(TT&VH cuối tuần) - Dường như, tất cả những gì tốt nhất để phục vụ sứ mệnh nâng tầm bóng đá Việt Nam (BĐVN) trong 2 năm qua, huấn luyện viên Henrique Calisto cùng 2 đội tuyển (ĐTQG và U23 QG) đều được đáp ứng tối đa, kể cả lòng kiên nhẫn của người hâm mộ. Vậy mà, những ân tình lớn lao đó đã không được đáp trả thỏa đáng.
Thời gian cứ trôi
Điều làm nên sự khác biệt lớn nhất của VFF nhiệm kỳ V so với các khóa trước và sau là gì? Xin thưa, đấy là ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Nếu không có thành tích đó, thì nhiệm kỳ VI (diễn ra tháng 10/2009) chắc chắn sẽ có cuộc cách mạng nhân sự chủ chốt, thay vì nhiều ghế Ban chấp hành VFF vẫn không dịch chuyển.
Nhiệm kỳ VI (2009-2013) vận hành với chiếc Cúp vàng AFF Suzuki Cup vừa đoạt được của khóa trước đã tạo một nguồn cảm hứng lẫn sự lạc quan về sự đổi mới toàn diện của BĐVN. Bất cứ nền bóng đá nào, thì thành tích (các ĐTQG) và chất lượng những giải đấu đỉnh cao thuộc hệ thống thi đấu quốc gia đó là thước đo của sự phát triển. Ở phương diện thứ nhất, nếu khắt khe, rõ ràng nhiệm kỳ VI đã không để lại dấu ấn sau hơn 2 năm hoạt động, trong khi nhiệm vụ đưa ra khá rõ ràng và hoành tráng. Trong đó, ĐTQG nam: Giành 1 HCV trong 2 lần tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup 2010 và 2012; U23 QG: 1 HCV trong 2 lần tham dự SEA Games 25 - 2009 và SEA Games 26 - 2011.
Thất bại ở AFF Cup 2010 là bài học lớn đối với bóng đá Việt Nam
Thời gian cứ trôi, chúng ta đã để tuột 2 mục tiêu cốt tử là bóng đá nam SEA Games 25, và bị đánh văng khỏi ngôi vương tại AFF Suzuki Cup 2010. Hai chiến dịch đó đã làm nhòe đi những mỹ từ mà VFF thường phát ngôn, rằng BĐVN đã phát triển vượt bậc.
Với những gì đã và đang diễn ra ở hai đội tuyển sau AFF Suzuki Cup 2008, thì người lạc quan đến mấy cũng phải đặt ra nghi ngờ: SEA Games năm nay tại Indonesia và AFF Suzuki Cup 2012, khả năng chúng ta tiếp tục thất bại là điều hoàn toàn xảy ra.
Mất phương hướng?
Còn nhớ ngay sau khi U23 QG thua U23 Malaysia trong trận chung kết SEA Games 25, từ quan chức cao cấp VFF đến thầy trò huấn luyện viên Calisto đều không tin sự thật phũ phàng đó. Đơn giản, vì đối thủ là Malaysia, việc họ loại Thái Lan giành vé vào bán kết cũng bị coi là may mắn. Trên băng ghế huấn luyện là một ông thầy nội vốn chưa ai biết nhiều.
Chỉ đến khi Malaysia đăng quang ngôi vương tại AFF Suzuki Cup 2010, cả Đông Nam Á mới thừa nhận bóng đá nước này đang có bước phát triển căn cơ, vững chãi. Một đội bóng không có cầu thủ nhập tịch, lối chơi có bản sắc, biết ta biết mình, bản lĩnh vững vàng.
Trong khi đó, chúng ta luôn cho thấy sự mong manh, bất ổn, bị động, trong quá trình chuẩn bị, trong từng trận đấu và kể cả trong việc xây dựng lối chơi phù hợp với tố chất cũng như lực lượng cụ thể.
Sau thất bại của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2010, nhiều cầu thủ đã phải thừa nhận chúng ta đã sai lầm khi chuyển lối chơi phòng ngự - phản công sở trường sang tấn công. Đấy cũng là vấn đề nghiêm trọng bởi qua cả chục đời thầy ngoại, việc xây dựng và định hình một lối chơi tối ưu nhất cho hai đội tuyển QG không có tính kế thừa.
Bản thân VFF và HLV Calisto cũng đã nhận “sai” khi đội bóng tập trung kiểu trại lính. Lực lượng thiếu hụt, nhất là tiền đạo.
Có điều, vì sao thiếu hụt lực lượng (đội hình già nua, cũ kỹ thì đúng hơn), đá bóng mà không có tiền đạo chân tiền, thì VFF vẫn không lý giải được. Có cảm giác như BĐVN đang trong giai đoạn mất phương hướng, không có lối ra sau những thất bại liên tiếp.
Đấy mới là điều đáng lo nhất, với VFF nhiệm kỳ VI đã vuột mất hai mục tiêu tối quan trọng, bào mòn niềm tin của người hâm mộ cả nước.
Ngọc Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét