chia sẻ

Giếng cổ linh thiêng và những câu chuyện kỳ bí

Dù vào những năm hạn hán nhất của Vĩnh Phúc, đến nỗi cả làng không còn một giọt nước thì 11 giếng nước cổ của làng Bá Hạ, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không vơi cạn. Bên cạnh sự cổ kính, linh thiêng của giếng cổ thì nơi đây còn tồn tại những câu chuyện kỳ bí đến mức người dân coi là thần thánh.


Dòng chữ Hán còn in trên phiến đá
Giếng “Thạch Sanh”
Nằm cách thành phố Vĩnh Yên chừng 10km về phía Đông Bắc, làng Bá Hạ vẫn còn giữ vẹn nguyên nét thanh bình của một làng quê Bắc Bộ. Chúng tôi về Bá Hạ đúng thời điểm người dân đang vào mùa vụ gặt chính.
Cách thành phố tuy không xa, lại nằm ngay bên khu công nghiệp Bình Xuyên, nhưng ở đây vẫn giữ được nét yên bình. Yên bình đến nỗi nghe được cả tiếng gió rì rào qua từng bông lúa óng vàng.
Thỉnh thoảng ở phía xa xa có đôi chim rập rờn trên đầu của người dân đang cặm cụi dưới đồng trông như một bức tranh thuỷ mạc về làng quê.
Theo các cụ cao niên trong làng, xưa kia thôn Bá Hạ có 7 làng tiếp giáp nhau gọi là làng Kẻ Bá. Ngày đó Bá Hạ nghèo nhất xã, nhưng đổi lại người dân tự hào vì nơi đây có 11 giếng đá cổ có niên đại hơn 600 năm, được coi như những báu vật thiêng liêng, nằm rải rác trên địa bàn 4 thôn:
Thích Trung, Vinh Quang, Thiện Chi và Bá Hương. Được gọi là giếng cổ, nhưng các giếng đều có lịch sử và niên đại khác nhau mà theo những dòng chữ được ghi trên tang giếng thì các giếng đều có tuổi trên dưới 600 năm.
Trong số này, giếng đá được coi là cổ nhất, khởi tạo năm 1490 (Hồng Đức thập nhất niên), tất cả đến nay đều còn nguyên vẹn.
Ông Đoàn Văn Lãng, 80 tuổi, người trông coi đình làng cho biết: những cái giếng tuy không nằm cùng một vị trí nhưng giếng nào nước cũng trong vắt, mát lạnh, chưa bao giờ rơi vào tình trạng khô cạn, trong khi có năm tất cả những giếng nước đào sau này, sâu hơn nhưng đều không có nước.
Để minh chứng lời nói của mình, ông Lãng dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng để mục sở thị những giếng đá cổ. Đúng như lời ông Lãng nói, 11 giếng trong làng đều giống nhau như một.
Tất cả đều có miệng giếng hình vuông, thành giếng được ghép bằng 4 phiến đá xanh, vàng sậm, rộng 1m, cao 1,5m và phần lớn có khắc chữ Hán với nét chữ bay bổng, đậm rõ và đều nét.
Cúi người múc gáo nước lên uống, chúng tôi ngạc nhiên khi cảm nhận được “đường đi” của dòng nước mát lạnh, dường như xua tan cái nắng nóng như đổ lửa của thời tiết.
Vốn là người học cao nhất làng thời phong kiến nên ông Lãng cũng kinh thông về chữ Hán, chữ Nho. Những dòng chữ Hán cổ ghi trên phiến đá được ông đọc lưu loát. Mỗi khi trong làng có người đến thăm, hay muốn tìm hiểu về giếng cổ là ông cụ lại đích thân làm “hướng dẫn viên” du lịch.
Có người đến tìm hiểu về giếng cổ khiến ông vui lắm, vì làng mình vẫn còn có cái để tự hào, để người ta biết đến. Ông Lãng cho biết, ngoài cấu trúc các giếng đá cổ đều giống nhau, có khắc chữ để biết thời gian khởi tạo thì nét cổ kính còn được thể hiện qua những vết lõm mà chỉ có thời gian mới làm nên được.
Đó là vết lõm trên thành giếng sâu từ 10-15cm, do người dân mài dao, kiếm sử dụng từ thời chiến tranh đã khiến cho những chiếc giếng cổ này như có đường gợn sóng tạo cho thành giếng thêm mềm mại.
Miện giếng cổ hình vuông
Miệng giếng cổ hình vuông
Theo tìm hiểu, lòng giếng đá cổ có đường kính 1,5 m, được ghép từ những viên đá hộc có kích thước 20-30 cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên thành. Sau các dãy đá là cát, dưới lớp cát là 2 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dày khoảng 10cm.
Theo cụ Lãng thì những tấm gỗ lim có tác dụng khử độc, chính vì thế nên khi được chọn đúng mạch nước, dù giếng được đào thô sơ, rất nông nhưng quanh năm nước trong mát và chưa bao giờ bị cạn.
Chiếu theo ngọc phả ghi lại, các giếng cổ chưa bao giờ cạn. Kể cả những năm trời làm hạn hán kinh hoàng nhất, cách đây khoảng 10 năm. Cả làng Bá Hạ và xã Bá Hiến bị hạn hán, suốt mấy tháng trời đồng ruộng lúa, màu chết cháy, sông ngòi khô cạn, đến nỗi các giếng đào, ao hồ cũng cạn kiệt chỉ duy nhất các giếng cổ này vẫn còn nguyên vẹn nước.
Người dân thay nhau gánh nước từ giếng về sinh hoạt, thậm chí dùng để tưới cho đồng ruộng mà nước vẫn không cạn. Câu ví von “giếng Thạch Sanh” cũng xuất hiện từ đó bởi người trước múc đi bao nhiêu thì người sau tới, nước lại bù vào tới đó.
Những câu chuyện kỳ bí
Về Bá Hạ, người ta không chỉ được biết đến giếng cổ quanh năm có nước, mà ở đây người dân vẫn truyền tai nhau về những câu chuyện kỳ bí xung quanh các giếng cổ. Ngồi bên khay trà, ông Lãng nhâm nhi rồi tặc lưỡi bảo, ở đây có nhiều chuyện lắm.
Những câu chuyện không biết có từ khi nào những đã đi vào tiềm thức của người dân Bá Hạ, từ người già trong làng đến trẻ con chăn trâu đều biết. Theo các vị cao niên trong làng như cụ Lãng, cụ Bổng thì câu chuyện về đôi vịt vàng dưới giếng có từ lâu lắm rồi, từ lúc các cụ còn bé xíu đã được nghe về nó.
Theo kể lại, từ khi có giếng cổ này người dân đã thấy đôi vịt vàng liên tục hiện, lên bơi quanh giếng nhưng không phải cả 11 giếng đều có vịt vàng mà chỉ duy nhất xuất hiện ở giếng cổ Chùa Giao Sam. Một năm đôi vịt này chỉ xuất hiện hai lần, ai may mắn lắm mới được nhìn thấy.
Quan niệm của người dân, mỗi khi vịt xuất hiện, nếu ai nhìn thấy được là không bao giờ ốm đau bệnh tật, con cái cả dòng họ đó một năm làm ăn khấm khá. Tuy nhiên theo ông Lãng thì không phải ai cũng dễ dàng thấy được mà “Chỉ khi nào thần thánh cho thấy thì người đó mới được thấy”.
“Biểu hiện khi vịt bắt đầu nổi là cách đó ba ngày nước giếng đang trong bỗng chuyển sang màu đục. Trong ba ngày đó, không ai đến múc nước thì đôi vịt vàng bỗng xuất hiện.
Chính vì thế mà mỗi khi thấy nước chuyển màu, dân làng kéo đến đông đúc để xem vịt vàng nhưng vịt nổi mà chỉ một vài người trong đám đông đó nghìn thấy”, ông Lãng kể lại.
Theo người đàn ông cao tuổi này sở dĩ tất cả đều chăm chú nhìn nhưng chỉ vài người nhìn thấy vịt vàng bơi là vì những người đó hợp, thành tâm nên được Thánh ban lộc.
Ngoài câu chuyện về đôi vịt vàng, ở một cái giếng khác gọi là giếng Đông của làng Bá Hạ, nằm ngay trên trục đường chính của làng lại được dân làng truyền tai nhau về một con rắn trắng. Theo người dân thì con rắn này dài hơn 1m, to bằng cổ tay, vào những ngày trăng thanh, gió mát thường trườn từ lòng giếng lên nằm trên thành giếng.
Cũng có khi nó bò ra ngoài, nằm ở sân giếng. Người ta chỉ thấy được nó ở khoảng cách xa, khi lại gần rắn lập tức trườn ngay xuống giếng. Con rắn trắng đó nghe nói đến nay người dân qua đường vẫn thỉnh thoảng thấy nó xuất hiện.
Không dừng lại hai câu chuyện trên, chúng tôi tiếp tục đến thôn Vinh Quang người dân ở đây lại kể tiếp về những câu chuyện ly kỳ xảy ra ở gia đình bà Dương Thị Hồng. Trong nhà bà Hồng có một giếng đá cổ, năm đó không hiểu lý do gì gia đình lấp giếng cổ để đào một giếng mới.
Lạ ở chỗ, cứ đào cái giếng nào thì giếng đó không có nước. Tính ra thời gian đó gia đình bà đào tới ba cái giếng mới song tất cả đều phải lấp đi, khơi lại giếng cổ vì chẳng giếng mới nào cho nước dùng được cả.
Có lần một người đàn ông ra giếng câu cá, do sơ ý nên trượt chân, ngã tủm xuống giếng. Người đàn ông này không lên được và nằm bất tỉnh dưới giếng suốt hơn hai tiếng đồng hồ.
Đến khi có người phát hiện ra vớt người đàn ông này lên thì người đàn ông này kể lại, khi ông rơi xuống giếng đầu ông đập ngay vào phiến đá ở dưới nhưng lạ kỳ ở chỗ ông không hề thấy đau đớn, như có người nâng đỡ.
Nghĩ là giếng thiêng phù hộ nên gia đình người này đã dựng miếu thờ gần giếng này. Vài năm trước, em trai người đàn ông này đã phá bỏ miếu thờ. Phá được vài hôm sau người em trai gặp mộng liên tục đành phải phục dựng lại ngôi miếu đó…
Ở làng Bá Hiến này, chẳng ai cất công để tìm hiểu hay sưu tầm tài liệu về giếng cổ. Họ cho rằng giếng đã có từ bao đời nay thì con cháu cứ giữ lấy mà dùng. Để tìm hiểu ngọn ngành về giếng cổ, chúng tôi được người dân chỉ đến Ông Dương Đình Nghê, Chủ tịch MTTQ xã Bá Hiến.
Ông là người duy nhất của làng Bá Hiến sưu tầm nhiều tài liệu nhất về giếng cổ. Ông khẳng định những câu chuyện đó đều có thật. Theo tài liệu mà ông Nghê có, cộng với ngọc phả làng Bá Hạ thì đây là một vùng đất tứ linh: long - ly - quy - phụng.
Vào thời nhà Lê có một ông quan được vua cử đi dẹp giặc phương Bắc. Sau khi đẩy lùi được quân giặc ra khỏi bờ cõi, ông được nhà vua phong chức Đô đốc quận công. Trở về làng, ông thấy người dân quê mình còn quá nghèo khổ, ông đã quyết định mở một cái mương lớn để giúp dân lấy nước phục vụ cho đồng ruộng.
Nghĩ là làm ngay, viên Đô đốc cho quân lính đào mương. Nhưng do làm việc ban đêm nên mương bị lệch sang thế đất của xã Thiện Kế bên cạnh. Đến khi chỉnh lại, vội vàng nên quân lính của ông đã xẻ đúng vào phần đất tương ứng với cổ rồng.
Thành thử, mương chưa kịp đào xong, bỗng đâu có một trận đại hoả bốc lên thiêu rụi nguyên cả một làng bên cạnh. Làng bị cháy có tên là Tiến Nữ, nơi cung tiến cung nữ hầu hạ nhà vua hàng năm. Quá đau đớn vì thảm hoạ, quan Đô đốc phi ngựa ra sông tự vẫn.
Nhân dân đau xót nên lập đền thờ ông, gọi là đền thờ quan Quận. Sau trận đại hoả đó một thời gian, người dân trong làng đã tìm thầy phong thuỷ về xem lại thế đất và tìm cách trấn mạch bằng cách xây dựng 11 ngôi giếng cổ ngày nay.
Ở Bá Hạ bây giờ giếng đào nhiều, nhưng hàng năm vào mùa hạn thì giếng đào cạn, đục không thể dùng được. Người dân trong làng lại phải ra giếng cổ múc nước về ăn.
Từ sự tích trên, người dân Bá Hiến xem giếng như một bảo vật. Dù có nhiều người tìm đến ngỏ lời mua lại các khối đá xanh với giá rất cao nhưng không ai dám bán. Điều đáng nói, những giếng đá này nằm trơ vơ bên bờ đường, ngoài ruộng nhưng không ai phá phách dù chỉ là ngồi lên thành giếng.
Chính vì vậy mà giếng thiêng của làng Bá Hạ đến nay vẫn còn giữ nét nguyên sơ, cổ kính qua hàng trăm năm nay
Mới đây bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lập đoàn công tác về xã Bá Hiến xin chuyển một chiếc giếng cổ về trưng bày tại bảo tàng để giới thiệu cho khách du lịch biết di sản quý báu này. UBND xã Bá Hiến đã làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận di tích văn hoá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ