất, sản lượng, giá trị lợi nhuận tăng dần qua các năm góp phần an toàn lương thực, nâng cao mức thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong công nghiệp, TTCN, dịch vụ, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng diện tích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhanh gọn, đúng quy định của Nhà nước để nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Đến nay có 14 dự án đầu tư trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất gạch, khai thác cát sỏi ... đã đi vào hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 449,5 tỷ đồng và 3 triệu USD, đã quy hoạch được một số cụm công nghiệp tại Thị Trấn, Đức Thắng, Hợp Thịnh, Hương Lâm, Xuân Cẩm, Lương Phong, Đoan Bái, Đông Lỗ, Hùng Sơn... Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, hiện có 21.074 thuê bao điện thoại cố định. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm luôn giữ ở mức cao, cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và dời sống của nhân dân. Dự án cải tạo hệ thống điện nông thôn (ReII) đang được triển khai thực hiện. Đã xây dựng và đi vào hoạt động 2 trạm cung ứng nước sạch. Tỷ lệ dân cư thị trấn và vùng lân cận được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, dân cư nông thôn 82%. Giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học; cơ sở, quy mô trường, lớp hàng năm được đầu tư kiên cố hóa, xây dựng mới đảm bảo cho việc dạy và học của các nhà trường. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kế hoạch hoá gia đình ... hàng năm đều được quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, thường xuyên cải tạo, nâng cấp, xây dựng thêm các phòng khám từ bệnh viện huyện đến các trạm xá xã, thị trấn phục vụ kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 là phải nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội. Chuyển đổi cơ cấu và thực hiện CNH, HĐH phù hợp điều kiện của huyện nhằm đưa huyện đứng vào loại khá trong tỉnh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa Hiệp Hoà so với các huyện, thành phố mạnh của tỉnh, cùng với cả nước chủ động tham gia hội nhập kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó, huyện đã cụ thể hoá thành các mục tiêu cụ thể qua các năm, từ năm 2008 – 2010 duy trì tốc độ tăng GTSX bình quân đạt 10-12%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt từ 13-15%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 15-17%/năm. Cơ cấu GTSX năm 2010: Công nghiệp - xây dựng 15%, Thương mại - dịch vụ 25% và Nông - lâm - thuỷ sản 60%; năm 2015 lần lượt là 28% - 30% - 42%; năm 2020 là 37% - 35% - 28%; GTSX bình quân/người năm 2010 khoảng 10,95 triệu đồng, năm 2015 khoảng 30,89 triệu đồng và năm 2020 đạt 67,02 triệu đồng. Đến năm 2020 dân số tại các thị trấn và thị tứ chiếm khoảng 30% dân số toàn huyện. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng trên các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phấn đấu vượt mức bình quân của tỉnh trên một số lĩnh vực chủ yếu về văn hoá - xã hội. Đến năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học toàn huyện, 75% trường học đạt chuẩn quốc gia và 100% vào năm 2020; đến 2010 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1%, năm 2020 là 0,9%; giảm tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2008 - 2010 bình quân 3%/năm trở lên, giai đoạn 2011 - 2015 giảm bình quân 1,8-2,0%, giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân mỗi năm 0,8-1,0%) theo tiêu chuẩn hiện nay. Tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 26% vào năm 2010 và khoảng 46% vào năm 2020; Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 80% làng, khu phố đạt chuẩn làng, khu phố văn hoá được cấp huyện công nhận, trên 90% cơ quan, đơn vị đạt cơ quan văn hoá. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, từng bước tạo thói quen, nếp sống vì môi trường xanh, sạch đẹp. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Các đô thị và điểm công nghiệp tập trung được xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam. Đến năm 2010, tỷ lệ dân số ở thành thị dùng n ước hợp vệ sinh đạt 100% và ở nông thôn đạt 95%, đến năm 2020 là 100%; Tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 75% năm 2010 và 100% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020, huyện tập trung phát huy tối đa lợi thế về đất đai, khai thác mọi tiềm năng về lao động và các nguồn lực khác trong nông nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển nông nghiệp, chuyển sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao.Phát triển đồng bộ các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Cùng với việc phát triển mạnh thị trường hàng hoá, dịch vụ và thị trường sức lao động, cần từng bước phát triển vững chắc thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ, khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bảo hiểm mở chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn, nhằm tạo ra thị trường dịch vụ tài chính “mở”; phát triển thị trường bất động sản, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản gắn liền với đất, làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn vốn cho phát triển. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá trong việc giải quyết việc làm, tạo môi trường khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ và tay nghề, đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chương trình dự án, biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề và tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm cho nông dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học và trình độ đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, thực hiện khuyến học, khuyến tài. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đủ vế số lượng, giỏi về trình độ chuyên môn, đồng thời chú trọng giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh; đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã. Chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; bảo vệ tác quyền, tác giả, chống các hoạt động sao chép lậu, phát hành trái phép bản quyền. (Theo hiephoa.bgit.vn) |
Tổng quan điều kiện tự nhiên và Kinh tế - Xã hội huyện Hiệp Hoà
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét