chia sẻ

Xung đột Thái - Cam và phép thử khó với ASEAN

Tác giả: TS ĐINH HOÀNG THẮNG

14/2 đầu tuần này, Ngoại trưởng Thái Lan và Campuchia đã họp kín với 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ), cộng thêm Ngoại trưởng Indonesia đang giữ chức Chủ tịch ASEAN.Sáng 15/2, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an (Liên Hiệp Quốc) kêu gọi ngưng bắn vĩnh viễn, súng lại nổ ở khu vực đền Preah Vihear. Xung đột Thái-Campuchia đang thách thức tình đoàn kết ASEAN. Nếu căng thẳng kéo dài, «bó đũa ASEAN» sẽ bị bẻ dần từng chiếc một. Bài học lịch sử, cả cận đại lẫn hiện đại, còn nguyên vẹn, và không chỉ trong sách giáo khoa!


Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng, bà đại sứ Maria Luiza Ribeiro Viotti (Brazil) đã đọc một văn bản nêu lên quan tâm sâu sắc của HĐBA trước tình hình giao tranh tại khu vực biên giới gần ngôi đền cổ Prea Vihear:
"Các thành viên của HĐBA kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và tránh có hành động làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Các thành viên của HĐBA kêu gọi hai bên đặt ra lệnh ngưng bắn vĩnh viễn, thực thi đầy đủ lệnh này và giải quyết tình hình một cách êm đẹp và thông qua đối thoại có hiệu quả. Các thành viên HĐBA ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này và khuyến khích hai bên hợp tác với ASEAN".
Các trận chạm súng từ 4 đến 7/2 được coi là đợt đối đầu quân sự lớn nhất từ năm 2008, khi UNESCO công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa nhân loại. Vấn đề tranh chấp là do ngôi đền này nằm trong lãnh thổ xứ Chùa Tháp, còn các lối đi để dẫn vào đền thì lại nằm trên đất Thái Lan.
Một binh sĩ Campuchia bên cạnh cây súng máy tại khu vực đền Preah Vihear. Ảnh: AP
Tình hình hiện nay đúng với câu nói trứ danh là "muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh." Cả hai phía đều tăng cường quân trú phòng, các phương tiện quân sự như xe tăng, pháo, cối, B.40, hầm chiến đấu, hầm trú pháo, lương thực. Các phương tiện truyền thông mỗi bên quảng bá cho chính nghĩa của nước mình.
Hai bên đã sử dụng cả cối, pháo 130, 150 ly bắn vào nhau. Thái đã dùng trực thăng thám thính chiến trường, huy động các đơn vị nhảy dù đông đến 2.000 quân áp sát biên giới để chờ lệnh triển khai chiến đấu.
Có trận đánh nhau như trận chiều Chủ nhật 6/2 kéo dài đến gần đến nửa đêm. Nhà cửa của người dân sống vùng biên giới biên giới bị trúng đạn pháo cháy rụi. Hàng ngàn dân cư phải di tản trong tình hình chiến tranh chứ không phải nổ súng lẻ tẻ như trước đây.
Mỗi bên đều bảo lưu quan điểm
Theo bà Chủ tịch Maria Ribeiro, HĐBA không muốn can thiệp trực tiếp vào các xung đột song phương và khu vực, nhưng LHQ ủng hộ ASEAN đứng ra làm trung gian hòa giải.  Cả Thái Lan lẫn Campuchia hoan nghênh tuyên bố của bà Chủ tịch.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Priromya vẫn khẳng định lại lập trường trước đây là muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương, và đề nghị Campuchia khẩn trương quay lại bàn đàm phán tại Phiên họp của Ủy ban Biên giới hai nước vào cuối tháng này. Ông cho biết Thái Lan tiếp tục gửi ODA cho Campuchia bất chấp các xung đột gận đây giữa hai nước.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong yêu cầu trong các cuộc gặp sắp tới giữa hai nước phải có bên thứ ba chứng kiến, tức vẫn nghiêng về giải pháp đa phương. Ông cho rằng tình hình ngừng bắn giữa hai nước vẫn rất mong manh, và bày tỏ thất vọng khi thấy HĐBA không cử quan sát viên đến tận nơi để bảo đảm ngưng bắn được thực thi đúng đắn.
Thay mặt ASEAN, Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia nói với báo chí ông cảm thấy lạc quan sau cuộc họp của HĐBA:
"Tôi đã nghe rõ ước muốn của các thành viên Hội đồng là vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, và đó cũng là điều mà Indonesia đã nhấn mạnh nhiều lần với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Chúng tôi nhìn nhận cần phải ngưng bắn kéo dài và thành lập một cơ chế thông tin liên lạc nào đó để bảo đảm ngưng bắn sẽ được duy trì".
Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Priromya và Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong đã thuyết trình trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong cuộc họp kín. Campuchia yêu cầu mở cuộc họp khẩn này sau khi vụ giao tranh dữ dội nhất trong vòng nhiều năm với Thái Lan bùng phát gần khu vực ngôi đền cổ có tranh chấp.
Theo quan sát quốc tế, số người thiệt mạng và bị thương, khi binh sĩ hai nước dùng súng máy và đại pháo để tấn công nhau, trên thực tế cao hơn nhiều con số chính thức do cả hai bên công bố.
Ông Phay Siphan, một phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, nói rằng sự hiện diện của LHQ sẽ có ích cho việc xây dựng lòng tin giữa Thái Lan và Campuchia.
Ông Phay Siphan nói: "Điều mà chúng tôi muốn nói với thế giới là chúng tôi muốn ngăn chận mọi hành vi xâm lấn. Chúng tôi muốn chặn đứng những vụ bắn phá vào đền Preah Vihear. Và chúng tôi muốn xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia."
Song phương, đa phương hay tam phương
Súng lại rộ lên ở vùng biên giới vào ngay sáng 15/2. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi HĐBA kêu gọi hai bên duy trì tình trạng ngưng bắn "thường trực", va chạm vũ trang lại xẩy ra ở khu vực đền Preah Vihear. Như thường lệ, hai bên lại đổ lỗi cho nhau là đã gây sự trước.
Theo phát ngôn viên quân đội Thái Lan, lính Campuchia đã ném lựu đạn về phía Thái Lan vào khoảng 5 giờ sáng thứ Ba. Phía Thái Lan đã bắn trả "nhưng chỉ vài viên đạn mà thôi". Tuy vậy, sự kiện cũng đã khiến cho một người lính Thái Lan bị thương nhẹ.
Đúng như dự đoán của giới phân tích, tình hình vẫn căng thẳng sau cuộc họp kín tại trụ sở HĐBA/LHQ, hai nước vẫn chưa thuyết phục được nhau về lý lẽ và lập trường của mỗi bên về vụ giao tranh đang leo thang thành xung đột quân sự lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.
Lời lẽ của hai vị Ngoại trưởng Campuchia - Thái Lan tại HĐBA vào hôm 14/2 ở New York không khác gì lập luận của họ trong suốt thời gian trước đó tại đất nước mình. Họ vẫn công kích và đổ lỗi cho nhau.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AP
Hiện nay Campuchia cần vai trò trung gian của LHQ, của ASEAN. Bởi vì đối đầu với nước Thái mạnh và giàu hơn, Campuchia không đủ sức để đánh lại. Ngân sách quốc phòng của Thái Lan năm 2008 là 4 tỷ 2 USD, trong khi Campuchia chỉ chi có khoảng 140 triệu USD. Do đó, nếu chọn giải pháp song phương, Thái Lan ở thế thượng phong.
Sau mấy ngày đầu nổ ra chiến sự, Campuchia đã coi đây thực sự là cuộc chiến tranh, chứ không đơn thuần chỉ là tranh chấp biên giới. Họ chủ trương phải có biện pháp đa phương, phải quốc tế hóa vấn đề, chứ không thể giải quyết song phương.
Thái Lan, ngược lại, cho rằng, vấn đề tranh chấp là do Campuchia gây ra và cường điệu lên. Tuy nhiên, theo họ, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề bằng các cơ chế song phương hiện có giữa hai nước.
Trong khi chính phủ Campuchia vẫn giữ yêu cầu LHQ phái binh sĩ duy trì hòa bình tới để ngăn chặn xung đột, Thái Lan lại bác bỏ sự can dự này.
Chiểu theo các điều 52 và 53 của Hiến chương LHQ, rõ ràng hai nước phải đưa vấn đề ra trong khuôn khổ khu vực, tìm cách giải quyết tranh chấp bằng cơ chế khu vực, trước khi đưa lên HĐBA/LHQ.
Về phần UNESCO, tổ chức này đã cử cựu Tổng Giám đốc Koichiro Matsuura, với tư cách là phái viên đặc biệt, đến Bangkok và Phnom Penh để thảo luận về cách thức bảo vệ và kiểm tra di sản thế giới với cả hai bên, nhằm giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy đối thoại xung quanh việc bảo tồn đền.
Mạng "Asia Sentinel" (Hong Kong) còn cho rằng, hiện nay đang có nhiều đồn đoán ở cả Bangkok lẫn Phnom Penh, về các nguyên nhân đằng sau các cuộc đọ súng vừa qua giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh ngôi đền cổ.
Nghịch lý là các cuộc đấu súng, với vũ khí là pháo hạng nặng và với số thương vong trên ngày càng tăng, lại liên tiếp tái diễn bất chấp hai bên trước đó đã nhất trí đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn.
Theo giới quan sát, dường như đang có tình trạng mỗi bên đã bị cuốn theo tranh chấp biên giới dưới sức ép của một thiểu số nào đấy trong chính trường mỗi nước.
Ngọn cờ dân tộc hay những tình cảm ái quốc thường được viện dẫn hay trưng bày để phục vụ cho những mục đích chính trị trong từng nước ở những giai đoạn khác nhau. Lợi ích dân tộc chính đáng nhiều khi bị khúc xạ do các vận động hành lang của các nhóm lợi ích.
Hy vọng cả hai nước đều chuẩn bị kỹ các bước đi trong cuộc họp khẩn cấp giữa các ngoại trưởng ASEAN tới đây ở Jakarta.
Thêm một cơ hội nữa cho ASEAN
Vụ "kéo co" bằng súng máy, đại pháo và, đương nhiên, cả mạng người, từ cả hai phía chiến tuyến cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Thủ tướng Hun Sen cho đến nay vẫn nghi ngờ tính hiệu quả khi đàm phán song phương với Thái Lan, vì ông không mấy tin tưởng vào Bangkok.
Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan  lên tiếng phản đối  UNESCO muốn cử người đến khu vực đền Preah Vihear. Thái Lan kêu gọi UNESCO rút đền Preah Vihear ra khỏi danh sách di sản thế giới, và cho rằng phái đoàn của UNESCO đến vùng tranh chấp vào thời điểm hiện nay chỉ gây thêm rắc rối.
Đều là thành viên của ASEAN, nhưng trên thực tế, Thái Lan và Campuchia đang phá vỡ truyền thống của khối là tham vấn, đối thoại và hợp tác trong trường hợp xẩy ra khủng hoảng.
Nghiêm trọng hơn, cả hai nước đang vi phạm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC), theo đó các thành viên ASEAN cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp song phương.
Thái độ thù địch công khai còn thách thức cả Hiến chương ASEAN, quy định tại điều 22 rằng "các thành viên sẽ cố gắng giải quyết hòa bình mọi tranh chấp theo một cách thích hợp thông qua đối thoại, tham vấn và thương lượng".
Chính vì vậy, Tổng Thư ký khối Surin Pitsuwan đã nhiều lần bày tỏ quan ngại và kêu gọi hai bên chấp thuận để ASEAN làm trung gian hòa giải, nhằm đạt được một thỏa ước ngừng bắn tạm thời để lợi ích của hai nước cũng như của tổ chức được bảo vệ và củng cố.
Thêm một lần nữa, ASEAN đang có cơ hội để có thể trắc nghiệm cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức và quan hệ giữa cơ chế đó với LHQ.
Vào ngày 22/2  tuần tới, tại Jakarta, Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ nhóm họp khẩn cấp để thảo luận vấn đề này, theo triệu tập của Chủ tịch ASEAN năm nay là Indonesia. Ngoại trưởng Natalegawa nói ASEAN sẽ tạo mọi điều kiện cho Thái Lan và Campuchia đối thoại hòa bình, xây dựng cơ chế ngừng bắn và cơ chế đối thoại mới hơn.
Một cách cụ thể hay giả định, ASEAN sẽ giải quyết tranh chấp Thái Lan-Campuchia như thế nào? ASEAN thực sự đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Nếu đặt đền Preah Vihear vào vị trí không thuộc vào nước nào, điều này chống lại phán quyết của tòa án quốc tế năm 1962 đã trao Preah Vihear cho Campuchia.
Nếu chia đôi ngôi đền cổ Preah Vihear lại cho cả hai nước, điều này chắc chắn không nước nào đồng ý. Chỉ lên tiếng kêu gọi suông, hai bên nên ngừng bắn, đối thoại, hòa hoãn chứ không đưa ra biện pháp cụ thể nào, điều này không làm giảm căng thẳng.
Nếu đàm phán bế tắc và LHQ không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến thì Campuchia biết đâu có thể tìm yêu cầu về viện trợ về vũ khí, trang thiết bị quân sự từ đồng minh cũ ở châu Á để chống lại mối đe dọa quân sự mạnh hơn của Thái Lan.
Cơ hội này sẽ được đón nhận thế nào, chưa ai quả quyết được. Tuy nhiên, không một nước lớn nào lại bỏ qua cơ hội triển khai thêm ảnh hưởng quân sự của họ trong vùng Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra sự chuyển dịch địa-chính trị ở đây. Điều này, đến lượt nó, sẽ khiến quân bình lượng trong vùng bị đảo lộn.
Trước sự lộng hành ngày càng gia tăng của «nước lạ» hay «nước quen», các thành viên ASEAN đáng ra phải đoàn kết chặt chẽ hơn, phải có cách nghĩ và tầm nhìn xa hơn, đồng thời phải biết cách tự giới hạn đòi hỏi của mình. Bởi vì đấy là khả năng duy nhất trong cuộc đối trọng giữa một nhóm nước nhỏ đối với các nước lớn.
Mong cho Indonesia và ASEAN thành công! Bởi vì nếu tình hình hiện nay kéo dài, «bó đũa ASEAN» sẽ bị bẻ dần từng chiếc một. Bài học lịch sử cả cận đại lẫn hiện đại còn nguyên vẹn, và không chỉ trong sách giáo khoa!
Mong cho Indonesia và ASEAN thành công! Bởi vì hiện thực hóa những nỗ lực ngoại giao phòng ngừa, ngoại giao giải quyết xung đột, không chỉ tăng cường uy thế của chủ tịch hiện tại, mà ASEAN cũng sẽ được «tiếng thơm» trên thực tế là một tổ chức đã đủ trưởng thành.
Giáo sư Carl Thayer từ Australia nói giải quyết cuộc khủng hoảng này là một cuộc trắc nghiệm đối với Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Vì Indonesia là một thành phần trung lập và được kính nể, giáo sư Thayer nói Ngoại trưởng Natalegawa có thể thành công trong việc thuyết phục hai bên rút lực lượng trước khi toàn vùng bị ảnh hưởng.
"Nếu chuyện này không giải quyết được, những nước láng giềng cũng bị ảnh hưởng. Nó cũng ảnh hưởng đến toàn bộ nhận thức của vùng này và khả năng đưa đến trật tự trong nước. Rút cục, những quốc gia được lãnh đạo tốt hơn và có đạo lý hơn coi như bị trừng phạt chỉ vì đòi hỏi quá đáng của Thái Lan hay Campuchea xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc", Giáo sư Thayer nói.
Dư luận mong đợi Indonesia, với tư cách là chủ tịch khối năm 2011 đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực "ngoại giao con thoi", hướng hai bên đến một giải pháp tạm thời. Ít nhất là để các cơ chế song phương hiện hữu giữa Thái Lan và Campuchia có thể hoàn thành các mục tiêu về phân định biên giới hòa bình và hữu nghị tại giải đất đang nóng bỏng  hiện nay.
Làm sao để hai thành viên ASEAN biết nhượng bộ lẫn nhau nhiều hơn, giới hạn cái "tôi" của chủ nghĩa dân tộc một cách hợp lý, không để vấn đề nội bộ ảnh hưởng đến vấn đề đối ngoại của cả khối, may ra, ASEAN mới tìm được tiếng nói chung.
Ngược lại, nếu tranh chấp Preah Vihear không giải quyết được rốt ráo thì không chỉ quan hệ song phương hai nước này sứt mẻ nặng nề, mà vấn đề tìm tiếng nói đồng thuận liên quan đến chủ quyền của các nước khác như vấn đề tranh chấp trên biển Đông sẽ còn là chuyện xa vời.
Theo Tuanvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Ky nang ban hang ky-nang-ban-hang
10 10 1125 (c) by
Google Thủ thuật, hacking, tool, code, công cụ