Tia đất là cái tia gì? Chuyện tìm nước ngầm, hang động và hài cốt của TS Vũ Văn Bằng có vẻ gì đó rất bí ẩn. Liệu đó có thể là một phát minh mới như trường hợp “Tia sáng khủng khiếp của kỹ sư Garin” hay tia X của Roentgen? | ||||
Mấy năm gần đây hàng chục tờ báo đã viết về Tiến sĩ Vũ Văn Bằng dùng “tia đất” tìm nước ngầm, hang động và hài cốt. Người ta ca ngợi ông có tài như “ thầy địa lý”, “thầy Tả Ao”, “thầy phù thủy”, “ông thần đất”, nhà phong thủy, nhà ngoại cảm… mặc dù những từ này được dùng trong dấu ngoặc kép. Được lên chương trình “Người đương thời” ông càng trở nên nổi tiếng. Là một đồng môn và đồng nghiệp của ông, nhưng cũng còn là nhà báo khoa học, tôi đặt dấu chấm hỏi hoài nghi trước đã. Để khách quan, tôi thử xem báo chí viết ra sao, nhưng càng đọc càng… nhiễu, chẳng hiểu bản chất của cái “tia đất” ấy là gì. Vì vậy, tốt nhất là” tận mắt chứng kiến công việc của ông và trực tiếp “truy hỏi” ông. Phải chăng đã manh nha một phát minh mới?
Tôi đã tham gia Hội thảo - điền dã về đề tài khoa học tìm nước ngầm của TS Vũ Văn Bằng tại Quảng Bình. Chúng tôi đã đến tận hiện trường Hòn La, nơi TS Vũ Văn Bằng đã tìm ra mỏ nước ngầm cho khu công nghiệp mới, mặc dù trước đó những phương pháp thăm dò khác đã thất bại. Hình như các nhà báo có mặt ít để ý đến công bố bốn điểm của TS Vũ Văn Bằng, trong đó, ông khẳng định đã tìm ra cái được gọi là “tia đất” kèm theo giả thuyết mới về sự hình thành từ trường Trái Đất và những ứng dụng thực tiễn của nó. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là một phát minh “có tính đột phá”, tìm ra một dạng tia chưa từng biết đến, tương tự như tia gamma, tia anpha, tia phóng xạ, tia Roentgen, tia laze…?
Điều này phải được một Hội đồng khoa học quốc gia, thậm chí tầm cỡ quốc tế thẩm định. Nhưng rõ ràng đây là những công bố thực sự “gây sốc” và người ta phải đặt câu hỏi phải chăng Vũ Tiến sĩ mắc bệnh “vĩ cuồng”? Sau cuộc hội thảo, tôi tìm gặp ông chỉ nhằm nghe ông giải thích xem bản chất cái “tia đất” là gì. Trước hết, tôi bảo, cái tên gọi “tia đất” ấy của ông dường như quá “nôm na mách qué”, chẳng mang nội hàm khoa học gì. Hơn nữa, chính bản thân ông đã gọi tia này nào là địa bức xạ, nào là địa bức xạ từ, nào là bức xạ từ, trường địa bức xạ, thậm chí ông còn nói với báo chí nào là tia tốt, tia xấu nữa. Vũ Văn Bằng công nhận, cái tên “tia đất” đúng là chưa chứa đựng được nội dung khoa học của nó, nhưng vì đã trót dùng quen rồi và do nghe có vẻ dân dã nên cũng dễ gây hiểu nhầm. Ông nói, nếu dùng thuật ngữ khoa học thì đó là “Bức xạ từ động thứ cấp bậc hai”. Thuật ngữ này chưa có trong các từ điển khoa học vì nó là một khái niệm hoàn toàn mới. Đó là một hiện tượng vật lý xuất hiện khi và chỉ khi vật chất chuyển động hoặc có sự tương tác giữa các môi trường khác nhau tiếp xúc với nhau. Lấy thí dụ như một khối nước ngầm chảy trong các tầng đất đá, dòng chảy ấy gây ra áp suất tác động lên các tầng đá; trong nước luôn xảy ra những phản ứng hoá học gây ra nhiệt, sự ma sát cũng sản ra nhiệt và điện. Tổng hợp mọi tác động như vậy sản sinh ra điện và từ trường. Từ trường ấy gây ra bức xạ từ. Tia bức xạ từ này hoàn toàn chưa được nhắc đến trong bất kỳ văn liệu khoa học, vì vậy ông cả quyết đó là một phát hiện có tính đột phá. Ông tự tin rằng đây là một hiện tượng tự nhiên chưa được biết tới, có liên quan đến cả vật lý, hóa học và cơ học. Từ khái niệm ấy Vũ Văn Bằng đã xây dựng một giả thuyết hoàn toàn mới khác hẳn giả thuyết “đinamô” vẫn thống trị trong khoa học về nguồn gốc từ trường Trái Đất, mà là do chuyển động và ma sát của các vành đai vật chất lỏng xoay quanh lõi cứng mà ra. Để đưa đến giả thuyết này, ông đã tiến hành thử nghiệm mô hình tương thích và giải quyết được ba vần đề liên quan là: 1) Trục của từ trường Trái Đất luôn luôn thay đổi và không bao giờ trùng với trục địa lý; 2) Hiện tượng đảo cực từ (chừng 1 triệu năm một lần) và 3) Hình ảnh nam châm lưỡng cực không phải là dạng “thỏi” như người ta hình dung (như viết trong sách giáo khoa) mà là hình ảnh “quả cầu” từ. Như vậy, Vũ Văn Bằng không chỉ sử dụng những khái niệm vật lý đã có để ứng dụng vào phương pháp dùng “tia đất” của ông mà có thể nói ông đang xây dựng một “học thuyết” mới. Tôi nghĩ và nói với Vũ Tiến sĩ rằng, phát hiện của ông rất ấn tượng, nhưng hầu như mới ấn tượng đổi với người ngoại đạo như các nhà báo thôi, còn các nhà khoa học vẫn chưa thấy, chưa biết gì về cái tia bí ẩn này. Ông Bằng công nhận ngay, nhà địa vật lý đầu ngành Ngô Văn Bưu khi nghe ông thuyết trình cũng lắc đầu chịu, không biết phải phản biện như thế nào. Từ phương pháp luận cho đến cách trình bày của ông đều không có gì khoa trương cả. Tôi cho rằng, đây là vấn đề hết sức mới mẻ, nhưng để chứng minh được nó, có lẽ cần có sự hợp tác nghiên cứu của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học, cơ học và phải tiến hành thực nghiệm rộng rãi hơn nữa. Những kết quả đó phải được công bố trên các tạp chí khoa học thế giới, chứ không phải chỉ trên các trang báo trong nước như hiện nay. Biết đâu, từ ý tưởng này, khoa học Việt Nam có thể cống hiến với nhân loại một phát minh mới. |
Tia đất là cái tia gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét