chia sẻ

Bắc Giang - Mùa xuân bên dòng lễ hội

       Một mùa xuân mới lại đến, đất trời giao thoa cây cối đâm chồi nẩy lộc, con người trở nên thân thiện, dịu dàng, đẹp  hơn trong ánh nắng mùa xuân. Mùa xuân còn là chủ đề quen thuộc cho các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Mùa xuân cũng là mùa mà mỗi người trong chúng ta hướng tới những mong muốn tốt đẹp nhất, cầu mong cho một năm mới nhiều lộc nhiều tài nhiều sức khỏe, gia đình an khang thịnh vượng... Như để tăng thêm những niềm tin sâu sắc đó con người Việt Nam nói chung và người Bắc Giang nói riêng đi tìm về những bản sắc văn hóa qua những lễ hội truyền thống.

          Bắc Giang là một miền đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, vùng đất được coi là Tứ trấn là Phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa với những chiến công vang dội mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bắc Giang còn là nơi ghi dấu ấn đậm nét của vùng hoá Kinh Bắc với "những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng" (trích trong bài thơ Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm), những làn điệu quan họ thiết tha, đằm thắm làm say lòng biết bao du khách. Bức tranh thể hiện rõ nét nhất những bản sắc văn hóa ấy được tái hiện qua những lễ hội mùa xuân tiêu biểu như hội Xương Giang, Thổ Hà, Vĩnh Nghiêm. Bổ Đà, Yên Thế, Y Sơn...Mỗi lễ hội mang một sắc thái văn hóa riêng nhưng đều hướng tới sự thiêng liêng cao quý nhằm ôn lại truyền thống  tốt đẹp của cha ông ta với đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết.  Lễ hội còn là nơi giao lưu gặp gỡ, chia sẻ của mỗi người sau một năm lao động vất vả. Những lễ hội cổ truyền đã  phần nào đáp ứng những nhu cầu về tinh thần cho con người và phản ánh được tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Lễ hội hoạt động thường niên có tính chất xuân thu nhị kỳ năm nào cũng diễn ra vào khoảng thời gian đó. Lễ hội chính là biểu tượng nghìn đời của cha ông ta đặc trưng nhất của lễ hội gồm có 2 phần, phần lễ và phần hội tất cả được quy tụ dưới mái đình và mái chùa cổ kính.
          Du khách đến với lễ hội Bắc Giang như được thả mình vào một không gian văn hóa qua bầu không khí trong lành của những làng quê cổ kính với những trò chơi dân gian như vật, đẩy gậy, chơi đu, cướp cầu, xếp chữ... Trong từng  nhịp đập của hơi thở mùa xuấn du khách đi  thăm quan qua các miền lễ hội khó có thể bỏ qua những lễ hội lớn và có giá trị truyền thống đã có từ lâu đời trên vùng đất Bắc Giang đậm đà bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể.
           1. Lễ hội Xương Giang:
         Thời gian, địa điểm : Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng giêng Âm lịch hàng năm tại khu vực tượng đài xã Xương Giang( ngã ba quán Thành, thành phố Bắc Giang).
         Ý nghĩa lịch sử: Lễ hội ôn lại truyền thống yêu nước chống giắc ngoại xâm của cha ông ta trong trận đánh Chi Lăng- Xương Giang vào  năm 1427, đây là chiến thắng vẻ vang oai hùng nhất của quân dân ta, chúng ta đã đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại  Chi Lăng- Xương Giang mở ra thời kỳ độc lập tụ do của dân tôc ta ở thế kỷ XV.
         Song hành cùng hội Xương Giang, hội làng Thành xã Xương Giang và hội làng Vẽ phường Thọ Xương cũng diễn ra ở đình, chùa hai làng cũng được tổ chức tạo nên không gian rộng lớn cho lễ hội Xương Giang thu thút đông đảo nhân dân và khách thập phương  về trảy hội.
          2. Lễ hội Từ Hả:
         Thời gian, địa điểm: Lễ hội Từ Hả được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Từ Hả xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.
         Ý nghĩa lịch sử:  Lễ hội diễn ra nhằm ôn lại truyền thống đoàn kết, tinh thần đấu tranh bất khuất chống kẻ thù xâm lược bờ cõi của nhân dân ta.  Lễ hội là dịp nhân tôn tôn thờ tưởng nhớ tới vị anh hùng có tài chỉ huy, văn võ song toàn trong trận mạc, đó là tướng quân Vũ Thành người mà theo truyền thuyết là phò mã của  vương triều nhà  Lý, ông đã có công đánh đuổi giặc Tống  vào thế kỷ XII, Quân Tống khiếp sợ ông và  phong ông là Thiên Thần Động Giáp.
          3. Hội Tiên Lục:
          Thời gian địa điểm: Hàng năm, cứ đến mùng 9 tháng giêng âm lịch và  20. 5 Âm lịch, 20. 8  Âm lịch và 20 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Lễ hội Tiên Lục diễn ra ở 4 khu vực chính là đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục và nhà Thảo Xá  tại cụm di tích Tiên Lục xã Tiên Lục huyện Lạng Giang.
          Ý nghĩa lịch sử: Hội Tiên Lục là hội lớn tiếng trong vùng từ lâu, hàng năm vẫn luôn được UBND huyện Lạng Giang quan tâm và chỉ đạo tổ chức. Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ tới 2 vị thần Cao Sơn và Quý minh người đã có công giúp Vua Hùng Đánh giắc ngoại xâm. Lễ hội được tổ chức trang trọng với nhiều nghi lễ truyền thống, các trò chơi gian gian đặc sắc như vật, cướp cấu...Tất cả diễn ra dưới mái đình chùa cổ kính và Cây Dã hương ngàn năm tuổi.        
         4. Hội đình Vồng:
         Thời gian, địa điểm: Lễ hội đình Vồng là một lễ hội có từ lâu đời, được tổ chức hàng năm vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hàng năm tại xã Song Vân, huyện Tân Yên:
          Ý nghĩa lịch sử: Lễ hội đình Vồng là một trong những lễ hội lớn của huyện Tân Yên. Lễ hội tường nhơ đến 2 vị thần Cao Sơn- Quý Minh và 18 vị quận công thời Mạc Dương Quốc Cơ. Đặc biệt lễ hội đình Vồng ngoài các nghi lễ quen thuộc còn có lễ tế ngựa, đây là một trong những lễ tế độc đáo đặc sắc giàu truyền thống của nhân dân xã Song Vân. 
           5. Lễ hội Y Sơn:
         Thời gian địa điểm: Hội đền Y Sơn hay còn gọi là IA được tổ chức vào ba ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hoà.
          Ý nghĩa lịch sử: Đền IA, tên thường gọi là Y Sơn nằm ở phía đông núi Y Sơn nên còn có tên chữ là Y Sơn Đông từ, vốn là một công trình kiến trúc cổ, kiểu “nội công ngoại quốc’ khá hoành tráng. Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ tới đức thánh Hùng Linh Công- người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước
          6. Hội đình Thổ Hà:
          Thời gian, địa điểm: lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 21, 22 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đình, chùa Thổ Hà, Thôn Thổ Hà xã Vân Hà huyện Việt Yên.
          Ý nghĩa lịch sử: Lễ hội Thổ Hà là một lễ hội dân gian truyền thống đã có từ lâu đời được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và đặc sắc, đình còn là nơi thờ Lão Tử và vị tổ nghề gốm Đào Trí Tiến. Hơn nữa đình Thổ Hà là một công trình kiến trúc nghê thuật  đốc đáo với nhiều mảng trạm khắc tinh tế của các nghệ nhân  vào thế kỷ XVII, 
           7. Hội chùa La( chùa Vĩnh Nghiêm):
           Thời gian, địa điểm: Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, đây là ngày hội và cũng là ngày giỗ chung của 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ(Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Lễ hội diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên huyện Yên Dũng.
           Ý nghĩa lịch sử: Chùa Đức La là một trung tâm phật giáo dưới thời Trần, là nơi chốn tổ của  thiền phái Trúc Lâm. Lễ hội chùa La nhằm tưởng nhớ tới 3 vị tổ sư là những người có công khai sáng ra dòng thiền phái Trúc Lâm.
           Ngày nay mặc dù vị thế đỉnh cao của một Trung tâm phật giáo đã qua nhưng thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện cởi mở cùng với công trình kiến trúc độc đáo với quy mô lớn của ngôi chùa. Chùa Đức La vẫn luôn là điểm dừng chân lý tưởng cho các đoàn khách đến thăm quan nghiên cứu học tập, đặc biệt nhân dịp  lễ hội giàu truyền thống lịch sử văn hóa này.
           8. Hội chùa Bổ Đà:
           Thời gian địa điểm: Lễ hội được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch, là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ, lễ hội diện ra trại chùa Bổ Đà và xung quanh  khu vực chùa tại xã Tiên Sơn huyện Việt Yên.
          Ý nghĩa lịch sử:  Lễ hội chủa Bổ Đà là hội truyền thống có từ lâu đời của nhân nhân xã Tiên Sơn nói riêng và nhân dân Việt Yên nói chung, lễ hội thu hút đông đảo du khác gần xa về chảy hội, Chùa Bổ Đà là nơi thờ 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ vốn thuộc dòng Lâm Tế.
           9. Hội Suối Mỡ:
           Thời gian địa điểm: lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức vào hai ngày 30/3 và mùng 1/4 âm lịch tại khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương huyện Lục Nam.
           Ý nghĩa lịch sử: Lễ hội Suối mỡ là một lễ hội lớn của nhân dân huyện Lục Nam nói riêng và nhân dân Bắc Giang nói chung. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công ơn của nàng công chúa Quế Mị Nương, theo truyền thuyết là người có công khai khẩn vùng đất này dạy nhân nhân làm nông nghiệp mang nguồn nước về cho nhân dân. Bà đã được nhân dân tôn thờ và được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu. 
           10. Lễ hội Yên Thế:
           Thời gian, địa điểm:Lễ hội được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm,  tại Đồn Phồn Xương( là Đại bản doanh của nghia quân Yên Thế xưa), Thị trấn Cầu Gồ huyện Yên Thế.
           Ý Nghĩa Lịch sử: Có thể nói lễ hội Yên Thế là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Lễ hội Yên Thế bắt đầu được tổ chức từ năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khởi nghĩa Yên Thế. Lễ hội Yên Thế nhằm ôn lại chiến thắng hào hùng của người anh hùng dân tộc áo vải Hoàng Hoa Thám đã lãnh đạo những người nông dân đứng lên chống lại sự xâm chiếm đàn áp của thực dân Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lễ hội thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến dự.
            Nhìn chung Lễ hội ở Bắc Giang nói riêng hay lễ hội ở khắp các vùng miền trong cả nước nói chung đều phản ánh những giá trị truyền thống văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông ta qua hàng ngàn năm lịch sử. Dòng thời gian vẫn không ngừng chảy, lớp lớp các thế hệ nhân dân Bắc Giang vẫn luôn luôn gìn giữ  bảo tồn, kế thừa phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Trong không khí náo nức tưng bừng của một mùa xuân mới, hy vọng du khách sẽ chọn cho mình  thời gian thích hợp nhất để đi du xuân đầu năm, hòa mình vào một trong những lễ hội  có  tính chất truyền thống. Đây chính là dịp để du khách có thể gặp gỡ trao đổi  tìm hiểu văn hóa, gửi gắm những mong ước ước tốt đẹp nhất cho bản thân gia đình bạn bè và người thân một năm mới tràn đầy sức khỏe, tràn ngập niềm vui và thành công trong cuộc sống…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ